Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Nguyễn Đức Chung và ‘họa anh hùng’

 

Nguyễn Đức Chung và ‘họa anh hùng’

Sự kiện ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Chủ tịch thành phố Hà Nội kiêm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bị tạm giam hôm 28 tháng 8 vì “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” đã tô vẽ thêm cho đại họa về… “anh hùng”.

***

Ông Chung trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân” năm 2004 và từ đó thăng tiến không ngừng: Phó Giám đốc, Giám đốc Công an Hà Nội, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội…

Theo những thông tin do Bộ Công an công bố hồi cuối tuần trước, ngoài vụ án vừa kể, dường như, ông Chung sẽ còn bị khởi tố để điều tra thêm về một số hành vi phạm tội nữa vì là đồng phạm trong ba vụ án khác.

Vụ án thứ nhất “Vi phạm quy định về kế toán – rửa tiền, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Vụ án thứ hai: “Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng – rửa tiền. Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường, Sở KH-ĐT Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Vụ án thứ ba: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Hà Nội (1).

Trên thực tế, cả công luận lẫn công chúng đã đề cập đến việc ông Chung có dấu hiệu phạm nhiều tội từ lâu, ít nhất là từ giữa thập niên 2010, khi Công ty Nhật Cường đột nhiên được chọn làm nhà thầu cung cấp các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho việc thực hiện kế hoạch quản trị – điều hành ở Hà Nội bằng mạng máy tính. Hay khi Công ty Arktic trở thành doanh nghiệp độc quyền cung cấp RedOxy-3C (sản phẩm xử lý ô nhiễm nguồn nước) cho Hà Nội (2)…

Tuy nhiên ông Chung vẫn… vô sự như ông Phan Văn Vĩnh – một “anh hùng” khác của “các lực lượng vũ trang nhân dân” … Ông Vĩnh trở thành “anh hùng” trước ông Chung vài năm và giống như ông Chung, ông Vĩnh thăng tiến không ngừng bất kể điều tiếng: Đại tá Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, Thiếu tướng Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Trung tướng Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát,…

Một năm sau khi nghỉ hưu, “anh hùng” Phan Văn Vĩnh mới bị khởi tố rồi bị tống giam với cáo buộc “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – bày ra, sắp đặt để Công ty Đầu tư Phát triển An ninh công nghệ cao (CNC) tổ chức đánh bạc qua mạng Internet trên phạm vi toàn quốc. Thêm một năm nữa sau khi bị phạt chín năm tù vì tội vừa kể, ông Vĩnh bị khởi tố thêm tội “Ra quyết định trái pháp luật” (3).

Cho đến bây giờ, bảy năm sau khi ông Vĩnh ra lệnh bán vật chứng (615 khối gỗ trắc) của một “vụ án buôn lậu”, hệ thống tư pháp vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả của quyết định càn rỡ ấy vì tòa xác định, các bị cáo chỉ buôn chứ không… lậu!

***

Ngoài những cá nhân… “anh hùng” đã xộ khám, Việt Nam còn có những tập thể… “anh hùng”. Nhìn một cách tổng quát, số “anh hùng” cá nhân hay “anh hùng” tập thể phá hơn… giặc càng ngày càng nhiều!

Sau khi xảy ra vụ thảm sát tại bãi đá Gạc Ma và để mất thêm hàng loạt bãi đá ở khu vực quần đảo Trường Sa, năm 1989, quân chủng Hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam được phong tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”. Tuy được phong tặng danh hiệu được xem là cao quý này sau hải quân hàng chục năm nhưng sau hàng chục vụ tai nạn xảy ra đối với các phi cơ quân sự. đến 2010, quân chủng Phòng không – Không quân cũng trở thành “Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân”.

Năm ngoái và năm nay, hai quân chủng “anh hùng” này nổi như cồn vì thi nhau bán công thự, công thổ, chỉ đạo tham gia các chương trình liên kết, liên doanh “trời ơi, đất hỡi”… Các Tư lệnh của quân chủng phòng không – không quân và hải quân người thì bị cách chức (Thượng tướng Phương Minh Hòa), người thì bị phạt tù (Đô đốc Nguyễn Văn Hiến), toàn bộ Ban Thường vụ Đảng ủy của các quân chủng phòng không – không quân (4), hải quân (5) cũng bị xử lý kỷ luật.

Bên cạnh những “Anh hùng các lực lượng vũ trang”, những cá nhân, tập thể là… “Anh hùng lao động” cũng y như thế. Ông Trương Văn Tuyến, Tổng Giám đốc VINASHIN, “Anh hùng lao động” đầu tiên của ngành dầu khí bị truy tố vì “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (6). Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trở thành tập thể “Anh hùng lao động” năm 2011 và phá sản vì thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng.

Ê ẩm vì PVC tập thể “Anh hùng lao động” và Trịnh Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam phải thu hồi danh hiệu “Anh hùng lao động” của PVC và “Huân chương Lao động” đã cấp cho ông Thanh (7).

Việc tước danh hiệu “anh hùng” dẫu hi hữu nhưng không phải là chưa có tiền lệ. Năm 2014, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã từng tước danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” của ông Hồ Xuân Mãn (8).

Ông Mãn được tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang” năm 2010 lúc đang là Bí thư tỉnh Thừa Thiên Huế. Các cựu chiến binh là đồng đội của ông Mãn mất bốn năm gặp gỡ nhiều người, tố cáo với nhiều nơi, rằng ông Mãn – điển hình của việc “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên toàn quốc – “khai man thành tích” và được cả tổ chức đảng lẫn hệ thống công quyền tiếp sức để trở thành… “anh hùng” giả!

Cuối cùng, do có rất nhiều nhân chứng còn sống, nhiều tài liệu còn được lưu giữ cẩn thận, cả đảng và nhà nước phải nhìn nhận ông Mãn đã… man khai. Trong 17 thành tích mà ông Mãn liệt kê và được tổ chức đảng cũng như hệ thống công quyền ở Huế xác nhận, chỉ có 2/17 là đúng. Tuy nhiên một trong hai không được đồng đội của chính ông Mãn đồng tình xem là thành tích…

Năm 1972, khi còn là du kích, ông Mãn đã xả súng vào một đám giỗ ở ấp Phò Ninh (xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) để giết Trưởng ấp. Tuy vụ xả súng vào đám giỗ – có cả ông nội của ông Mãn ngồi tại đó – giết được Trưởng ấp nhưng làm chín thường dân (bao gồm ba đứa trẻ) mất mạng, tám người bị thương và toàn bộ nạn nhân không phải bà con thì cũng là hàng xóm nhưng lúc báo công, ông Mãn vẫn xếp toàn bộ nạn nhân vào loại ác ôn, có… nợ máu với nhân dân (9)…

***

Chẳng rõ trong lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng, có nơi đâu, thời nào, “anh hùng” liên tục gieo rắc đại họa cho dân lành như lúc này ở Việt Nam. “Anh hùng” từ đâu mà ra và vì sao lại thế?

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-ong-nguyen-duc-chung-bi-bat-20200829082549526.htm

(2) http://langmoi.vn/vu-ubnd-tp-ha-noi-mua-hoa-chat-doc-quyen-cac-so-nganh-cung-chung-tay-giup-cong-ty-9-thang-tuoi/

(3) https://tuoitre.vn/ong-phan-van-vinh-tiep-tuc-bi-khoi-to-trong-vu-ky-an-go-trac-20190910111820294.htm

(4) https://vnexpress.net/nguyen-tu-lenh-quan-chung-phong-khong-khong-quan-bi-canh-cao-3784366.html

(5) https://tuoitre.vn/xoa-tu-cach-nguyen-tu-lenh-quan-chung-hai-quan-voi-ong-nguyen-van-hien-20190903180218641.htm

(6) https://vietnamfinance.vn/quan-lo-nguoi-anh-hung-dau-tien-cua-nganh-loc-hoa-dau-truong-van-tuyen-truoc-khi-bi-bat-20180504224217164.htm

(7) https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chu-tich-nuoc-huy-cac-danh-hieu-cua-trinh-xuan-thanh-va-pvc-2017052508352973.htm

(8) https://baophapluat.vn/nhip-cau/ai-tiep-tay-cho-ong-ho-xuan-man-thanh-anh-hung-200151.html

(9) http://anhmanxx.blogspot.com/2013/06/ngay-ki-lan-thu-40-o-thon-pho-ninh.html

Bản tin ngày 31-8-2020

 

Bản tin ngày 31-8-2020

BTV Tiếng Dân 

Tin Biển Đông

Báo Thanh Niên đưa tin: Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, tiến vào Biển Đông. Dẫn nguồn từ Reuters, cho biết, Hải quân Mỹ và Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cùng xác nhận, hôm nay, một khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Halsey, lớp Arleigh Burke, của Hải quân Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan lần thứ 2 trong vòng 2 tuần qua, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bà Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7, thông báo: “Tàu đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Còn Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho hay, khu trục hạm của Mỹ sau khi đi qua eo biển đã tiếp tục tiến về phía nam, nghĩa là đi vào Biển Đông.

Kênh Eagle News có clip: Tàu chiến Mỹ đi gần các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

Báo Tuổi Trẻ có bài bình luận về các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông: Mỹ dồn quân và tên lửa về châu Á đối phó Trung Quốc. Ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Viện nghiên cứu RAND ở Mỹ, nhận định về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tới đảo Palau: “COFA cho phép quân đội Mỹ tiếp cận hầu như không bị hạn chế vào một khu vực có diện tích bằng lục địa Mỹ. Các đảo quốc này cũng nằm trong chuỗi đảo thứ hai và tiếp giáp với Guam, nơi có hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú”.

Theo ông Grossman, “nếu muốn dự báo sức mạnh và khả năng đáp trả quân sự của Mỹ nếu có biến ở eo biển Đài Loan, Biển Đông hay biển Hoa Đông, chỉ cần nhìn vào các lực lượng Mỹ ở chuỗi đảo thứ hai”, là chuỗi các đảo xung quanh Nhật Bản, cách xa Trung Quốc đại lục, đi qua các quần đảo Palau, Micronesia, Guam và kết thúc ở Indonesia.

Công ty Trung Quốc phớt lờ lệnh trừng phạt Biển Đông của Mỹ, theo VnExpress. Tập đoàn Kiến thiết Giao thông TQ (CCCC), một trong số các công ty TQ vừa bị Mỹ trừng phạt vì liên quan đến hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, vừa ra thông báo rằng “5 công ty con chuyên về nạo vét của họ bị Mỹ đưa vào danh sách đen không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Mỹ và sẽ không chịu ảnh hưởng tài chính bởi các lệnh trừng phạt này”.

Mời đọc thêm: Tàu chiến Mỹ quá cảnh ở eo biển Đài Loan lần 2 trong tuần — Singapore ủng hộ Mỹ tiếp tục hiện diện ở Đông Nam Á(TT). – Liên minh chống Trung Quốc: Vì sao Mỹ chọn Tokyo? (DĐDN). – Mỹ hoàn toàn có thể vô hiệu hóa tên lửa Sát thủ tàu sân bay của Trung Quốc? (Soha). – Phương Tây vây Trung Quốc trên nhiều mặt trận (TP). – Ấn Độ điều tàu chiến đến Biển Đông ngay sau đụng độ biên giới với Trung Quốc (TN). – Ông Duterte bị giục phải đưa phán quyết Biển Đông ra LHQ — Sách về Biển Đông của Việt Nam xuất bản ở Nhật (PLTP).

Đinh La Thăng tiếp tục hầu tòa

Sau khi hoàn tất kết luận điều tra vụ án sai phạm tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hôm nay Bộ Công an tiếp tục đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Bộ Công an đã chuyển hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố 20 bị can, trong đó, Đinh La Thăng bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, bị cáo buộc “chủ mưu cầm đầu” trong vụ sai phạm cao tốc TP HCM – Trung Lương gây thiệt hại 725 tỉ đồng.

Một trong các cựu thuộc cấp bị truy tố cùng Thăng là cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, bị đề nghị truy tố cùng tội danh với Thăng. Theo kết luận điều tra, “ông Thăng vai trò Bộ trưởng khi đó, là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Ông Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí”.

Đinh La Thăng lúc ra tòa xử sai phạm PVN. Ảnh: PLTP

Về chi tiết sai phạm của Thăng trong vụ cao tốc Trung Lương, báo Người Lao Động viết: Ông Đinh La Thăng chỉ đạo để công ty của Út “trọc” thu phí cao tốc TP HCM – Trung Lương. Tin cho biết, vào tháng 2/2012, sau khi được “Thủ tướng X” đồng ý chủ trương bán quyền thu phí cao tốc Trung Lương, Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh, Tổng GĐ Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, chỉ đạo để cho Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”, là công ty đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, được mua quyền thu phí.

Về sai phạm của cựu thuộc cấp của Thăng, báo Tuổi Trẻ có bài: Cựu thứ trưởng Bộ GTVT vi phạm để Út ‘trọc’ chiếm đoạt hơn 725 tỉ. Nguyễn Hồng Trường bị xác định “đã ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí, nhưng không thông qua hội đồng xác định giá, hoặc thuê tổ chức thẩm định giá”.

Cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Tuấn Phùng/ TT

Ông Trường còn ký quyết định cho phép Hội đồng bán chỉ định khi chỉ có một người tham gia đấu giá và trả giá bằng giá khởi điểm, nghĩa là hợp thức hóa toàn bộ quá trình giao quyền thu phí dự án cao tốc vào tay Út “trọc”. Đến lượt Út “trọc” thì làm giả báo cáo tài chính, chiếm của Nhà nước khoảng 725 tỉ.

Bị can Đinh Ngọc Hệ bị xác định có hành vi chiếm đoạt hơn 725 tỉ của Nhà nước. Ảnh: Nam Trần/TT

Trong số các cựu quan chức CSVN bị đấu tố chính trị, hiếm ai phải chịu kết cục thê thảm như Đinh La Thăng. Chỉ riêng vụ sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, ông Thăng đã phải ra tòa 3 lầnPhiên sơ thẩm lần một từ ngày 8/1/2018, phiên sơ thẩm lần 2 từ ngày 19/3/2018, phiên phúc thẩm từ ngày 8/5/2018.

Cả 3 lần ra tòa thì đủ 3 lần phía tòa án bác bỏ hết mọi nỗ lực tự bào chữa của Thăng. Chưa hết, đến ngày 20/1/2019, Thăng tiếp tục bị khởi tố trong vụ sai phạm ở nhà máy Ethanol Phú Thọ, vụ này kéo dài đến nay vẫn chưa dứt điểm, thì bây giờ thêm vụ cao tốc Trung Lương.

Còn nhớ, ở giai đoạn cuối phiên sơ thẩm lần 2 vụ sai phạm ở PVN, Thăng đã phải van xin các “đồng chí” của ông ta rằng: “Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người”. Đáp lại lời van xin của Thăng là hết phiên xử này tới vụ khởi tố khác, quá đủ cho thấy “cái tình” của những đảng viên CSVN đối với các “đồng chí” ngã ngựa của họ lạnh lùng và tàn khốc thế nào.

Đó là chưa nói, hầu hết sai phạm của Thăng đều liên quan đến mấy “quả đấm thép kinh tế” được khởi động từ thời “đồng chí X”. Từ năm 2016, “đồng chí X” thất thế nhưng vẫn là người không phải Tổng Trọng muốn đụng là đụng, mà chỉ có Thăng và một số thuộc hạ của “đồng chí X” trở thành “vật tế thần” đúng nghĩa.

Mời đọc thêm: Án chồng án, ông Đinh La Thăng lại tiếp tục bị truy tố (GDTĐ). – Ông Đinh La Thăng khai gì về sai phạm tại cao tốc TP.HCM? (PLTP). – Ông Đinh La Thăng ‘chủ mưu sai phạm’ ở cao tốc Trung Lương(VNE). – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng ‘bút phê’ gì trong vụ ông Đinh La Thăng?(TP). – Cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường sai phạm ra sao? (LĐ). – Cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã tiếp sức cho Út “trọc” như thế nào? (VOV). – Út ‘trọc’ chiếm đoạt hơn 700 tỷ từ vi phạm của cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường(VNN).

Vẫn để công dân Cyprus làm ĐBQH?

Vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus được làm rõ qua bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 25/8, đến nay đã gần một tuần trôi qua, không thấy động tĩnh gì từ phía Quốc hộ Việt Nam, nghĩa là ông Quốc hiện vẫn còn là ĐBQH dù có 2 quốc tịch! 

Báo Lao Động có bài: Trả lại danh dự cho “công dân Síp” Phạm Phú Quốc, nếu như…!Bài báo nhắc đến một nỗi lo của người lao động VN: “Thu nhập bình quân của người dân Việt Nam 2.110 USD và mỗi người dân phải gánh nợ công hơn 1.300 USD”, nỗi lo mà những người có thể bỏ ra hàng chục tỉ mua quốc tịch nước ngoài như ông Quốc không thể hiểu.    

Số tiền ông Quốc bỏ ra mua quốc tịch, “nó bằng thu nhập 90 năm của cán bộ công ty Tân Thuận. Nó gấp 2,5 lần số tiền 23,167 tỉ đồng mà 27.297 người dân Nam Trà My, quê hương Hồ Ánh Khiết làm lụng quần quật suốt 6 tháng 2020”. Cho nên, phải làm rõ nguồn gốc của số tiền mua quốc tịch, xem “số tiền siêu to siêu khổng lồ ấy có phải bòn trên những đôi vai, của Khiết chẳng hạn”.

Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi về vụ lấy quốc tịch Cyprus: Tổ quốc ở nơi đâu trong lòng anh?Trong bài có đoạn chua chát: “Không thể chối cãi một thực tế: những gì mà ông Quốc có được hôm nay là do đất nước này mang lại, do chế độ này mang lại! Nhưng cuối cùng ông lại chọn một phú quốc bên trời Âu chứ không phải sống chết trên đất nước mình!” Đó là sự thật chua chát đằng sau những lãnh đạo mà bộ máy tuyên truyền của chế độ luôn ca tụng, là những kẻ miệng chửi tư bản nhưng luôn sẵn sàng đưa gia đình sang các nước tư bản để trú thân. 

Báo Tiền Phong có bài: Ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp từng gửi đơn xin thôi nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội. Chiều nay, ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ TP HCM xác nhận rằng, năm 2018, ông Phạm Phú Quốc từng có đơn xin thôi nhiệm vụ: “Đơn xin thôi nhiệm vụ của anh Quốc là về việc khác chứ không phải việc anh ấy có hai quốc tịch”

Ông Khuê cũng xác nhận rằng, lãnh đạo thành Hồ vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo để xử lý những vấn đề liên quan đến thông tin ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Công hòa Cyprus. Tại sao cứ phải níu kéo một người đã chuẩn bị sẵn đường “hạ cánh” như ông Quốc, chẳng lẽ Quốc hộ Việt Nam không chấp nhận chuyện có thêm một thành viên từ bỏ “thiên đường” XHCN về với “Tư bản giãy chết”?

Mời đọc thêm: Đại biểu Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp nên xin thôi nhiệm vụ — Sau vụ ĐBQH có quốc tịch Síp, TPHCM ‘nhắc’ lãnh đạo DN nhà nước tuân thủ pháp luật(TP). – Nguyên tắc một quốc tịch Việt Nam: Khi nào công dân Việt Nam có hai quốc tịch? (PL Plus). – Có cán bộ nhìn ngoài tưởng “đỏ” nhưng thực chất còn “xanh”(Thanh Tra). – Sâu, Bướm và “Ngài”(GDVN). 

***

Thêm một số tin: Bệnh nhân Covid-19 thứ 33 tử vong (VNE). – Thêm 4 ca mắc Covid-19, công bố ca tử vong thứ 34 (VNN). – Vụ pate Minh Chay: TP.HCM cảnh báo 1.290 khách hàng (PLTP). – TP HCM: Kiểm tra kho hàng, phát hiện 80.000 khẩu trang nhập lậu từ Trung Quốc (PL Plus). – Vẫn chưa ngã ngũ vụ cảnh sát hình sự bắn chết người tại trường gà (NLĐ). – Vụ “thông tin bẩn” trường đại học: Thực hư ĐH Duy Tân liên quan? (GT). 

Lính đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng… lạc sang Việt Nam?!

 

Lính đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng… lạc sang Việt Nam?!

BTV Tiếng Dân

Sự xuất hiện của hàng loạt bức tượng mô phỏng binh sĩ đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở Lâm Đồng đã khiến cư dân mạng bất bình trong tuần vừa qua. Facebooker Lê Văn Quy cho biết“Mấy ngày gần đây, có rất nhiều xe chở các tượng đất nung giả binh lính dưới hầm mộ Tần Thủy Hoàng đi về phía Lâm Đồng, mà theo như người dân cho biết, đây là công trình du lịch của người Tàu đầu tư”

Xe chở tượng đất nung giả binh lính dưới hầm mộ Tần Thủy Hoàng đi về hướng Lâm Đồng, biển xe Bình Dương. Ảnh: FB Lê Văn Quy

Facebooker Lê Văn Quy lưu ý: “Chúng ta biết rằng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở phía bắc núi Ly Sơn thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Trong đó hai chữ Lâm Đồng trùng với tên tỉnh Lâm Đồng của việt Nam, cho nên việc đem tượng các binh lính đất nung thời Tần Thủy Hoàng lên Lâm Đồng không đơn giản chỉ là chuyện làm du lịch mà có thể là một phép trấn yểm về mặt tâm linh và lâu dài thì tuyên truyền rằng đây cũng là đất của Tàu như kiểu nhận vơ Ngũ Hành Sơn”.

Nhà báo Hoàng Linh bình luận“Đội quân của Tần Thủy Hoàng đang hành quân cả ngày lẫn đêm đến đâu vậy? Có vẻ như đang có một sự phối kết hợp, công khai bản đồ VN không có Hoàng Sa, Trường Sa trong hội nghị. Chiếu phim có đường  lưỡi bò và diễn viên chính công khai quan điểm xâm lược. Các cơ quan chức năng thì xuôi xị”.

TS Nguyễn Ngọc Chu viết: Phải xóa sổ nước Tần trên đất Lâm Đồng. Ông Chu cảnh báo: “Lâm Đồng có thể cho xây Công viên Disneyland mà Lâm Đồng không trở thành lãnh thổ của Hoa Kỳ. Lâm Đồng có thể cho xây Tháp Eiffel mà Lâm Đồng không trở thành lãnh thổ của Cộng hoà Pháp. Nhưng nếu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho phép người Trung Quốc xây Vạn Lý Trường Thành ở Lâm Đồng, cho phép lập mộ Tần Thuỷ Hoàng ở Lâm Đồng, thì đến một lúc Lâm Đồng sẽ trở thành một phần lãnh thổ của Trung Quốc”.

Xe chở tượng binh lính đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng hướng về Lâm Đồng. Ảnh: FB Nguyễn Ngọc Chu

Hầu hết báo “lề đảng” im lặng trước cảnh người dân bất bình về sự xâm lăng văn hóa này, chỉ có báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: ‘Tượng Trung Quốc chuyển về Đà Lạt’ là tượng của khu du lịch Đại Nam? Tin cho biết, “toàn bộ 230 tượng nói trên do ông Ngô Quang Phúc – chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Liên Minh (Liên Minh Group, trụ sở tại Đà Lạt) – mua lại từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương)”. Ông Phúc khẳng định, số tượng nói trên mô phỏng lính Việt Nam thời phong kiến, chứ không phải lính TQ.

Phản biện lại lời thanh minh trên, nhà văn Nguyễn Đình Bổn viết: Binh tướng VN xuất thân từ… lò vôi! Ông Bổn cho biết: “Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tướng và binh sĩ Đại Việt không chơi giáp trụ vì chúng ta khí hậu nhiệt đới, vóc người lại nhỏ, mang giáp sắt vô thì… khỏi đánh đấm gì! Tôi thì nghĩ do bọn làm du lịch này dốt, thích lòe loẹt thôi chớ chắc không dám công khai thờ … Tần Thủy Hoàng lúc này đâu! Vụ yểm bùa chi đó nghe cũng… mắc cười! Hihi!”

Ở VN không chỉ có tượng đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng… mà còn có Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ. Ảnh: FB Lê Văn Quy

Cũng xin nhắc lại, Tần Thủy Hoàng là vua thứ 31 của nước Tần, đồng thời là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc, khởi đầu lịch sử phong kiến TQ kéo dài đến lúc nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912. Người đời sau khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng thì phát hiện khoảng 7.000 chiến binh đất nung.

____

Mời đọc thêm: Đà Lạt xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng (FB Lê Hoài Anh). – Nước Tần giữa Đà Lạt (FB Luân Lê). – Rước voi giày mả tổ (FB Phạm Minh Vũ). – Vì tinh thần dân tộc xin hãy chung tay chia sẻ! (FB Ngọc Nguyễn). – Phim trường mang tên “Tử cấm thành” với đội binh “Việt” nhưng trang phục nhái phim Tàu? (FB Hoàng Hưng).

Chuyện sức khỏe bác Tổng và sức khỏe lãnh đạo là thông tin … tối mật

 

Chuyện sức khỏe bác Tổng và sức khỏe lãnh đạo là thông tin … tối mật

BTV Tiếng Dân

31-8-2020

Quốc tang của ông Lê Khả Phiêu được tổ chức hơn hai tuần trước, nhưng không thấy bóng dáng ông Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban lễ tang. Từ đó tới nay, người dân không hề thấy mặt của người đang cùng lúc nắm giữ hai chức lãnh đạo cao nhất của chế độ. Sắp đến ngày Quốc Khánh, kỷ niệm 75 năm khai sinh chế độ, vẫn không thấy mặt mũi của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng trên truyền hình. 

Trong lúc người dân đang hoang mang, không biết sức khỏe của người đứng đầu đảng và nhà nước ra sao, còn sống hay đã chết, hôm nay ông Trọng công bố bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”. Báo Thanh Niên dẫn lời hứa hẹn của Tổng bí thư: ‘Phấn đấu giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển, định hướng XHCN’.

Trong bài, ông Trọng kêu gọi: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”.

Giữa thế kỷ 21, nghĩa là khoảng năm 2050, là giai đoạn mà các nhà khoa học đưa ra không ít cảnh báo khá bi quan, nổi bật nhất là lời dự báo về các hình thái khí hậu cực đoan ở các thành phố lớn mà con người chưa từng đối mặt.

Vợ chồng Christiana Figueres và Tom Rivett-Carnac là hai nhà vận động môi trường và đồng tác giả cuốn sách “Tương lai mà chúng ta lựa chọn”, đã đưa ra dự đoán về hậu quả con người phải nhận lãnh trong năm 2050nếu không giảm thiểu được khí thải nhà kính. Bây giờ là năm 2020 mà mùa hè đã có nhiều lúc nóng như thiêu, thì đến 2050, hạn hán và thiên tai càng khốc liệt.

Việt Nam là nước ven biển nên kiểu gì cũng chịu tác động của hạn hán và nước biển dâng. Nếu Tổng Trọng thật sự còn lo nghĩ cho dân, cho nước, thì bây giờ nên học tập lãnh đạo các nước khác, kêu gọi ý thức của người dân, chuẩn bị chấp nhận và thích nghi với thiên tai ngày càng khốc liệt, thay vì sống lơ lửng trên mây và mơ về ngày “VN phát triển định hướng XHCN”. Người lãnh đạo cao nhất của quốc gia mà không nhìn ra được thực tại, thì người dân còn biết trông cậy vào đâu?

Sức khỏe lãnh đạo là thông tin tối mật?!

Trong lúc người dân đang hoang mang, không biết sức khỏe của người đứng đầu đảng và nhà nước ra sao vì đã lâu không thấy ông Trọng xuất hiện, mà chỉ “buông rèm chấp chính”, hôm qua 30/8, các báo “lề đảng” đồng loạt đưa tin, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật.

Báo Người Lao Động có bài: Thông tin sức khỏe của ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư là tối mật. Bài báo dẫn quyết định 1295/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước, lĩnh vực Y tế, được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 24/8, đưa ra quy định như trên.

Ngoài ra, bài viết còn cho biết, “cùng nằm trong danh mục Tối mật là tên, nguồn gốc, độc lực, khả năng lây lan, đường lây của vi sinh vật mới phát hiện chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội”. Nghĩa là nếu có thông tin về một đại dịch tiềm tàng mới, thì dân cũng không được biết mà chỉ có lãnh đạo biết!

Trong khi bộ máy an ninh CSVN quyết giữ bí mật tình hình sức khỏe của các lãnh đạo cấp cao, để đến nỗi người dân giờ không biết Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước của họ giờ có tự đi lại nổi không hay vẫn ngồi xe lăn, thì bên Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và công khai lý do là căn bệnh đường ruột kinh niên của ông ngày càng nặng.

Một chế độ tự xưng là “của dân, do dân và vì dân” thì người dân lại không có quyền được biết tình trạng của người cầm quyền, còn ở xứ “tư bản giãy chết” thì Thủ tướng trung thực với dân, công khai bệnh trạng của mình, sẵn sàng từ chức vì cho rằng mình không đủ sức để tiếp tục cương vị lãnh đạo.

Nhà văn Trần Quốc Quân bình luận“Để đáp lại thái độ ‘sợ trách nhiệm’ của thủ tướng Nhật, thủ tướng Việt Nam vừa ký quyết định xếp ‘Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thuộc danh mục bí mật nhà nước mức độ tối mật’. Ý chí cách mạng là phải tiến công, cống hiến đến hơi thở cuối cùng. Chứ đâu như bọn tư bản giãy chết, mới có tí khó là tìm cách thoái thác nhiệm vụ rồi”.

Nhà báo Lưu Trọng Văn lưu ý, quyết định nói trên lại do Thủ tướng ký: “Theo gã việc bí mật sức khoẻ của lãnh đạo đảng trong danh sách nêu trên là việc nội bộ của đảng phải do tổng bí thư hoặc thường trực ban bí thư ban hành cho nội bộ đảng viên thi hành chứ không thể do thủ tướng ban hành được. Việc thủ tướng ban hành quyết định này là can dự không đúng vào công việc nội bộ của một tổ chức đảng phái”.

Cũng theo ông Văn, “sức khoẻ của chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội là nguyên thủ quốc gia thì phải minh bạch công khai. Nguyên thủ quốc gia lãnh đạo Dân, Dân phải được quyền giám sát năng lực, khả năng lãnh đạo của các vị ấy thế nào. Đó là quyền của Dân!”

Mời đọc thêm: Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới (VNN). – Tổng bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng Quốc vương Malaysia (Zing). – Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt tại lễ mừng quốc khánh(NV).

– Thông tin sức khỏe Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư là “tối mật” (LĐ). – Hồ sơ bệnh án của lãnh đạo cấp cao là ‘tối mật’(TT). – CSVN vẫn coi bệnh án của giới lãnh đạo chóp bu là ‘tối mật’ (NV). – Đằng sau quyết định từ chức của Thủ tướng Abe(Zing). – Shinzo Abe rút lui chính trường, sự ổn định của châu Á – Thái Bình Dương bị đe dọa? (RFI). – Nhật Bản sẽ có tân thủ tướng ‘trong vòng một tuần’? (BBC).

Rằm tháng Bảy, bàn về giải oan

 

Rằm tháng Bảy, bàn về giải oan

Trịnh Khả Nguyên

31-8-2020

Ngày 15 của các tháng âm lịch gọi là rằm, còn tại sao gọi như thế thì người viết … chịu. Một năm âm lịch có bao nhiêu tháng thì có bấy nhiêu ngày rằm. Những người Việt Nam, Trung Quốc “thờ cúng” thường cúng rằm, cúng những vong linh, (âm hồn, cô hồn) không được ai giỗ kỵ. Lễ nầy đơn giản hơn giỗ.

Ngoài cúng rằm, còn nhiều lễ cúng khác như cúng mồng một (đầu tháng âm lịch), cúng đất, cúng mừng (nhà mới, lên chức, trúng quả), cúng dâng sao giải hạn, giải oan… Cúng âm hồn, linh hồn người chết, là một cách, còn cách “cúng cô hồn sống” nữa, cách nầy không thắp hương, thắp đèn chỉ cần cao lễ.

Cúng có nhiều mục đích, để kính các vị đã khuất và cầu được che chở bình an, may mắn, biết đâu, mục đích sau là chính. Cúng thì khấn dù khấn nôm na hoặc khấn theo văn sớ bằng chữ Hán –Việt, có mẫu in/ bán sẵn, đều có nội dung xin được các vị chứng giám và phù hộcho người lễ cúng.

Trong cuộc sống, ai chẳng cầu được tốt hơn. Người chịu bất hạnh, nghèo khó, bị bệnh hiểm nghèo, bị oan ức, bị áp bức bất công… cầu mong được thoát các cảnh trên là lẽ thường.

Người giàu, người đang có địa vị, có quyền thế cũng cầu. Nếu đang ở vị trí tốt thì xin được cho vững hoặc tiến lên vị trí trên. Làm cấp nhỏ mong sẽ làm cấp lớn hơn, đang ngồi ghế thấp, ngấp nghé cái ghế cao hơn, đang có địa vị trong nước lại lo tạo cơ ngơi ở nước ngoài. Làm đời cha chưa đủ, phải cơ cấu đời con nối tiếp. Làm một nhiệm kỳ, chưa đạt, phải làm nhiều nhiệm kỳ, làm suốt đời.

Việc cúng kính đã có tự bao giờ, tuy nhiên nó cũng theo thời thế mà thay đổi. Có thời việc cúng kính là nghi lễ bình thường. Thời khó khăn, lo cho miếng ăn chưa đủ, “cha chết, không bằng hết ăn”, lấy đâu lo việc tâm linh, phần khác vì xu thế. Đến thời đổi mới, mọi lễ nghi mỹ tục, hủ tục được khôi phục lại. Các buổi chợ, vào những ngày mồng một, rằm, bán đầy hoa quả, vàng mã. Các, dịch vụ về nghi thức cúng, phát huy hết công suất. Người người cúng, nhà nhà cúng, người hiền cúng, người ác cũng cúng. Anh “duy tâm” cúng cầu, đã đành, anh “duy vật” cũng cúng cầu nữa. Là thế nào? Lẽ nào hết tin vào dương, nên phải tin vào âm?

Có câu tục ngữ “Rằm tháng giêng, ai siêng thì quảy (cúng)/ rằm tháng bảy kẻ quảy người không/ rằm tháng mười, mười người mười quảy”. Xem vậy, việc cúng (quảy) rằm tháng bảy không đại trà, to lớn, quan trọng hơn các rằm khác, nhưng rằm tháng bảy đặc biệt hơn các rằm khác vì dân gian cho rằng, tháng bảy là tháng cô hồn, cửa địa ngục mở, các vong linh được trở lên dương thế, “tháng bảy, ngày rằm xá tội vong nhân”. Do đó người ta cúng các âm hồn, cô hồn vừa để “kính mời”, vừa để cầu xin.

Một quan niệm khác xem tháng bảy, mà cao điểm là ngày rằm, là mùa báo hiếu. Người ta cầu cho vong linh các người thân (cha mẹ, ông bà cả con cháu) được siêu thoát, âm siêu thì dương mới thái.

Dù cho rằm tháng bảy là lễ cúng cô hồn hay lễ báo hiếu, thì các lễ nầy đều nhằm giải oan cho người đã khuất. Về tình cảm, đây là điều đáng quý của người bên nầy đối với người bên kia. Người ta chỉ phê phán các biến tướng (hiện có) như đàng tràng, xây dựng tượng đài, cơ sở thờ cúng to rộng nguy nga, tổ chức các lễ hội, các tour du lịch tâm linh. Thấy vậy, nên nhiều người than: “thời mạt pháp”.

Giải oan như thế nào? Với các người đã chết, cách thường thấy là cúng giải oan, giải nghiệp. Nhưng vua Lê Thánh Tông lại viết: “Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt/ Giải oan chi mượn đến đàng tràng…” (Đề miếu Nàng Trương).

Tạm hiểu, chỉ có vầng nhật – nguyệt (công lý) mới sáng tỏ trắng – đen, chứ không phải dùng đàng tràng cúng cầu mà giải oan được. Vua vừa là người hiểu rõ các triết lý Á Đông, kinh sách Thánh hiền vừa là nhà cai trị, nhà luật học nổi tiếng, nhưng Ngài tin rằng giải quyết oan sai chỉ có công lý.

Vẫn biết, người chết dù có phục hồi danh dự, có gì thì cũng không thể sống lại. Biết bao cái chết tập thể, cá nhân cần được làm sáng tỏ, không phải để “bắt đền” mà để người chết, được minh oan, công lý được tôn trọng. Biết bao nhiêu người đang sống bị oan khiên, đọa đày, sống chẳng khác gì chết. Giải oan cho họ là trả lại cho họ quyền được làm người bình thường.

Các vụ giết oan, xử oan khá nhiều. Vụ án Nguyễn Thị Lộ, tức thảm án Lệ Chi Viên xảy ra vào năm Nhâm Tuất (1442), dẫn đến cái chết của vợ chồng bà và cái án tru di tam tộc cho dòng họ Nguyễn Trãi. Sở dĩ như vậy vì sự mục nát của triều đình nhà Lê lúc bấy giờ, lại thêm bọn nịnh thần ganh ghét tài năng, công trạng của Nguyễn Trải. Về sau chính triều đình nhà Lê giải oan cho vụ nầy.

Ông Thái Kế Toại có viết “Kể chuyện giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang” Thái Kế Toại, tức Lê Hoài Nguyên một đại tá an ninh chuyên trách về Nhân văn Giai phẩm. Ông Lê Hoài Nguyên cho rằng Nguyễn Hữu Đang, một người có công đầu tiên dựng lễ đài cho ngày 2/9/1945, sau đó bị kết án oan cùng với một số người trong Nhân văn Giai phẩm, khiến họ sống mà như chết. May, về sau các ông được (âm thầm) giải tỏa.

Đọc lại thấy thương các nạn nhân. Những người bị mắc oan, dù đã chết hay còn sống cần được giải oan. Nhưng những kẻ đã gây ra oan khiên cho người khác thì thế nào? Có hai thái độ, nhận lỗi hay chạy lỗi.

Nhận lỗi do tự giác hay bị tố. Trong vụ án ông Trần Văn Thêm bị xử tội giết người, bị kêu án tử hình. Đang chờ ngày thi hành án, may quá thủ phạm đích thị tự giác ra đầu thú. Ông Thêm thoát án.

Trong cuộc chiến trước 75 có biết bao nhiêu người đã chết oan do tên bay, đạn lạc, do nghi ngờ, do giết lầm. Vụ thảm sát Mỹ Lai, Quãng Ngãi là tội ác của một sĩ quan Mỹ, chuyện nầy chẳng ai tố cáo. Dù thế, sau một thời gian, chính một người Mỹ khác đã đưa vụ nầy ra ánh sáng. Và viên sỹ quan gây tội phải ra trước tòa “cúi đầu nhận tội”.

Nhiều nước đã lên án chính sách tàn bạo, quân phiệt của Nhật trong thế chiến 2. Các thủ tướng Nhật không biện bạch, bao che mà đã “lấy làm tiếc”.

Còn một số gây tội nhưng dững dưng như vô tội, không hề nói về việc đã làm, hoặc cho rằng chẳng ai chịu trách nhiệm “trong vụ ấy”.

Chương trình thời sự VTV lúc 19h ngày 11.8.2016, mục “giảm án oan sai”, nói về việc ông Trần Văn Thêm ở Yên Phụ, Bắc Ninh bị kết án tử hình oan do bị bức cung. Rất may, bản án chưa “được” thi hành. Nhưng ông đã ở tù 41 năm, gần hết một đời. Ngoài ông Thêm còn có nhiều ông chịu cảnh tương tự. Chuyện bức xúc, đến nhà đài cũng cho rằng “Để tỷ lệ án oan sai giảm, một yếu tố cần đặt lên hàng đầu là đảm bảo quyền con người, những giá trị của người dân được tôn trọng và nhìn nhận một cách đúng đắn”.

Hiện tại, vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án quá đặc biệt, ai theo dõi cũng hỏi tại sao, tại quan tòa, tại chưa đủ chứng cứ, tại thế nầy, thế kia?

Báo hiếu cho ông bà, cha mẹ, người thân còn sống hay đã chết, cầu nguyện cho các vong linh là bổn phận thường xuyên của con cháu, cần tấm lòng, cứ gì phải “ngày” nào. Rằm tháng bảy chỉ là dịp nhắc nhở.

Còn việc giải oan cho người sống, cả cho người đã chết cần có công lý.