Nhiều rủi ro của kinh tế 2021 bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn
Lam Thanh
Trong 7 tháng đầu năm, dù giá gạo tăng nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu tấn (giảm 12,7% ) với giá trị khoảng 1,9 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được "3 tại chỗ" phải đóng cửa trong khi hàng không xuất được khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục bị “bào mòn".
Xuất khẩu gạo giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đóng cửa ngừng sản xuất
“Nhiều đối tác đã hủy đơn hàng để chuyển sang các nhà máy tại Mexico hay Ấn Độ, giá trị hợp đồng mất khoảng 200 triệu USD, dẫn đến rủi ro thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam.
Ông Lê Hữu Bình - Công ty Jabil Việt Nam”
Nửa đầu năm 2021, Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu khá tốt trước đại dịch COVID-19. Dù vậy, về tổng thể, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) vừa đưa ra cảnh báo về một số rủi ro tiềm ẩn của kinh tế Việt Nam năm 2021.
Cẩn trọng với nhập khẩu lạm phát
NCIF cho rằng một số yếu tố rủi ro đã bắt đầu bộc lộ rõ ràng hơn như tốc độ tiêm chủng vắc xin còn rất chậm, giải ngân đầu tư công ở mức thấp, động lực tăng trưởng nhờ thặng dư thương mại trở nên thiếu chắc chắn, nguy cơ giảm số lượng doanh nghiệp vừa và lớn khi sức chống chịu của các doanh nghiệp này có dấu hiệu suy giảm…
Từ đầu năm đến nay, giá năng lượng, các hàng hoá phi năng lượng, giá lương thực, kim loại và khoáng chất đều tăng. Ngoài ra, chi phí vận tải hàng hóa cũng đang tăng nhanh. Điều này gây sức ép về nhập khẩu lạm phát đối với Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Trên thực tế, theo NCIF, mặc dù chỉ số CPI vẫn ở mức thấp nhưng chỉ số giá sản xuất đã bắt đầu tăng nhanh. Rủi ro lạm phát chủ yếu từ nguyên nhân chi phí đẩy nên việc xử lý sẽ khó khăn hơn, bởi việc sử dụng chính sách tiền tệ bị hạn chế vì có thể làm chậm đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
NCIF nhận định sức ép về lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên trong những tháng cuối năm nhưng mục tiêu điều hành lạm phát năm 2021 (CPI trung bình năm dưới 4%) nhiều khả năng vẫn được đảm bảo. Tương ứng với các kịch bản tăng trưởng kinh tế, dự báo chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng cuối năm có thể ở mức 4,7-4,9%, bình quân cả năm 2021 ở mức 3,2-3,4%.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vắc xin chống COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ dần mở cửa, đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
Hơn nữa, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển, dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ tăng 5,6% vào năm 2021. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây cũng sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng lên.
Ngoài ra, ông Thịnh cho biết nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa rất lớn để kích thích kinh tế. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao. Một nền kinh tế mở cửa sâu rộng, giá nguyên nhiên, vật liệu nhập khẩu sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát tăng cao.
Dòng vốn không đi vào sản xuất, dịch bệnh bào mòn sức khỏe DN
Một rủi ro khác được NCIF chỉ ra là dòng vốn tư nhân có xu hướng dịch chuyển sang thị trường tài sản thay vì đầu tư sản xuất. Cụ thể, với mức lãi suất thấp, nhiều nhà đầu tư trong nước đã chuyển hướng đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dòng vốn này chủ yếu giao dịch đối với các cổ phiếu có sẵn trên thị trường. Lượng vốn cho lượng cổ phiếu phát hành mới thấp, chủ yếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản, ngân hàng. Do đó, mặc dù thị trường phát triển và tăng nhanh nhưng vốn lại ít được đưa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, theo NCIF, dòng vốn chuyển sang lĩnh vực bất động sản cũng làm gia tăng, tạo xu hướng sốt ảo và thiết lập mặt bằng giá ở mức cao tại nhiều địa phương. Điều này không những làm tăng chi phí thuê đất mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư trong tương lai.
Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dòng vốn trái phiếu tập trung vào các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bất động sản và tập đoàn đa ngành. Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp ngành bất động sản tăng mạnh về cả giá trị phát hành và lãi suất. Trong khi đó, kỳ hạn bình quân lại giảm, phần lớn không có tài sản đảm bảo, hoặc nếu có sẽ được sử dụng chính dự án bất động sản làm tài sản đảm bảo. Theo đó, rủi ro không hoàn trả được là rất lớn.
NCIF đánh giá dịch bệnh kéo dài bào mòn sức lực và khả năng chống chịu của rất nhiều doanh nghiệp trong nước. Sáu tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng lên khoảng 70.000 doanh nghiệp, so với mức bình quân khoảng 52.000 doanh nghiệp trong cùng kỳ các năm 2017-2020.
“Nguy cơ bắt đầu lan sang các doanh nghiệp có quy mô vừa và một số doanh nghiệp quy mô lớn, bởi khả năng chống chịu của nhóm doanh nghiệp này bắt đầu suy giảm do dịch bệnh kéo dài. Số liệu thống kê cũng bắt đầu cho thấy, số lượng các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2021”, NCIF nêu.
Đại dịch làm giảm quy mô sản xuất công nghiệp
Theo phân tích của NCIF, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 có thể làm giảm quy mô sản xuất tại các khu công nghiệp. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những tỉnh có dịch bùng phát mạnh đều là những tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước.
Giá một số mặt hàng nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh dự báo sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Một số mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng quá nhanh như gỗ, sắt, thép sang các thị trường Mỹ, Canada có thể đối mặt với điều tra của Chính phủ các nước này.
Đại dịch làm giảm quy mô sản xuất tại các khu công nghiệp
“Sự phụ thuộc quá lớn vào khu vực FDI dẫn đến sự thiếu vững chắc trong xuất khẩu. Lý do là nhóm các doanh nghiệp này phụ thuộc cả nguồn cung và cầu vào thị trường quốc tế. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu tiếp tục xảy ra ở các khu công nghiệp lớn, có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI”, NCIF nhận định.
Ngoài ra, NCIF cho rằng dịch COVID-19 kéo dài đang làm tăng nguy cơ bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo. Lao động phi chính thức và người nghèo trở nên dễ tổn thương, sức chống chịu kém nếu tình trạng khó khăn kéo dài. Trong khi đó, tỷ lệ lao động phi chính thức có xu hướng tăng nhanh.
L.T.
Nguồn: 1thegioi.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét