Đối diện với ngụy biện
27-8-2020
Khi tiếp cận thông tin từ báo chí cách mạng thì anh em cần đề phòng cẩn mật về các thủ pháp ngụy biện. Thủ pháp tuyên truyền đơn giản nhất là dùng ngụy biện. Các phương pháp thường dùng là đánh vào tình cảm biết ơn, ngụy biện đánh tráo khái niệm, quy nạp ẩu và cơ bản nhất là không cần lý lẽ gì, chỉ cần dùng cảm tính!
Chương trình Đối diện là trường hợp kinh điển. Người làm chương trình chả có cần che giấu gì các thủ pháp nói trên, nói cách khác là áp dụng rất thô thiển, nhưng vẫn rất hiệu quả, vẫn chăn được nhiều gà. Mình sẽ chỉ ra 1 số đoạn để chứng minh.
Khi đấu tố GS.TS Nguyễn Đình Cống và TS Nguyễn Đức Thành, Đối diện cố tình che tên nhân vật, chắc để tránh việc bị kiện tụng, nhưng lại cố tình để rõ các thông tin cá nhân, khiến bất cứ ai quen biết 2 người này có thể nhận ra ngay lập tức. Với nhóm “bôi nhọ” chị Sáu, họ cũng làm mờ mặt, nhưng mình vẫn nhớ mấy người đó là nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyên Ngọc, anh Trương Huy San và vài người khác mình quên tên.
Buồn cười nữa là ngay cả mấy ông quan tham, đã đi tù, như Trịnh Xuân Thanh và mấy ông tướng CA mà Đối diện cũng phải làm mờ, hèn không để đâu cho hết. Tự tin chửi người ta, nhất là khi người ta đã bị pháp luật xử lý, mà sao vẫn còn sợ? Sao không dám đối diện? Chỉ duy nhất một người bị đấu tố mà Đối diện dám để lộ mặt là tay đại tá (hay trung tá?) quân đội tên Hợi mới bị khai trừ đảng vì chém gió phét lác về biển đảo.
Khi đấu tố thầy Cống, Đối diện cố tình cắt cúp 2 đoạn stt của thầy nhận định về CM tháng 8 đại ý: “CM tháng 8 chỉ là cướp chính quyền Trần Trọng Kim chứ chả phải đánh Pháp đuổi Nhật gì cả”. Nhận định này của thầy hiển nhiên đúng, có quá nhiều căn cứ lịch sử, kể cả đúng lề, cho thấy điều đó. Người Pháp lúc đó đang ở trong tù của Nhật, còn quân Nhật thì không can thiệp vào việc cướp chính quyền của người Việt, chỉ có đụng độ duy nhất là quân ông Giáp đánh Nhật ở Thái Nguyên mãi chả thắng (đâu đó 1 đại đội Nhật). Đến ngày 26/8 thì 2 bên mới giảng hòa, do CMT8 đã thành công ở các nơi rồi! Lưu ý là dinh Toàn quyền và Ngân hàng Đông Dương cũng như các nhà tù, trại lính vẫn do Nhật kiểm soát. Làm quái gì có Việt Minh đánh Pháp đuổi Nhật như đã tuyên truyền!
Nhưng người dẫn chương trình là Đỗ Đức Hoàng vẫn dùng chi tiết để đấu tố, coi như là một “luận điệu sai trái”, thì, xin lỗi, quá ngu! Chả biết có ai cố vấn lịch sử cho Hoàng không mà cậu ta lại dại dột thế?
Thay vào việc chứng minh nhận định của thầy là sai thì Hoàng lại lôi ra mấy cái comment phản đối thầy ra làm ví dụ 1 chiều. Mà các comment đó cũng không hề có bất cứ một lý lẽ nào để phản biện thầy, hoàn toàn dùng cảm tính để phản đối. Có nghĩa là Đối diện không dùng bất cứ một lý lẽ, dẫn chứng khoa học nào để đập tan “luận điệu phản động” của thầy mà hoàn toàn dùng cảm tính để vu cho thầy là vô ơn.
Để chắc ăn hơn, Hoàng cho một ông tướng Quân đội về hưu tham gia đấu tố thầy Cống đại ý là vô ơn, phản bội! Ông tướng này nói, đại ý là thầy Cống được đảng và nhà nước cho đi học, trong khi những người như ông ấy đi bộ đội, hi sinh xương máu. Nhưng ông Cống đã vô ơn, phản bội lại sự hi sinh đó!
Mọi người cần biết rằng, thầy Cống là một chuyên gia đầu ngành Xây dựng, một dạng “tổ nghề” về bê tông cốt thép, thầy của các thầy trường Xây dựng (một cái nôi đầu đàn của ngành xây dựng). Nếu thầy cũng đi bộ đội, rồi hi sinh, thì ai sẽ làm công việc của thầy!? Mỗi người mỗi việc, do xã hội phân công, ai cũng có đóng góp cho xã hội, cho chế độ cả. Bao thế hệ sinh viên XD liệu có biết ơn thầy? Mấy cu sinh viên comment mắng thầy liệu có phải là vô ơn?! Phân tích vô ơn kiểu này có mà đến tết và… vô ích.
Tương tự vậy khi đấu tố TS Thành, Đối diện cũng trích dẫn một stt cách đây 2 năm của anh này, trùng hợp thay là đúng tròn 2 năm kể từ ngày viết đến ngày phát sóng, y chang Facebook kỷ niệm! Coi như Đối diện share stt phản động cho TS Thành. Người biên tập chương trình cũng chẳng buồn, hoặc chẳng có năng lực, phân tích xem stt đó sai chỗ nào, mà chỉ ngang nhiên chỉ trích cá nhân tác giả và chụp mũ rằng stt đi ngược lại quyền lợi quốc gia, coi TS Thành là kẻ bội bạc, vô ơn với những người đã ngã xuống!
Cả 2 trường hợp trên, Đối diện đã dùng thủ pháp ngụy biện đả kích cá nhân, dựa vào tình cảm biết ơn rất mơ hồ để đấu tố. Điều quan trọng nhất là phân tích xem “luận điệu” của các đối tượng sai chỗ nào thì họ không làm được, chỉ chơi trò chụp mũ. Nhận định của TS Thành cũng chẳng có gì sai, vì thực tế đã chứng minh ở các nước CS đã phải chống chịu “quả bom nhiệt hạch CNXH”. Phản biện điều này không đơn giản, phải có kiến thức kinh tế, chính trị mà chắc chắn chương trình này không làm được.
Tại sao lại gọi là tình cảm biết ơn mơ hồ?
Bài ngụy biện này mình đã phân tích rất nhiều lần, nay xin nhắc lại. Sách báo nhà nước thường dùng lặp đi lặp lại thủ pháp kích động lòng biết ơn này để chống lại người dân tự diễn biến, bản chất là tự giác ngộ.
Chúng ta cần hiểu rằng, công dân không có trách nhiệm biết ơn chế độ, thậm chí biết ơn các liệt sỹ đã chết để bảo vệ chế độ. Chúng ta chỉ có trách nhiệm biết ơn duy nhất là những bậc sinh thành. Vì chỉ có họ mới chắc chắn có thể hi sinh vì chúng ta mà hoàn toàn bất vụ lợi. Mỗi cá nhân có thể biết ơn một số cá nhân khác đã giúp đỡ, cứu mạng, cưu mang mình mà không vì lợi ích của họ.
Còn với những người khác, như với các quân nhân, giáo viên, bác sỹ, công an… họ tự chọn nghề hoặc trách nhiệm của họ là bảo vệ an ninh, cứu người, dạy người, nên trước sự hi sinh của họ, chúng ta chỉ cần bày tỏ sự KÍNH TRỌNG, nếu thấy cần thiết. Không phải sự hi sinh nào cũng dành được sự kính trọng hay biết ơn của toàn dân. Bởi vì dân cũng có nhiều ý thức hệ, tại sao con cháu những quân nhân, công chức chế độ cũ phải biết ơn các liệt sỹ CS?
Ngay cả thầy Cống, TS Thành, tuy từng hưởng lương từ nhà nước, nhưng họ học hành phấn đấu thành tài là do nỗ lực của họ, năng lực của họ, có phải đảng và nhà nước bơm được trí tuệ vào đầu họ đâu? Như thầy Cống cũng đã cống hiến cả đời cho sự nghiệp GD, coi như cũng đã “trả nghiệp” cho chế độ xong rồi.
Xin mọi người nhớ cho là không có đảng và nhà nước nào cho chúng ta ăn học thành tài cả. Những người khiến chúng ta biết ơn về điều đó chỉ có thể bố mẹ, ông bà chúng ta mà thôi, vì họ sinh ra ta, nuôi ta ăn học, truyền cho chúng ta trí tuệ, năng khiếu bẩm sinh. Ngay cả thầy cô giáo cũng không thể ngang nhiên nhận công đó được, vì họ dạy HS là trách nhiệm xã hội và họ đã chọn nghề và được trả lương.
Tuyên giáo thường xuyên sử dụng thủ pháp kích động lòng biết ơn chính là áp dụng thủ pháp của Nho giáo là kích động tinh thần “trung quân, ái quốc” hòng triệt tiêu sự phản kháng của quần thần, dân chúng đối với vua. Một xã hội mà người dân chỉ biết cúi đầu phục tùng, không dám phản biện chính sách, phản biện cấp trên, xét lại lịch sử, nấp dưới lòng biết ơn mơ hồ thì chỉ có thể là xã hội phong kiến hoặc độc tài, toàn trị.
Ngay cả đối với bố mẹ chúng ta, những người mà chúng ta cần biết ơn sâu sắc nhất, khi họ làm sai thì con cháu vẫn có trách nhiệm phải can ngăn, chứ không thể vì lòng biết ơn mà bố mẹ sai, con cháu cũng phải câm.
Khi ĐỐI DIỆN với những sai trái trước mắt, thì việc cần lên tiếng là trách nhiệm của công dân, chỉ cần lên tiếng có lý lẽ, dẫn chứng, ôn hòa. Cả thầy Cống và TS Thành đều đã đáp ứng những tiêu chí đó khi lên tiếng. Nếu chính quyền biết sửa sai theo ý kiến phản biện của những người như họ thì chế độ này mới có thể quang vinh muôn năm.
Nếu không ai dám lên tiếng trước cái sai thì chế độ sẽ tự hủy hoại mình mà thôi. Chính những kẻ ngăn chặn người khác lên tiếng mới khiến cho chế độ sớm sụp đổ. Chế độ TBCN trường tồn được cũng là do họ biết sửa sai. Ngay chế độ CS như VN, TQ sống sót được cũng là do sửa sai. Mà không có ai chỉ chỗ sai thì biết đâu mà sửa?
Đỗ Đức Hoàng còn có một nhận định ngớ ngẩn nữa là vu cho mấy ông quan tham đang ngồi tù là vô ơn, bội bạc! Thực tế họ ơn đảng, ơn CP lắm lắm, nhờ có đảng, có chế độ này thì họ mới tham nhũng được như vậy chứ! Thực tế phe củi chẳng có ông nào chống đảng cả đâu.
Cuối cùng, mình chỉ đồng ý một điểm duy nhất với người biên tập chương trình. Đó là nhờ có đảng thì VN mới như ngày hôm nay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét