Góp lời bàn về đền thờ Bác Hồ ở Nam Đàn
Nguyễn Thái Nguyên
18-5-2020
Cách nay vài hôm, một lễ khánh thành hoành tráng Đền thờ Bác Hồ vừa được tiến hành ở ngay trên núi Chung, xã Kim Liên. Việc xây dựng một công trình để thờ phụng Bác tại quê hương là việc rất quan trọng, không có gì phải bàn về việc nên hay không nên đối với những công trình như thế.
Tôi xin để sang bên những vấn đề như tiền bạc bao nhiêu, của ai, lớn bé ra sao, có tương hợp với đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Bác hay không… mà chỉ xin góp đôi lời về khía cạnh Tâm linh vì về khía cạnh này cũng thật sự có vấn đề.
Con xin thắp một nén tâm hương, cúi xin hồn thiêng của Bác thứ lỗi khi con phải động chạm đến những khía cạnh nhạy cảm về Đền thờ Bác và Gia Tiên Tiền Tổ của Bác.
1/ Trước hết là về tên gọi. Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học nên không có ý đi vào việc duy danh định nghĩa, nhưng đã sinh ra một công trình hoành tráng thế này, nhất là công trình để thờ phụng, hương khói cho Bác Hồ càng phải được chính danh vì nó lưu truyền muôn thủa. Hiện nay, tên gọi chính thức được công khai trước toàn dân là ĐỀN THỜ GIA TIÊN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH. (Tôi không bàn đến tên gọi rất sai mà cũng xuất hiện ở Lễ khánh thành là “ĐỀN CHUNG SƠN”)
Theo truyền thống văn hóa tâm linh Việt, ngoại trừ một số ngoại lệ, nói chung, người ta xây Chùa là để thờ Phật; xây Đền là để thờ Thánh; xây Miếu là để thờ Thần còn Đình là việc của Làng và Nhà thờ (Từ đường) là nơi thờ phụng các vị Tổ của một dòng họ hoặc một chi họ nhất định. Xin không bàn cụ thể những ai trong số các thế hệ những người đã khuất của dòng họ sẽ được rước vào thờ ở nhà thờ họ hay nhà thờ chi mà có quy định khắt khe của người xưa và còn tùy thuộc cả vào tập quán vùng miền.
Không phải tất cả những người đã khuất đều đem vào cúng ở nhà thờ họ được mà ở bất cứ gia đình nào cũng đều có Bàn thờ để thờ phụng Gia thần và Gia tiên của mình rồi. Có những gia đình còn có cả bàn thờ Phật thì cũng tùy, nhưng Phật là của chung mọi chúng sinh, không thể ở riêng ở nhà ai được. “Tu tại gia” là một việc khác, không liên quan đến chùa và sư, ni, không bàn ở đây.
2/ GIA TIÊN là cách nói tắt để chỉ HỘI ĐỒNG GIA TIÊN TIỀN TỔ CÁC CẤP của một gia tộc (Chỉ những người máu mủ ruột rà của gia tộc và con dâu, còn các bà các cô gái đã đi lấy chồng thì theo họ nhà chồng. Con rể thuộc gia tiên họ người ta). Ngày nay, chúng ta thường sử dụng các thành tựu của sinh học hiện đại để phân biệt những người có huyết thống với nhau như ADN hay gene. Ở cõi âm, chắc chắn họ không cần đến những dữ liệu thô thiển ấy, nhưng xin khẳng định là “không lẫn vào đâu được”.
Nhờ một cơ duyên, tôi ngồi với Mẫu Thượng Thiên để nghe các chân linh của gia tộc về nói những khúc mắc cần tháo gỡ. Trong số hơn 100 chân linh đã về, có mặt cụ Tiên Tổ của cả dòng họ tôi (nay đã phát triển thành 5 chi). Trong nhiều chuyện tôi xin phép hỏi cụ thì có việc ai đứng chủ tế lễ tế Tổ? (Vì có những 5 chi và còn nhiều vấn đề phức tạp). Cụ nói ngay tên và tuổi người thuộc chi của tôi, có thể đứng ra làm chủ tế, “khi nào nó mất thì đến lượt các anh”. Nhưng cụ nhắc tôi một người, vào loại cao niên, lại ở chi trên chúng tôi rằng “không để nó làm chủ tế được đâu con. Nó không phải máu mủ ruột rà họ mình!”. Cụ nói anh biết rồi, ông không nói thêm nữa. Thật là kinh ngạc khi việc này đã xẩy ra trên 80 năm trước, trong thế hệ ngày nay, chỉ một ít người biết có chuyện này, nhưng trong Hội đồng Gia tiên tiền tổ thì không quên, không nhầm lẫn được.
Thường thì “các cấp” ở đây chỉ giới hạn ở đời thứ 4 trở về thế hệ hiện tại (đối với người đứng chủ lễ, gọi là “tín chủ”). Người xưa quan niệm từ đời thứ 5 trở lên các chân linh đã hóa kiếp về một cõi khác, không đi về “nhà cũ” là bát hương Gia tiên trên bàn thờ của gia đình mình nếu như không có việc gì khẩn cầu của gia chủ.
Vậy thì “Đền thờ Gia tiên…” là đền thờ gì? Chỉ thờ Bác Hồ hay thờ cả nhà, cả họ của Bác? Gia tiên đã không nằm trong nhà thờ họ thì sao Đền thờ lại là Đền thờ Gia tiên? Về mặt tâm linh mà nói, hoàn toàn không có một tên gọi được định danh theo kiểu này.
Đã vậy, đây lại là “GIA TIÊN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” thì còn thêm phần rắc rối. Nếu viết như thế này thì đây là nhà thờ họ của Bác mà là lúc Bác đang tại thế (Chủ tịch). Ở đây có một chút rắc rối của ngôn ngữ Việt, văn hóa Việt làm cho các nhà cầm bút, làm chữ luôn bối rối. Ta gọi theo Tây, thì Mác, Ăng-ghen, Lê-nin… không có gì ngượng ngùng cả. Thậm chí gọi Lý Thái tổ, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo cũng không sao.
Chính người Việt ta gọi Lăng Lê nin thì không có vấn đề gì, ấy thế mà gọi lăng Hồ Chí Minh là không được. Bất cứ câu chữ nào, bài gì chính thống, nếu gọi Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Nguyễn Phú Trọng… là “không ổn”, “thiếu khiêm tốn” hay cái gì đó… Nên thể nào cũng phải thêm một tiền tố gì đó gắn với tên gọi các vị này. Bác Hồ không có quy định nào khẳng định là vị Chủ tịch vĩnh viễn kể cả khi đã tạ thế, nhưng không ai dám gọi “cố Chủ tịch” mặc dù nó chính xác. Chính vì thế mà Lăng của Bác vẫn phải đề Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chẳng ai nói không đúng thì Đền thờ đề như vậy cũng không sai.
Có những thứ không đúng, sái cả với văn hóa truyền thống của người Việt, nhưng nói mãi thành quen, không bao giờ sửa được nữa: Khi chúng ta gọi Bác Hồ là gọi theo truyền thống văn hóa nào? Xin thưa chỉ có người Tàu, người Tây nào đó mới gọi theo họ, còn người Việt không gọi theo họ mà cứ gọi theo Tên hay gọi cả Họ và Tên mà bao giờ Tên cũng là thành tố quan trọng nhất. Ngay trong hàng ngũ lãnh đạo tiền bối của chính thể mới, có ai gọi theo họ đâu (trừ Bác Hồ và Bác Tôn) là từ đâu mà ra?
Khi xưa, trong kinh lễ của đạo Nho, ở những ngôi thứ cao, thường người ta tránh chạm “húy”, tức tên cúng cơm thì hoặc là người ta gọi người ấy là “Nguyễn Tiên sinh”, “Trần đại phu” nhưng cũng chỉ là khẩu ngữ xưng hô thôi… Hoặc gọi theo “phương danh”, tên chữ (tự đặt hoặc được ban tặng, tặng). Nhưng người Việt nói chung, xưng hô với nhau phải bằng tên riêng chứ không gọi bằng họ. Bác Hồ, Bác Tôn lại thành ra ngoại lệ, một ngoại lệ trở thành thông lệ từ xưa đến nay rồi. Chỉ nói lại để biết chứ không có ý gì ở đây cả.
Vì sao những người chủ xướng và người có trách nhiệm không gọi đây là ĐỀN THỜ HỒ CHÍ MINH, ĐỀN THỜ CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH, hoặc ĐỀN THỜ BÁC HỒ? Gọi cách nào thì đây chỉ là đền thờ dành riêng cho Bác, một vị Thánh. Nếu có bố mẹ, ông bà của Bác thì phải tách ra một ngôi khác, cung khác ở cạnh gọi là “Thái Miếu” (Miếu chứ không được là Đền, dù Thái cũng là Miếu). Như thế là rõ ràng rành mạch mà không phạm gì vào luật lệ tâm linh cả. Thánh là Thánh phải được thờ phụng riêng còn những người thân của Thánh đều không phải Thánh thì phải thờ riêng. Nhập cục vào một chỗ thì khác gì kiểu tổ chức tập đoàn quốc doanh hay Hợp tác xã nơi trần thế?
Nghệ Tĩnh là đất học. Theo tôi, các bậc chân tài thực học đời sơ vẫn còn, sao không hỏi? Tôi chỉ dám lạm bàn sơ qua như thế chứ không đủ hiểu biết và không dám cả gan bàn vào những việc quá lớn, quá phức tạp, nhất là những việc liên quan đến các bậc thánh nhân như cụ Hồ Chí Minh.
3/ Đối với trường hợp của Bác, một vấn đề hết sức nhạy cảm và tế nhị khi bàn đến Gia tiên là Gia tiên nào? Đáng lẽ ra những người có trách nhiệm khởi tạo ra công trình này phải tránh làm phức tạp thêm vấn đề như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói chuyện riêng với đoàn bô lão của họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu năm xưa, khi các cụ này thay măt giòng họ Hồ đưa ra những kiến nghị khác với thực tại. “Lịch sử đã an bài!”. Vâng, đúng là những vấn đề rất riêng tư của gia tộc cụ Nguyễn Sinh Sắc đã bị đóng khóa quá cẩn thận mà chính Bác là người trong cuộc cũng không nói ra thì thế hệ con cháu còn dám bàn vào vấn đề này sao? Đã thế thì rất không nên đưa “GIA TIÊN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH” vào ngôi đền này mới phải.
Như trên đã nói, Gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể chỉ tính từ cụ Nguyễn Sinh Sắc đến Bác là hết. Nhưng giả sử có ai đó viết “Bài vị” về Gia tiên Bác Hồ ở Đền này thì viết như thế nào? Những chuyện này đã có trời biết, đất biết, thần linh biết. Thế là đủ. Các thế hệ sau không được phép phạm vào.
Luật lệ ở cõi tâm linh không hề lỏng lẻo như luật lệ của cõi người nơi trần thế. Nếu ngày nay, con cháu họ Nguyễn Sinh muốn bằng cách này, mượn “con dấu” Hồ Chí Minh – Nguyễn Sinh Cung đóng vào Gia phả của riêng giòng họ Nguyễn Sinh để mãi mãi là hậu duệ của Người thì đó là việc của những người có những tham vọng ngoài câu chuyện Đền thờ mà tôi bàn ở đây. Dù là thế thì cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ và Hội đồng Gia tiên tiền tổ của Bác Hồ chấp nhận hay không, chấp nhận như thế nào sẽ không phụ thuộc gì vào mong muốn riêng tư của con cháu họ Nguyễn Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét