Thầy Trợ bị phạt 5 triệu đồng
Đỗ Thành Nhân
25-4-2020
I.- Thầy Trợ
Tôi xin được gọi thầy Trợ với một sự kính trọng, chân tình của thầy trò; mặc dù Thầy chưa dạy tôi một tiết học nào. Đó là thầy giáo nghỉ hưu Trần Đình Trợ ở thị trấn Phổ Châu, huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; trong bài viết này từ “Thầy” viết hoa là nói về thầy Trần Đình Trợ.
Tôi ở miền Nam, sinh ra thời Việt Nam Cộng hòa, ít nhiều cũng được hưởng nền giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng, trước khi trở thành cháu ngoan Bác Hồ và học sinh dưới mái trường Xã hội Chủ nghĩa. Tôi hoàn toàn không có bất kỳ một mối quan hệ nào với thầy Trợ, kết bạn với Thầy qua các facebook Trần Đình Trợ [1]. Tôi viết về Thầy với quan điểm đã được giáo dục đầu đời.
Đọc các bài viết của Thầy, được biết Thầy là giáo viên dạy toán, nghỉ hưu, về nhà chăm sóc mẹ già, thú vui là câu cá lóc. Thầy sử dụng facebook và ảnh hưởng cá nhân để vận động giúp đỡ cho những mảnh đời khốn khó, cơ cực; vận động xây dựng tủ sách cho trẻ em nông thôn ở quê; có những bài viết nhẹ nhàng về Formosa, về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc.
Cách viết văn của một thầy giáo dạy toán: chuẩn mực, vừa phải, tư duy với mục đích giáo dục lòng nhân ái, tình yêu thương giữa người với người; đánh thức tinh thần yêu quê hương, đất nước qua thực trạng xã hội. Thầy từng nói rõ quan điểm viết bài:
“Tất cả các bài viết của mình chỉ nhằm mục đích:
– Bảo vệ chủ quyền đất nước, chống sự xâm lược của Trung Quốc dưới mọi hình thức.
– Nâng cao dân trí, khuyến đọc khuyến học.
– Hỗ trợ dân nghèo, trẻ mồ côi và nạn nhân thiên tai.”
Chính vì vậy mà Thầy được nhiều người kính trọng, trong đó có tôi.
Năm 2017, nhân dịp làm việc mấy ngày liên quan tới các dự án phát triển y tế tư nhân khu vực Thanh Nghệ Tĩnh, tranh thủ có được buổi sáng hôm sau rảnh rỗi, tôi nhắn tin, Thầy chỉ đường lên Hương Sơn. Tôi nhờ anh bạn có ô tô chở đi, gặp trời mưa, không quen đường, gần 10 giờ đêm mới đến nơi, cùng đi ăn tối nói chuyện.
Sáng hôm sau, uống cà phê nói chuyện với nhau, nghe cách nói thì Thầy có những nỗi niềm của một nhà giáo. Thầy lo tình trạng đạo đức bị suy đồi trong học sinh, Thầy vận động và mong muốn có nhiều tủ sách ở nông thôn. Thầy lo lắng cho tình trạng xuống cấp đạo đức trong hệ thống giáo dục, lúc đó ở Hà Tĩnh có tình trạng giáo viên đi tiếp khách là quan chức.
Thầy nói: lỗi hoàn toàn không phải ở quan chức. Thầy có những trăn trở với hiện trạng của đất nước, đặc biệt với chuyện Trung Quốc, nhưng không biết làm gì ngoài những bài viết nhẹ nhàng tiếp tục hướng học trò đến với những giá trị nhân bản và tỉnh táo với Trung Quốc vốn thiếu thốn trong chương trình phổ thông.
Nghe tôi đang làm những dự án về phát triển y tế, Thầy giới thiệu và đưa chúng tôi đến thăm quần thể tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Thầy như hướng dẫn viên, đã thuyết trình về cuộc đời của ông tổ ngành y Việt Nam với một sự kính trọng và niềm tự hào chỉ có được ở người có tâm, có tri thức và thực sự yêu quê hương.
Nói thêm, ở đây có khá nhiều cây đại mà dưới mỗi gốc cây có đặt bia đá ghi tên một vị lãnh đạo (như: Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến, Nguyễn Xuân Phúc, …), tấm bia gần sát đất chẳng biết để làm gì, có liên quan gì đến y đức và y đạo của cụ Lê Hữu Trác không?
Chia tay, tôi hỏi: Thầy có vào đảng không? Thấy mắt Thầy chùng xuống, thoáng buồn!
II. Bị phạt 5 triệu đồng
Nghe bạn bè nhắn tin, tôi xem Báo Hà Tĩnh ngày 23/4/2020 có bài “Đưa tin sai sự thật trên Facebook, một người đàn ông bị phạt 5 triệu đồng”.
Báo viết là như vậy, nhưng thực tế nguyên nhân của vụ phạt 5 triệu đồng, theo “Biên bản làm việc với chủ Facebook Trần Đình Trợ” số 03/BB-Ttra ngày 23/4/2020 của Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh, trích nguyên văn kết luận như sau: “Facebook cá nhân Trần Đình Trợ đưa thông tin ‘Từ việc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc, cho đến việc sát nhập Hà Nội và các tỉnh thành còn lại, chỉ là vấn đề thời gian’ tại thời điểm 6h00’ ngày 20/4/2020 là những thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, vi phạm Luật An ninh mạng …” (trang 3).
Sau khi xem toàn bộ bài viết trên Báo Hà Tĩnh và Biên bản làm việc của Thanh tra Sở TT&TT, có một số nhận xét sau:
1.- Báo Hà Tĩnh đăng tin sai sự thật; đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một nhà giáo
Thứ nhất: Bài viết không liên quan đến Covid-19
Bài viết thầy Trợ liên quan tới việc Trung Quốc “sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc” chứ hoàn toàn không liên quan gì đến Covid-19
Vậy mà Báo Hà Tĩnh không đăng bài viết của thầy Trợ, mà lại viết dẫn dắt đánh tráo bản chất vụ việc: “trong lúc cả hệ thống chính trị đang vào cuộc chống dịch Covid-19, thì vào lúc 6h17 phút ngày 20/4, tài khoản Facebook Trần Đình Trợ đăng tải nội dung không đúng sự thật, …”: điều này làm người đọc ngộ nhận là thầy Trợ đưa tin không đúng về Covid-19.
Thứ hai: Thầy Trợ không làm xấu hình ảnh đất nước
Trong khi Thanh tra kết luận: thầy Trợ “… thông tin không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, …”; thì Báo Hà Tĩnh viết: “… nội dung không đúng sự thật, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước”. Rõ ràng “gây hoang mang trong nhân dân” hoàn toàn khác với những kẻ làm “ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước”.
Báo Hà Tĩnh nâng tầm “tội” của thầy Trợ lên.
Thứ ba: Báo Hà Tĩnh xúc phạm thầy Trợ một cách hèn hạ
Toàn bộ 3 trang của “Biên bản làm việc” thầy Trợ rất hợp tác, cầu thị và thừa nhận bải viết có thể hiểu lầm gây hoang mang dư luận. Nên nhớ: đây là buổi làm việc các bên có quyền trình bày quan điểm của mình. Và “Biên bản làm việc” là văn bản phản ảnh toàn bộ diễn biến buổi làm việc.
Hoàn toàn không thấy nội dung nào thể hiện theo báo Hà Tĩnh vẽ ra: “Tại cơ quan điều tra, ông Trần Đình Trợ quanh co,”, “trước những bằng chứng không thể chối cãi, Trần Đình Trợ thừa nhận hành vi sai trái của mình”.
Thứ tư: những sự dối trá khác của Báo Hà Tĩnh
– Cơ quan Thanh tra mời thầy Trần Đình Trợ làm việc tại UBND huyện Hương Sơn chứ không phải “Tại cơ quan điều tra” (của Công an) như Báo Hà Tĩnh đưa tin.
– Đưa thông tin cá nhân của thầy Trợ bao gồm: họ tên, tuổi, chỗ ở nhưng lại không đưa nghề nghiệp là giáo viên nghỉ hưu, đó là thủ thuật bẩn. (ghi chú: chuyện đảng viên tôi không muốn đề cập ở đây)
Với một nhà nước pháp quyền và dân chủ thì thầy Trợ hoàn toàn có quyền khởi kiện và yêu cầu Báo đính chính. Tuy nhiên, cũng nói thêm: Báo Hà Tĩnh là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh.
2. Sự áp đặt của Thanh tra Sở TT&TT Hà Tĩnh
Tôi tôn trọng việc thầy Trợ nhận lỗi và chấp nhận nộp phạt 5 triệu đồng. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận khách quan cái “lỗi” của Thầy.
Phân tích ý kiến của ông Chánh thanh tra Phạm Văn Báu
Thứ nhất: Cấu trúc câu “từ …, đến …”
Trong câu “Từ việc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc, cho đến việc sát nhập Hà Nội và các tỉnh thành còn lại, chỉ là vấn đề thời gian“.
Cấu trúc câu này là để chỉ mối quan hệ nhân quả, logic của sự việc, không khẳng định sự ủng hộ của người nói (viết). Ví dụ:
– Cha mẹ khuyên răn con cái: “từ nhỏ ăn cắp, đến lớn trộm cướp …”
– Công tác cán bộ: “từ cán bộ cấp thấp tham nhũng vặt, đến cán bộ cấp cao tham nhũng dự án, tham nhũng chính sách, …”
Hoàn toàn không có cha mẹ nào đồng tình với việc “từ nhỏ ăn cắp”, hay nhà nước nào muốn “từ cán bộ cấp thấp tham nhũng vặt”. Do đó, ông Phạm Văn Báu cho rằng “Từ việc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc,” là “đã đồng tình với tuyên bố của Trung Quốc” theo quan điểm cá nhân nhằm chụp mũ người khác.
Đồng thời, đoạn “Từ việc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc,” chẳng phải là một câu hoàn chỉnh để gọi là khẳng định việc sáp nhập Hoàng Sa, Trường Sa vào địa giới Trung Quốc, dạng hiện tại hoàn thành.
Cũng theo 2 ví dụ trên, không có nghĩa là con cái “từ nhỏ (đã) ăn cắp” hay “từ cán bộ cấp thấp (đã) tham nhũng vặt” theo cái gọi là “hiện tại hoàn thành”.
Cấu trúc câu “từ …, đến …” theo quan hệ nhân quả, logic “từ việc A, đến việc B” trong trường hợp này là cảnh báo nguy cơ: “việc A đang xảy ra, nếu không giải quyết thì sẽ xảy ra việc B”. Hoàn toàn không có chuyện khẳng định “việc A đã xảy ra” và “đồng tình với việc A” như đầu bò suy diễn.
Thứ hai: gây hoang mang trong nhân dân
Theo “Biên bản làm việc” (trang 1) thì bài viết của thầy Trợ có: 52 lượt like: tức là thích, đồng ý, ủng hộ. 1 chia sẻ: nghĩa là đồng quan điểm. Chỉ có 5 bình luận, nhưng không thấy ghi nội dung bình luận nào thể hiện sự “hoang mang”?
Facebook Trần Đình Trợ có hơn 15 ngàn follow. Cho nên con số 52 lượt like không thể đại diện cho “nhân dân” đang theo dõi FB của Thầy; lại càng không thể đại diện cho 50 triệu tài khoản Facebook của “nhân dân” Việt Nam.
Thế nào là “hoang mang” và “nhân dân” là ai? Không thấy chứng minh được trong Biên bản làm việc.
Một anh cảnh sát giao thông đứng đường muốn phạt người vi phạm tốc độ hay uống rượu bia, anh CSGT phải có trách nhiệm xác định được người vi phạm chạy vượt tốc độ cho phép bao nhiêu km/h, nồng độ cồn bao nhiêu miligam / 1 lít khí thở để ghi vào biên bản làm căn cứ xử phạt.
Một ông Chánh thanh tra Sở, chắc chắn phải hiểu biết hơn một anh CSGT đứng đường; những định tính, định lượng của “hoang mang” là gì ? và “nhân dân” là ai ? không xác định được, nhưng vẫn kết luận là đã “gây hoang mang trong nhân dân” và quyết định XỬ PHẠT.
Trong trường hợp này công cụ pháp lý sử dụng theo cảm tính, nhận thức của người nắm quyền thực thi công vụ, chứ không theo bất kỳ một chuẩn mực khoa học, logic thông thường nào của hệ thống pháp luật quy chuẩn.
PS. Đề nghị Thanh tra Sở TT&TT phạt Báo Hà Tĩnh.
Bài viết thầy Trợ không rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau tùy vào trình độ, nhận thức của từng người. Nhưng theo cách hiểu của Thanh tra Sở thì thầy Trợ đưa tin “không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân” đã vận dụng Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP để xử phạt 5 triệu đồng (?).
Vậy thì Báo Hà Tĩnh đăng tin sai sự thật; đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một nhà giáo như phân tích ở phần trên (II.1), đề nghị ông Chánh thanh tra Phạm Văn Báu cũng xử lý theo Điều 99 Nghị định 15.
Nhà nước pháp quyền, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật mà !
Bài viết này kèm theo:
– 3 trang ảnh toàn văn “Biên bản làm việc với chủ Facebook Trần Đình Trợ”
– 2 trang ảnh bài viết trên Báo Hà Tĩnh về thầy Trần Đình Trợ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét