Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

Đồng Tâm: Xét xử vụ án sẽ công tâm và thượng tôn pháp luật?

 

Đồng Tâm: Xét xử vụ án sẽ công tâm và thượng tôn pháp luật?

Quốc Phương

Vụ án 'nghiêm trọng' làm 'chết ba công an' ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội cùng 29 bị can sắp được đưa ra xét xử vào ngày 7/9/2020, theo truyền thông và báo chí nhà nước Việt Nam hôm 25/8.

Ông Lê Đình Kình thiệt mạng và 'ba chiến sỹ công an nhân dân hy sinh' trong vụ tập kích Đồng Tâm hôm 9/1.

Liệu vụ án này sẽ được xét xử ra sao, có công tâm và thực hiện theo tinh thần thượng tôn pháp luật hay không? tác động xã hội, cộng đồng có thể thế nào?

Nhân dịp này, bốn nhà quan sát chính trị, pháp luật từ Việt Nam và hải ngoại chia sẻ nhận định của mình với BBC News Tiếng Việt.

Trước hết, họ cho biết phản ứng của mình khi báo chí và truyền thông của chính quyền hôm thứ Ba nhất loạt đưa tin sắp đưa ra xét xử vụ án được nhiều người quan tâm này.

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp (nhà nghiên cứu cao cấp, khách mời Viện Iseas, Singapore): Tôi đọc báo Tuổi Trẻ, thấy đăng tin ngày 7/9/2020 dự kiến sẽ xét xử vụ "giết người", "chống người thi hành công vụ" tại Đồng Tâm. Cuối tháng Bảy 2020, thấy báo Pháp luậtđăng tin sẽ xét xử vụ này trong tháng Tám. Nhiều báo khác cũng đăng tin này. 

Sự việc 3 sỹ quan cảnh sát bị đốt và một công dân 85 tuổi bị giết ngày 09/1/2020 ở Đồng Tâm đã dẫn đến việc bắt giam 29 người, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, rồi sau đó truy tố 29 người với các tội danh "giết người" và "chống người thi hành công vụ". 

Trong xã hội đã có rất nhiều ý kiến về sự việc (và vụ án) này. Cách đưa tin của một số báo giống như việc các báo đó đưa ra phán quyết vậy thay cho quan tòa!

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (cựu Thiếu tá An ninh, Công an Việt Nam): Theo báo chí đưa tin từ Chánh án Tòa Hà Nội vào đầu tháng Bảy 2020, là trong tháng Tám sẽ đưa ra xét xử vụ Đồng Tâm. Đồng thời, có hiện tượng thời gian đầu khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện Kiểm sát và Tòa án, các luật sư cho biết họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận hồ sơ và gặp các bị cáo. Nhiều tổ chức xã hội dân sự và hàng trăm nhân sĩ, trí thức, người dân đã đồng ký tên vào một bản Tuyên bố phản đối việc gây khó khăn đó. Tôi cho là sẽ có chuyện xét xử gấp. 

Thế nhưng, nay mới có thông báo xét xử vào tháng Chín, các luật sư cũng đã dần được đáp ứng yêu cầu phục vụ bào chữa, dù là quá muộn. Có thể có mấy lý do: Người ta cần thống nhất nội bộ ba ngành tư pháp, lĩnh hội chỉ đạo của "trên"; Cần "hạ nhiệt" dư luận; đồng thời tránh thời điểm trước dịp kỷ niệm thành lập ngành Công an, Quốc khánh. Có thể cần thêm thời gian để việc "nhận tội" của các bị cáo được êm xuôi. Có một số luật sư chỉ định. Việc họ sẽ làm việc một cách khách quan, vô tư, có theo sự chỉ đạo nào đó hay không cũng là một vấn đề không nhỏ. 

Luật sư Nguyễn Văn Đài (nhà hoạt động nhân quyền từ CHLB Đức): Hiện nay, thành phố Hà Nội đang chuẩn bị tiến hành Đại hội đảng bộ thành phố. Bởi vậy, nhà nước Việt Nam đưa vụ án Đồng Tâm ra xét xử vào thời điểm này là với mục đích chính trị chứ nó không phải là một vụ án hình sự thông thường.

Thông thường những vụ án được dư luận xã hội quan tâm nhiều thì chủ tọa phiên xử sẽ là Chánh tòa Hình sự, nhưng trong vụ án này chỉ Phó chánh tòa hình sự.

Tội danh giết người vẫn được sử dụng để cáo buộc 25 người dân Đồng Tâm. Nhưng trong suốt thời gian vừa qua, người dân Đồng Tâm, những người hoạt động xã hội, một số luật sư đã bác bỏ cáo buộc giết người sau khi họ xem xét kỹ hiện trường vụ án.

Có dấu hỏi gì?

BBC: Có điểm gì đáng đặt câu hỏi về vụ việc, vụ án, các bị can qua cách đưa tin như vậy? Cá nhân quý vị có tin những gì các bị can bị cáo buộc như vậy hay không? 

Tiến sĩ Nguyễn Quang A: Tôi hoàn toàn không tin những luận điệu cáo buộc của họ từ 09/1/2020 đến nay.

Ông Hà Hoàng Hợp: Qua báo chí - truyền thông nhà nước, qua thông tin trên mạng xã hội… tôi hiểu rằng 3 sỹ quan cảnh sát đã chết trong khi đột kích làm nhiệm vụ được giao, và ông già 85 tuổi thì bị cảnh sát cơ động bắn chết trong phòng ngủ của ông ta. Tôi không tin rằng ông già bị giết đó - ông Lê Đình Kình, là kẻ giết người (trước khi ông ấy bị giết). 

Tôi hiểu rằng chính quyền đã không đối thoại đến cùng với ông Kình và những người khác ở Đồng Tâm. Trước đó, ông Kình và một số người đã bị khởi tố vụ án và khởi tố bị can tôi "giam giữ người trái phép". Nếu đến Đồng Tâm để bắt họ theo tội đó, thì sao không đến vào ban ngày? 

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Như tôi đã nêu ý kiến ngay từ ngày xảy ra vụ việc, trong một chương trình Bàn tròn của BBC hôm 9/1/2020, là muốn chứng tỏ chính quyền quang minh chính đại, không khuất tất trong vụ việc, thì phải cho báo chí, các luật sư vào gặp gỡ dân làng ngay. Đồng thời, Quốc hội, chính quyền Hà Nội cũng phải vào cuộc ngay (vì họ đã từng làm vậy, rất quy mô). Thế nhưng, tất cả đã diễn ra không như công luận mong mỏi, và tiếp theo là quá nhiều những diễn biến, thông tin minh chứng thêm cho những hiện tượng bất thường của vụ án. 

Về cách đưa tin, hết sức lạ, dù cái "lạ" cho vụ án này đã nhiều không kể xiết rồi. Đó là một vụ án đặc biệt lớn, xét trên nhiều góc độ, mà trong đó là có tới 25 bị can bị truy tố với khung hình phạt cao nhất là tử hình, mà các bản tin báo chí đưa thật sơ sài. Nội dung tóm lược vụ việc của mỗi báo lại không giống nhau, theo cách dường như mâu thuẫn. Tôi thấy không rõ ràng.

Ông Nguyễn Văn Đài: Cách đưa tin của báo chí đều mang tính khẳng định các bị cáo đã có hành vi giết người. Như vậy là việc đưa tin mang tính chất định hướng cho dự luận xã hội.

Theo quy định của luật tố tụng hình sự Việt Nam, thì việc chứng minh các bị cáo có hành vi giết người hay không chỉ được thực hiện tại phiên tòa. Báo chí không được phép kết luận khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật.

Việc trích đăng nội dung của kết luận điều tra hay cáo trạng để đưa lên báo chí nhằm kết luận thay Hội đồng xét xử là không được phép.

Sau khi xem xét các hình ảnh và các video clip về hiện trường vụ án, cũng như phân tích nội dung của bản kết luận điều tra thì tôi khẳng định: không có việc những bị can đã có hành vi giết 3 cảnh sát. 

Cách đưa tin thế nào?

BBC: Bản thân cách đưa tin có gì đáng nói không? Có khách quan, công tâm không, có hợp luật pháp không, đã hợp lý chưa?

Ông Nguyễn Quang A: Đòi hỏi khách quan, công tâm, hợp luật với báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam thì hơi nực cười! 

Ông Hà Hoàng Hợp: Các báo nhận tin từ tòa án hay công an, thì họ phải đăng nguyên văn, vì chính quyền quản lý chặt báo chí - truyền thông. Mọi người đã kiên nhẫn từ đầu năm, thì chắc vẫn kiên nhẫn cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử công khai. 

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Đã có vô số bài viết phân tích về vụ án, nên tôi chỉ xin tóm lược mấy điểm rất bất thường dựa trên bản tin mấy báo vừa đưa: 1- Việc lực lượng công an hùng hậu tiến vào làng lúc rạng sáng, người dân đang ngon giấc. Nó chẳng liên quan gì tới việc xây dựng, tranh chấp tận ngoài cánh đồng cách xa đó. 2- Cái chết của ông Lê Đình Kình. 3- Cái chết của ba sĩ quan công an (chứ không phải "chiến sĩ" như báo đưa), xét theo chuyên môn nghiệp vụ, thì cực kỳ phi lý. Với hàng trăm, ngàn chiến sĩ trang bị tận răng tham gia, mà vì sao lại phải để 3 sĩ quan (trong đó một là cấp có lẽ chỉ huy toàn bộ chiến dịch) phải xông pha leo lên chỗ hiểm nguy, tại địa điểm trọng yếu nhất, lại cùng rớt vào một cái hố, lại không giúp nhau leo lên được, không có đồng đội nào yểm trợ v.v..? Chẳng lẽ họ cùng … chết ngay khi rơi xuống hố? Pháp y có làm rõ việc này không? Từ đó để xác định họ bị tai nạn hay bị giết. Đây là điểm vô cùng quan trọng. 

Một điểm rất quan trọng nữa không thấy bản tin đề cập, mà có lẽ cáo trạng cũng sẽ "quên", đó là những diễn biến kéo dài, phức tạp của vụ Đồng Tâm, với sự tham gia của cả Quốc hội, chính quyền Hà Nội trong nhiều năm trước. Nếu "quên" những diễn biến đó, thì làm sao thể hiện được bản chất sâu xa của vụ án, thể hiện được thái độ hòa giải, hợp tác của những người nay bị buộc tội (đó sẽ là tình tiết giảm nhẹ nếu như tòa phán quyết họ có tội); làm sao thể hiện được trách nhiệm liên đới của nhiều cấp chính quyền để dẫn tới hậu quả này v.v.

Các báo cũng không cho biết phiên tòa được mở công khai hay không. Qua tất cả thông tin về vụ án, cùng phân tích ở trên, tôi cho rằng việc buộc tội các bị cáo là thiếu thuyết phục, nhiều khả năng gây oan sai, thậm chí bỏ lọt tội phạm không nằm trong số bị cáo đó. Ví như cái chết của ông Lê Đình Kình, không thể kết luận đơn giản đến như vậy được. 

Ông Nguyễn Văn Đài: Như đã đề cập ở trên. Việc báo chí trích đăng nội dung của bản kết luận điều tra, cáo trạng để đưa tin trên báo chí như lời kết luận của Hội đồng xét xử là trái với Hiến pháp và luật pháp của Việt Nam.

Việc đưa tin như vậy là không khách quan, không công bằng và vi phạm pháp luật Việt Nam.

Dự cảm và dự đoán?

BBC: Dự đoán và dự cảm của quý vị về việc xét xử vụ án, kết quả cuối cùng của nó, liệu sẽ kết thúc trước khai mạc Đại hội 13 của đảng hay không và tác động chính trị, xã hội, dư luận có thể thế nào? 

Ông Hà Hoàng Hợp: Theo tôi, đây là một vụ án không thể hiện công lý và pháp quyền! 

Ông Nguyễn Quang A: Với nền "tư pháp" này thì chắc chắn họ sẽ xử như ý của họ, bất chấp ý kiến của những người được cho là bị can (chắc họ sẽ "nhận tội") và của các luật sư thôi. Và báo chí chính thống sẽ hùa theo lên án những người nông dân này và cụ Kình. 

Chắc sẽ có những bản án nặng nề, sẽ có những hậu quả của vụ án này có lẽ đến cả trăm năm sau! Và không ai lường trước được hậu quả ngắn hạn của nó với số phận của Đảng Cộng sản Việt Nam (hệ quả dài hạn thì dễ thấy vì nó có thể góp phần dẫn đến sự cáo chung của bất cứ chế độ nào mà luôn lớn tiếng hô hào là của nhân dân lao động, của công nông nhưng hành động thì lại trái ngược như là khi vào ban đêm lại đưa cả ngàn cảnh sát đến đàn áp những người dân làng và vu cho họ "chống người thi hành công vụ"…). 

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Với tất cả những động thái từ phía đảng, nhà nước, các cơ quan pháp luật từ khi nổ ra vụ việc ngày 9/1/2020, cùng với bản chất của hệ thống tư pháp Việt Nam, dễ dàng đoán được kết quả của (các) phiên xử. 

Có chăng, chỉ hy vọng, với sự tỉnh táo của các vị lãnh đạo cao nhất trước thời cuộc và dư luận xã hội, lòng dân, họ sẽ chỉ đạo giảm nhẹ án cho một số bị cáo so với mong muốn ban đầu. 

Tuy nhiên, nếu (các) phiên xử được tổ chức công khai, đúng với các quy định của pháp luật, với tinh thần cải cách tư pháp, ở đó các luật sư được tranh tụng bình đẳng, các bị cáo không bị làm khó bằng nhiều cách, báo chí được đưa tin, bình luận, không bị "chỉ đạo" hạn chế v.v.. thì may ra sẽ có thêm khả năng kết quả xét xử đáp ứng được phần nào mong đợi của người dân. 

Tác động chính trị, xã hội đối với (các) phiên xử này là rất lớn và lâu dài, khó đoán định. Tiếc rằng, hiện tượng "đâm lao phải theo lao" là điển hình của nền chính trị Việt Nam; quyền lực càng lớn thì việc chịu nhận lỗi, sửa sai càng vô cùng khó. 

Ông Nguyễn Văn Đài: Tôi dự đoán sẽ có một số người Đồng Tâm nhận bản án nặng nề tới mức chung thân. 

Chắc chắn vụ án Đồng Tâm sẽ làm cho đảng và chế độ CSVN mất thêm nhiều uy tín với người dân. Và đương nhiên sẽ làm tích tụ những bất mãn của người dân với chế độ ngày càng tăng. Tôi cho rằng sự tích tụ những bất mãn này sẽ dẫn tới sự thay đổi chính trị trong tương lai ở Việt Nam.

Việc xét xử sơ thẩm vào ngày 7/9/2020 thì sẽ đủ thời gian cho phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào trước tháng 01/2021. Tức là trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nhưng việc họ có mở phiên tòa phúc thẩm trước Đại hội 13 hay không thì còn tùy thuộc vào phản ứng của người dân trước và sau phiên sơ thẩm. Đồng thời cũng phụ thuộc vào nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam trước Đại hội 13. 

Q.P.

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét