Có tình tiết đặc biệt quan trọng để chứng minh Hồ Duy Hải không phải là hung thủ giết người!
Vào ngày hôm kia, trong suy nghĩ của tôi lóe lên tình tiết đặc biệt quan trọng trong vụ án Hồ Duy Hải mà các bản án, quyết định giám đốc thẩm không hề nhắc đến, đó tình tiết về quần áo của hai nạn nhân.
Chúng ta đều biết, trong nội dung Quyết định giám đốc thẩm kết luận (tôi xin được tóm tắt) về diễn biến vụ án rằng, “vào khoảng 19h30 ngày 13/01/2008, Hồ Duy Hải điều khiển chiếc xe Dream đến Bưu điện Cầu Voi gặp chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, do nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng, nên Hải điều chị Nguyễn Thị Thu Vân đi mua trái cây gần đó, rồi Hải nắm tay chị Hồng kéo vào buồng, xô chị nằm ngửa xuống đi văng, chị Hồng đạp vào người Hải và ngồi dậy bỏ chạy ra hướng cầu thang, Hải đuổi theo và giết chị Hồng. Sau đó chị Nguyễn Thị Thu Vân về đến, đóng cửa bưu điện, để bọc trái cây lên bàn và đi ra phía sau, nhìn thấy xác chị Hồng, chị Vân hốt hoảng chạy ngược ra phía trước thì bị Hải dùng ghế xếp inox đánh vào đầu, và Hải tiếp tục dùng dao cắt cổ chị Vân…”
Kết luận về diễn biến của vụ án như trên của Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án tỉnh Long An, Tòa án cấp cao tại TP.HCM và Hội đồng giám đốc thẩm (về nguyên tắc tố tụng, thì tất cả kết luận về vụ án của VKS, Tòa án phải dựa trên cơ sở kết luận điều tra của CQĐT, nên không cần đọc kết luận điều tra, bản án sơ thẩm và phúc thẩm chúng ta vẫn có thể biết được nội dung các văn bản trước đó) cho thấy một tình tiết đặc biệt quan trọng là, Hải đến bưu điện vào thời điểm còn trong giờ làm việc (điều này được chứng minh thông qua việc anh Thường và anh Bình có đến bưu điện sử dụng dịch vụ điện thoại), như vậy nạn nhân phải đang mặc đồng phục hoặc chí ít mặc quần áo công sở.
Tôi có trao đổi với đứa em làm ở bưu cục xã rất nhiều năm thì được biết, nữ nhân viên bưu điện vào những năm ấy mặc áo dài màu xanh hoặc màu vàng, sau này bưu điện đổi sang đồng phục màu vàng. Nhưng theo biên bản khám nghiệm hiện trường mà cộng đồng mạng cung cấp, thì chị Vân mặc áo sơ mi ngắn tay màu trắng, quần màu xám, đặc biệt chị Hồng mặc đồ bộ (đồ ngủ, đồ ở nhà của phụ nữ) màu hồng nhạt. Tình tiết này cho phép chúng ta kết luận hung thủ đột nhập vào bưu điện vào thời điểm đã hết giờ làm việc, nên chị Hồng chỉ mặc đồ ở nhà; biên bản khám nghiệm hiện trường ghi nhận áo chị Hồng bị kéo tới ngực, điều này cho thấy hung thủ đang thực hiện hành vi đồi bại với nạn nhân, ngay lúc đó chị Vân (do đi ra ngoài nên mặc đồ lịch sự) về đến và đóng cửa lại nên hắn giết luôn chị Vân nhằm che giấu tội phạm.
Tình tiết chị Vân đóng cửa phải nhận định rằng là đóng cửa để đi ngủ, nghỉ, bởi vì nếu có khách là đàn ông đang ở trong trụ sở, thì chả có cô gái nào lại đóng cửa trong hoàn cảnh đó (chỉ trừ người tâm thần). Kết luận của cơ quan tố tụng về tình tiết này là hoàn toàn ngược với xử sự thông thường nhất.
Sau khi giết người, hung thủ thường tẩu thoát theo đường thuận lợi nhất, nếu Hải đến chơi lúc bưu điện còn mở cửa thì không lý nào chị Vân lại đóng cửa, và sau khi giết người hắn phải đi ra theo đường cửa trước. Cơ quan tố tụng kết luận hung thủ tẩu thoát bằng cách trèo qua hàng rào phía sau cho thấy hung thủ không biết làm sao mở cửa nên bất đắc dĩ phải trèo hàng rào. Việc làm này rất dễ bị phát hiện, không tên hung thủ nào dại dột làm như thế, chỉ khi hắn bị điên hoặc không lựa chọn nào khác.
Từ phân tích về quần áo nạn nhân và tình tiết chị Vân đóng cửa bưu điện cũng như những tình tiết đầy sự mâu thuẫn khác mà mọi người đã chỉ ra cho thấy, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm và cả Hội đồng giám đốc thẩm quy kết Hồ Duy Hải là hung thủ là hoàn toàn phi lý, không phù hợp với logic thông thường chút nào.
Tại sao Hải nhận tội trong giai đoạn điều tra? Mọi người hãy hỏi ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… sẽ rõ. Về lời khai bất nhất của Hồ Duy Hải, cũng dễ lý giải, vì Hải không nhớ rõ mình đã từng bị buộc phải khai những gì, nên các lời khai cứ lung tung lúc vầy, lúc khác; và điều đặc biệt, tôi nghĩ rằng Cơ quan điều tra Long An cũng gặp lúng túng khi kết luận toàn diện về diễn biến của vụ án, nên dẫn đến họ chưa nhất quán trong lập biên bản hỏi cung bị can về sự việc. Tôi đã từng hỏi cung bị can rất nhiều lần, khi bị can khai mâu thuẫn và có dấu hiệu quanh co, thì tôi sẽ không ghi vào biên bản, lúc đó tôi sẽ đấu tranh với bị can cho đến khi khai trùng khớp và thống nhất thì tôi mới ghi nội dung ấy vào biên bản hỏi cung.
Việc mà chúng ta cần xác minh thêm là thu thập quy định về đồng phục của ngành Bưu điện lúc đó, và xác minh những người xung quanh về việc nạn nhân luôn mặc đồng phục trong giờ làm việc là hoàn thiện.
Hì, “Hình bóng nhà mồ” có lẽ không thể nào dung nạp oan hồn tên Hồ Duy Hải, mà nó có thể là nơi chôn vùi thanh danh, sự nghiệp của những cán bộ tham gia chỉ đạo và trực tiếp tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải?!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét