Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 31)
Hồ Bạch Thảo
20-5-2020
- Lý Cao Tông [1176-1210]
Niên hiệu: Trinh Phù: 1176-1185; Thiên Tư Gia Thụy: 1186-1201; Thiên Gia Bảo Hựu: 1202-1204; Trị Bình Long Ứng: 1205-1210
Đầu năm 1176, Thái tử Long Cán lên ngôi, đổi niên hiệu là Trinh Phù, lúc mất đặt miếu hiệu là Cao Tông; tôn mẹ là Đỗ Thị làm Chiêu thiên chí lý hoàng thái hậu; dùng cậu là Đỗ An Di làm Thái sư đồng Bình chương sự (1), Tô Hiến Thành làm Thái úy (2):
“Mùa xuân, tháng giêng, nămTrinh Phù thứ 1 [1176], đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Vua lên ngôi chưa được bao lâu, năm sau quân Chiêm Thành đến cướp phá Nghệ An: “Mùa xuân, tháng 3, năm Trinh Phù thứ 2 [1177], Chiêm Thành đến cướp châu Nghệ An”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Vừa hết tang vua cha Anh Tông, Thái hậu Chiêu Linh họp quần thần lại, lấy cớ rằng trong nước có giặc, Vua còn nhỏ tuổi; bèn nhắc lại đề nghị cũ muốn lập Hoàng tử Long Xưởng lên ngôi. Tuy bị triều đình phản đối, sự việc tạm yên; nhưng mối chia rẽ trong triều manh nha từ đó:
“Ngày Mậu Tuất, năm Trinh Phù thứ 3 [1178]. Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng:
‘Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên’.
Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: ‘Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh’.
Đều lạy tạ rồi lui ra. Hiến Thành quản Lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Hai năm sau Thái úy Tô Hiến Thành mất, đây là sự mất mát lớn cho triều Lý, chẳng khác nhà Thục Hán mất Thừa tướng Khổng Minh; khiến vua nhỏ tuổi không còn chỗ nương dựa, đất nước suy vi:
“Mùa hạ, tháng 6 năm Trinh Phù thứ 4 [1179] Thái uý Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn ba ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày. Trước đây khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng:
‘Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?’. Hiến Thành trả lời:
‘Trung Tá có thể thay được’.
Thái hậu nói: ‘Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?’.
Hiến Thành trả lời: ‘Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?
Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy. Lấy Đỗ An Di [cậu Vua] làm phụ chính”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Chẳng bao lâu Thái tử cũ Long Xưởng cầm đầu bọn gia nô gây chuyện bất ổn:
“Ngày Tân Sửu, mùa xuân, tháng giêng năm Trinh Phù thứ 6 [1181], thái tử cũ là Long Xưởng cầm đầu bọn gia thuộc nô lệ trộm cướp bừa bãi, muốn mưu làm loạn”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Triều đình cố gắng chấn chỉnh nội bộ, cử Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, Lý Kinh Tu làm thầy dạy vua học; nên phe chủ trương việc phế lập không gây ra tác hại lớn:
“Ngày Nhâm Dần, mùa xuân, tháng giêng, năm Trinh Phù thứ 7 [1182], xuống chiếu cầu người hiền lương. Đắp đàn phong tướng, lấy Ngô Lý Tín làm Thượng tướng quân, đem quân thủy bộ đi tuần bắt trộm cướp. Lấy Lý Kinh Tu làm Đế sư [thầy Vua], trong thì hầu việc giảng sách, ngoài thì dạy dân trung hiếu, từ đấy Chiêu Linh thái hậu không dám manh tâm mưu khác nữa”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Năm sau sai Thượng tướng quân Ngô Lý Tín đốc quân đi đánh Ai Lao: “Ngày Quý Mão, mùa xuân, tháng giêng năm Trinh Phù thứ 8 [1183], cho Ngô Lý Tín làm Đốc tướng đi đánh Ai Lao”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Năm 1192, tại làng Cổ Hoằng thuộc huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa, dân nổi loạn, triều đình mang quân đánh dẹp:
“Năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 7 [1192]. Người giáp Cổ Hoằng ở Thanh Hóa làm phản, sai tướng đi đánh, dẹp được. Trước đó có người giáp ấy thấy vệt chân trâu trèo lên cây muỗm, nhìn lên thấy con trâu bạc, hồi lâu, nó lại theo ngả khác đi xuống. Có người lính ở giáp ấy là Lê Văn đoán rằng: ‘Trâu trắng là vật ở dưới, nay lại ở trên cây, thế là điềm kẻ dưới lên ở trên’.
Nhân đó bèn rủ nhau làm phản. Đến đây đánh dẹp yên được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Năm 1198, người châu Diễn Châu, Nghệ An, cùng châu Đại Hoàng nổi dậy, quân triều đình đánh dẹp được:
“Mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 13 [1198]; người hương cao Xá [Diễn Thịnh] ở châu Diễn là Ngô Công Lý chiêu tập những kẻ vô lại, cùng với người châu Đại Hoàng là bọn Đinh Khả tự xưng là con cháu của Đinh Tiên Hoàng và Bùi Đô đồng thời làm loạn. Đều dẹp yên được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Tiếp đến năm sau lụt lội, trong nước xảy ra nạn đói lớn: “Ngày Kỷ Mùi, mùa thu tháng 7, năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 14 [1199], nước to, lúa mạ ngập hết. Đói to”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Nhà vua sai nhạc công bắt chước nhạc Chiêm Thành đặt ra những khúc nhạc ai oán buồn rầu, từ xưa đến nay nhạc trữ tình buồn, tuy rung động lòng người, nhưng rất có hại cho tinh thần chiến đấu:
“Mùa thu, tháng 8, hoàng thái tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ 1[1202]. Sai nhạc công chế khúc nhạc gọi là nhạc Chiêm Thành, tiếng trong trẻo, ai oán buồn rầu, người nghe phải chảy nước mắt. Tăng phó Nguyễn Thường nói:
‘Ta nghe bài tựa Kinh Thi nói rằng: Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận hờn. Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng thì rong chơi vô độ, triều đình rối loạn, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong’.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4
Kế tiếp vào các năm 1203, 1204, 1205 trong nước loạn lạc liên miên; năm 1203 quân Chiêm Thành đến cướp phá; liên tiếp 2 năm 1203, 1204 loạn tại vùng ngã ba sông Đáy và sông Hoàng Long tỉnh Ninh Bình, triều đình mang quân tiếp viện nhưng không thắng; cũng trong năm 1204, tại biên giới phía bắc người Tống đến cướp phá:
– “Mùa thu, tháng 7, năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 [1203], Điện tiền chỉ huy sứ tri châu Nghệ An là Đỗ Thanh và châu mục là Phạm Diên tâu rằng:
‘Vua nước Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Văn Bố Điền đuổi, nay đem cả vợ con đến ngụ ở cửa biển Cơ La [Kỳ La, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh], ý muốn cầu cứu’.
Tháng 8 vua sai Đàm Dĩ Mông và Đỗ An đi liệu tính việc ấy. Sắp đến cửa biển Cơ La, Đỗ An nói:
‘Kẻ kia đem quân đến đây, lòng nó khó tin được. Tục ngữ có câu: ‘Lỗ kiến có thể vỡ đê, tấc khói có thể cháy nhà’. Nay Bố Trì há phải là lỗ kiến, tấc khói mà thôi đâu’.
Dĩ Mông nói lại ý ấy với Thanh và Diên, bảo phải phòng bị. Bọn Thanh nói: ‘Kẻ kia vì hoạn nạn đến xin cầu cứu, còn phải nghi ngờ gì?’.
Dĩ Mông giận, đem quân về. Thanh và Diên cùng mưu đánh úp Bố Trì để làm kế tự bảo toàn. Mưu tiết lộ, thành ra bị Bố Trì giết. Quân Nghệ An tan vỡ, chết không xiết kể. Bố Trì thả sức cướp bóc rồi về”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4
– “Tháng 9, mùa thu , năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 [1203] người ở Đại Hoàng giang lại làm phản. Trước đây người Đại Hoàng giang [sông Hoàng Long, Ninh Bình] là Phí Lang và Bảo Lương tâu các tội mọt nước hại dân của Đàm Dĩ Mông, Dĩ Mông giận lấy roi đánh. Bọn Lang vì thế chứa chất oán giận, nhân khi thiên hạ sầu khổ muốn làm loạn, mới cùng nhau phản, Vua sai chi hậu Trần Lệnh Hinh làm Nguyên soái đem quân đi đánh. Lại sai Thượng thư Từ Anh Nhữ đem quân phủ Thanh Hóa đồng thời tiến đánh Phí Lang, giao chiến ở cửa sông Lộ Bố (3), bị thua, Lệnh Hinh và Anh Nhữ đều chết cả.
Mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 3 [1204], sai Đỗ Kính Tu đi đánh bọn làm phản ở Đại Hoàng giang, không thắng”.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4
– “Ngày Ất Sửu, Mùa xuân, tháng 3 năm Trị Bình Long Ứng năm thứ 1 [1204]). đổi niên hiệu làm Trị Bình Long Ứng năm thứ 1. Người Tống sang cướp ở biên giới. Dân ta mệt nhọc chạy nạn. Vua thì ham thích tiền của, các quan phần nhiều bán quan buôn ngục”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Triều đình bấy giờ suy bại cơ hồ không thể cứu vãn được, Vua thì bệnh tật sợ sấm rền gió giật, chỉ mê tín quỉ thần; năm 1208 đất nước bị nạn đói, người ôm nhau mà chết; liền năm loạn lạc nổi lên, năm 1207 loạn dấy lên tại tỉnh Hà Tây:
– “Ngày Bính Dần, tháng 2 mùa xuân năm Trị Bình Long Ứng thứ 2 [1206], phong Đàm Dĩ Mông làm Thái bảo, được đội mũ củng thần. Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, rong chơi vô độ, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lờ đi như không biết, tính lại sợ sấm, nghe sấm là kinh hoảng. Người bề tôi được vua yêu là Nguyễn Dư nói mình có phép cấm được sấm. Gặp khi sấm động, vua sai Dư thử phép, Dư ngửa mặt lên trời đọc thần chú, mà sấm càng to thêm. Vua vặn hỏi, Dư trả lời:
‘Thần răn cấm mãi rồi, nhưng vì trời cao nên nó còn dữ tợn như thế!”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
– “Ngày Đinh Mão mùa Xuân, tháng giêng năm Trị Bình Long Ứng thứ 3 [1207], , tháng giêng, giặc cướp nổi như ong. Xuống chiếu chọn các đinh nam, người nào khỏe mạnh, sung vào quân ngũ, sai quan các lộ thống quản để bắt giặc cướp. Mùa đông, tháng 10, người Man ở núi Tản Viên châu Quốc Oai [Hà Tây] làm giặc, cướp bóc hương Thanh Oai [Hà Tây], bè lũ rất đông, không thể ngăn được”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
– “Mùa xuân, tháng giêng năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 [1208]. Mùa xuân, tháng giêng, sách lập hoàng tử Sảm làm Hoàng thái tử, ở Đông cung. Đói to, người chết đói nằm gối lên nhau. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Cũng vào tháng giêng năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 [1208] viên Tri quân Nghệ An Phạm Du làm phản; Vua sai quan Thượng phẩm Phạm Bỉnh Di mang quân đi đánh. Du thua trận, chạy về đến châu Hồng [Hải Dương]; rồi cho người mang vàng bạc đến kinh đô đủt lót, tố cáo Bỉnh Di tàn ác; Vua tin lời Du. Tháng 7, nhà Vua giết Thượng phẩm Phạm Bỉnh Di. Quách Bốc, bộ tướng của Bỉnh Di, nổi loạn; khiến nhà vua phải bỏ kinh thành lánh đến Quy Hóa giang [sông Thao]:
– “Cho Phạm Du coi việc quân ở Nghệ An. Du bèn làm phản, thu nạp những kẻ vong mệnh và trộm cướp, gọi là “hậu nhân“[người do thám], chia đi cướp bóc các nơi. Người châu Quốc Oai [Hà Tây] cũng đem bè lũ đến đóng ở Tây Kết, đường sá vì thế không thông. Vua sai Thượng phẩm phụng ngự Phạm Bỉnh Di đem quân châu Đằng [thuộc tỉnh Hưng Yên]đến đánh”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
– “Bấy giờ Bỉnh Di tiến quân đánh Phạm Du. Du thua, chạy sang Hồng Châu. Bỉnh Di tịch thu nhà của Du rồi đốt hết cả. Phạm Du mới ngầm sai người đến kinh đô đem vàng đút lót cho người trong nội, nói rõ Bỉnh Di tàn khốc, giết hại những người vô tội. Du lại kể lể nỗi oan của mình, xin về kinh đô để đợi chịu tội. Nhà vua tin lời, cho đòi Du và vời Bỉnh Di đem quân về. Bỉnh Di về tới kinh, toan vào tâu bày, thì có người ngăn lại, bảo: “Lời của Phạm Du đã lọt vào trước, nhà vua còn chưa nguôi giận!”. Bỉnh Di nói: “Ta đây thờ vua hết lòng trung thành, lại bị tên giặc gian ác nó gièm pha ư? Huống chi, lại có mạng lệnh vua vời, ta còn trốn tránh đi đâu?”.
Thế rồi Bỉnh Di cứ vào chầu. Nhà vua sai bắt luôn, rồi giam cả với con là Phụ tại nhà Thủy viện, toan đem giết chết. Bộ tướng của Bỉnh Di là bọn Quách Bốc hay tin ấy, đem quân reo hò kéo vào, xông đến cửa thành, bị kẻ canh cổng cản lại. Chúng phá cửa mà vào. Nhà vua thấy động, kíp sai đem cha con Bỉnh Di đến thềm Kinh tinh đâm chết, rồi cùng Thái tử chạy trốn. Bọn Quách Bốc xông vào, lấy chiếc chiếu của vua bó xác Bỉnh Di và lấy xe của vua chở xác Bỉnh Di, vượt qua cửa thành, rút ra bến Đông bộ đầu; rồi lại quay vào cung Vạn Diên, lập con thứ vua là Thầm lên làm hoàng đế. Bọn Đàm Dĩ Mông và Nguyễn Chính Lại đều nhận chức ngụy quan cả”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 5.
Thái tử Sảm lánh nạn tại thôn Lưu Gia thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay, gặp người con gái họ Trần lấy làm vợ; nhờ người cha cô gái là Trần Lý, dấy binh khôi phục lại kinh thành; đó là manh nha quyền lực đất nước từ họ Lý chuyển sang họ Trần:
“Hoàng thái tử Sảm đến thôn Lưu Gia [xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, Thái Bình] ở Hai Ấp, nghe tiếng con gái của Trần Lý có nhan sắc, bèn lấy làm vợ. Nhà Trần Lý nhờ nghề đánh cá nên giàu, người quanh vùng theo về, nhân có quần chúng, cùng nổi lên làm giặc. Thái tử đã lấy con gái của Lý, trao cho Lý tước minh tự, phong cho cậu người con gái ấy là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ”.
Tuy nghiêm khắc phê bình Thái tử Sảm [Lý Huệ Tông] không dốc tâm lo dẹp loạn, lại đam mê gái đẹp; nhưng rốt cuộc Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng phải công nhận đây là mối cơ duyên để thay đổi triều đại từ họ Lý sang Trần. Rồi gia đình họ Trần giúp nhà Lý dẹp tan loạn Quách Bốc; đưa Vua Lý Cao Tông trở về kinh đô:
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: ‘Thái tử Sảm đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở ngoài mà tự tiện phong tước cho người? Bởi Cao Tông rong chơi vô độ, giường mối bỏ hỏng, cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả’.
Anh em họ Trần họp hương binh để dẹp loạn, rước vua về kinh, khôi phục chính thống. Trừng trị bọn Quách Bốc làm loạn, xử tội theo mức độ khác nhau”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Vào cuối năm 1210, vua không khỏe, lập Thái tử Sảm lên làm vua kế vị, miếu hiệu là Huệ Tông, tôn mẹ Đàm thị làm Hoàng thái hậu, sai người đón vợ là người con gái họ Trần về làm Hoàng hậu:
“Ngày Canh Ngọ, mùa xuân, tháng 3, năm Trị Bình Long Ứng thứ 6 [1210], vua sai Thượng phẩm phụng ngự là Đỗ Quảng đem quân đến nhà Tô Trung Từ đón Hoàng thái tử về Kinh sư, còn người con gái Trần thị thì về nhà cha mẹ. Bấy giờ Trần Lý đã bị bọn giặc khác giết, con thứ là Trần Tự Khánh thay đem quân chúng về Kinh, được phong là Thuận Lưu Bá.
Mùa thu, tháng 7, Đỗ Anh Triệt kể tội Dĩ Mông rằng:
‘Người làm đại thần mà ôm lòng vô quân, nhận tước phong của giặc, nay lại đứng ngang hàng với ta, ta dù bất tài nhưng mặt mũi nào mà nhìn người!’
Dĩ Mông thẹn sợ mà lui ra.
Mùa đông, tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu và nhận mệnh ký thác. Ngày 28 Nhâm Ngọ, vua băng ở cung Thánh Thọ.
Hoàng thái tử Sảm lên ngôi ở trước linh cữu bấy giờ mới 16 tuổi. Tôn mẹ là Đàm thị là Hoàng thái hậu, cùng nghe chính sự. Lại đem thuyền rồng đi đón Trần thị. Anh Trần thị là Trần Tự Khánh cho rằng bấy giờ đương lúc loạn lạc, chưa đưa đi ngay được. Sai sứ cáo phó với nhà Tống, nhà Tống sai người sang làm lễ tế điếu”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Về lãnh vực ngoại giao với Trung Quốc, thời Vua Cao Tông lên ngôi, triều Tống đặc cách phong ngay nhà Vua tước Vương, không theo lệ cũ phải kinh qua tước vị thấp hơn như Quận vương:
“Năm sau [năm Thuần hy thứ tư, 1177] con là Long Cán [Lý Cao Tông] nối ngôi, trao chức Tĩnh hải quân tiết độ sứ quan sát xử trí đẳng sứ, đặc tiến Kiểm hiệu thái uý kiêm Ngự sử đại phu thượng trụ quốc, đặc phong An Nam Quốc vương, gia phong thực ấp, vẫn ban cho Suy thành thuận hoá công thần; Chế ban rằng:
‘Biểu thị nghi lễ đặc thù khiến cả nước vui mừng; nhân dịp thụ phong đầu tiên (4) được thế tập ngay tước vương, không phải đợi đến lần sau mới được thăng!’
Nhắm Biểu thị nghi lễ đặc thù”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(明年,子龍榦嗣位,授靜海軍節度使觀察處置等使、特進、檢校太尉兼御史大夫、上柱國,特封安南國王,加食邑;仍賜推誠順化功臣,制曰:「即樂國以肇封,既從世襲;極王真而錫命,何待次升?」示殊禮也)
Vua Cao Tông bèn sai Sứ sang triều cống và tạ ơn: “Năm thứ 5 [1178] cống sản vật địa phương cùng dâng biểu tạ ơn”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(五年,貢方物,上表稱謝)
Giống như thời Lý Anh Tông năm 1156, Vua Tống lại tiếp tục khước từ cống voi vì cho là vô dụng: “Năm thứ 9 [1182], từ khước An Nam cống voi, vì vô dụng mà phiền dân; những vật khác cũng chỉ nhận 1/10”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(九年,詔卻安南所貢象,以其無用而煩民,他物亦止受什一.)
Sự kiện khước từ cống voi, cũng được Tục Tư trị Thông Giám của Tất Nguyên xác nhận qua văn bản sau đây:
“Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 149]. Ngày Nhâm Dần tháng 11 nhuần [27/12/1183] Tống Hiếu Tông Thuần Hy năm thứ 10[27/12/1183]. Kinh lược an phủ sứ Quảng Tây tâu An Nam tiến cống voi. Vua phán:
‘Voi là vật vô dụng, đi trên đường sá quấy nhiễu dân ta nhiều, không nhận”.
(壬寅,廣西經略安撫使奏安南進象,帝曰:「象乃無用之物,經由道路,重擾吾民,其弗受。)
Vào các năm 1186, 1189, 1190, hai nước Trung Quốc và Đại Việt tiếp tục trao đổi Sứ bộ ngoại giao, triều Nam Tống lúc bấy giờ suy yếu nên luôn luôn tỏ ra hòa hoãn:
“Năm Trinh Phù thứ 11 [1186], sai Lê Hòe Khanh sang nhà Tống đáp lễ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Năm thứ 16 [1189] tiếp tục gia phong Long Cán tước Thủ nghĩa phụng quốc lý thường hoài đức công thần”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(十六年,累加龍榦守義奉國履常懷德功臣)
“Khi vua Quang Tông [1190] lên ngôi, An Nam đến cống và dâng biểu mừng”. Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.
(光宗即位,奉表入貢稱賀。)
Năm 1212 được tin Vua Cao Tông mất, nhà Tống sai sứ sang phân ưu và truy phong:
“Năm Gia Định thứ 5 [1212] Long Cán mất, chiếu sai Vận phán Quảng Tây Trần Khổng Thạc làm Điếu tế sứ, đặc cách tặng chức Thị trung”. Tống Sử. quyển 488, Giao Chỉ.
(嘉定五年,龍榦卒。詔以廣西運判陳孔碩充弔祭使,特贈侍中)
Về việc ngoại giao tại phương nam, ba nước Chiêm Thành, Chân Lạp, Xiêm La đều sai Sứ đến cống; riêng nước Chiêm Thành qua lại cống nhiều hơn, năm 1198 lại sang xin phong, năm sau nhà vua sai sứ đến phong tước:
“Năm Trinh Phù thứ 7 [1182], nước Xiêm La sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Mùa xuân tháng 3 năm Trinh Phù thứ 9 [1184, nước Chiêm Thành sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Mùa xuân năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 6 [1191], nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Tháng 7 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 13 [1198], Sứ Chiêm Thành sang cống và cầu phong”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Mùa đông, tháng 10, năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 14 [1199] vua ngự đến phủ Thanh Hóa bắt voi. Sai sứ sang phong vua nước ChiêmThành”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Riêng nước Xiêm La vẫn tiếp tục đưa thương thuyền đến buôn bán tại cảng Vân Đồn như thời mới mở cửa vào năm Đại Định thứ 10 [1149]; năm 1184 Vân Đồn lại tiếp nhận thêm khách thương mới, đó là nước Tam Phật Tề:
“Tháng 3, [Trinh Phù] năm thứ 9 [1184], người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề [Sumatra, Indonesia] vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Chiếu theo sử liệu Trung Quốc [Trường Biên] vào năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012], hai nước Hoa Việt thỏa thuận buôn bán chung tại Quảng Châu [Quảng Đông] và châu Khâm [Quảng Tây]; nhưng dân buôn lậu vẫn mang hàng lên phía bắc, lén lút vượt qua đèo núi, đến các vùng Long Châu, Bằng Tường, Ninh Minh, bán cho Trung Quốc. Nhằm ngăn chặn một số mặt hàng, năm 1179 có lệnh cấm buôn mắm, muối, và đồ sắt:
“Năm Trinh Phù thứ 4 [1179], xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Nhưng việc bán muối sang Trung Quốc có lời cao, nên số đông dân chúng vẫn tiếp tục buôn lậu. Về phía Trung Quốc, số lượng muối nhập vào châu Ung [nam Quảng Tây] quan trọng đến nỗi chính quyền địa phương xin triều đình được phép độc quyền thu mua tại Sùng Tả Thị, Bằng Tường để thu lợi:
“Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 150, Tống Hiếu Tông năm Thuần Hy thứ 12 [1185]
Ngày Kỷ Sửu tháng giêng [6/2/1185 Đề cử Quảng Tây Hồ Đình Trực tâu:
‘Quan phụ trách bán muối tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] duyên theo đường lối chỉ huy thời Thiệu Hưng [1131- 1162] tại hai trại Thái Bình [Sùng Tả thị, Quảng Tây], Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] đặt thị trường, dùng vải lụa trao đổi muối với tư thương Giao chỉ; quan phụ trách muối đem ra bán, do đó những người dân tại khe động cũng đều buôn bán muối Giao Chỉ. Gần đây tuy cải sang dùng tiền giấy, những tại châu này vẫn còn theo mối tệ cũ.’
Chiếu ban ty Kinh lược cùng Tri Ung Châu Trần Sĩ Anh bố trí rồi tâu lên. Ty Kinh lược tâu rằng:
‘Trước đây việc đặt thị trường đổi chác là do tiện cho lòng người, còn việc trao đổi muối với Giao Chỉ là phép thường từ tổ tiên. Chỉ nghiêm cấm dân buôn không được buôn bán muối với người Giao, khiến mất nguồn lợi công; những điều khác vẫn theo cũ.’
Vua chấp nhận”.
((己丑,廣西提舉胡廷直言:「邕州賣官鹽,並緣紹興間一時指揮,于江左永平、太平兩寨置場,用物帛博買交趾私鹽,夾雜官鹽出賣,緣此溪洞之人,亦皆販賣交鹽。近雖改行鈔法,其本州尚仍前弊。」詔經略司及知邕州陳士英措置聞奏。既而經略司言:「初置博易場,以人情所便;而博易交鹽,亦祖宗成法。請只嚴禁博販等不得販鬻交鹽,攙奪官課,餘仍舊。」從之。 )
Toàn Thư chép thời Vua Cao Tông cho đào sông Tô Lịch:
“Năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 7 [1192], đào sông Tô Lịch”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Sông này nguyên là nhánh sông thông với Nhị Hà, thời Pháp thuộc mở mang thành phố nên lấp phần cửa sông, dòng sông quanh co nối tiếp với sông Nhuệ, Hà Đông. Theo Cương Mục, thời Đường Mục Tông đô hộ nước ta [824] tên sông này đã được nhắc tới, vậy lúc này chỉ làm việc đào vét thêm sông Tô Lịch mà thôi.
Về lãnh vực văn hóa giáo dục, tuy thời Thần Tông [1132] có đề cập đến việc các thi sĩ Thích, Nho, Lão đến dâng thơ mừng Vua; nhưng chính thức triều đình đưa văn hóa Thích, Nho, Lão vào thi cử, thì bắt đầu từ thời Cao Tông Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 10 [1195] mới thi hành:
“Mùa xuân, tháng 2 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 10 [1195], động đất; sét đánh gác Ly Minh. Thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân”.
Triều đình lại thi chọn những kẻ sĩ giỏi vào giúp Vua học, phân loại các quan; biệt đãi người có học và tài cán:
“Mùa xuân, tháng giêng nămTrinh Phù thứ 10 [1185], thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu học ở ngự điện. Lấy đỗ bọn Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người, còn thì đều ở lại học”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“NămThiên Tư Gia Thuỵ thứ 8 [1193]. Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng. Thi các sĩ nhân trong nước để chọn người vào hầu vua học.
Tháng 3, khảo xét công trạng các quan, người giữ chức siêng năng tài cán nhưng không thông chữ nghĩa làm một loại, người có chữ nghĩa tài cán làm một loại, người tuổi cao hạnh thuần, biết rõ việc xưa nay làm một loại, cứ theo thứ tự mà trao cho chức vụ trị dân coi quân, khiến cho quan chức không lạm nhũng”.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Riêng về việc binh, vào tháng đầu năm, tuyển trai tráng khỏe mạnh bổ sung vào quân ngũ:
“Năm Trinh Phù thứ 4 [1179]. Mùa xuân, tháng giêng, tuyển các đinh nam, người nào mạnh khỏe sung vào quân ngũ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Về phương diện tín ngưỡng, nhà Lý từ trung đại trở về trước Phật Giáo được coi như quốc giáo, từ việc học hành, đến quản lý ruộng đất đều do nhà chùa lo liệu; đến đời Cao Tông niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ, lần đầu có hiện tượng nhà Vua sa thải các sư sãi:
“Mùa xuân, tháng giêng năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 13 [1198], xuống chiếu sa thải các tăng đồ, theo lời tâu của Đàm Dĩ Mông”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Vua lại tỏ ra nghi ngờ tài cán của nhà sư Tây Vực:
“Năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 2 Thiên Tư Gia Thuỵ [1187], có nhà sư Tây Vực (5) đến. Vua xuống chiếu hỏi sư ấy có tài năng gì, trả lời là có tài phục được hổ. Bảo làm thử, không hiệu nghiệm”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Nhà Vua rất tin thần linh ma quỉ, ưa xây dựng nhiều cung điện:
“Tháng 3 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 4 [1189], vua ngự đi khắp núi sông, phàm xe vua đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
“Mùa xuân tháng 2 năm Thiên Gia Bảo Hựu thứ 2 [1203], làm nhiều việc thổ mộc, dựng các cung điện. Mùa hạ, tháng 4, gác Kinh Thiên làm sắp xong, có chim khách vào làm tổ đẻ chim con ở đấy. Các quan can rằng:
‘Ngày xưa Nguỵ Minh Đế làm gác Lăng Tiêu, có con chim khách đến làm tổ, Cao Đường Long can rằng “Thần từng nghe câu: Chim khách có tổ, chim cưu đến ở. Nay chim khách đến làm tổ nơi cung khuyết, theo ngu kiến của thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người họ khác đến ở’.
Xin bệ hạ xét lời của Cao Đường Long, trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải.
Nhưng vua nghe lời của hoạn quan là Phạm Bỉnh Di, giục làm càng gấp, trăm họ khốn khổ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
Vua Cao Tông mất vào năm Trị Bình Long Ứng thứ 6 [1210], Sử thần Ngô Sĩ Liên viết lời bàn dưới đây, có thể tóm tắt được thân thế và sự nghiệp của nhà Vua:
“Mùa đông, tháng 10, vua không khỏe, gọi Đỗ Kính Tu và nhận mệnh ký thác. Ngày 28 Nhâm Ngọ, vua băng ở cung Thánh Thọ.
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Cao Tông tuổi bé nối ngôi, Chiêu Linh Thái hậu rắp lòng phế lập, thân vua suýt nữa bị nguy. Nhờ có Tô Hiến Thành vốn có quyền vị, nhận ký thác con côi, hết lòng phù hộ, ngôi báu không lay, thiên hạ quy phục, tất phải có mưu hay chước giỏi tâu riêng với vua rồi. Đến khi Hiến Thành chết, Đỗ Kính Tu hầu hạ nơi màn trướng, giúp vua sửa đức, đâu phải là không có người? Thế mà vua mê mãi rong chơi, say đắm thanh sắc, ham tiền của, thích xây dựng, dạy tính lười tham cho các quan, gây lòng oán giận ở trăm họ, làm cho cơ đồ nhà Lý phải hao mòn, đến nỗi mất nước. Kinh thư có câu: “Ở trong mê sắc đẹp, ra ngoài mê săn bắn, ham rượu, thích nhạc, xây nhà cao, trổ tường đẹp, phạm một trong các điều ấy tất phải bại vong”. Vua phạm đủ các điều ấy, còn nói gì được nữa?”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.
____
Chú thích:
1. Đồng bình chương sự: chức quan tương đương với Tể tướng và làm nhiệm vụ của Tể tướng.
2. Thái úy: chức quan võ đứng đầu quân đội.
3. Sông Lộ Bố: chỗ sông Đáy gặp sông Hoàng Long tại Ninh Bình.
4. Toàn Thư chép sự kiện này vào năm Trinh Phù thứ 11 [1186], xét nội dung chế văn chép, “nhân dịp thụ phong đầu tiên” thấy năm 1186 không không phải là năm thụ phong đầu tiên, vậy phải ghi nhật kỳ như Tống Sử chép “Năm sau [năm Thuần hy thứ tư, 1177] con là Long Cán [Lý Cao Tông] nối ngôi” mới đúng. Dưới đây là văn bản Toàn Thư:
“Mùa xuân, tháng giêng năm Trinh Phù thứ 11 [1186], nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, chế thư đại khái nói: ‘Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền con nối ban sắc mệnh cho được thực thụ tước vượng, cần gì phải đợi thăng dần theo thứ tự’1. Đó là lễ đặc biệt”.
5. Tây Vực: chỉ các nước thuộc miền Trung và Nam Á.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét