Phụ mẫu tư pháp
Công cuộc cải cách tư pháp đòi hỏi toà án ở vào vị trí trung tâm của quyền tư pháp chứ không còn là một ngành làm công tác xét xử theo nhiệm vụ cách mạng.
Phiên giám đốc thẩm tử tù Hồ Duy Hải sở dĩ được nhiều người quan tâm, đeo đuổi chính là vì không thể tìm thấy những giá trị của cải cách bên trong chiếc áo thụng của các quan toà.
Thẩm phán là một chức danh đặc biệt trong thể chế bởi vì hiểu biết, năng lực và đạo đức cá nhân của thẩm phán gần như ngay lập tức có thể trở thành hiệu lực của luật pháp. Không chỉ với bản án. Với thiết chế hội đồng thẩm phán hiện nay, tri thức và đạo lí mà thẩm phán đem ra phân tích, mổ xẻ các tình tiết, hành vi pháp lý có thể thành pháp chế của xã hội. Đó là một đặc quyền chỉ được nhân dân tin cậy và giao phó cho hội đồng thẩm phán. Nhất là thẩm phán phải thực hiện đặc quyền đó bằng vai trò cá nhân.
Hội đồng thẩm phán không phải làm việc theo các thể thức chính trị thông thường. Đó phải là phiên nghị luận mà mỗi thẩm phán có nghĩa vụ trình bày quan điểm vận dụng luật pháp của mình, các qui chiếu của lẽ phải hay tập quán xét xử về các hành vi, sự kiện được qui chiếu thành tội hay không.
Kết quả làm việc của hội đồng thẩm phán là biểu quyết theo đa số, nhưng phải trên từng luận cứ gỡ tội hay buộc tội, xác định từng chứng cứ xem phù hợp pháp luật hay không.
Đã không có một kết quả như vậy ở phiên giám đốc thẩm, hay ít ra là trong cách toà án truyền thông nói với xã hội.
Ngay cả như cách ông chánh án chủ trì nghị án, cho thấy phiên làm việc của hội đồng thẩm phán giống với một cuộc họp góp ý kiến. Các luận cứ pháp lý được tổng hợp theo thể thức sinh hoạt chính trị, nội dung biểu quyết mang tính chất bày tỏ thái độ chính trị hơn là xác lập hành vi pháp lý.
Diễn đạt của chính ông chánh án và hội đồng thẩm phán có lẽ là nhân tố tạo nên sự khác biệt của toà án với phần còn lại của thế giới. Khái niệm bản chất của vụ án phủ lên phiên giám đốc thẩm một diễn dịch mơ hồ, nguy hiểm, mà không giải quyết bất cứ thực tiễn pháp lý nào. Nó có thể là ngôn ngữ của sinh hoạt chính trị, của phương pháp luận biện chứng gì gì của thời đi học chăng?
Bản lĩnh chính trị của ông bí thư TƯ đảng Nguyễn Hoà Bình và các đảng viên trong hội đồng thẩm phán hẳn phải biết các tình huống chính trị phát sinh trong quá trình xét xử tử tù Hồ Duy Hải từ trước tới nay.
Dường như các vị đã quá sơ sài khi vững tin bản án theo trình tự thủ tục như vậy có thể kết thúc hồ sơ một vụ án được dư luận quan tâm.
Có thể các vị đang mở ra một vụ oan sai khác, nhưng lại cho nền tư pháp, quyền tư pháp là của dân chứ không phải của các quan phụ mẫu vốn đã được nhà văn Nguyễn Công Hoan định hình từ tác phẩm “Bước đường cùng”.
Tờ báo của các vị đòi méc tổng bí thư về tình trạng nguy hiểm công dân phê phán phiên giám đốc thẩm của toà án.
Chẳng biết ông Nguyễn Phú Trọng xem xét oan khiên này như thế nào, nhưng vài bữa nữa ông ấy về dân, không biết có cùng chịu được nỗi oan làm chủ như dân không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét