Hai “thần y” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Lê Văn Đoành
27-4-2020
Đậu Xuân Cảnh sinh ngày 22/12/1960 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp y khoa, bác sĩ Cảnh xin về khoa Đông y Bệnh viện đa khoa thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng.
Năm 1997, Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tam Kỳ được nâng lên Thành phố. Bệnh viện Tam Kỳ thành Bệnh viện đa khoa tỉnh. Lúc này, khoa Đông y được tách ra, thành lập Bệnh viện Y học Dân tộc (sau đổi thành Y học Cổ truyền – YHCT) Quảng Nam. Bác sĩ Cảnh được bổ nhiệm làm giám đốc bệnh viện này.
“Anh Bảy” Nguyễn Xuân Phúc khi ấy, mới là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Vốn ốm yếu, hay đau lưng, mỏi cổ, cuối tuần anh thường đến bệnh viện YHCT để bấm huyệt, châm cứu. Bác sĩ Cảnh xắn tay, trực tiếp trổ nghề. Anh Bảy mê, gọi Cảnh là “thần y”. Họ thân nhau từ đó.
Năm 2002, “khát” học hàm, học vị nên bác sĩ Cảnh bắt đầu bỏ tiền ra “săn” thạc sĩ, tiến sĩ. Những người làm việc với anh đều biết rằng, ông Cảnh thời gian đâu mà học. Hết giờ quản lý ở bệnh viện, ông về phụ vợ “kê đơn bốc thuốc” tại phòng mạch, kiêm nhà thuốc Đậu Xuân Cảnh trên đường Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ. Có người học hộ, chọn đề tài và “nghiên cứu” luôn cho ông: Đề tài Hải Mã Nhân Sâm, tức con Cá Ngựa ngâm với rượu củ Nhân sâm, dành cho quý ông muốn “sung mãn”, uống điều trị liệt dương, xuất tinh sớm…
Không biết bài thuốc hiệu quả ra sao, riêng bác sĩ Đậu Xuân Cảnh thì “sung” ngó thấy. Trong những ngày ra vô Tam Kỳ – Hà Nội và ngược lại, giám đốc Cảnh cặp bồ với một cô gái Hà Nội, họ có với nhau một con trai.
Giám đốc Cảnh mua cho cô bồ trẻ một căn hộ cao cấp để thuận bề lui tới. Để rồi, sau đó không lâu, Đậu Xuân Cảnh chính thức bỏ rơi người vợ tào khang, tảo tần gắn kết với ông ta suốt gần hai mươi năm. Tội nghiệp cô vợ quê mùa, chân chất, gom từng đồng nuôi ông Cảnh ăn học. Đến lúc “công thành danh toại”, ông lại quất ngựa truy phong.
Tháng 3/2006, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc được điều ra làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông Phúc được bầu vào BCH Trung ương Đảng, rồi lần lượt giữ chức Phó Chủ nhiệm thường trực, rồi Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
“Thần y” Đậu Xuân Cảnh cũng kịp theo sau anh Bảy đúng một bước chân. Tháng 4/2006, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến đã có quyết định điều động Đậu Xuân Cảnh từ Giám đốc Bệnh viện YHCT Quảng Nam ra “tráng men” tại Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, chức danh Phó Giám đốc thường trực của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Bệnh viện thực hành của Học viện).
Không lâu sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kéo “thần y” Đậu Xuân Cảnh về làm cán bộ VPCP, phong hàm Vụ phó Vụ Khoa giáo Văn xã VPCP.
Ngày 5/11/2015, Đậu Xuân Cảnh từ VPCP, được quay lại đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc, phụ trách điều hành Học viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam.
Mặc cho hàng loạt đơn thư tố cáo liên quan đến việc bổ nhiệm, nhân sự, tổ chức…, Đậu Xuân Cảnh vẫn bình yên vô sự. Từ một bác sĩ “ao làng”, bây giờ ông có tất cả: Tiến sĩ, Phó giáo sư, Giáo sư danh dự, Chủ tịch Hội…
Kỷ niệm sinh nhật thứ 56 của “thần y”, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng ông Cảnh món quà vô giá. Cái mà hơn mười năm trước, khi còn hành nghề ở “miệt vườn” Quảng Nam, có nằm mơ hàng trăm lần, thầy lang – bác sĩ Cảnh cũng không thấy được. Đó là Quyết định bổ nhiệm Đậu Xuân Cảnh giữ chức vụ Giám đốc Học viện Y – Dược học Cổ truyền Việt Nam.
Nếu Đậu Xuân Cảnh là “Đông Thần y”, thì một “Tây Thần y” nữa, cũng cần được điểm danh, đó là Nguyễn Văn Hai: Hai sinh ngày 1/11/1962, quê xã Bình Lâm, Hiệp Đức, Quảng Nam.
Xuất thân từ “bác sĩ chuyên tu”, công tác tại bệnh viện đa khoa Thị xã Tam Kỳ, Nguyễn Văn Hai đã tìm cách tiếp cận, làm thân với các quan chức tỉnh Quảng Nam. Xun xoe, nịnh hót, tận tình điếu đóm, bác sĩ Hai cũng được “anh Bảy” Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chiếu cố, chọn làm “bác sĩ gia đình”.
Từ một bác sĩ vô danh, Nguyễn Văn Hai được nâng đỡ lên trưởng khoa, Phó giám đốc bệnh viện, vào Ban chấp hành tỉnh uỷ, quy hoạch Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam.
Năm 2011, một “scandal” xảy ra. Nguyễn Văn Hai, Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (BVĐK) liên quan trực tiếp đến “đường dây đưa người không đúng đối tượng đi học Đại học y dược chui”. Thực tập sinh được ông Hai phù phép thành “công chức” để đủ tiêu chuẩn là Lê Thị Kim Huệ, sinh ngày 10/7/1981, quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Để hợp thức hoá, Nguyễn Văn Hai lấy uy quyền cấp trên, ép bác sĩ Lê Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm y tế (TTYT) huyện miền núi Hiệp Đức, lập hợp đồng tuyển dụng giả mạo, lập tờ trình đề nghị Sở Y tế xem xét và quyết định cử Huệ đi học tại Trường Đại học Y Dược Huế.
Dư luận Quảng Nam xầm xì, vì Huệ là “bồ nhí” của mình, nên bác sỹ Nguyễn Văn Hai, Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam kiêm Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Nam có điện thoại “nhờ”, nhưng thực ra là chỉ đạo TTYT huyện Hiệp Đức ký hợp đồng khống. Trong tường trình, bác sỹ Lê Ngọc Quang, Giám đốc TTYT Hiệp Đức cũng nói rõ như thế.
Ông Lê Phước Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – đã cho thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về công tác cán bộ và những việc liên quan đến BVĐK Quảng Nam. Kết luận thanh tra chỉ ra hàng hàng loạt sai phạm của Nguyễn Văn Hai như tuyển dụng nhân sự trái pháp luật, bổ nhiệm, luân chuyển kiểu “vây cánh”, trù dập cán bộ…
Dưới sự “lãnh đạo tài tình” của Nguyễn Văn Hai, tại BVĐK cũng đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm:
– Ngày 12/4/2011, tại khoa ngoại chấn thương, bệnh nhân Nguyễn Văn Trực, 74 tuổi, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, chết sau khi bị một nữ y tá tên Thảo tiêm “nhầm” thuốc.
– Ngày 24/8/2011, em Nguyễn Thị Bích Hiền, sinh năm 1992, ở thôn An Hòa, xã Tam An, huyện Phú Ninh, chết sau một ngày nhập viện vì bị chuyển “nhầm” khoa. Hiền bị bệnh dạ dày nhưng lại bị chuyển vào khoa lây các bệnh truyền nhiễm.
Kết luận thanh tra yêu cầu, ông Nguyễn Văn Hai phải thực hiện nghiêm túc, tự kiểm điểm Giám đốc và tập thể Ban giám đốc BVĐK Quảng Nam trong vòng 15 ngày, trước ngày 15/9/2011.
Thế nhưng, vì là “đệ của anh Bảy” Nguyễn Xuân Phúc, nên Nguyễn Văn Hai được “chống lưng”. Một văn bản can thiệp nhanh chóng ban hành.
Ngày 16/9/2011, ông Đặng Quốc Doanh, phó chánh văn phòng tỉnh ủy Quảng Nam thừa lệnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ký ban hành công văn số 250-CV/TU, bác bỏ những nội dung kết luận của đoàn thanh tra liên ngành.
Từ kẻ đứng trước “giá treo cổ”, Nguyễn Văn Hai thoát ngoạn mục. Cuối năm 2012, Nguyễn Văn Hai nhảy lên ghế Giám đốc sở Y tế Quảng Nam. Ông ta còn tái trúng cử Tỉnh uỷ viên, nhiệm kỳ 2015-2020 và đại biểu HĐND tỉnh.
Từ đây, bổng lộc tràn vào nhà vị “thần y” này. Suốt 9 năm nay, giám đốc sở Y tế Nguyễn Văn Hai “hốt” cơ man nào là tiền từ tuyển dụng nhân sự, đấu thầu thuốc và ngân sách “khủng” đến từ các Chương trình Chăm sóc Sức khoẻ, mục tiêu y tế quốc gia dành cho Quảng Nam.
Tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 diễn ra, cả nước oằn mình chống dịch, Nguyễn Văn Hai lại dính bê bối, nghi án tham nhũng. “Đục nước béo cò”, “ăn bẩn” là từ ngữ mà nhân dân tỉnh Quảng Nam lâu nay dành cho Nguyễn Văn Hai.
Hệ thống xét nghiệm Covid-19, Realtime PCR tự động, trang bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam), các tỉnh thành khác mua rất rẻ như Sở Y tế Quảng Bình, Quảng Trị đều đàm phán mua với giá khoảng 1,6 tỷ đồng/ máy.
Đại gia Nguyễn Quốc Cường, tức Cường “đô la”, mua tặng cho Sở Y tế Đắk Lắk 1 máy, cùng chủng loại này, cũng chỉ với giá 2 tỷ đồng.
Riêng Nguyễn Văn Hai cho mua theo hình thức chỉ định thầu, với giá 7,5 tỷ đồng. Giá nâng gấp 3 lần, ông Hai lại cho rằng Sở Y tế đã có tờ trình và được UBND tỉnh chấp thuận, vậy là “đúng quy trình”.
Trong khi trước đó, CDC TP Hà Nội mua máy hệ thống máy xét nghiệm tương tự với giá 7 tỷ, đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 7 người để điều tra. Thì tại Quảng Nam, “thần y” Nguyễn Văn Hai vẫn không hề lo sợ.
Dấu hiệu tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quá rõ, nhưng để có thể khởi tố Nguyễn Văn Hai, dư luận cho rằng không dễ dàng chút nào, bởi ông Hai là “thần y”, đang được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chống lưng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét