Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

Hòa giải từ sự thật

Hòa giải từ sự thật

Trung Bảo
24-4-2020
“Hai người lính” – chiến sĩ quân giải phóng Nguyễn Huy Tạo (trái) và người lính Việt Nam Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa tại tuyến giáp ranh thôn Long Quang, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tháng 4/1973 và gặp lại nhau đầu năm 2018 ở địa điểm xưa. Ảnh: Chu Chí Thành đăng trên Báo Phụ nữ Việt Nam
Khi tôi gặp M. ở California (Mỹ), cậu ấy đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Giáo Dục. M. sang Mỹ đã gần 5 năm từ Sài Gòn, hầu hết thời gian M. sống ở miền Nam California, nơi có rất nhiều người gốc Việt cư trú. Miền nam California với thành phố Westminster có khu Little Saigon được mệnh danh là “thủ đô của người Việt tị nạn cộng sản”, ngoài phố Bolsa tấp nập còn có tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ. Một buổi chiều cuối tuần, sau buổi cafe ở đại lộ Bolsa tôi rủ M. đi ra tượng đài chiến sĩ Việt – Mỹ chơi. M. ngần ngừ một chút rồi nói: “Ngoài đó có cờ vàng”.
Lá cờ vàng mà M. đề cập là lá cờ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà (VNCH), được treo khắp nơi ở Little Saigon nhưng không hiểu sao M. lại ngần ngại với lá cờ ở tượng đài kia. Sau này, M. mới nói với tôi cậu ấy sợ ra tượng đài kia vì ở đó “chất VNCH quá đậm, thường xuyên có những người lính già mặc lại bộ quân phục cũ đứng đó hoài niệm về chuyện ngày xưa, và chửi cộng sản”.
T. là một cô gái xinh xắn, dáng người dong dỏng và nước da trắng của cô gái xứ Bắc. T. lớn lên ở Hà Nội, đi du học New Zealand rồi về làm việc trong một ngân hàng lớn ở bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Có dạo, mỗi lần tôi ra Hà Nội, chúng tôi lại ngồi uống cafe gần bờ hồ, khi nước hồ và bầu trời rất xanh. Có những lần T. hỏi tôi về Sài Gòn, tôi thích thú kể về những kỷ niệm của mình với Sài Gòn, về những góc của Sài Gòn cũ. T. nhìn tôi bằng cặp mắt to tròn rất đẹp, rồi nói: “Thế bọn Nguỵ nó cũng tốt nhỉ, cứ tưởng phải phá hết Sài Gòn trước khi chạy theo Mỹ ấy chứ”.
Tôi có nhiều câu chuyện khác về những người ở đôi bên vĩ tuyến, đôi bên bờ đại dương. Nhưng, tôi chọn câu chuyện của M. và T. để kể với bạn vì họ là một thế hệ chẳng dính dấp trực tiếp gì với thù hận hay lợi lộc từ cuộc chiến tranh đã qua giữa hai chính thể Việt Nam Cộng Hoà và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH). Cả hai đều lớn lên trong nước, đều được đi ra nước ngoài, cả hai đều nhìn VNCH như một thứ gì đó cần tránh xa, có phần đáng sợ. Những lúc đó, tôi sẽ trở thành một kẻ dở hơi nếu đem chuyện hoà giải ra nói với họ.
Hai bài viết gần đây trên Báo Sạch không phải là chủ đề mới, đặc biệt với những ai quan tâm đến tình hình biển Đông. Nó trở nên thời sự khi Trung Quốc đem vấn đề Công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra Liên Hiệp Quốc. Hai bài viết đều nhắc đến việc phải thừa nhận VNCH là một thực thể chính trị và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc sự quản lý của chính thể ấy. Vì vậy, công hàm 1958 xem như không có hiệu lực về tranh chấp lãnh thổ.
Trên thực tế, sự tồn tại song song của VNCH và VNDCCH sau nghị định Geneve 1954 không khiến cho mỗi chính thể này trở thành một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Theo nghị định trên, vĩ tuyến 17 là ranh giới ngăn đôi đất nước để đợi đến ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tiếc thay, ngày ấy không bao giờ đến mà lá phiếu tuyển cử đã bị thay bằng súng AR15 và AK47, bằng tăng T54 và thiết giáp M113, bằng máu xương của hàng triệu người Việt.
Hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH, nói theo ngôn ngữ Công pháp quốc tế, là hai “quốc gia chưa hoàn tất”. Chính vì điều ấy, theo Công pháp quốc tế, thừa nhận sự tồn tại lịch sử của VNCH trong hoàn cảnh hiện tại đồng nghĩa bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trước các động thái của Trung Quốc.
May mắn thay, Chính phủ Việt Nam đã nhìn ra điều ấy với hai công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc vào năm 2016 và 2018. Điều đáng tiếc, cả hai công hàm này không được phổ biến rộng rãi trong nước.
Chính sách Hoà hợp – Hoà giải dân tộc là một chính sách lớn của Chính phủ Việt Nam trong suốt nhiều năm qua. Thế nhưng, như hai câu chuyện tôi kể ở trên với bạn đọc, những thế hệ trong nước sinh ra sau cuộc chiến vẫn có cái nhìn về một thực thể lịch sử như VNCH đầy thiên kiến và e dè.
Hoà hợp hoà giải sao đây khi lòng người còn cách ngăn? Bạn hãy nghe những người thuộc “bên thua cuộc” kể về những đớn đau, mất mát mà họ đã phải trải qua sau 11:30 ngày 30/4/1975. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có một phát ngôn để đời về “triệu người vui, triệu người buồn” khi nhắc đến sự kiện 30/4. Nhưng, đó là phát biểu của một chính khách đã về hưu.
Đã 45 năm qua, ba thế hệ đã được sinh ra, kể từ ngày thống nhất đất nước. Nhưng thống nhất lãnh thổ đâu phải đồng nhất với thống nhất lòng người. Khi trong nước vẫn nhan nhản những kẻ hằn học “bọn nguỵ” còn bên ngoài kia vẫn còn giận dữ “bọn cộng sản”.
Sự hoà giải bắt đầu từ đâu nếu chẳng phải từ sự trân trọng sự thật. Dù sự thật ấy có đau đớn hay khủng khiếp đến mức nào. Bởi, không ai có thể bôi xoá được lịch sử khi chính nó có một cách rất riêng để trả về đúng chân diện mạo. Như câu chuyện của Công hàm 1958 là một ví dụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét