Họ đã nói như thế đấy!
22-9-2021
Dạo này, các quan chức ngành y không hiểu ăn trúng cái gì mà phát ngôn như mấy thằng lên cơn nghiện vậy.
1) Thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn thuở hàn vi làm bác sĩ tại bệnh viện Sài Gòn (quận 1). Đùng một phát tôi thấy anh chạy ra Hà Nội, một thời gian sau thấy anh đứng tên Tổng biên tập báo Sức khỏe của bộ Y tế. Đùng phát nữa, thấy trước tên anh là danh hiệu thầy thuốc nhân dân.
Anh không chỉ là bác sĩ mà còn là thi sĩ, tôi nhớ khi xưa anh ở Thị Nghè, mở phòng mạch trong một con hẻm và tôi từng tới đó để anh khám bệnh. Lúc đó, anh có khá nhiều thơ đăng báo.
Giờ anh viết một bài báo chần dần trên Vietnamnet bảo rằng, việc Hà Nội bỏ ra gần 600 tỷ đồng để xét nghiệm, phát hiện 19 F0 là việc làm cần thiết, rằng không phung phí, không mắc mỏ. Rồi anh bảo, nếu không có nỗ lực của ngành y và sự trợ giúp của 20.000 nhân viên y tế cả nước cho TP.HCM, thì thành phố này phải có 50% dân số nhiễm dịch và tử vong nửa triệu người.
Anh nói bậy rồi Tuấn ạ, dù có quen anh, từng nhậu với anh, tôn trọng anh cách mấy tôi cũng nói anh nói bậy. Anh bậy vì chứng minh những con số đó bằng lý luận sai lạc của mình, nhằm bảo vệ các lãnh đạo ngành y của anh. Đó là một thứ lý luận dối trá bất kể sự thật não nề đau đớn trong việc chống dịch mà họ là tác giả.
2) Tôi biết bác sĩ Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở y tế TP.HCM khi anh mới lên phó giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1. Trong phòng khách của bệnh viện lúc ấy, bác sĩ Trâm, giám đốc bệnh viện giới thiệu anh với tôi rồi cho biết, anh là một bác sĩ giỏi, trẻ mà giỏi nên được cất nhắc. Tôi nhớ như in lời của bác sĩ Trâm trả lời tôi, tại sao giỏi mà không để anh ấy làm chuyên môn: “Ừ, bác sĩ giỏi mà đưa lên làm cán bộ quản lý bệnh viện thì uổng thật nhưng đành phải vậy thôi.”
Khi anh lên làm giám đốc bệnh viện, tôi có thay mặt báo Tuổi Trẻ mang hoa tặng anh nhân ngày thầy thuốc Việt nam vì ngành y tế thuộc mảng phụ trách của tôi.
Giống như bác sĩ Trần Sĩ Tuấn, anh cũng nói bậy anh Thượng ạ, nhưng cái tội nói bậy của anh nặng hơn bác sĩ Tuấn.
Cách nói bậy của anh và Sở y tế của anh cho thấy, ngành y tế quá tắc trách.
Anh tham mưu cho chính quyền gom F0 vào các trại tập trung, giờ anh bảo do cấp dưới của anh hiểu nhầm. Chắc là anh muốn nói, sở dĩ bao nhiêu F0 vật vã khổ sở trong các trại cách ly cùng với nhiều người đã chết, chỉ do một sự hiểu nhầm mà thôi?
Phát ngôn của anh cho thấy hậu quả kinh khủng của sự hiểu nhầm. Nó cũng cho thấy sự vô trách nhiệm ghê gớm của anh và Sở y tế khi thấy cấp dưới hiểu nhầm mà nhắm mắt làm ngơ, không yêu cầu họ sửa chữa cái sự hiểu nhầm ấy.
Giờ thì cái Sở y tế của anh buông một câu nhẹ bâng trước hậu quả mà người dân thành phố phải gánh chịu trong thời gian chống dịch từ lỗi lầm của các anh: “à, do hiểu nhầm thôi mà”.
Không biết anh có biết sự nhầm lẫn ấy đã góp phần đẩy 15.000 con người biến mất khỏi cõi đời này không, hả bác sĩ Thượng?
Là một bác sĩ điều trị, anh dư biết, trong ngành y không cho phép hiểu nhầm, dù quá trình tiến bộ của y học được trải bằng xác chết của con người (cái này sách nói chớ không phải tôi). Ngành nào khác nhầm lẫn còn có thể sửa chữa được chớ ngành y thì không, vì hoạt động của ngành y liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Mấy anh mà hiểu nhầm một y lệnh thôi, là tính mạng của bệnh nhân đi đứt.
Chỉ một phát biểu về sự hiểu nhầm chết người của Sở anh, tôi thấy anh không còn đủ tư cách ngồi ở cái ghế giám đốc Sở y tế TP.HCM nữa rồi anh Thượng à. Và cái Sở của anh, kể từ đây trong mắt dân Sài gòn, không còn là cái Sở cứu người mà đã biến thành một thứ Sở giết người rồi- giết người bằng sự hiểu nhầm.
Thật là tội lỗi, tội lỗi, a-men!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét