Sự minh bạch của tấm hộ chiếu
26-8-2020
Một người quen của tôi đang làm dịch vụ đầu tư để lấy thẻ xanh (thẻ thường trú nhân) ở Mỹ, nói rằng khách hàng của anh ấy chủ yếu là doanh nhân chứ không có quan chức. Một suất đầu tư để lấy thẻ xanh ở Mỹ trước kia là 500.000 dollars còn nay là 900.000 dollars dành cho cả gia đình (vợ chồng và con dưới 21 tuổi) không phải là quá đắt để nhiều quan chức không bỏ nổi tiền mua.
Vấn đề nằm ở chỗ, Chính phủ Mỹ yêu cầu phải chứng minh tài chính, nguồn gốc tiền đầu tư. Đó là lý do tại sao những quan chức như ông Phạm Phú Quốc sẵn sàng bỏ ra tới 2,5 triệu dollars cho hai vợ chồng lấy quốc tịch đảo Síp (Cyprus).
Khi nói dối một lần, người ta phải cần thêm 10 lời nói dối khác để che đậy. Đó là lý do khiến ông Quốc nói dối trên báo Tuổi Trẻ. Hồ sơ chứng minh hai vợ chồng ông cùng vào quốc tịch đảo Síp ngày 12/12/2018. Chẳng phải vợ ông Quốc bảo lãnh ông vào quốc tịch như lời ông “chữa cháy” trên báo Tuổi Trẻ. Khó mà nói dối một việc có nhiều chứng cớ như vậy trong một môi trường thông tin như hôm nay.
Bắt đầu từ một trưởng phòng ở công ty du lịch Fiditour vào năm 1998, chỉ 6 năm sau ông Quốc đã trở thành Tổng Giám đốc công ty cổ phần dịch vụ Bến Thành. Đường thăng tiến của ông Quốc phải nói là vô cùng hanh thông khi trải qua vị trí lãnh đạo của các công ty có vốn nhà nước như Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận.
Việc ông Quốc muốn có bao nhiêu quốc tịch không có gì ảnh hưởng nếu ông không đồng thời là một Đại biểu Quốc hội Việt Nam. Người dân nào sẽ bầu ông làm đại diện nếu biết người đại biểu cho quyền lợi của dân nghèo lại âm thầm chi ra vài triệu dollar để mang một quốc tịch khác? Người dân không buộc ông Quốc phải nghèo nhưng họ cần sự minh bạch và cam kết gắn bó với quyền lợi với họ, chứ không phải một ông triệu phú dollar luôn miệng vì dân mà chi ra tiền triệu để chuẩn bị sẵn một chỗ rút lui nơi ngoại quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét