“Obamagate”, câu chuyện kẻ lùn và người khổng lồ
Nhã Duy
16-5-2020
Đông đảo giới bình luận chính trị cũng như những nhà sử học, phim ảnh tài liệu đã cùng chung một nhận xét rằng, kể từ cái đêm mà Donald Trump ngồi sượng mặt, vụng về và xấu hổ khi bị tổng thống Barack Obama mang ra làm trò cười giữa buổi tiệc dành cho giới truyền thông báo chí vào năm 2011, Trump đã găm một mối hận trong lòng và là một trong những lý do dẫn Trump đến giấc mộng trở thành tổng thống Hoa Kỳ.
Thành công trên thương trường và kỹ nghệ giải trí, truyền hình, cũng như là mẫu người của phóng túng, dục vọng, Trump hiểu rằng mình không đủ khả năng bước vào lãnh vực chính trị với những đòi hỏi, ràng buộc của vai trò. Trong nhiều năm, khi trả lời báo chí, truyền hình, Trump luôn trả lời rằng mình không mang ý định tranh cử. Trump nhảy qua lại giữa đảng Dân Chủ, Cộng Hòa hay độc lập là tùy theo từng giai đoạn và mối quan hệ chính trị phục vụ cho việc làm ăn của mình.
Do mang tâm lý thượng đẳng, Trump không chịu được hình ảnh một tổng thống da màu như Obama lại nắm quyền dẫn dắt nước Mỹ. Trump cũng chẳng làm được gì hơn ngoài việc cứ hô hào, khăng khăng thuyết âm mưu rằng Obama không sinh ra tại Mỹ lúc bấy giờ, cho đến khi Obama cho công bố khai sinh của mình.
Trump là kẻ nhỏ mọn, thù dai, ngay từ khi còn trẻ cho đến bây giờ. Cứ nhìn việc Trump trả thù từ những nhân chứng điều trần bất lợi cho ông ta, cho đến những đối xử, tấn công những người từng là đồng sự, thuộc cấp thân cận của chính mình , mọi người có thể hiểu tâm tính này của ông ta. Việc bị Obama mang làm trò cười về khai sinh trước đông đảo chính khách, báo giới và nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ tại dạ tiệc năm 2011 đã găm vào lòng Trump mối hận phải trả.
Khi trở thành tổng thống, con người cao ngạo của Trump không thể nào chịu đựng một Obama đã hết nhiệm kỳ mà vẫn còn tiếp tục được vô số người dân ngưỡng mộ, kính trọng. Facebook của Obama có tới 55 triệu người “like”, gấp đôi số 27 triệu người của Trump. Tài khoản Twitter của Obama có 117.5 triệu người theo dõi, Trump chỉ có 79.9 triệu. Obama ra nước ngoài, chính phủ các nước còn đưa đón, tiếp đãi trang trọng. Trump ra nước ngoài chỉ là chàng hề, tự biến thành mục tiêu chế nhạo của lãnh đạo thế giới và là lý do để người dân ở nước đó rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối.
Vài năm qua, thay vì tạo dựng, vun bồi cho sự hùng mạnh quốc gia, Trump chỉ ra sức phá hủy những gì Obama đã gầy dựng cho nước Mỹ. Đó là vấn đề chính sách quốc gia hay tâm địa cá nhân, là điều mà các nhà sử học sẽ phân tích trong tương lai. Bởi Trump không phải là khuôn mẫu lãnh đạo của nước Mỹ, hay bất cứ quốc gia tiến bộ nào, cả về các mặt trí tuệ, nhân cách, tâm tính và tâm lý. So với Obama, Trump chỉ là một kẻ lùn và một người khổng lồ.
Trump dọa kiện các trường ông ta đã học, nếu họ công bố học bạ, bảng điểm của mình vì sợ mọi người biết ông ta học tệ như thế nào. Ngược lại, Obama là chàng sinh viên da màu đầu tiên nắm tờ báo luật và tốt nghiệp luật sư hạng ưu tại đại học Harvard danh giá. Trump tìm cách giấu giếm việc làm ăn, hồ sơ thuế, những chuyện phóng đãng, ăn chơi đàng điếm thì Obama viết sách, dạy đại học và tận tụy hoạt động cộng đồng ngay từ trẻ. Trump thô lỗ, hung dữ thì Obama trí thức, lịch lãm. Trump thất thường và bất thường thì Obama bản lĩnh và có khả năng ứng biến.
Tóm lại, “Obamagate” hay “deep state” như Trump cáo buộc rằng cựu tổng thống Obama và những “thế lực ngầm” đang hoạt động, chống lại chính phủ chỉ là thuyết âm mưu bừa bãi, vô căn cứ, như việc Trump đã từng hạch sách, võ đoán về sinh quán của Obama trước đây. Nhưng dù có hay không thì có một thực tế mà Donald Trump ắt đã nhìn thấy là, có hàng triệu người dân Mỹ đang chống đối mình. Họ có lý do và trách nhiệm để làm điều này: Cho một nước Mỹ công chính và vĩ đại như nó đã từng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét