Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Nền giáo dục bắt nạt

 

Nền giáo dục bắt nạt

Hù dọa, đe nẹt, từ bóng gió tới chỉ mặt, từ lời nói tới kỷ luật, từ tinh thần tới thân thể. Duy trì nỗi sợ hãi kinh niên và ám ảnh để quản lý nhằm “đạt mục tiêu”.

Gieo rắc nỗi sợ hãi bằng điểm số, bằng thành tích, bằng “chủ trương, đường lối”, bằng thi đua, bằng dư luận, bằng bịa đặt vu khống… Một không khí ngột ngạt bao trùm, và dẫn tới lấy sự né tránh và yên thân làm phương châm sống, lấy sự nghe lời làm phương cách xử thế, lấy sự đối phó làm phương pháp sinh tồn.

Đi dạy và đi học trở thành một gánh nặng nhưng không thể trút xuống, niềm vui bị thay bằng mỏi mệt, hạnh phúc bị thay bằng khổ sở. Bạo lực khắp nơi, dối trá tràn lan.

Bắt nạt chỉ sinh ra khi quyền và thế chênh lệch một cách đáng kể. Khi quyền lực tập trung quá nhiều về một phía thì bên kia ắt bị bắt nạt. Quyền trẻ em không được bảo vệ, quyền nhà giáo không được tôn trọng, khi những kẻ yếu thế hoàn toàn bị phụ thuộc thì sự đàn áp nảy sinh. Khi quyền lực được tập trung quá nhiều về một phía thì phần còn lại tất yếu bị bắt nạt.

Bắt nạt bằng điểm số, bắt nạt bằng kiến thức, bắt nạt bằng bằng cấp, bắt nạt bằng tiền lương, bắt nạt bằng công việc, bắt nạt bằng chính trị, bắt nạt bằng chủ nghĩa tập thể… Bắt nạt trở thành “phương thức quản lý” chủ đạo của một nền giáo dục.

Chỉ có cân bằng lại quyền lực thì tình trạng bắt nạt mới được chấm dứt. Nếu điểm số là quyết định tương lai của người học trong khi điểm ấy lại hoàn toàn nằm trong tay giáo viên thì học sinh tất yếu bị bắt nạt. Khi mà thành tích là thước đo phẩm chất nhà giáo mà thành tích ấy lại được ban phát từ quyền lực bên trên bởi những quy chuẩn đánh giá cảm tính, phi khoa học thì nhà giáo ắt bị bắt nạt. Khi mà sự an toàn của người này là nằm trong tay kẻ khác thì bắt nạt và cúi đầu là tất yếu.

Một nền giáo dục bắt nạt chỉ có thể tạo ra con người dối trá và ươn hèn chứ không bao giờ đạt tới được lý tưởng về con người tự chủ, tự tin và dũng khí. Dân chủ trong nhà trường cần được thiết lập ngay bằng cách chia sẻ quyền lực và bình đẳng về quyền lợi.

Chừng nào mà nhà giáo còn mang thân phận cu li cho hiệu trưởng và “lãnh đạo” thì chừng ấy không thể đổi mới giáo dục. Chừng nào mà nhà giáo chưa được trả lại sự tôn nghiêm thì chừng ấy cả nền giáo dục còn bị bắt làm con tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét