Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

Ngăn cản tiếp cận tri thức là tội đồ của dân tộc

Ngăn cản tiếp cận tri thức là tội đồ của dân tộc

16-5-2020
Điều 19 trong “Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát” năm 1948. Ảnh: internet
Nói tới nước Mỹ, tôi luôn bị “ám ảnh” về một chi tiết “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?”. Đó là khi những đại biểu trong Quốc hội lập hiến lúc bấy giờ đã có những ngày bế tắc với các vấn đề như: Phải làm thế nào để người Mỹ không bị cản trở về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhân quyền được bảo đảm?… Để giải toả sự “căng thẳng” này, ngài Franklin đã từng đề nghị sẽ mời những mục sư tới hội trường cầu nguyện vào mỗi buổi sáng. Nhưng ý kiến đó liền bị đại biểu Williamson phản đối vì “không có tiền để thuê mục sư tới cầu nguyện”. Nước Mỹ lúc này mới trải qua một cuộc chiến kéo dài, kinh tế kiệt quệ thê thảm. Cuối cùng, các đại biểu đã không cần đến mục sư mà cũng đã cho ra đời bản Tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng thế giới, và bản Hiến pháp có giá trị không chỉ với nước Mỹ, mà cả với thế giới cho đến tận ngày nay. Bởi sự khao khát về sự tự do và tính liêm chính đã giúp các đại biểu vượt lên trên tất cả. Nước Mỹ trở nên hùng mạnh từ đây.
Nhắc tới nước Nhật, tôi ấn tượng mạnh không chỉ bởi sự ham học của người dân nghèo, mà còn bởi sự sáng suốt của triều đại phong kiến Nhật hoàng dưới thời Minh Trị khi chấp nhận cho đất nước canh tân bằng con đường mở mang kiến thức, chấp nhận luồng tư tưởng mới bằng cách khuyến khích việc học và đọc sách của người dân.
Vâng, đó là chuyện của nước Mỹ từ những năm 1775, và nước Nhật ở những năm giữa thế kỷ 19, cách chúng ta vài trăm năm. Nhưng đau thay, quyền tự do ngôn luận, tự do đọc sách lại đang là vấn đề thời sự, là nỗi bất hạnh của người dân Việt trong thời đại này.
Lẽ ra, những người sống bằng tiền thuế của dân như ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội, hay ngay cả ông Tô Lâm – Bộ trưởng Công an – phải có nhiệm vụ, có trách nhiệm khuyến khích người dân Việt bằng mọi cách tìm kiếm tri thức, bằng mọi cách thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do sáng tạo… để đất nước Việt Nam không còn nghèo, không còn lạc hậu, bởi cái nghèo thường đi đôi với cái hèn. Đã nghèo hèn thì làm sao mà bảo vệ được đất nước? Bảo vệ được giống nòi?
Suốt hơn 40 năm chờ đợi, thậm chí từng ủng hộ đảng Cộng sản với hy vọng họ sẽ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” cho hơn 90 triệu dân Việt… càng chờ chúng tôi càng thất vọng. Không một ai trong đội ngũ đảng Cộng sản quan tâm thúc đẩy vấn đề này, mà ngược lại, họ luôn thẳng tay đàn áp bất kỳ mầm mống đối lập nào. Do đó, cũng như những người làm báo tự do, những thành viên của Nhà xuất bản Tự Do buộc phải tự làm điều này. Chúng tôi làm để có thể mong đất nước sớm trở nên hùng cường, “sánh vai cùng các bè bạn năm châu”. Làm để thế giới thấy rằng, người Việt cũng là người, mà đã là người thì phải có những quyền căn bản nhất của con người mà mặc định ai sinh ra cũng đã có sẵn. Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do biểu đạt giống như những dân tộc khác trên thế giới. Và chúng tôi làm điều đó trong sự mạo hiểm, bất chấp việc tự do cá nhân bị đàn áp, thậm chí là bị đánh đập, khủng bố tinh thần lẫn tính mạng từ công an.
Những năm qua, hàng loạt nhà báo tự do, blogger bị đánh đập, cầm tù như nhà báo Lê Anh Hùng, Phạm Chí Dũng… Còn các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do thì liên tục bị truy lùng ráo riết, ngay cả những công dân làm công việc giao sách cho Nhà xuất bản cũng bị công an tra tấn, làm tổn hại đến sức khoẻ. Gần đây nhất là việc anh Phùng Thuỷ bị an ninh Bộ Công an bắt cóc, đưa về trụ sở đánh đập đến ói ra máu, sức khoẻ đang bị đe doạ. Những thành viên khác còn lại thì phải sống và làm việc trong tình trạng “chạy giặc” bởi sự săn lùng không ngừng của an ninh.
Thậm chí đến cả những bạn đọc, những người mua sách của Nhà xuất bản cũng liên tục bị an ninh “lôi” lên đồn thẩm vấn. Đến nay đã có hàng trăm người mua sách của chúng tôi bị làm việc với an ninh. Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ mà quyền được viết, quyền được đọc của người dân lại bị trấn áp nhiều như lúc này!
Nhìn cảnh bức hại dân ấy, chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta đang sống trong thời đại 4.0!
Chúng tôi muốn hỏi Chính phủ của ông Phúc, đảng của ông Trọng, Quốc hội của bà Ngân rằng: Đến khi nào các vị mới thôi chống lại dòng chảy văn minh của nhân loại? Mới thôi đi ngược lại với sự phát triển tiến bộ của nhân loại? Đến khi nào các vị mới thôi chống lại bản Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát mà chính Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ký công nhận nó? Đến khi nào các vị mới thôi chà đạp lên bản Hiến pháp do chính đảng Cộng sản lập ra (và ép dân theo)? Đến khi nào các vị mới thôi ngăn cản khao khát muốn tiếp cận nguồn tri thức tự do, khai phóng của người dân Việt Nam?…
Có lẽ khi nào cái “đến khi nào” này xảy ra thì các thành viên của Nhà xuất bản Tự Do sẽ không còn bị truy lùng, bị đàn áp như hôm nay!
Chúng tôi muốn nhắc nhở các vị rằng: Triều đại, đảng phái chỉ là một giai đoạn nhất thời trong lịch sử của đất nước, còn dân tộc Việt Nam mới là trường tồn. Vì vậy, chúng tôi sẽ không khoanh tay ngồi chờ đến ngày đảng Cộng sản tự “đóng nắp quan tài” cho mình, mà chúng tôi sẽ làm nhiều hơn nữa, bất chấp truy lùng khát máu của lực lượng an ninh, để chung tay đưa luồng tri thức cần thiết đến tận tay người dân.
Điều 167 trong “Bộ luật hình sự” năm 2015. Ảnh: internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét