Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Nỗ lực tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc đang có ngẫu lực

 

Nỗ lực tăng cường sức mạnh nhằm ngăn chặn Trung Quốc đang có ngẫu lực

Nghiên cứu Việt – Mỹ

Tác giả: Gideon Rachman

Vũ Văn Lê, dịch từ Financial Times

21-9-2021

Hiệp ước an ninh Úc-Anh-Mỹ, tức AUKUS, lập tức nhận được những phản ứng thịnh nộ từ Trung Quốc và Pháp. Song, đối nghịch với những giận dữ bùng phát từ Bắc Kinh và Paris, là những âm thầm hoan nghênh hiệp định này của nhiều quốc gia khác.

Vì lo lắng trước sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc, giới lãnh đạo của Bộ tứ (Quad) là Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia đang cấp kỳ tăng cường cụ thể mạng lưới nối kết quan hệ an ninh trên khắp vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đối với Hoa Kỳ thì phản ứng tích cực của các quốc gia trong khu vực mang tính cực kỳ quan trọng, bất kể sự giận dữ của Paris, dù đó là điều nước Mỹ không hề mong muốn. Kềm chế sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc hiện là chiến lược chính yếu, là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ, một cam kết kéo dài từ chính quyền Trump đến Biden. Đụng chạm với Pháp được coi là cái giá phải trả cho việc tăng cường các liên minh ở châu Á. Đường lối cứng rắn của Anh quốc từ trước đến nay đối với mọi sự lấn lướt của Trung Quốc cũng được Washington hoan nghênh, coi như cân bằng thiệt hại với Pháp.

Theo nhận định của Antoine Bondaz, chuyên gia phân tích an ninh thường bị giới cầm quyền TQ nguyền rủa, gọi là “Chó Điên”, thì Bắc Kinh cảm thấy hiệp ước giữa Washington, Canberra và London là hiện thực hóa một mối lo ngại gan phổi từ lâu của TQ, tức là mở rộng, đa phương hóa các liên minh của Mỹ trong khu vực; hôm nay Úc và Vương quốc Anh đã tham gia, ngày mai Nhật Bản sẽ nhập cuộc.

Chắc chắn Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi đã cấp kỳ chào đón AUKUS. Tờ Times of India ghi nhận sự chồng chéo giữa thành viên Quad và AUKUS, đã gợi ý “trong tương lai, cả hai có thể hợp nhất”. Theo Raja Mohan, nhà phân tích an ninh của Ấn Độ, thi Delhi nhiệt liệt hoan nghênh hiệp ước AUKUS vì nhiều lý do, kể cả tín hiệu: Hoa kỳ sẵn sàng chuyển giao các công nghệ quân sự quan trọng, chẳng hạn như động cơ đẩy hạt nhân.

Ấn Độ và Nhật Bản không phải là hai cường quốc khu vực duy nhất đã có phản ứng tích cực với AUKUS. Singapore, vốn là quốc gia luôn thận trọng trong cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đã lên tiếng hoan nghênh thỏa ước này. Tại Canada, nơi bầu cử đang diễn ra, lãnh đạo của cả hai phe đối lập bảo thủ và cánh tả đã công khai chỉ trích chính quyền Trudeau chưa gia nhập hiệp ước.

Mục tiêu tối hậu của việc tăng cường các dàn xếp an ninh tập thể ở châu Á là ngăn chặn sức mạnh của Trung Quốc, tựa như NATO cản Nga ở châu Âu. Tuy nhiên cấu trúc liên minh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khó có thể giống hệt NATO. Thay vì một liên minh đơn lẻ, một ​​sự liên kết và tăng cường các mối quan hệ sẵn có, tạo ra một mạng lưới các cường quốc cam kết sẵn sàng ngăn chặn, không để khu vực rơi vào sự thống trị của Bắc Kinh.

Thành viên tương lai của mạng lưới đó có thể nhận thức rõ được từ các quốc gia đã thực hiện các cuộc tập trận hải quân gần đây với Mỹ và Australia. Đó là các nước Anh, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ. Và một khi quan hệ với Paris đã được sửa chữa, nước Pháp có thể sẽ trở lại tham gia.

Ý nghĩa của công cuộc hợp tác này còn vượt xa các cuộc tập trận hải quân và bán tàu ngầm. Ba quốc gia liên quan đến Aukus sẽ cùng nhau hợp tác trên công nghệ chiến lược, như điện toán lượng tử (quantum computing) và trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence). Ấn Độ và Nhật Bản sẽ có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực đó.

Trung Quốc tố cáo tất cả các động thái này là khiêu khích. Nhưng chính các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trong khu vực đã kích động nỗ lực cân bằng quyền lực của nước TQ.

Đối với Úc, việc Trung Quốc áp chế các biện pháp trừng phạt thương mại nghiêm ngặt, sau khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19, là một lời cảnh tỉnh. Cũng thế, 14 yêu cầu của Trung Quốc đòi hỏi Úc phải thay đổi chính sách. Còn với Ấn Độ, bước ngoặt là các cuộc đụng độ quân sự trên dãy Himalaya vào mùa hè năm ngoái. Trong khi đó, Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, càng ngày càng bị không hải lực TQ khuấy rối.

Việc TQ xây dựng căn cứ quân sự trên Biển Đông đã khiến các nước trong vùng như Việt Nam và Philippines báo động. Vào tháng 7, Việt Nam đã tiếp đón Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Trong khi đó Hàn Quốc, một đồng minh hiệp ước khác của Mỹ, vẫn chưa quên áp lực kinh tế từ Bắc Kinh sau khi Seoul đồng ý xây dựng lá chắn chống tên lửa Mỹ.

Mọi nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đều biết trong kỷ nguyên vừa qua, Trung Quốc đã xây dựng quân lực mạnh mẽ, nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Và tất cả đều lo lắng trước những lời đe dọa xâm lược Đài Loan của Bắc Kinh.

Tại sao Trung Quốc lại mắc những lỗi lầm chiến lược này? Có thể là Bắc Kinh đã tự mãn thái quá vào sức mạnh kinh tế. Thực sự, tư thế đối tác thương mại quan trọng nhất đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia đã tạo cho Trung Quốc một đòn bẩy quan trọng. Tuy thế, áp lực nặng nề từ Bắc Kinh luôn tạo ra những phản tác dụng.

Cho đến nay, sự thất bại chiến lược của Trung Quốc không có nghĩa là việc xây dựng liên minh châu Á của Mỹ đương nhiên sẽ thành công. Tập hợp một nhóm đồng minh phức tạp lại với nhau chẳng hề dễ dàng, điển hình là phản ứng dữ dội hiện hành của Paris.

Nỗ lực kiềm chế quyền lực của Trung Quốc sẽ gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Nhưng ngược lại, bất động là chấp nhận để nước TQ thống trị toàn vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Do đó, Hoa kỳ và các đồng minh đã đi đến quyết định phải vạch ra một ranh giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét