Lại nói chuyện mơ mộng viển vông
Vận hội. Thời cơ có một không hai…
Không rõ các quốc gia không bị chi phối bởi triết lí chính trị Trung Quốc người ta có kiểu tư duy chiến lược này không? Nhất là đi cùng với nó bao giờ cũng là mong muốn đi tắt đón đầu, nhảy cóc tới thành tựu phát triển?
Như những hô hào điếc tai bàn luận về dòng chảy đầu tư của thế giới rời khỏi quốc gia đế quốc xã nghĩa Trung cộng gần đây vậy. Chúng ta không ngừng nói mơ trong cả tiến trình lịch sử hiện đại của nước nhà rồi.
Một dân tộc chưa bước qua phương thức tư duy cảm tính, trực quan; Một dân tộc chưa có tay nghề, tuyệt đại đa số dân chúng còn chưa có ý thức lao động dựa trên công nghệ, quá trình lao động ở mức độ phân công đơn giản còn chưa hoàn thiện; (Hãy cứ nhìn vào di sản trồng trọt, với cây lúa chẳng hạn, hàng ngàn năm người Việt Nam đã có những cải tiến then chốt nào trong các công cụ lao động truyền thống?).
Một dân tộc mà kho tri thức truyền đời của mình hết sức nghèo nàn những hiểu biết về thế giới xung quanh, thậm chí ngay với tri thức bản địa của mình; (Ngay cả với những hiểu biết ít ỏi ấy, chúng ta cũng lại yên tâm đã tiếp cận đỉnh cao, thậm chí tiên phong, hệ thống tri thức nhân loại. Tư duy của người Việt Nam còn ở phạm vi biệt phái, tầng lớp tri thức chỉ có thể tinh hoa đến giới hạn của nhà cầm quyền, lần lượt sang đời, từ nho sinh sang Tây học, từ thực hành giáo lí Mác Lê Mao hay kiểu Mỹ, kiểu Ăng lê…).
Một dân tộc chưa xong việc học nhưng bị choáng với danh vọng của đủ các loại “nhà”; (Cứ nghĩ lại, từ nền học vấn cử tử nho gia, đến khoa bảng kinh viện Mác Lê, từ giáo dục thực nghiệp đến tân giáo dục. Trong hơn 100 năm Việt Nam có thiết chế nhà trường thì đến tận hiện nay, nhà trường theo định nghĩa của luật giáo dục cũmg chỉ là một kiểu cơ sở cung cấp điều kiện vật chất kĩ thuật cho người dạy, người học).
Một dân tộc học hành dở dang, học theo kiểu nào cũng dở dở ương ương, mà thường xuyên mộng mị kết quả nước Nhật duy tân, hay tiến nhanh tiến mạnh vào chủ nghia xã hội, gần đây là địa vị Việt Nam siêu cường, có phải mơ mộng viển vông đã thành nghiện?
Sự thất bại của mục tiêu công nghiệp hoá đất nước vào năm 2020 là một hiện thực nên được học. Tăng trưởng thu nhập đầu người tăng nhanh, vượt lên khỏi ngưỡng nghèo nhưng còn khuya mới đạt tới trình độ của một quốc gia công nghiệp.
Thì cứ trực quan mà suy nghĩ, công nghiệp là phương thức con người lao động dựa vào công cụ, được thiết kế và vận hành với chuỗi thao tác qui trình, xã hội Việt Nam dường như còn thực hành phổ quát phương pháp dĩ bất biến, ứng vạn biến với một hình dung mù mờ, tuỳ tiện.
Ngay như cục diện đầu tư rời khỏi thị trường Trung Quốc, liệu có dẫn đến kết quả tất yếu sẽ “tạt” sang Việt Nam, cho dù khoảng cách địa lí gần gũi, mức chi phí cạnh tranh, thậm chí chính phủ có mạnh dạn trở nên là một chính phủ của doanh nghiệp hơn nữa?
Hãy ở trong chuyển động an nguy từ thị trường Trung Quốc để thử làm các nhà đầu tư để phân tích, thị trường Việt Nam có bao nhiêu nguy cơ y hệt hay tương tự?
Cứ cho ông Trọng, ông Phúc, đảng, nhà nước bẩm sinh có tố chất cải cách, thì vài ba tháng, năm nhà mắc dịch có tạo ra được cục diện hồ hởi, phấn khởi rầm rập bước chân di chuyển đầu tư vào Việt Nam?
Quyết tâm chính trị có lẽ là một khái niệm tạo ra nhiều không gian lừa đảo, cướp bóc trắng trợn và nhanh chóng nhất trong các phương thức quản trị quốc gia. Đặc biệt, là với một dân tộc học hành dở dang như Việt Nam.
Không có nền tảng văn hoá vững chãi thì chạy nhanh, nhảy xa sẽ chỉ tạo thành định dạng luồn sâu, leo cao trong lớp cầm quyền, còn lâu mới đạt được trạng thái thích ứng phát triển cho dân tộc.
Thôi, cứ trở lại phương thức tư duy của con rùa trong hành trình chạy đua giữa rùa và thỏ. Quên đi những ảo ảnh chiến thắng để thật sự bồi đắp lại nền tản văn hoá vừng vàng cho phát triển.
Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam đứng trước thời cơ thuận lợi để bổ sung kho tri thức của dân tộc mình hệ thống tri thức của nhân loại như thời điểm hiện tại.
Chưa bao giờ người Việt Nam có thể hiện diện ở hầu khắp các trung tâm văn hoá, văn minh của nhân loại như thời điểm hiện tại.
Một dân tộc học hành nghiêm túc, tới nơi tới chốn cần được xây dựng như một phẩm tính truyền đời của mọi người Việt Nam từ nay.
Có lẽ đó mới là đại kế phát triển ngàn năm cho đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét