Bộ hài cốt liệt sỹ và cái Điếm canh trên đỉnh 1509
Hôm qua, 23-9-2021, bác sĩ Nguyễn Thái Long – người mà vào ngày 17-2-1979, chiến đấu trong đội hình trung đoàn 567, giữ đèo Khau Chỉa (Cao Bằng) – công bố bức ảnh Đội tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tỉnh đội Hà Giang đang gỡ những phần hài cốt vừa tìm thấy ở khu vực điểm cao A6 A-B, Vị Xuyên.
Cũng hôm qua, một người giấu tên gửi cho tôi 3 tấm ảnh mới chụp trên đỉnh cao 1509, nơi giờ đây đã thuộc về Trung Quốc với tên gọi là Lão Sơn.
[Ngày 16-5-1984, sau mười tám ngày dùng một lực lượng lớn tấn công, Trung Quốc chiếm và chốt giữ hai mươi chín điểm dọc biên giới Việt Nam, trong đó có 1509. Trung đoàn 567 của anh Nguyễn Thái Long, là lực lượng trực tiếp tái chiếm cao điểm A6B, mở đầu giai đoạn phản công lấy lại các cao điểm ấy từ tay quân Trung Quốc. Hàng ngàn bộ đội ta đã dũng cảm hy sinh.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 2-2009, Đại tá Phó chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Giang Hoàng Đình Xuất cho chúng tôi, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, biết:
“Từ khi chiếm được điểm cao 1509, Trung Quốc cho xây dựng trên đỉnh một pháo đài quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc xây được đường xe hơi lên tận đỉnh trong khi bên mình dốc, hiểm trở. Theo nguyên tắc mà hai bên thống nhất, đường biên giới đi qua đỉnh, cắt đôi pháo đài mà Trung Quốc xây dựng trên cao điểm này, nhưng khi hoạch định biên giới, phía Trung Quốc cho rằng, đây là một khu vực có ‘ý nghĩa thiêng liêng’ nên họ xin được giữ lại toàn bộ pháo đài để làm du lịch. Đau xót là các nhà lãnh đạo của chúng ta đã đồng ý. Phần Việt Nam nhượng Trung Quốc ở đây tuy chỉ có 0,77 hecta, nhưng 1509 là một vị trí chiến lược. Từ trên pháo đài ấy có thể nhìn thấy từng chiếc ô tô ở thị xã Hà Giang”].
Hình 2 là điếm canh trên đỉnh 1509, nơi mà vào những ngày trời nắng, dùng ống nhòm có thể thấy rõ thành phố Hà Giang. Hình 3 chụp hai người lính biên phòng Trung Quốc đang ngồi dưới chân tháp. Hình 4 chụp hệ thống công sự Trung Quốc xây trên điểm cao 1509.
Trước 2020, khi chưa có dịch Covid, cao điểm 1509 mà phía Trung Quốc gọi là Lão Sơn là một điểm du lịch rất thu hút khách; nhiều đoàn là học viên từ các trường sĩ quan. Trạm gác lên 1509 kiểm soát rất gắt gao, chỉ người dân Trung Quốc mới được phép lên trên đấy.
Cách 1509 không bao xa, từ Malipho về Châu Vân Sơn khoảng 2 km, có một nghĩa trang (lớn hơn nghĩa trang Vị Xuyên) nằm bên tay trái, nghĩa trang lính Trung Quốc, chết trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Những bức ảnh mà tôi nhận được trong cùng ngày hôm qua, từ hai phía, có thể chỉ là tình cờ nhưng nó cứ cứa vào gan ruột. Nhìn những mảnh xương khô của đồng đội, nằm gần bốn mươi năm trong vách đá, được trân trọng xếp trên tấm vải đỏ; rồi nhìn cái điếm canh trên đỉnh 1509, mới thấy, cái điếm canh ấy giống như một lưỡi dao cắm từ trên, xuyên vào ngực. Nhức nhối. Đau đớn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét