Chính quyền Trump và phương tiện truyền thông (Phần cuối)
Dịch giả: Song Phan
16-4-2020
Phản ứng của truyền thông
Các cơ quan truyền thông và nhà báo tìm tin từ thực tế (Fact finding) nên phản ứng thế nào trước những nỗ lực kiên quyết của Trump trong việc phá hoại uy tín của họ với công chúng Mỹ?
Những tuyên bố và tấn công sai trái của Trump trên báo chí đã được các phương tiện truyền thông phe phái và những kẻ ranh ma kỹ thuật số, phát tán thông tin méo mó khuếch đại lên, khiến nhiều người Mỹ ngày càng khó phân biệt sự thật với tuyên truyền và dối trá. Sự phân chia phe phái này cũng làm phức tạp vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc buộc tổng thống phải chịu trách nhiệm về hành động, tuyên bố sai lầm và tấn công của mình – một trong những chức năng quan trọng nhất của báo chí Mỹ – mà có vẻ không bị phản bác.
Chris Wallace, người dẫn chương trình của Fox News nói trong bài phát biểu về tự do báo chí ngày 11/12/2019, tại Washington: “Tôi nghĩ rằng nhiều đồng nghiệp của chúng tôi coi các cuộc tấn công của tổng thống, việc ông ta liên tục đập mạnh các phương tiện truyền thông, như một lý do, như một cái cớ để chính mình vượt qua lằn ranh, để chống lại, và đó là một sai lầm lớn”. Tôi thấy mọi lúc trên trang nhất của các tờ báo lớn và tin dẫn đầu của bản tin buổi tối: Sự thật trộn lẫn với ý kiến, những từ thông dụng như ‘bombshell (chuyện xôn xao dư luận)‘ và ‘scandal (vụ tai tiếng)‘. Động cơ của phóng viên và biên tập viên cũng đơn giản để thấy như tít báo”.
Trưởng khoa báo chí Dalgish của ĐH Maryland nói: “Tôi chưa bao giờ quá lo lắng về thái độ của công chúng về truyền thông như bây giờ. Tôi mong các phương tiện truyền thông không bị chi phối bởi mức độ họ ghét tổng thống. Phòng chọn tin không có vẻ vô tư. Bình luận của ban biên tập nối thẳng vào lời văn của những câu chuyện tin tức. Tôi không nghĩ rằng điều đó phục vụ chúng ta tốt”.
David McCraw, phó tổng cố vấn của New York Times, có phần không đồng ý. Ông nói với tôi: “Về phía báo chí, đã có một sự kiềm chế khác thường. Các cơ quan báo chí dòng chính đã không tham gia vào nhiều hoạt động tấn công qua lại. Chúng ta đặt mình vào thế khó khi chúng ta là chó tấn công hơn là chó canh giữ. Chúng ta không thể để bị coi là phe phái trong một cuộc tranh luận chính trị”.
Biên tập viên Marty Baron của Washington Post, đã nói một câu nổi tiếng tại một hội nghị báo chí hồi tháng 2 năm 2017, vào những ngày đầu của chính quyền Trump: “Theo cách nhìn của tôi, chúng ta không đánh nhau với chính quyền, chúng ta đang làm việc. Chúng ta đang làm công việc của mình”.
Tuy nhiên, những thay đổi trong chuẩn mực của truyền thông dòng chính đã góp thêm phần khó khăn mà khán giả có thể có trong việc tách sự việc ra khỏi ý kiến. Xu hướng tăng phân tích và “tiếng nói” phóng sự trong các câu chuyện tin tức, dù làm cho chúng có nhiều thông tin và hấp dẫn hơn, lại có thể xoay hướng vào điều cho thấy, thể hiện ý kiến hoặc phe phái. Ngay cả khi được gắn tiêu đề đúng, tin tức và ý kiến vẫn đan xen trên các trang web tin tức.
Mạng tin tức truyền hình cáp trộn lẫn giữa tường thuật và ý kiến trên cùng một chương trình. Các phóng viên báo chí thường xuất hiện với tư cách là khách, một số theo hợp đồng trả lương dưới mức, trong các dạng thảo luận tin truyền hình cáp này, khiến người xem khó nhận ra liệu họ có nêu ý kiến riêng trong khi diễn giải tin tức hay không.
Les Leslie Stahl nói với tôi: “Chúng ta tự làm tổn thương chính mình bằng cách tiếp tục xem các chương trình ý kiến, mặc dù các phóng viên tham gia chương trình cố gắng không đưa ý kiến. Chỉ cần ở đó làm cho có vẻ như họ có ý kiến. Điều đó đã từng bị cấm. Con đập bị vỡ, và bây giờ là một trận lụt”.
Các phóng viên được đưa lên các chương trình thảo luận trên truyền hình cáp vơi tư cách là “các chuyên gia về việc thật, nhưng công chúng lại bị khó khăn trong việc phân biệt đâu việc thật, đâu là ý kiến”. Dalglish của ĐH Maryland nói: “Bạn phải thật sự cẩn thận về chương trình nào bạn thực hiện, trừ khi bạn làm việc cho trang ý kiến”.
Điều đó không có nghĩa là báo chí nên rút lại không làm tin mạnh mẽ về trách nhiệm giải trình của Trump và chính quyền của ông ta, đó rõ ràng là những gì ông ta muốn. “Chỉ ra những lời dối trá của ông ta, nêu vấn đề, nhưng không được phe phái”, Steiger của ProPublica nói với tôi.
Giáo sư luật truyền thông Jonathan Peters ĐH Georgia nói: “Cách tốt nhất để chỉnh sửa tiếng tăm là để các nhà báo làm việc tốt và hành động có trách nhiệm. Họ nên cố hết sức để có được câu chuyện đúng và kể nó một cách công bằng. Họ phải minh bạch đến mức có thể về bài báo của mình”.
Ông nói, tuy nhiên “ngoài việc làm tốt công việc và hành động có trách nhiệm, báo chí cần phải tự đứng lên như một tổ chức và cho vai trò của một nền báo chí tự do trong một nền dân chủ” và “đôi khi tạm dừng các quan hệ bình thường với chính quyền”.
Peters đã đưa ra một số gợi ý minh họa: “Nếu một quan chức hoặc người đại diện được biết là đưa ra các tuyên bố sai, thì không nên để ông ta hoặc cô ta xuất hiện trên các chương trình tin tức hoặc được sử dụng như một nguồn cung cấp tin. Nếu một quan chức từ chối trả lời các câu hỏi của một nhà báo tại một cuộc họp báo, nhà báo tiếp theo nên hỏi cùng câu hỏi đó. Nếu chính quyền loại trừ một nhà báo khỏi một sự kiện trên cơ sở bài báo của anh ta hoặc cô ta, các nhà báo khác nên từ chối tham dự”.
Ví dụ, cả Peters lẫn Brown, từ Ủy ban phóng viên về tự do báo chí, đã hoan nghênh CNN ngay lập tức nộp đơn kiện ở tòa án liên bang khi tòa Bạch Ốc thu hồi thẻ báo chí của phóng viên CNN Jim Acosta vào năm 2018. ông Brown nói với tôi: “Điều quan trọng là CNN đã tới tòa án để cho công chúng thấy tầm quan trọng của tự do báo chí”.
Jay Rosen, giáo sư báo chí và nhà phê bình truyền thông của Đại học New York, gợi ý, các tổ chức báo chí nên thay đổi cách đưa tin về tổng thống “về một bối cảnh khẩn cấp”. Ông kêu gọi họ trên blog “Think Press” của ông, rằng họ nên ngừng đưa tin trực tiếp về các bài phát biểu, các cuộc tập họp và các cuộc họp báo của Trump, không còn tham gia vào các cuộc họp báo, spray và gaggle, và không đồng ý với các cuộc họp và phỏng vấn mà các quan chức chính quyền không thể nêu tên.
Giáo sư luật truyền thông RonNell Anderson Jones của ĐH Utah cũng muốn báo chí làm nhiều hơn để chống lại. Bà nói: “Điều làm tôi cảm thấy khó chịu là các ký giả vẫn đang giảm nhẹ mối đe dọa với báo chí mà tổng thống và chính quyền của ông ta đặt ra. Báo chí vẫn đang cố gắng giữ các chuẩn mực riêng của mình và không theo tổng thống xuống bùn. Báo chí cần ủng hộ người dân vì tầm quan trọng của tự do báo chí”.
Đó là những gì mà một liên minh của các nhóm tự do báo chí và các hãng tin đang làm. CPJ và Ủy ban Phóng viên vì Tự do Báo chí năm ngoái đã phát động “Chiến dịch Bảo vệ Tự do Báo chí”. Trên truyền hình, đài phát thanh, quảng cáo in và kỹ thuật số, và các bài đăng trên mạng xã hội, 50 nhóm truyền thông tin tức và nhóm phi lợi nhuận của ban vận động đang đề cao tự do báo chí và tầm quan trọng của việc giữ cho mọi người được thông tin. Washington Post cũng bắt đầu lập Liên minh Tự do Báo chí của riêng họ với CPJ, Ủy ban Phóng viên và các nhóm tự do báo chí khác.
“Đây là cơ hội để các hãng tin nhắc nhở công chúng về vai trò quan trọng của tự do báo chí trong việc giữ cho các cộng đồng của chúng ta được thông tin. Đây không phải là vấn đề chính trị”, ong Brown, thuộc Ủy ban Phóng viên vì Tự do Báo chí, nói với tôi.
Sulzberger, chủ báo New York Times và Ryan, chủ báo Washington Post – cùng các trang biên tập của họ – đã công khai đưa Trump vào nhiệm vụ và bảo vệ mạnh mẽ tự do báo chí theo những cách có thể không phù hợp với các trang tin tức của họ. “Những người thích hợp để đối phó là các biên tập viên, chủ báo, các nhóm báo chí”, luật sư McCraw của New York Times nói.
Tôi đã dự định kiểm nghiệm xem báo chí sẽ thay đổi như thế nào với ban vận động tranh cử năm 2020 trong việc họ đối phó với các cuộc tấn công của Trump vào uy tín của họ, vì có thể nó vẫn còn như vậy. Nhưng đại dịch COVID-19 đã đặt ra một cuộc thử nghiệm lớn hơn nhiều. Báo chí có vai trò quan trọng kép: Thông báo cho người Mỹ đầy đủ nhất có thể được về cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế – và xem xét kỹ lưỡng, toàn diện cách chính quyền liên bang, tiểu bang, địa phương và khu vực tư nhân đang đối phó ra sao. Điều đó gồm việc tích cực đưa tin để giữ tổng thống và chính quyền của ông ta chịu trách nhiệm về cách họ đang điều khiển đất nước vượt qua cơn bão nguy hiểm này.
Trong bài viết này, tôi tin rằng các cơ quan truyền thông đã nâng tầm ngang với thách thức đó, mặc dù điều kiện làm việc ngày càng khó khăn. Bất chấp sự hoài nghi trước đó của công chúng về hiệu suất của báo chí, khán giả của mạng truyền hình, tin tức truyền hình cáp và các trang web báo chí đã tăng lên rất nhiều. Điều đó cũng có thể làm tăng cả mối bận tâm của Trump với việc đưa tin về ông và cường độ của các cuộc tấn công của ông đối với báo chí khi cuộc bầu cử đến gần. Trong khi hầu hết mọi thứ về cuộc sống của người Mỹ tiếp tục thay đổi nhanh chóng và không đoán trước được, tầm quan trọng của báo chí và cách nó đáp ứng thách thức đó sẽ chỉ tăng lên.
Khuyến nghị
Ủy ban Bảo vệ Ký giả đưa ra các khuyến nghị sau đây cho chính quyền Trump:
Công khai thừa nhận và khẳng định vai trò của một nền báo chí tự do trong một nền dân chủ và không được làm mất tính hợp pháp hoặc làm mất uy tín của giới truyền thông hoặc nhà báo thực hiện chức năng quan trọng của họ – nhất là trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng như đại dịch COVID-19. Không được mạ lỵ cá nhân các nhà báo và các hãng truyền thông, kể cả trên Twitter.
Tiếp tục trở lại với các cuộc họp báo hàng ngày và bảo đảm rằng các phóng viên được Hiệp hội Phóng viên tòa Bạch Ốc cấp thẻ độc lập, được phép tham dự. Bảo đảm các nhà báo và hiệp hội của họ có quyền công bằng và hợp lý ra vào tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao, và không bị trừng phạt vì đưa tin bất lợi.
Nói chuyện với các phóng viên có ghi âm/ hình và tránh phụ thuộc quá nhiều vào các cuộc họp báo mật. Tránh nhận thức thiên vị chính trị qua việc tổng thống cho phép các hãng tin được thực hiện các cuộc phỏng vấn tổng thống, không chỉ những hãng đưa ra các bản tin thuận lợi cho ông.
Không trả đũa giới truyền thông qua việc can thiệp hoặc đe dọa can thiệp vào sự độc lập tài chính của các chủ sở hữu của họ. Tránh đe dọa hủy bỏ giấy phép phát sóng của các đài truyền hình và đài phát thanh được coi là quan trọng của chính quyền hoặc những người ủng hộ.
Hướng dẫn tất cả các cơ quan chính phủ bảo đảm tuân thủ kịp thời các yêu cầu của Đạo luật về quyền Tự do Thông tin (FOIA) bất kể các tổ chức truyền thông hoặc phóng viên đòi hỏi các yêu cầu đó là ai.
Tại Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP), thực hiện các khuyến nghị được đưa ra trong báo cáo năm 2018 của CPJ, “Không có gì để khai báo”, gồm yêu cầu phải có lệnh xét cho việc lục soát thiết bị và đưa ra báo cáo minh bạch về các vụ lục soát đó.
Cấm các nhân viên của DHS và CBP hỏi các nhà báo về các chuyến đi của họ, ý kiến, các mối liên hệ hoặc bài vở của họ. Cung cấp thông tin liên quan đến CBP như yêu cầu trong hồ sơ kiện liên quan đến Đạo luật Tự do Thông tin do CPJ và Ủy ban Phóng viên về Tự do Báo chí (RCFP) đã nộp mà không trì hoãn thêm nữa.
Chấm dứt thực hiện những cáo buộc gián điệp đối với các nguồn rò rỉ thông tin mật cho các nhà báo, vì nó tạo ra hiệu ứng làm thui chột và hạn chế luồng thông tin tự do về các vấn đề lợi ích công cộng. Bỏ các cáo buộc gián điệp đối với Julian Assange và ngừng nỗ lực dẫn độ ông ta sang Mỹ.
Ra lệnh cho Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia tuân thủ yêu cầu, theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, cung cấp một báo cáo không thuộc loại mật (unclassified) cho Quốc hội liệt kê các cá nhân được xác định có liên quan theo bất kỳ cách nào trong vụ giết người của báo Washington Post, là nhà báo Jamal Khashoggi. Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người được coi là có trách nhiệm, bao gồm Thái tử Ả Rập Saudi Mohamed bin Salman.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét