Tập bị chống đối trên nhiều mặt trận khác nhau khi sắp họp Trung ương 6
Giới thiệu
Một cuộc tranh cãi đang bùng phát giữa các cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về chủ trương “thịnh vượng chung” của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, bao gồm việc buộc các doanh nghiệp tư nhân khổng lồ chia sẻ tài sản của họ cho các lĩnh vực ít đặc quyền hơn.
Đồng thời, một cuộc thanh trừng triệt để trong bộ máy chính trị-pháp luật (政法系统, zhengfa xitong), bao gồm cảnh sát, mật vụ, viện kiểm sát và tòa án, đã vạch ra những nhân viên được cho là không trung thành — theo các báo cáo không chính thức của NetEase (网易, wang yi), là nền tảng truyền thông trực tuyến được điều hành bởi công ty internet cùng tên — cho rằng những người này đang lên kế hoạch thực hiện các hành động “bất hợp pháp và không chính đáng” (不, bugui) chống lại lãnh đạo cao nhất.
Việc ông Tập quay trở lại chủ nghĩa Mao đã làm dấy lên những quan điểm khác biệt tiềm tàng, có thể thấy được từ cách thức những thành phần khác nhau trong đảng phản ứng như thế nào trước một bài báo được chú ý nhiều của blogger về tư tưởng Li Guangman có tựa đề: “Mỗi người có thể cảm thấy rằng một loạt các thay đổi sâu sắc đang xảy ra“. Bài được xuất bản lần đầu tiên trên trang WeChat của Li vào ngày 29/8, sau đó được đăng đồng loạt bởi Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật báo, trang web CCTV và nhiều phương tiện truyền thông chính thức nổi tiếng khác.
Bài báo kêu gọi một cuộc Cách mạng Văn hóa lần thứ hai, Li lưu ý rằng những trường hợp gần đây mà quyền lực đảng áp đặt kỷ luật và phạt tiền đối với các công ty gần như độc quyền của tư nhân, cũng như các lệnh cấm trên mạng xã hội đối với một số người nổi tiếng “thô tục” và hám tiền, là tiêu biểu cho sự “chuyển đổi triệt để, còn có thể được gọi là một loạt các cuộc cách mạng sâu sắc”.
Ông cũng khẳng định rằng những thay đổi sâu xa đang diễn ra trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa và chính trị: “Chủ đề của cuộc cách mạng là thay đổi một xã hội đang tập trung vào tư bản thành một xã hội dựa vào con người, cũng như quay trở lại ‘ý định nguyên thủy’ (chuxin) và tinh hoa (benzhi)” của ĐCSTQ và chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Li tuyên bố rằng, các biện pháp nghiêm khắc chống lại các nhà tư bản tham lam và các ngôi sao điện ảnh kém cỏi là cần thiết để chống lại sự “xâm nhập” từ Hoa Kỳ.
Quần chúng bất mãn và phe Tập nhượng bộ
Quan điểm của Li dường như lặp lại các tuyên bố của ông Tập trong những tháng gần đây. Tại cuộc họp của Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương (CFEC) vào tháng 8, ông Tập kêu gọi người giàu giúp đỡ người nghèo và cam kết rằng, đảng sẽ thiết lập “một hệ thống về chính sách công theo khoa học, nó cho phép sự phân phối thu nhập một cách công bằng hơn”.
Người ta tin rằng, chỉ khi nào một bài báo có sự hậu thuẫn của cốt lõi đảng (và có thể là chính ông Tập) mới có thể cùng lúc được đăng vào tất cả các cơ quan báo chí cấp quốc gia. Chỉ những học giả tự do có uy tín như giáo sư kinh tế Trương Duy Nghênh (Zhang Weiying) của Đại học Bắc Kinh mới công khai chỉ trích khái niệm “thịnh vượng chung” mà Li và Tập tán thành. Ông Trương khẳng định trong một bài báo được nhiều người đọc rằng “thịnh vượng chung” không chỉ chống lại các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường, mà nó có thể dẫn đến “nghèo nàn chung”.
Ngoài sự bất đồng chính kiến công khai này, những sự chống đối không nói ra của các cán bộ cao cấp không cùng phe Tập Cận Bình dường như đủ mạnh để tạo ra sự thụt lùi rõ ràng của phe Tập, với việc “cốt lõi đảng” nhanh chóng thực hiện các bước để thuyết phục công chúng rằng các chính sách cải cách của Đặng Tiểu Bình về tự do hóa kinh tế và ủng hộ những tay chơi tầm cỡ của thị trường sẽ được tiếp tục.
Ví dụ như, những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm trấn an các doanh nghiệp tư và nước ngoài rằng chính sách cải cách và mở cửa kéo dài 4 thập kỷ của TQ sẽ không bị làm loãng. Trong một bài bình luận vào đầu tháng 9 có tựa đề “Nhất quyết giữ công bằng về sức nặng và sức mạnh cho [các chính sách] giám sát và tiêu chuẩn hóa cũng như đẩy mạnh sự phát triển”, cơ quan ngôn luận Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đã trấn an độc giả rằng “Trung Quốc sẽ kiên quyết thúc đẩy [chính sách] mở cửa ở cấp độ cao”, và nói thêm rằng sẽ có “một khuôn khổ mới về mở cửa toàn diện, nhiều mặt và nhiều cấp [của nền kinh tế] ”.
Cùng lúc đó, Phó Thủ tướng Lưu Hạc (Liu He), cố vấn chính của ông Tập về các vấn đề kinh tế, đã có bài phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm Kinh tế Kỹ thuật số Quốc tế Trung Quốc 2021, tuyên bố rằng chính phủ sẽ “duy trì phương hướng cải cách kinh tế của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và kiên quyết thực hiện chính sách [tự do hóa] có chất lượng cao.” Ông Lưu nhấn mạnh rằng “chính sách hỗ trợ sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh sẽ không thay đổi” và nói thêm rằng, “không có thay đổi ở thời điểm hiện tại và cũng sẽ không có thay đổi trong tương lai”.
Những sự chống đối làm dấy lên mối lo ngại về sự bất ổn xã hội
Nhiều thành phố đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình về việc gần như phá sản của một số công ty bất động sản nổi tiếng của Tập đoàn Evergrande (Hengda Jituan) cầm đầu. Evergrande, cũng có cổ phần đáng kể trong các sản phẩm làm giàu và xe điện, bị nợ lên đến 1,900 tỷ Nhân dân tệ (294.16 tỷ đôla). Ngay cả khi ban quản lý của tập đoàn phủ nhận tin đồn phá sản, hàng ngàn người mua bất động sản Evergrande và các sản phẩm khác đã tổ chức các cuộc biểu tình ở Thâm Quyến, Trịnh Châu và các thành phố khác vì lo ngại rằng việc vỡ nợ sắp xảy ra của tập đoàn có thể ảnh hưởng đến việc đầu tư nhà cửa của người dân. Các chuyên gia lo ngại rằng một hiệu ứng domino liên quan đến các nhà phát triển bất động sản mắc nợ quá lớn, những công ty được cho là “quá to không ngã”, có thể gây ra nhiều vụ vỡ nợ và những sự phản đối nhiều hơn.
Các cuộc biểu tình cũng đã được tổ chức bởi các công nhân từ các nhà máy mới đóng cửa của các công ty nước ngoài như Samsung và Toshiba được cho là đóng cửa vì lo ngại việc tách gỡ toàn cầu hai nền kinh tế Mỹ-Trung và tái xây dựng chuỗi sản xuất ở các nước khác. Bất chấp tuyên bố của nhà nước vào tháng 6, rằng TQ đã chiến thắng nghèo đói tuyệt đối, cho đến nay có rất ít bằng chứng cho thấy các chính sách bình đẳng của ông Tập đã mang lại cho tầng lớp trung lưu và thấp hơn có đủ lợi ích vật chất để bù đắp khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng của TQ. Niềm tin của người tiêu dùng thể hiện bằng doanh số bán lẻ chỉ tăng 2,5% trong tháng 8, thấp hơn đáng kể so với dự đoán khoảng 7%.
Mối quan tâm về lòng trung thành của các nhân viên an ninh và quân đội
Chủ tịch Tập, đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương của ĐCSTQ, đã dựa vào sự nắm chặt Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và bộ máy chính trị-pháp luật để duy trì sự ổn định xã hội, cũng như củng cố vị trí ưu việt của mình trước thềm Hội nghị Trung ương 6 quan trọng của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 19, dự kiến được tổ chức vào tháng 11. Tuy nhiên, ông Tập dường như vẫn không tin tưởng vào các lực lượng cảnh sát. Năm 2020, ông phát động cuộc thanh trừng hệ thống chính trị-pháp luật nói trên. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (CPLC), cơ quan quyền lực cao nhất của TQ về các vấn đề cảnh sát và tư pháp, đang tổ chức một số các cuộc học tập chấn chỉnh, dự kiến kết thúc vào cuối năm sau.
Ông Trần Nhất Tân (Chen Yixin), Giám đốc Tổng Văn phòng CPLC, cho biết: “Thực hiện giáo dục và chấn chỉnh đội ngũ chính trị-pháp lý quốc gia là một quyết định quan trọng của trung ương đảng với đồng chí Tập Cận Bình là nòng cốt”. Ông nói thêm rằng, những cuộc thanh trừng này sẽ “mổ sâu vào tận trong xương để lấy chất độc ra ngoài“. Trong đợt thanh trừng từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay, có 178.431 nhân viên đã bị điều tra và trừng phạt. Chiến dịch cũng bao gồm 1.258 người đứng đầu các cục, bao gồm Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Khánh Phong (Meng Qingfeng), Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei) và Tôn Lập Quân (Sun Lijun).
Kinh ngạc hơn nữa là tiết lộ của nhà chức trách vào tháng 9, rằng họ đã cô lập một “nhóm âm mưu” tập trung vào một số sĩ quan cảnh sát cấp cao chủ yếu từ tỉnh Giang Tô. Điều này đã được NetEase độc quyền đăng tải và được đăng lại bởi cổng thông tin Sohu.com.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông không chính thức, thủ lĩnh của nhóm này là La Chí Tường (Luo Wenjin), người đứng đầu Đội Điều tra Hình sự Tổng hợp thuộc Sở Cảnh sát Giang Tô. Đồng phạm của ông La bao gồm cựu bí thư Ủy ban Chính trị-Pháp luật tỉnh Giang Tô và là trưởng sở cảnh sát tỉnh Giang Tô, Vương Như (Wang Like), và Phó chủ tịch điều hành Viện Kiểm sát Nhân dân Giang Tô, Yến Minh (Yan Ming). Họ được hỗ trợ bởi hai cán bộ bên ngoài tỉnh Giang Tô: Đặng Khôi Lâm (Deng Huilin), cựu Phó thị trưởng và là Cảnh sát trưởng Trùng Khánh, Đặng cũng từng là giám đốc Văn phòng Tổng cục CPLC, và cố doanh nhân tỷ phú Lưu Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch của công ty quản trị tài sản khổng lồ Huarong, ông bị kết án tử hình vì tội hối lộ, biển thủ và song hôn vào tháng Giêng. Cũng liên quan đến nhóm này là Phó thị trưởng Thượng Hải và là cảnh sát trưởng thành phố, Cung Đạo An (Gong Dao’an).
Bài báo của NetEase khẳng định rằng La và Đặng thường xuyên “đưa ra những lời chỉ trích không căn cứ đối với các chính sách trung ương và bôi nhọ các nhà lãnh đạo trung ương”. NetEase cũng tiết lộ rằng nhóm đã “lên kế hoạch cho một điều gì đó bất hợp pháp và không đúng đắn” khi các nhà lãnh đạo đảng tham gia vào các hoạt động kỷ niệm liên quan đến Thế chiến II ở Nam Kinh, thủ phủ của Giang Tô. Âm mưu của họ đã bị Bộ An ninh Nhà nước lật tẩy.
Việc ông Tập không nắm vững được các lực lượng an ninh của TQ, bao gồm cả ban lãnh đạo PLA, được chứng minh qua sự thay đổi lãnh đạo gần đây của Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây (WTC) – khu vực quân sự lớn nhất của TQ bao gồm các vùng biên giới chiến lược Tân Cương và Tây Tạng cũng như giám sát các mối quan hệ quân sự với Ấn Độ và A Phú Hãn — thay đến bốn lần trong vòng chưa đầy một năm.
Vào tháng 12/2020, Tư lệnh WTC, tướng Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi) từ chức khi đến tuổi nghỉ hưu 65. Ông được thay thế bởi Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu Trung ương (CTC) tướng Zhang Xudong (sinh năm 1962), người được coi là cận thần của ông Tập. Tướng Zhang chỉ phục vụ được 6 tháng. Người thay thế ông là cựu chỉ huy Lục quân của Bộ Tư lệnh Quân khu Trung ương, tuớng Hứa Kì Lượng (Xu Qiling, sinh năm 1962), người chỉ trẻ hơn Zhang có bốn tháng. Tướng Hứa phục vụ trong chức vụ này chỉ vỏn vẹn có 2 tháng. Vào tháng 9, có thông báo rằng cựu Tư lệnh vùng Tân Cương, tướng Uông Hải Giang (Wang Haijiang, sinh năm 1964) đã được thăng chức lãnh đạo WTC. Đã có đồn đoán rằng cả hai tướng Zhang và Hứa đều bị vấn đề sức khỏe. Phương tiện truyền thông chính thức của TQ không tiết lộ liệu những cựu chỉ huy này có được giao nhiệm vụ mới hay không. Quan trọng hơn, có suy đoán rằng những thay đổi nhân sự bất thường này có thể liên quan đến các vấn đề về lòng trung thành với Chủ tịch Quân Uỷ Trung ương (tức ông Tập).
Dù cho với những thay đổi nhân sự liên tục này, ông Tập vẫn tỏ ra nghi ngờ về lòng trung thành của giới lãnh đạo quân đội. Điều này được thể hiện rõ trong một bài báo gần đây trên Seeking Truth (Qiushi), tạp chí lý thuyết hàng đầu của ĐCSTQ. Một bài viết của Viện Công tác Chính trị Quân đội thuộc Học viện Khoa học Quân sự, được xuất bản vào ngày 16/9, đã cảnh báo về những lỗi tư tưởng như “chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa ly tâm… và thói quen bè phái” trong các sĩ quan PLA. Bài viết cũng lưu ý rằng sự thành công của ban lãnh đạo đảng trong việc phá tan âm mưu đảo chính của Nguyên soái Lâm Bưu chống lại Mao Chủ tịch vào năm 1971 là do “toàn quân kiên quyết tuân theo các chỉ thị của đảng”.
Kết luận
Bất chấp những trở ngại này, ông Tập vẫn tiếp tục chính sách buộc những công ty khổng lồ đa quốc gia như Alibaba và Tencent phải ngừng các hoạt động độc quyền và bán một số chi nhánh béo bở của họ cho khu vực nhà nước. Hơn nữa, từ dư âm về các chuẩn mực khắt khe được áp đặt lên xã hội và văn hóa trong cuộc Cách mạng Văn hóa, các cơ quan kiểm duyệt và các chính ủy đã đưa ra các quy tắc mới, quy định chặt chẽ lĩnh vực giải trí và truyền thông – cũng như mức lương của các ngôi sao lớn. Tuy nhiên, rõ ràng là ông Tập đang đối mặt với sự phản đối đáng kể, dù chưa công khai trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung uơng 6 vào tháng 11 cũng như Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức lớn trong và ngoài nước, ông Tập đang tập trung sức lực để soạn thảo một văn kiện lịch sử kiểm kê nhiều thành tựu của đảng trong thế kỷ qua, và sẽ được công bố tại Hội nghị Trung ương 6. Tài liệu này sẽ tập hợp các bài tán dương sự cai trị thành công của ĐCSTQ – thêm vào đó là sự nhấn mạnh những đóng góp được thổi phồng của Mao Trạch Đông và người kế nhiệm Tập Cận Bình.
Đây là lần thứ ba đánh giá lại lịch sử của đảng kể từ khi một văn kiện tương tự được soạn thảo dưới thời Mao vào năm 1945 và một văn kiện khác do Đặng Tiểu Bình soạn thảo vào năm 1981. “Nghị quyết về một số câu hỏi lịch sử” năm 1945 đã biện minh cho việc Mao lên án các nhà lãnh đạo ban đầu của ĐCSTQ như Trương Quốc Đào (Zhang Guotao) và Vương Minh (Wang Ming). “Nghị quyết về một số câu hỏi trong lịch sử Đảng kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập” năm 1981 đã lên án những sai lầm “cực tả” của Mao trong Cách mạng Văn hóa và đưa ra nền tảng lý thuyết cho Chính sách Cải cách và Mở cửa của Đặng.
Theo dự kiến thì tài liệu lịch sử được công bố tại Hội nghị Trung uơng 6 năm nay sẽ củng cố thêm cho “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với các đặc trưng của Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Tuy nhiên, liệu ông Tập có thể sử dụng tài liệu này một cách hiệu quả để củng cố quyền lực của mình hay không, thì nó phụ thuộc vào kết quả của các cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa các cán bộ cao cấp của đảng, liên quan đến việc ông phục hồi các khái niệm của chủ nghĩa Mao bao gồm “sự thịnh vượng chung”.
Một điều quan trọng nữa là liệu ông Tập có thể thanh trừng PLA và bộ máy chính trị-pháp lý với những cán bộ không đáng tin cậy, những người có thể thách thức quyền lực tối cao của ông hay không.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét