Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Hình bóng nhà mồ: 11 điểm sai do “suy đoán có tội” của quyết định Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Hình bóng nhà mồ: 11 điểm sai do “suy đoán có tội” của quyết định Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Dương Phong: Bài viết của tác giả Võ Tòng, Phó trưởng Khoa hình sự, Trường Đào tạo Bồi dưỡng Nghiệp vụ Kiểm sát; nguyên Phó Viện trưởng VKSND thành phố Tây Ninh.
Bưu cục Cầu Voi sau vụ án đến nay đóng cửa bỏ hoang. Ảnh: Hoàng Nam/ VNE
***
+ Tôi đã từng viết 02 bài về vụ án Hồ Duy Hải được cộng đồng rất ủng hộ, nếu tôi cố viết nữa thì cũng không hay lắm. Nhưng thật sự mấy ngày nay, hình ảnh trụ sở Bưu điện Cầu Voi với kiến trúc của tầng trên giống như một ngôi nhà mồ cứ ám ảnh tâm trí của tôi, nơi đây đã có 02 oan hồn rồi, tôi hy vọng nó không dung nạp thêm oan hồn nào khác nữa, nên tôi quyết định tiếp tục viết và viết mãi cho đến khi công lý được thực thi một cách chính xác và nghiêm minh trên thực tế.
+ Sau khi nghe đi, nghe lại và được đọc toàn văn Quyết định giám đốc thẩm, tôi thấy hầu hết những nhận định của Hội đồng xét xử đều là sự suy diễn vô căn cứ, nếu tôi không nói thì thật là có lỗi với lương tâm của mình. Sau đây mời cộng đồng tham khảo nhé.
1. Ngay phần đầu tiên của kết luận về diễn biến của vụ án cho thấy sự không rõ ràng rồi, cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm đều quy kết rằng: “Vào khoảng 19 giờ ngày 13/01/2008, Hải lấy xe máy hiệu Wave (của bà Nguyễn Thị Len) đi đến tiệm cầm đồ để cầm cố chiếc điện thoại với số tiền 500.000đ, sau đó Hải chạy về nhà đổi lấy xe Dream màu nho (của bà Nguyễn Thị Rưởi) chạy đến quán cà phê trả tiền thua cá độ bóng đá…”.
+ Xin Tòa cho biết, tại sao Hải không tiếp tục sử dụng xe Wave đi luôn cho tiện mà phải quay về nhà đổi lấy xe Dream vậy?
2. Về sự xuất hiện của chiếc xe Dream trước của Bưu điện và mái tóc lãng tử.
+ Tòa cho rằng lúc hơn 19 giờ, anh Hồ Văn Thu và Đinh Vũ Thường đến Bưu điện có nhìn thấy có 01 chiếc xe Dream (màu nho), có kính chiếu hậu màu đen bên trái (gọng kính cắt ngắn), chìa khóa vẫn còn cắm trên xe; ông Nguyễn Văn Thu và bà Rưởi thừa nhận gia đình có chiếc xe giống như thế, vậy suy ra, chiếc xe Dream hung thủ dựng ở sân Bưu điện trước thời điểm xảy ra án mạng là xe của bà Rưởi.
+ Dạ thưa Tòa, thời điểm đầu năm 2008, phương tiện cá nhân phổ biến trong xã hội ta (Long An cũng thế) là xe Dream và Wave Trung Quốc, có đến hàng triệu chiếc xe Dream màu nho đang lưu thông khắp mọi làng quê Việt Nam, và thời điểm đó cũng chưa có quy định về xử phạt những phương tiện xe máy không gắn đầy đủ kính chiếu hậu, nên theo tôi nhớ đa phần các chủ phương tiện không gắn hoặc chỉ gắn một loại kính có gọng bị cắt ngắn để trang trí cho đẹp giống như xe của bà Rưởi. Lúc đó, xe Dream màu nho của tôi cũng y như thế, và tôi tin rằng ở Nam Bộ, xe có đặc điểm tương tự xe của bà Rưởi là rất lớn. Vì vậy, việc kết luận chiếc Dream dựng trước sân Bưu điện Cầu Voi vào cái đêm định mệnh ấy là xe của bà Rưởi là sự suy diễn mà xác suất đúng (tôi nghĩ) sẽ nhỏ hơn 1/1000.
+ Còn về mái tóc, quý Tòa cho rằng anh Thường khai nhìn thấy có một thanh niên ngồi trong Bưu điện lúc hơn 19h30 có đặc điểm tóc chẻ mái, bà Rưởi khai Hải để tóc dài chẻ mái 6-4 hay 7-3 gì đó và Hải thừa nhận lúc đó tóc của y chải 6-4, đuôi tóc dài phủ gáy, vậy người xuất hiện tại hiện trường trước khi 01 nạn nhân bị giết chính là Hải.
+ Suy luận này thật khôi hài. Để tôi kể cho Tòa nghe nhé, lúc trước tôi có chiếc xe Dream giống như chiếc xe anh Thường và anh Bình nhìn thấy trong sân Bưu điện và tôi luôn để tóc như vậy, tôi cũng nhìn thấy có rất nhiều thanh niên đi xe Dream có mái tóc như thế, nên tôi xin Tòa đừng loại trừ phán đoán rằng, tôi và nhiều thanh niên khác cũng có thể là hung thủ nhé.
3. Về cái áo thun của hung thủ.
+ Anh Thường khai người thanh niên ngồi trong Bưu điện mặc áo ngắn tay màu xanh đậm, có sọc trắng; Hải khai lúc gây án, Hải mặc án thun ngắn tay màu xanh đậm, có hàng chữ màu trắng ở trước ngực, cộng với tàn tro mà CQĐT thu giữ, cho phép người khẳng đây là một căn cứ nữa để xác định người thanh niên ngồi trong ghế tại Bưu điện tối hôm ấy là bị cáo. Tòa sử dụng thêm tình tiết này để bổ sung cho kết luận của mình là không chuẩn xác, Tòa hãy hỏi những người chuyên về dệt may xem có phải áo xanh sọc trắng và áo xanh có hàng chữ trắng là cùng một cái áo hay không?
4. Về sự mô tả của bị cao đối với các vật dụng có trong Bưu điện Cầu Voi.
+ Tòa cho rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Hải khai chính xác được vị trí nhiều vật dụng có trong trụ sở Bưu điện, chỉ có hung thủ mới khai chính xác được như vậy, nên có cơ sở cấp nhận định bị cáo có mặt tại hiện trường.
+ Nhận định này cũng không vững thưa Tòa, bởi vì Tòa có kết luận từ khoảng tháng 10/2007, bị cáo có quen chị Vân, sau đó bị cáo tiến hành đặt mua báo thể thao tại Bưu điện, nội dung này cho thấy bình thường bị cáo hay đến Bưu điện, việc bị cáo nhớ được vị trí của những vật dụng ở nơi này không có gì là lạ, không thể nói do bị cáo có đến Bưu điện vào tối 13/01/2008 nên mới nhớ được chi tiết như thế.
+ Chiếc xe Dream màu nho thì mong manh, mái tóc chẻ thì mơ hồ, cái áo thun màu xanh đậm thì không chuẩn, sự mô tả về vị trí các vật dụng thì chưa hợp lý với thực tế của vụ việc mà khẳng định đã có đủ cơ sở kết luận bị cáo có mặt tại hiện trường thì tôi chỉ có thể gọi đây là sự suy diễn. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận bị cáo có mặt tại hiện trường là hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
5. Tình tiết sờ sẫm và nằm đè nạn nhân. Tòa cho rằng kết hợp việc bị cáo khai có sờ sẫm và dùng vũ lực nằm đè lên người chị Hồng với kết quả khám nghiệm tử thi thấy phần dưới của nạn nhân có xuất chất dịch nhầy, như vậy lời khai của Hải là đúng sự thật, bởi vì tình tiết này do Hải khai ra nên CQĐT mới biết.
+ Tòa ơi, căn cứ vào nghiên cứu của nhà khoa học nào để Tòa đưa ra nhận định nếu phụ nữ bị tội phạm (đàn ông) sờ sẫm và nằm đè lên người thì bộ phận phía dưới của họ sẽ xuất chất dịch nhầy vậy, hay Tòa dựa vào kinh nghiệm riêng của chính bản thân mình? (Mong gia đình chị Hồng và vong linh chị tha lỗi cho tôi về sự phân tích này)
6. Về chiếc ghế xếp:
+ Tòa nhận định rằng, sau khi giết chị Hồng, bị cáo đứng nấp một góc trong Bưu điện, khi chị Vân về đến để bọc trái cây lên bàn và đi ra phía sau, thấy xác chị Hồng nên chị Vân hốt hoảng chạy ngược ra, lập tức bị cáo cầm ghế đánh vào đầu chị Vân làm chị té xuống, bị cáo ôm (bế) ngang nách chị Vân kéo đến và để nằm lên xác chị Hồng, bị cáo tiếp tục dùng dao cắt ngang cổ chị vân mấy cái, rồi bị cáo lấy chiếc ghế xếp để dưới chân cầu thang gần xác nạn nhân; qua khám nghiệm hiện trường thấy chân chị Vân có gác lên chiếc ghế, do đó lời khai cuả bị cáo là đúng với diễn biến vụ việc.
+ Lập luận này không thể khôi hài hơn. Bị cáo ôm xách chị Vân để nằm chung chỗ chị Hồng, rồi bị cáo mới lấy cái ghế để gần đấy, như vậy chân của nạn nhân không thể ở trên cái ghế được. Không lẽ nạn nhân chết rồi mà còn biết tự gác chân lên ghế?
+ Chưa hết, nếu bị cáo dùng ghế đập mạnh vào đầu chị Vân, thì những hạt cơm (có dính trên ấy) theo nguyên tắc vật lý phải rơi xuống, nhưng đằng này qua kiểm tra có cơm khô còn dính trên ghế, Tòa lý giải vấn đề này như thế nào? Rồi diễn biến toàn bộ vụ án, Tòa án các cấp không quy kết là nạn nhân hay bị cáo dẫm đạp lên chiếc ghế, vậy dấu dép trên ghế ở đâu ra, của ai?
7. Về cái vòi nước:
+ Từ Kết luận điều tra cho đến Quyết định giám đốc thẩm đều kết luận là, sau khi giết từng người, máu nạn nhân bắn lên tay, lên áo và lên người bị cáo rất nhiều, bị cáo đã đến vòi nước rửa tay và chùi rửa các vết máu, nhưng CQĐT tiến hành kiểm tra vòi nước lúc 8h10 ngày 14/01/2008 thì không có nước.
+ Nội dung này phải kết rằng chưa đủ cơ sở để kết luận hung thủ có rửa tay và các vết máu chứ, đâu có nguyên lý nào cho phép chúng ta lập luận ngược lại? Việc kiểm tra thấy trong lavabo có tóc chẳng nói lên được điều gì. Hàng ngày chúng ta rửa mặt tại lavabo, tóc chúng ta rơi vào đấy là chuyên bình thường, Tòa cứ nhìn xem trong lavabo nhà mình có tóc rụng ở đó hay không, đâu phải đợi có án mạng mới có tóc? Và một điều tệ hại nữa là, nếu cho rằng hung thủ có đến lavabo rửa tay, mặt, thì phải đưa ra phán đoán có khả năng tóc của hung thủ rơi xuống ở đấy, đáng lẽ phải thu giữ mẫu tóc đó đem giám định xem của ai, nhưng CQĐT lại không làm như vậy.
8. Về tình tiết hung thủ sau khi giết 02 nạn nhân đã trèo qua hàng rào phía sau Bưu điện.
+ Dạ thưa Tòa, nếu hung thủ có trèo qua hàng rào, tuy không có vết máu nhưng sẽ có dấu vết khác để lại trên ấy. CQĐT kiểm tra ghi nhận không có dấu vết gì cả, điều đó cho thấy chưa có cơ sở để kết luận về diễn biến này. Thật lạ là cơ quan tố tụng tham gia điều tra, truy tố và xét xử lại tiếp tục kết luận ngược về nội dung này.
9. Về tài sản của nạn nhân. Bị cáo Hải khai sau khi lấy dây chuyền và điện thoại của nạn nhân, vào ngày 18/01/2008, bị cáo đã mang bán cho hai cửa hàng ở TP. HCM, CQĐT không thu hồi được tài sản; nếu chủ các cửa hàng xác nhận có mua loại tài sản có đặc diểm như vậy và nhận dạng được người bán là Hồ Duy Hải, thì việc kết luận nội dung này còn có cơ sở chấp nhận. Tôi xin hỏi Tòa trong hồ sơ vụ án có thể hiện đã làm được đầy đủ hai vấn đề như tôi nói hay không mà lại kết luận bị cáo có bán tài sản của bị hại ở 02 nơi đó?
10. Về các dấu vân tay:
+ Từ nội dung kết luận về diễn biến của vụ án, theo khoa học hình sự thì sẽ có rất nhiều dấu vân tay ở khắp nơi, dấu vân tay trên con dao và cái thớt (CQĐT không thu giữ 02 vật chứng này nên thôi chúng ta bỏ qua); hung thủ bị quy kết có bóp cổ chị Hồng, theo logic trên cổ chị Hồng sẽ có dấu các ngón tay của hung thủ; khi dùng dao cắt cổ chị Hồng, máu bắn dính đầy tay và người hắn, kế đến, hung thủ cầm ghế xếp đập đầu chị Vân, rồi bế ngang nách chị Vân di chuyển đến chỗ chị Hồng, sau đó hắn mang cái ghế để gần nơi đó, trong lúc tay hắn dính đầy máu, diễn biến vụ việc như vậy cho ta thấy sẽ có dấu vân tay trên ghế và trên áo của chị Vân; hắn lục lọi lấy tài sản của nạn nhân, thì những nơi đó sẽ có dấu vân tay; sau cùng là cái hàng rào, hung thủ trèo qua hàng rào xuất hiện khả năng rất lớn nữa sẽ có dấu vân tay của hắn in trên hàng rào.
+ CQĐT không thu được hết các dấu vân tay ở những nơi mà tôi liệt kê, và quá trình điều tra cũng như việc tiến hành so sánh những mẫu vân tay có được, không có mẫu nào là của Hồ Duy Hải.
+ Tôi xin hỏi cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, cấp cao và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, các vị hãy cho biết dựa vào điều gì để kết luận bị cáo chính là hung thủ giết người?
11. Về lập rằng bị cáo nhận tội và cũng không có cơ sở nói bị cáo bị bức cung, dùng nhục hình nên tuyên bị cáo tử hình là đúng người, đúng tội.
+ Chắc quý Tòa còn nhớ vụ án “Dùng nhục hình” tại thành phố Tuy Hòa, Phú Yên chứ? Nửa đêm CQĐT Công an Tùy Hòa đến nhà bắt anh Ngô Thanh Kiều dẫn giải về trụ sở vì nghi ngờ anh có tham gia một vụ trộm cắp tài sản, anh Kiều có lẽ kiên quyết không nhận tội, hậu quả ngày hôm sau anh phải từ giã cõi trần. Kết quả khám nghiệm tử thi, đếm trên thân thể anh Kiều có trên 60 vết thương rõ hình dạng, còn những vết thương không rõ thì không biết bao nhiêu mà kể. Do có chết người nên bắt buộc phải làm rõ và xử lý cho bằng được cán bộ điều tra tham gia dùng nhục hình môt cách tàn nhẫn đó. Kết quả điều tra chỉ xác định được Nguyễn Thân Thành Thảo có dùng cây ba trắc (dụng cụ chuyên dụng của Cảnh sát) đánh vài cái (có một cái lên đầu gây cho nạn nhân chấn thương sọ não), 04 vị cán bộ lại chỉ thừa nhận đánh 1, 2 cái vào chỗ không nguy hiểm. Như vậy, tổng hợp lại 5 con người ấy chỉ đánh trên 10 cái, còn mấy chục vết thương còn lại không biết từ đâu ra, có lẽ anh Kiều tự đánh mình?
+ Vụ “Dùng nhục hình” thứ hai là ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, anh Nguyễn Tuấn Thanh bị tình nghi tham gia trộm cắp tài sản, nên ngày 16/11/2012 CQĐT Cao Lãnh bắt anh Thanh đem về trụ sở, chiều ngày hôm sau anh Thanh cũng lìa trần. Trên cơ thể nạn nhân cũng đầy vết thương do bị vật cứng tác động với một lực rất mạnh gây ra và nặng nhất là vùng ức và thượng vị. Sau cái chết đau đớn tột cùng của nạn nhân, 02 Điều tra Viên là Huỳnh Ngọc Tòng và Phạm Xuân Bình bị xử lý hình sự. Nhân chứng khai thấy có 04 người tham gia đánh anh Thanh, nhưng vì chỉ chứng mình được 02 vị ấy có làm việc với nạn nhân, nên cơ quan tố tụng chỉ xử lý được 02 vị này, Huỳnh Ngọc Tòng bị phạt 18 tháng tù, Phạm Xuân Bình bị bị phạt 11 tháng 11 ngày tù (mạng người thật rẻ).
Vụ án đã 03 lần bị Tòa án cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh hủy án vì cho rằng có vi phạm tố tụng và chứng cứ mà cấp sơ thẩm sử dụng để buộc tội chỉ có lời khai bị cáo Bình, còn diễn biến ai đánh, đánh như thế nào chưa được làm rõ, đến nay vụ việc vẫn chưa giải quyết xong. Vụ án trên (chỉ bị phạt tù rất nhẹ) thì Tòa án hủy án để điều tra, xét xử lại đến 03 lần, nhưng tại sao vụ Hồ Duy Hải (bị tuyên tử hình) mặc dù chẳng có chứng cứ buộc tội nào ngoài lời nhận tội của bị cáo trong giai đoạn điều tra, thì các vị cứ nhất nhất kết luận là xét xử đúng người, đúng tội?
+ Qua hai vụ án cho thấy, khi xảy ra hành vi dùng nhục hình gây hậu quả chết người mà việc điều tra còn gặp quá nhiều khó khăn, huống chi nạn nhân chỉ bị đánh bầm dập.
+ Trước đây tôi đã từng 03 năm thực hiện công tác kiểm sát việc giam giữ tội phạm của cơ quan Công an, khi kiểm tra toàn diện nơi giam giữ những người phạm tội, tôi yêu cầu cán bộ quản giáo phải mở cửa từng buồng giam để tôi hỏi từng người đang bị giam giữ xem họ có khiếu nại hay tố cáo rằng họ bị bức cung, dùng nhục hình hay không, thì có vài lần, người bị giam giữ tố cáo là họ có bị nhục hình, tôi lấy lời khai thì họ nói bị đánh trước đó vài ngày, vết bầm thâm tím đã mờ nên không thu được dấu vết gì rõ ràng cả; mà nếu như vết đánh còn mới đi nữa, thì tôi cũng không tài nào làm ra được là có dùng nhục hình hay không. Bởi một lý do đơn giản vì rất ít (hầu như không có) phạm nhân (những người đang chấp hành án phạt tù nên được ra khỏi buồng giam để lao động, dọn dẹp vệ sinh) khai là có thấy cán bộ đánh, cùng lắm họ chỉ khai có nghe la lớn nhưng không biết là chuyện gì; còn những người đang bị tạm giam trong buồng giam nếu có hỏi thì cũng không ích gì, họ có nhìn thấy đâu mà khai báo; đối với cán bộ điều tra và quản giáo, không cần hỏi chúng ta cũng biết họ sẽ trình bày như thế nào?
Khi người bị giam giữ trong giai đoạn điều tra dũng cảm tố cáo bị bức cung hoặc dùng nhục hình cũng không đem lại lợi ích gì cho họ, và sau khi đại diện Viện kiểm sát rời khỏi nơi nhà giam, họ phải lẻ loi đối diện với màn đêm vắng lặng đến rợn người, có lẽ họ sẽ còn đau khổ hơn, do đó, việc tố cáo ấy cũng thưa dần theo năm tháng.
+ Như vậy, theo các vị, nếu Hồ Duy Hải tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình thì có điều tra, làm rõ được vấn đề đó hay không?
+ Theo thông tin mà tôi theo dõi trên báo chí và mạng xã hội, các luật sư bào chữa cho bị cáo đều nói bị cáo có kêu oan tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Trong quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc chỉ trích dẫn lời nhận tội của bị cáo trong giai đoạn điều tra, không thấy có trích dẫn lời nhận tội của bị cáo trong lúc xét xử sơ thẩm và phúc thẩm từ các biên bản phiên tòa, nên tôi có thể khẳng định bị cáo chỉ nhận tội trong giai đoạn điều tra.
+ Còn về việc tại sao bị cáo bị oan mà chỉ làm đơn xin giảm hình phạt tử hình? Vấn đề này tôi chỉ có thể nói như thế này, khi bạn bị tạm giam, bạn muốn viết đơn thì phải xin giấy, viết từ cán bộ quản giáo, và đơn của bạn cũng phải được cán bộ quản giáo chuyển cho Tòa án. Nếu tôi là cán bộ quản giáo, đối với Hồ Duy Hải, tôi chỉ thích chuyển những cái đơn có nội dung xin giảm nhẹ hình phạt thôi, còn đơn kêu oan thì tôi không thích chuyển đi chút nào!
+ Trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát là cơ quan thực hiện chức năng buộc tội, Tòa án là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, khi cơ quan buộc tội cho rằng, có nhiều vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến cơ sở buộc tội bị cáo chưa vững chắc, thì tôi nghĩ trường hợp này Tòa cần phải lắng nghe và thực hiện đúng chức năng của mình, nhưng trớ trêu thay, Tòa lại “nhảy sang” đóng luôn vai của cơ quan buộc tội.
Quý Tòa còn nhớ lý luận về các chức năng cơ bản trong tố tụng hình sự chứ, có cần tôi nhắc lại để hiểu cho đúng hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét