Những chiếc Hamburger trên đường di tản
Thanh Nhã
25-4-2020
Chỉ trong 20 năm, tính từ 1954 đến 1975, hiếm có dân tộc nào chịu nhiều đau thương, mất mát như người Việt. Người chết đành yên phận, nhưng người sống sau lần vượt vĩ tuyến theo Hiệp định Geneve lại phải tiếp tục mang thân phận tị nạn trên hải trình vượt đại dương…
Nhìn lại nỗi đau của đồng bào để cùng khát vọng về cái nắm tay nghìn trùng.
Những thanh niên sinh thời hậu chiến, chắc khó hình dung được một bối cảnh ảnh hưởng sâu sắc đến người Việt.
Đó là một nước Mỹ cũng tan hoang sau 20 năm khốc liệt ấy. Cuộc khủng hoảng dầu mỏ đẩy xứ sở cờ hoa vào khó khăn kinh tế, nhưng sự kiệt quệ của Mỹ cũng đến từ việc nước này cùng lúc xây dựng hai nhà nước: một là Israel và còn lại là Việt Nam Cộng Hòa.
Mỹ đã lựa chọn “bỏ rơi đồng minh miền Nam Việt Nam”. Và sự kiện 30/4/1975 khiến đa phần người Mỹ nghi ngại: 130.000 người Việt đầu tiên trên đảo Guam, tháng 5/1975 gia tăng lo ngại về thất nghiệp do phải cạnh tranh việc làm.
Trong cuốn “Khi đồng minh tháo chạy”, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng kể về 130.000 người Việt sống tập trung trong các trại lính Mỹ ở đảo Guam trong khi chờ chính phủ Mỹ có phương án tiếp nhận.
Người Mỹ, một mặt lo sợ bị cạnh tranh việc làm vì có đến 9 triệu người đang thất nghiệp, sống bám vào trợ cấp của chính phủ. Mặt khác, các phong trào phản chiến, kêu gọi mở rộng vòng tay với lưu dân Sài Gòn như một hướng giải quyết bù đắp trong lương tâm người Mỹ.
Một chi tiết khá thú vị là ngay khi đến Guam, Mc Donald, hãng thức ăn nhanh nổi tiếng muốn tặng mỗi ngày 130.000 hamburger cùng Cocacola như cách biểu hiện thiện chí và văn hóa Mỹ cho người tỵ nạn Việt Nam. Tuy nhiên, mong mỏi san sẻ khó khăn với chính phủ của Mc Donald đã lập tức bị từ chối vì vi phạm vào các nguyên tắc của luật pháp về cạnh tranh và quảng cáo.
Những sĩ quan Mỹ đã phải thốt lên làm xót lòng những người Á châu mới đến: Hy vọng là hòn đảo này không bị nhấn chìm bởi người tị nạn Việt Nam.
Cũng trong cuốn sách “Khi đồng minh tháo chạy” Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng kể: Người Mỹ có cơ sở để lo ngại, nên: “Hoa Kỳ cũng cố gắng ‘quốc tế hóa việc di tản’ và kêu gọi nhiều quốc gia. Ngày 5/9 Đại sứ Dan Brown- người được ủy thác trách nhiệm điều khiển Chương trình định cư – gửi một công điện cho đại sứ Mỹ tại khắp các nước, khẩn khoản yêu cầu họ tranh thủ với các quốc gia thân hữu dung nạp một số di dân”.
Và đó là lý do người tỵ nạn Việt Nam được các quốc gia như Úc, Brazil, Mexico, Canada… đón nhận.
Những người Việt lưu vong đầu tiên phần lớn là người khá giả, nghệ sĩ danh tiếng ở Sài Gòn và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Cuộc sống ấm êm cũ ở quê nhà đã không còn, thay vào đó, họ phải làm đủ các nghề để sinh sống mà thấp nhất là lau dọn nhà xí công cộng.
Trong số những người từng kinh qua việc này có nhạc sĩ Lam Phương và nữ danh ca Khánh Ly…
Xa lìa người thân, mất mạng trong những ngày lênh đênh trùng khơi dẫu có đáng sợ, nhưng có lẽ không bao giờ sự sợ hãi còn tăng theo cấp số nhân khi người thân trong nước vì chủ nghĩa lý lịch bị tước bỏ quyền được học hành, làm việc và cả quyền được yêu đương phối ngẫu…
Sau gần nửa thế kỷ tỵ nạn, người Việt đã có thể tự hào hòa mình vào dòng chảy phát triển của nước Mỹ.
Tuy vậy, một trang đen về Ngụy quân, Ngụy quyền cứ ám ảnh khôn nguôi trong lòng người.
Ngày 30/4 là khoảnh khắc suy tư như lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chứ không cứ mãi là “ngày chiến thắng”.
Vì những thanh niên thời hậu chiến, họ cần nhận được một triết lý giáo dục khác: Tôn trọng sự thật của cuộc chiến tranh, lòng nhân bản và hòa hợp!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét