Vụ án Huệ Như chống BOT bẩn làm lộ rõ quy trình “án bỏ túi”
Hiếu Bá Linh, tổng hợp
9-5-2020
9-5-2020
Hôm qua ngày 8/5, Tòa Án Nhân Dân huyện Sóc Sơn, Hà Nội mở phiên tòa xét xử bà Đặng Thị Huệ (Huệ Như) và ông Bùi Mạnh Tiến đấu tranh phản đối BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài. Tòa đã tuyên án bà Huệ 42 tháng tù (18 tháng tù, cộng 2 năm tù treo trước đây) và Tiến 15 tháng tù với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng”.
Theo hồ sơ vụ án, bà Huệ và ông Tiến gây rối trật tự tại BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài, có một văn bản nằm tại Bút lục 269. Đó là Văn bản số 54/CV-LNNC:
Văn bản này là của “Liên ngành nội chínhhuyện Sóc Sơn”, nhưng nó không phải là một cơ quan. Trong hệ thống hành chính và hệ thống chính trị của Việt Nam, không có một cơ quan nào hoặc văn phòng nào mang tên “Liên ngành nội chính”.
Văn bản số 54/CV-LNNC được 3 cơ quan sau đây ký tên và đóng dấu:
– Toà án huyện Sóc Sơn (Chánh án Nguyễn Mậu Trường ký tên);
– Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn (Phó Viện trưởng Hoàng Văn Long ký tên);
– Cảnh sát điều tra Công an huyện Sóc Sơn (Phó Thủ trưởng Thượng tá Nguyễn Văn Quyền).
Ba cơ quan này thường được gọi là “ba ngành nội chính”.
Như vậy “Liên ngành Nội chính” có nghĩa là “Ba ngành nội chính” gồm có cơ quan cảnh sát điều tra, viện kiểm sát và tòa án. Đó là các cơ quan tiến hành tố tụng, là các thiết chế của tư pháp.
Nội dung của văn bản số 54/CV-LNNC, ghi kết quả cuộc họp ngày 14/10/2019 của liên ngành nội chính huyện Sóc Sơn. Lãnh đạo ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã họp bàn về việc “xác định án điểm” (được ghi rõ trên tiêu đề của văn bản), và đã thống nhất Quyết định chọn Huệ Như & Bùi Mạnh Tiến làm án điểm. Vụ án được đưa ra xử điểm tại địa phương “để tuyên truyền phòng ngừa cho loại tội phạm này“, tức là để răn đe.
Văn bản có đoạn: “Để tuyên truyền phòng ngừa cho loại tội phạm này. Ngày 14/10/2019 Lãnh đạo ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã họp Quyết định đưa vụ án trên ra xử điểm tại địa phương. Ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn báo cáo CATP Hà Nội, VKSND TP Hà Nội, TAND TP Hà Nội biết và quan tâm chỉ đạo”. Xem ảnh:
“Án điểm” hoặc “án trọng điểm” là gì?
“Xác định án điểm” còn gọi là “xác định án trọng điểm”, nó có nghĩa là “chọn án điểm” hoặc “chọn án trọng điểm” để đánh. Đây là công tác thường xuyên của ba ngành nội chính ở các địa phương như thành phố, tỉnh và huyện.
Theo Thông tư liên ngành số 01-TTLN, ngày 15-10-1994 của Bộ Nội vụ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, hướng dẫn giải quyết án trọng điểm, thì các vụ án trọng điểm là các vụ án mà việc giải quyết chúng được xác định là quan trọng. “Lãnh đạo ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Toà án có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo, ưu tiên sử dụng lực lượng để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian ngắn nhất, bảo đảm xử lý nghiêm minh, kịp thời chính xác nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và cả nước”.
Vụ án trọng điểm không nhất thiết phải là vụ án về tội phạm nghiêm trọng, nhưng nhất thiết phải là vụ án mà việc giải quyết nó có tầm quan trọng nhất định. Khi xác định các vụ án trọng điểm phải căn cứ vào nhiệm vụ chính trị chung của cả nước được nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương vào thời điểm phát hiện tội phạm.
Việc giải quyết các vụ án trọng điểm phải đạt được yêu cầu phòng ngừa cao”, (tức là răn đe cao).
Hai ngày sau cuộc họp “liên ngành nội chính” ngày 14/10/2019, bà Huệ Như đã bị bắt tạm giam. Trong cuộc họp này, ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã quyết tâm nâng vụ án Huệ Như và Bùi Tiến lên thành “án điểm”, mặc dù cuộc điều tra chưa kết thúc, mãi đến 3 tháng sau Cơ quan điều tra mới kết thúc giai đoạn điều tra bằng bản Kết luận điều tra ra ngày 14/01/2020.
“Án bỏ túi” được hình thành như thế nào?
Theo Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 15-10-1994, khi một vụ án được chọn làm “án trọng điểm”, thì “ba ngành phải có quan hệ phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cho đến khi vụ án được xét xử xong, cũng như trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa”.
Đặc biệt, khi chuẩn bị đưa “vụ án điểm” ra xét xử, “Viện kiểm sát và Toà án cần tổ chức cuộc họp trao đổi theo đúng tinh thần Thông tư Liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tuỳ trường hợp cần thiết có thể mời đại diện cơ quan điều tra tham dự”.
Thông tư Liên ngành số 01/TTLN ngày 8-12-1988 gọi cuộc họp này là “Họp Trù Bị” trước khi xét xử vụ án điểm hoặc vụ án phức tạp: “Thẩm phán chuẩn bị xét xử vụ án và kiểm sát viên sẽ tham gia phiên tòa trực tiếp trao đổi với nhau. Trong trường hợp cần thiết thì cán bộ lãnh đạo của hai ngành cùng trao đổi. Tùy từng vụ án có thể mời thêm đại diện của cơ quan điều tra, giám định viên”.
Cuộc Họp Trù Bị nhằm đề ra một ý kiến thống nhất về vụ án, thường được gọi là “án bỏ túi”. Khi đưa ra xử, Hội đồng xét xử chỉ tuyên án y như nội dung cuộc họp nói trên, Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử muốn giảm án, tăng án hoặc tuyên vô tội cho bị cáo cũng không dám quyết. Coi như bản án đã được quyết định trong cuộc “Họp Trù Bị”.
Cũng cần nhấn mạnh, cuộc “Họp Trù Bị” giữa tòa án và viện kiểm sát (có cả cơ quan điều tra, nếu cần) trước khi xét xử là vi phạm nguyên tắc độc lập của toà án được quy định tại Điều 103, Hiến pháp : “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Điều 23, Bộ luật Tố tụng hình sự, cũng nghiêm cấm và trừng phạt bất cứ ai vi phạm nguyên tắc đó.
Ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã thực hiện “án điểm” như thế nào?
Lãnh đạo ba ngành nội chính huyện Sóc Sơn đã chọn vụ án Huệ Như & Bùi Tiến làm “án điểm” và “xử điểm” tại địa phương “để tuyên truyền phòng ngừa cho loại tội phạm này”, tức là để răn đe, chính xác là nhằm bảo kê cho BOT bẩn Bắc Thăng Long – Nội Bài, bảo vệ quyền lợi cho nhóm lợi ích đứng đằng sau, trong đó có Võ Nhật Thăng, chủ nhân BOT bẩn này.
Facebook Nguyễn Đức Nam, là người từng tham dự những phiên tòa tương tự, đã so sánh và nhận định như sau: “Chưa khi nào mình dự một phiên tòa mà cảm thấy bất an như ngày hôm nay. Không phải bất an cho cá nhân mình mà lo cho cuộc đấu tranh chung của cộng đồng phản đối BOT BẨN Bắc Thăng Long – Nội Bài.
Nhớ lại năm ngoái, các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử Hà Văn Nam và Trần Đình Sang đã diễn ra khá yên bình; lực lượng công an không triển khai rầm rộ, không có loa truyền thanh di động của công an phát liên tục và thời gian xét xử chỉ diễn ra trong một buổi sáng.
Tuy nhiên phiên tòa xử Huệ Như và Mạnh Tiến hôm nay tại tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn khác hẳn. Trước khi tòa khai cuộc, nhiều người đã được công an gọi điện nhắc nhở; công an và bảo vệ đứng dày đặc kéo dài hàng km, công khai chụp ảnh, quay phim, nhắc nhở và xô đẩy người dân ôn hòa đến dự tòa. Ô tô công an mang loa truyền thanh di động đi lại phát liên tục trong suốt thời gian từ 2 giờ trước khi phiên tòa bắt đầu đến khi kết thúc phiên tòa. Thời gian xét xử cũng quá dài so với dự kiến của người dân, từ 9h sáng đến 17h chiều dù chỉ xét xử 2 người.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lực lượng công an phải làm căng thẳng như thế? Do tính chất đặc thù của vụ án Huệ Như – Mạnh Tiến hay do muốn dằn mặt, khủng bố cộng đồng phản đối BOT BẨN?
Xét thấy mức độ nguy hiểm của Huệ Như – Mạnh Tiến đối với các doanh nghiệp BOT BẨN không thể bằng Hà Văn Nam – Trần Đình Sang, và thực tế bản án của họ đều thấp hơn so với của Nam và Sang đã chứng minh điều đó, nên chỉ có thể kết luận không khí căng thẳng hôm nay có mục đích duy nhất là dằn mặt, khủng bố cộng đồng phản đối BOT BẨN, tức là nhằm phát đi tín hiệu chính quyền và công an sẽ kiên quyết bảo vệ các BOT”.
_____
Nguồn:
Văn bản số 54/CV-LNNC: https://www.facebook.com/ledinhviet2009/posts/1520655714781956
Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 15-10-1994: https://luatvietnam.vn/linh-vuc-khac/thong-tu-lien-tich-01-ttln-bo-noi-vu-3076-d1.html
Thông tư liên ngành số 01-TTLN ngày 8-12-1988: https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-lien-tich-01-tandtc-vksndtc-ttlt-nam-1988-huong-dan-bo-luat-to-tung-hinh-su-do-toa-an-nhan-dan-toi-cao-vien-kiem-sat-nhan-dan-toi-cao-ban-han-2be6.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét