Xác suất giúp gì cho Hồ Duy Hải?
8-5-2020
Hôm nay là ngày thứ 3 của phiên ‘Giám đốc thẩm’ vụ án Hồ Duy Hải, kết cục có thể làm cho đám đông thở phào hoặc gây ra căm phẫn trong công chúng. Trong vụ án có một nhân vật tên Nghị được cho là tình nhân của nạn nhân. Trong note này tôi muốn y văn để ước tính xác suất sát hại tình nhân với điều kiện có tiền sử ghen tuông. Biết được xác suất này thì chúng ta sẽ hiểu tại sao Hồ Duy Hải vô tội.
Fb nhắc tôi rằng đúng ngày này (8/5) 2 năm trước, tôi có cơ duyên nói chuyện tại Đại học Luật Hà Nội về nghiên cứu khoa học trong lãnh vực luật học. Tôi có nhắc đến những sai lầm chết người trong toà án về kết tội oan nạn nhân vì hiểu sai xác suất. Tôi nghĩ vụ án Hồ Duy Hải cũng có thể tiếp cận qua xác suất, và hi vọng thông tin dưới đây cung cấp một khía cạnh khoa học liên quan đến ghen tuông và sát hại tình nhân.
1. Vụ án Hồ Duy Hải
Tôi cố gắng theo dõi vụ án Hồ Duy Hải, nhưng thông tin và dữ liệu có khi lẫn lộn. May mắn thay, tờ saigonnhonews.com [1] có loạt bài hệ thống hoá lại những sự kiện liên quan rất dễ hiểu. Ở đây, tôi chỉ chỉ tóm tắt, trước là cho tôi hiểu, sau là chia sẻ cùng bạn đọc.
Tóm tắt diễn biến:
• Thời điểm: 13/1/2008; địa điểm: bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An.
• Bị cáo là Hồ Duy Hải (sanh năm 1985) bị kết tội là đã giết hai nữ nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987).
• Xử sơ thẩm 2008 (ở Long An) và phúc thẩm 2009 (TPHCM), HDH bị kết án tử hình. Gia đình bị cáo kêu oan.
• Năm 2011, Viện Trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án.
• Năm 2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Nhưng bị công chúng trong và ngoài nước phản đối dữ dội, Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
• Ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.
• Ngày 6/5/2020 đến 8/5/2020 phiên tòa Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải được diễn ra tại tụ sở toà án tối cao (Hà Nội) dưới sự chù trì của Chánh Án TAND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, người đã từng ra quyết định không kháng nghị vụ án này năm 2011.
Vụ án này có nhiều điều bất thường mà các luật sư và báo chí đã chỉ ra:
• Bất thường thứ nhứt là dấu vân tay tại hiện trường không trùng khớp với 10 dấu vân tay của bị cáo Hồ Duy Hải. Biên bản ghi rõ: “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”.
• Bất thường thứ hai là nhân chứng Đinh Vũ Thường không nhìn thấy bị cáo: “Tôi xác định, chiếc xe tôi nhìn thấy tại Bưu điện Cầu Voi tối ngày 13/1/2008 là loại xe Dream cao. Tòa án không mời tôi tham dự phiên tòa. Tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà thôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi”.
• Bất thường thứ ba là ‘nhân tạo’ vật chứng. Theo cáo buộc, bị cáo dùng thớt đánh vào mặt và dùng dao giết nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, rồi dùng ghế xếp bằng inox và dao giết nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân. Nhưng những vật chứng này không được thu giữ. Cơ quan điều tra cho người mua mới những vật chứng này (dao, thớt, ghế inox) để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.
Có một nhân vật gần như bí ẩn trong vụ án này là Nguyễn Văn Nghị (sanh năm 1978) và Nguyễn Mi Sol. Nhân vật Sol có quan hệ tình cảm như vợ chồng với nạn nhân Ánh Hồng. Ánh Hồng vẫn đeo nhẫn cưới do Sol tặng. Biên bản ngày 21/6/2008, Sol cho biết: “Sau khi lên TP.HCM thì tôi cũng thường xuyên về bưu điện sống chung như vợ chồng với H. Trung bình cứ 1 tuần thì về 1 ngày. Thời gian gần nhất trước khi Hồng và Vân bị giết, về bưu điện vào ngày thứ Tư 9/1 đến sáng thứ Năm 10/1 tôi mới đi TP.HCM làm tiếp”.
Nhân vật Nghị cũng có liên hệ tình cảm với nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Qua nhiều nguồn nhân chứng thì nhân vật này có mặt trong đêm xảy ra án mạng, và sau khi án mạng xảy ra nhân vật Nghị đã bỏ trốn. Trước đó, Nghị đã đến Bưu điện Cầu Voi và “nhìn thấy 1 thanh niên đang nói chuyện với Hồng, Nghị ghen tức, nóng giận. Nghị đã bỏ ra ngoài uống cà phê mà không vào bên trong.” Lại có thông tin rằng “Nghị nghiện ma túy, có mối quan hệ nam nữ phức tạp”.
Đồng nghiệp của 2 nạn nhân là Hiếu cho biết đã từng gặp Nghị và Sol nhiều lần ở Bưu điện Cầu Voi, và biết rằng hai người này có quen với Ánh Hồng. Nhân chứng Hiếu còn cho biết rằng chị chưa bao giờ nghe Hồng hay Vân nhắc đến Hồ Duy Hải, và chưa bao giờ gặp Hải tại Bưu điện Cầu Voi.
Nhưng sau khi phiên toà diễn ra vào năm 2008 thì danh tánh của nhân vật Nghị hoàn toàn không được nhắc tới. Tuy nhiên, mẹ Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan cùng luật sư bào chữa cho Hải nhiều lần làm đơn tố giác Nghị là thủ phạm giết người.
2. Vụ án OJ Simpson
Là người ngoài cuộc và chỉ là độc giả, nhưng chẳng hiểu sao tôi bị lôi cuốn vào vụ án. Dường như có linh tính cho rằng Hồ Duy Hải vô tội. Có khi chỉ nhìn hình ảnh của anh ta, hình của bà mẹ và cô chị gái thấy họ là những người nhân hậu, và những hình ảnh đó không phù hợp với một kẻ sát nhân. Dĩ nhiên, đó chỉ là cảm nhận cá nhân, chớ trước toà thì những cảm nhận đó chẳng có giá trị gì.
Ngoài linh tính mách bảo, đọc qua những chứng cớ như trình bày ở trên, rõ ràng chẳng có lí do gì kết tội Hồ Duy Hải. Cái chứng cớ quan trọng nhứt là dấu vân tay ở hiện trường không phải là của Hải. Còn các chứng cớ phải đi chợ để mua về làm tang vật để kết tội người ta thì chắc chỉ có ở Việt Nam, nơi mà công lí có vẻ gắn liền với hệ thống công an. Nếu ở nước ngoài thì Hồ Duy Hải đã được trả tự do lâu rồi.
Đọc qua vụ án này tôi chợt liên tưởng đến những vụ án bên Mĩ có liên quan đến quan hệ tình cảm. Chẳng hạn như vụ án OJ Simpson [2], là một cầu thủ nổi tiếng, bị cáo buộc là giết vợ cũ là Nicole Brown và bạn của vợ cũ là Ron Goldman vào năm 1995. Công tố viên trình bày chứng cớ cho thấy:
• máu tìm thấy ở hiện trường trùng khớp với máu của Simpson;
• Simpson từng có ‘tiền án’ bạo lực với vợ;
Luật sư biện hộ cho Simpson, Alan Dershowitz, lí giải rằng trong số hàng ngàn người chồng bạo hành với vợ, chỉ có 1 ca là dẫn đến giết vợ (“Only one in a thousand abusive husbands eventually murder their wives.”) Nói cách khác, vì xác suất rất thấp, nên khả năng cao là Simpson vô tội. Ngoài ra, còn có chứng cớ về đôi vớ ở hiện trường không vừa chân Simpson. Bồi thẩm đoàn bầu 10/12 rằng Simpson … vô tội.
Quyết định của toà án làm cả thế giới ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng hơn vì cách lí giải về xác suất hoàn toàn sai lầm của luật sư. Hầu như các chuyên gia về DNA và xác suất đều cho rằng Simpson đã giết vợ. Chẳng hạn như theo tính toán của Giáo sư Gerd Gigerenzer, xác suất một người từng có tiền án bạo hành giết vợ nếu vợ đã chết là 8/9 hay xấp xỉ 90% (“the chances that a batterer actually murdered his partner, given that she has been killed, is about 8 in 9 or approximately 90%” [3]). Nói cách khác, trong số 100 người vợ đã chết, thì khoảng 90 trường hợp là do chồng bạo hành và giết chết.
3. Ghen tuông và giết người
Tôi chợt liên tưởng vụ án Hồ Duy Hải đến một vấn đề xã hội: mối liên quan giữa ghen tuông và giết người trong các mối quan hệ tình cảm. Ở Việt Nam thì chắc chưa có hay ít có những nghiên cứu về mối liên quan này, nhưng ở nước ngoài thì có nhiều. Kết quả những nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta nhiều con số quan trọng để suy luận về vụ án Hồ Duy Hải.
Một nghiên cứu công bố trên JAMA năm ngoái [4] cung cấp vài thông tin rất hay. Từ 2003 đến 2016, có 1039 ca tử vong liên quan đến tình cảm lứa đôi. Trong số này, 72% là thủ phạm có quan hệ tình cảm thân thiết với nạn nhân.
Một báo cáo khác của CDC (Mĩ) cung cấp những con số như sau [5]:
• Tính từ 2003 đến 2014, có 10,018 phụ nữ Mĩ bị sát hại, tính trung bình là 2 trên 100,000 phụ nữ;
• 55% những trường hợp bị sát hại là liên quan đến tình cảm đôi lứa;
• Trong số 4442 trường hợp bị sát hại có liên quan đến tình cảm đôi lứa, 93% là do người tình thực hiện;
Tỉ lệ giết người ở Việt Nam là bao nhiêu? Theo trang wiki và vài nguồn khác thì tỉ lệ này là 1.5 trên 100,000 dân [6] (thấp hơn Mĩ với tỉ lệ 2 trên 100,000 dân). Năm 2019, Việt Nam có 4,113,628 phụ nữ tuổi từ 10 trở lên. Với tỉ lệ này, chúng ta kì vọng rằng mỗi năm có khoảng 63 phụ nữ bị sát hại.
Gọi G là sự kiện người tình giết nạn nhân; B là bạo hành hay ghen tuông; và C là nạn nhân chết. Chúng ta muốn tính P(G | B, C). Có thể ước tính xác suất này một cách dễ dàng bằng công thức sau:
P(G | B, C) = P(G | B) * P(C | G, B) / [P(G | B) * P(C | G, B) + P(C | B, notG) * P(notG | B)]
nhìn thì lộn xộn nhưng thật ra khá đơn giản và chỉ là xác suất có điều kiện (Bayes). Chúng ta biết rằng:
• Xác suất bị giết nếu có bạo hành hoặc ghen tuông: P(G | B) = 1 / 2500 = 0.0004
• Xác suất không bị giết nếu có bạo hành, ghen tuông: P(notG | B) = 0.9996
• P(M | G) = P(G | M) = 1
• Xác suất không bị giết nếu có bạo hành, ghen tuông: P(notG | B) = 0.9996
• P(M | G) = P(G | M) = 1
Từ đó, có thể tính được P(G | B, C) = 0.997. Nói cách khác, xác suất một tình nhân giết nhân tình với điều kiện tình nhân đã từng có tiền sử bạo hành / ghen tuông và nhân tình đã bị giết là 99.7%.
Vấn đề là tìm tình nhân của nạn nhân, và chỉ có 2 người là Nghị và Sol. Nhưng hình như Sol không có dính dáng vào vụ sát hại. Còn nhân vật Nghị thì … biệt tin.
Quay lại trường hợp Hồ Duy Hải, anh này không phải là tình nhân của hai nạn nhân, cũng chẳng có tiền sử bạo hành hay ghen tuông. Quan trọng hơn là chẳng có chứng cớ gì để liên hệ anh ta vào vụ sát hại.
____
[1] https://saigonnhonews.com/thoi-su/tin-news/vu-an-ho-duy-hai-ky-1-phien-giam-doc-tham-se-co-cong-ly
[3] Gigerenzer, G., Reckoning with Risk: Learning to Live with Uncertainty, Penguin, (2003)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét