Bản tin ngày 18-5-2020
BTV Tiếng Dân
18-5-2020
Trung Quốc: Không chỉ xâm chiếm đảo, mà còn thu gom đất trên bờ
Luật đất đai hiện hành của VN không cho phép người nước ngoài sỡ hữu đất đai, tuy nhiên nhiều cá nhân và tổ chức người Trung Quốc đã lách luật và gian lận để thu tóm, sở hữu đất, gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Hôm 17/5, báo Tuổi Trẻ cho biết, người Trung Quốc sỡ hữu đất bằng hai cách: (1) Nhờ người Việt Nam (chủ yếu là gốc Hoa) đứng ra mua giúp; và (2) góp vốn thành lập công ty liên doanh với các công ty VN, sau đó nâng vốn đóng góp và giành quyền điều hành doanh nghiệp.
Theo Bộ Quốc phòng cảnh báo, hầu hết các lô đất do các cá nhân, hay doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu đều có vị trí trọng yếu trong phòng thủ quốc phòng.
***
Trong một diễn biến khác, chiều ngày 15/5, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Theo báo Chính phủ, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn, thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm. Theo Quyết định số 544/QĐ-TTg quy định, nhân sự lãnh đạo của Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn gồm một Trưởng ban và hai Phó trưởng ban: Trưởng ban sẽ do một Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm, còn Phó trưởng ban sẽ do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bổ nhiệm.
Như vậy, dựa vào nguồn nhân sự lãnh đạo và thời gian thí điểm, có thể nói đây là một lộ trình kéo giãn thời gian của Chính phủ trong việc tiến tới xây dựng “Đặc Khu Kinh tế Vân Đồn” – vốn đã bị người dân biểu tình phản đối quyết liệt vì mô hình đặc khu đã lỗi thời, không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và sự ưu đãi cho nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất lên tới 99 năm, tạo ra các mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Đền thờ gia tộc Hồ Chí Minh: Sự “lại quả” của bà Thái Hương và “kinh doanh lãnh tụ để kiếm tiền”
Truyền thông trong nước đưa tin, hôm 16/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với chính quyền Nghệ An cắt băng khánh thành đền Chung Sơn – đền thờ gia tộc Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Qua kênh Truyền hình Thông tấn, người xem nhận ra tại buổi lễ còn có sự tham dự của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (cháu của Chủ tịch Hồ Chí Minh) và bà Thái Hương từ Ngân hàng Bắc Á.
Được biết, đền Chung Sơn tọa lạc ở núi Chung, có diện tích hơn 83 ha, bao gồm cả quần thể rừng cây xung quanh làm khu du lịch sinh thái, kết hợp với tâm linh. Bí thư tỉnh ủy Nghệ An khẳng định: “Đền Chung Sơn sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa tâm linh quan trọng trong hành trình về nguồn của mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế“.
Đài VOV cho biết, công trình do Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, số tiền đầu tư vào công trình này không được chính quyền và truyền thông nhà nước tiết lộ.
Facebook Dương Quốc Chính nhận định: “Đây là 1 dự án du lịch công viên sinh thái lấy đền thờ làm điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Phần đền thờ thì chắc không bán vé nhưng công viên thì chắc có. Có nghĩa là doanh nghiệp dùng gia đình bác để thu tiền du lịch mà thôi. Cũng kiểu như chùa Bái Đính, Tam Chúc gì đó lấy Phật ra để hút khách du lịch tâm linh. Đây là 1 hướng kinh doanh khá sáng tạo, dùng lãnh tụ để kiếm tiền”.Facebooker này còn nêu thắc mắc: “Đền này thờ họ Nguyễn hay họ Hồ?”
Báo Người Việt đặt vấn đề vì sao truyền thông nhà nước ‘lơ’ kinh phí xây dựng và “đại gia” tài trợ? Tờ báo này tiết lộ “Ngân Hàng Bắc Á cùng với thương hiệu sữa TH True Milk thuộc sở hữu của đại gia Thái Hương… Cũng như nhiều ‘đại gia tư bản đỏ’ khác ở Việt Nam, bà Hương được ghi nhận làm giàu nhờ dựa hơi quan chức CSVN trong việc hình thành nhóm lợi ích”.
Nhớ lại hồi năm 2012, chỉ vài ngày sau khi công trình này được động thổ, trang Quan Làm Báo có bài viết “tiền đâu xây dựng nhà thờ tổ của Nguyễn Sinh Hùng”. Bài viết tiết lộ, đây là cú “lại quả” của bà Thái Hương – một doanh nhân Nghệ An, đồng hương với ông Nguyễn Sinh Hùng – là người đã giúp bà Hương thoát khỏi bị truy tố.
Bài viết có đoạn: “Thời điểm tháng 9/2011, Ngân hàng Bắc Á đã mất trắng 5.000 tỷ đồng do chính bà Thái Hương lợi dụng mình cũng là chủ của NH Bắc Á nên đã rút toàn bộ tiền huy động của dân trên 9.000 tỷ tài trợ cho các dự án của mình và không có khả năng trả nợ. Thay vì, NH Bắc Á sẽ phải đưa vào danh sách tái cấu trúc, sáp nhập và bà Thái Hương chắc chắn sẽ bị khởi tố vì những hành vi phạm pháp của mình trong việc cố tình lừa đảo lấy tiền của người dân đổ cho dự án của riêng mình dẫn đến không có khả năng trả nợ. Vậy mà lại được Ngân hàng Nhà nước cùng hai ông anh cả Agribank và BIDV rót xuống 10.000 tỷ, đã phù phép biến bà Thái Hương không những thoát khỏi phá sản, tù tội, lại bỗng nhiên trở thành doanh nhân ‘có tâm’ xây dựng nhà thờ tổ cho HCM”.
CSGT dừng xe kiểm tra không cần lỗi và nhóm lợi ích bảo hiểm
Những ngày qua ghi nhận tình trạng người dân ùn ùn đi mua bảo hiểm xe máy , nhưng chỉ dùng đối phó với CSGT chứ không phải để hưởng bảo hiểm khi có tai nạn, vì “đòi bảo hiểm, khó như lên trời”.
Sau 2 ngày thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra trên toàn quốc của Cục CSGT – Bộ Công An, cho phép dừng phương tiện đang lưu thông mà không cần tài xế có lỗi ban đầu, CSGT các tỉnh, thành phố đã xử phạt và thu về cho ngân sách nhà nước hơn 14 tỷ đồng, phần lớn đó từ lỗi không xuất trình được bảo hiểm xe gắn máy.
Tuy nhiên, quyết định cho phép CSGT chặn dừng xe kiểm tra mà không cần có lỗi ban đầu là trái pháp luật, lạm quyền và vi hiến. Luật sư Lê Công Định nhận định: “Đấy là hành vi lạm quyền bất chấp hiến pháp và luật pháp, nhân danh trật tự và an toàn xã hội. Ở những nước có tòa án bảo hiến, chắc chắn quyết định kiểu này sẽ bị kiện và huỷ bỏ”.
Nhiều người sử dụng mạng xã hội cho rằng, lực lượng CSGT tổng ra quân lần này là cơ hội “kiếm bánh mỳ” bù lại sự thất thu trong những tháng mùa dịch Covid-19 vừa qua.
Theo quy định hiện hành, người điều kiển phương tiện khi bị kiểm tra nếu không xuất trình được bảo hiểm xe gắn máy sẽ bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
____
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét