Cơ hội thoát Trung sau đại dịch COVID-19?
Gellert Nguyễn
15-5-2020
Tính đến thứ Năm ngày 14/5/2020 đại dịch COVID-19 đã gây cho hơn 300.000 người chết trên khắp thế giới và làm tê liệt các nền kinh tế. Ở Mỹ hiện có hơn 33 triệu người thất nghiệp. Dịch bệnh đã làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ bị lâm vào cảnh suy trầm mà các nhà kinh tế học so sánh với đại khủng hoảng lịch sử diễn ra trong thập niên 1930s.
Ở châu Âu, sản lượng kinh tế sẽ xuống dưới mức -7% trong năm 2020, nghĩa là bị đình trệ hơn sau Đệ nhị Thế chiến. Các nước châu Phi và châu Mỹ La tinh không còn khả năng trả nợ công. Trung Quốc không còn được tín nhiệm là trung tâm cung ứng cho chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu và đầu tư mới.
Các nước dân chủ đang bận chống đỡ với đại dịch, công luận không còn quan tâm đến dân chủ hoá và tôn trọng nhân quyền ở các nước nghèo. Triển vọng hồi phục kinh tế thế giới không có gì sáng sủa và hỗn loạn nội tình khắp nơi là khó tránh.
Nhưng khi toàn cầu trong bối cảnh u tối hiện nay với hơn 4.4 triệu ca nhiễm COVID-19, Việt Nam đang “toả sáng” đáng ngạc nhiên. Khi cộng đồng quốc tế ca ngợi Việt Nam thành công trong việc chống lại dịch bệnh, một thiểu số trong giới trí thức Việt cho là cơ hội thoát Trung thể hiện rõ và cần phải nắm bắt. Các suy luận này có đúng không?
Cơ hội thoát Trung
Một tác giả trong nước lạc quan khi cho rằng: “… Covid-19 mang lại cho chúng ta có thể là cơ hội ngàn năm có một: Cơ hội thoát Trung”. Covid-19 là một cơ hội cho Việt Nam? Có lẽ tác giả nhầm lẫn.
Bản chất của vấn đề thoát Trung là tránh hiểm hoạ diệt vong và mang lại sự vẹn toàn lãnh thổ mà giải pháp là ý chí chính trị của chính quyền và quyết tâm của dân chúng. Đảng phải bỏ tinh thần nô lệ tự nguyện và dân chúng thoát ra tình trạng vô cảm đang đè nặng là yếu tố chính. Khi nào cả hai cùng nhận ra và can đảm hành động bài Hoa thì vấn đề thoát Trung có thể đặt ra. Covid-19 không thay đổi các yếu tố này mà là một đại nạn cho nhân loại, không liên quan đến chuyện thoát Trung của Việt Nam.
Đồng ý là qua đại dịch COVID-19 phong trào bài Hoa diễn ra khắp thế giới, không phải chỉ có Mỹ, mà tất cả châu Phi, châu Mỹ La tinh và châu Âu cùng đồng loạt chống Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng tại sao dân Việt phải chờ đến lúc hậu Covid-19 mới chống. Có ai biết được khi nào mới có thuốc điều trị và tình hình thế giới ra sao? Hiệu ứng của sự phản kháng quốc tế không giúp cho Việt Nam, vì tranh chấp của Việt Nam và Trung Quốc khác hẳn và từ lâu, Việt Nam đã hiểu rõ ý đồ của Trung Quốc.
Hiện nay, hải quân Trung Quốc đang hoành hành trên biển Đông, du khách người Hoa có khả năng lây nhiễm bệnh nhiều nơi trong nước, hoạt đông của công nhân người Hoa ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, hiển nhiên là giặc Tàu đã vào nhà và tổ quốc đang lâm nguy. Chính Đảng cũng không biết phải làm gì để ứng phó với tình hình người Hoa có mặt khắp nơi, ngoài việc phản ứng như lâu nay và không có kết qủa.
Vấn đề là chúng ta phải làm gì cụ thể, không phải là tiếp tục viết thỉnh nguyện thư xin Đảng quan tâm, trong khi Đảng đang bận lo chia ghế cho Đại hội 13 sắp tới. Chúng ta phải chờ đến Hậu Covid-19 thì mới bắt đầu tìm cách thoát Trung? Chờ đến bao giờ và sẽ kêu gọi ai chống? Đảng không chống và Đảng không kiện Trung Quốc ra Toà án quốc tế thì ai làm gì đảng? Dân chúng vô cảm thì lấy ai mà chống? Giới trí thức tỏ ra lạc quan thiếu cơ sở trong khi thỉnh nguyện thư lại không được đại đa số quần chúng ủng hộ. Đó là vấn đề cần đặt lại.
Nguy cơ tụt hậu
Trong khi thảo luận các nội dung cho đại hội đảng, các bậc trí thức bàn đến vấn đề nguy cơ nào đang nổi lên cao nhất. Có lập luận cho rằng nguy cơ tụt hậu đứng đầu: “25 năm trôi qua mà nguy cơ ấy vẫn còn nguyên đó. Coi là tụt hậu là giặc thì các biện pháp thời chiến dễ được toàn dân đồng lòng và tuân thủ, thế thì biết đâu ta lại thắng to!?”
Lại một nhận định sai lầm khác. Nguy cơ là một tình thế có thể gây ra những biến cố tai hại, nó chưa xảy ra và có thể xảy ra do nhiều tác động. Lời cảnh báo nguy cơ này đúng trước đây, nay thì không. Không thể nói là nguy cơ vẫn còn nguyên đó mà phải nói là sau 25 năm, Việt Nam tụt hậu, thua cả Lào và Campuchia, kinh tế suy yếu thua Hàn Quốc, phát minh khoa học thua Thái Lan, năng lực lao động thấp nhất trong khu vực. Tụt hậu đã xảy ra ngày càng trầm trọng hơn và còn tiếp diễn, nên không thể cảnh báo là nguy cơ. Muốn chấm dứt tình trạng này, chúng ta phải cải tổ toàn bộ hệ thống chính trị và nhất lả giáo dục.
“… thế thì biết đâu ta lại thắng to!?” là một lối diễn đạt cảm tính có tính cách may rủi, không dựa trên cơ sở tri thức thuần lý đang cần đến để thuyết phục công luận.
Tóm lại, khi Trung Quốc đang tung hoành trên biển Đông, chúng ta không còn dành ưu tiên cho vấn đề cải cách kinh tế, không phải lo nguy cơ tụt hậu kinh tế còn rình rập, không phải yên tâm ngồi chờ chống dịch virus corona xong rồi mới lo chuyện thoát Trung. Đảng giải quyết các nguy cơ tụt hậu trong Đại hội không giúp gì cho tình trang hiện nay, không nên trông chờ các thành phần nhân sự mới sau Đại hội sẽ có phép lạ.
Lời kêu gọi tất cả mọi người nên nhận ra cơ hội thoát Trung sau khi đại dịch Covid-19 bị đánh bại là không thích hợp. Thay vào đó, toàn dân nên ý thức là sơn hà đang nguy biến và kêu gọi rằng, chỉ có toàn dân quyết định cho vận mệnh dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét