Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Bản tin ngày 15-5-2020

Bản tin ngày 15-5-2020

BTV Tiếng Dân
15-5-2020
Thu học phí mùa dịch: “Nhà trường từ chối đối thoại, phụ huynh tiếp tục biểu tình”
Hôm 14/5, gần 100 phụ huynh tụ tập trước trường Quốc tế Việt Úc (VAS) trên đường 3/2, quận 10, Sài Gòn, để tiếp tục biểu tình, phản đối nhà trường về việc thu học phí trong mùa nghỉ dịch bệnh, báo Vnexpress đưa tin hôm 15/5.
Các phụ huynh biểu tình trước Trường Quốc tế Việt Úc. Ảnh: VNE
Theo ghi nhận, các phụ huynh căng băng rôn, yêu cầu nhà trường đàm phán, đối thoại với phụ huynh để đạt được sự đồng thuận của phụ huynh trong việc thu học phí trong thời gian nghỉ do Covid-19.
Đại diện phụ huynh cho biết, VAS thu học phí theo năm, tương ứng với 4 học phần, mỗi học phần khoảng 2 tháng. Tính cả tiền ăn, xe đưa đón, số tiền phụ huynh phải đóng mỗi năm dao động từ 200-500 triệu đồng, tùy cấp học. Trong khi mùa dịch rơi vào học phần 3, và sang nửa học phần 4, và chỉ học một số buổi online. Trường nói giảm, nhưng giảm rất ít, nhiều người chỉ được hoàn lại từ 2-8 triệu trong năm.
Phản hồi về chính sách học phí, lãnh đạo VAS cho biết, thời gian nghỉ chống dịch, trường vẫn phát sinh chi phí dạy trực tuyến, chi phí tuyển sinh, trả lương giáo viên, nhân viên.
Trước đó, vào ngày 5/5, khoảng 200 phụ huynh đã kéo đến trước cổng trường này căng biểu ngữ phản đối. Phụ huynh được mời vào hội trường nhưng không đồng ý đối thoại, vì nhà trường cử người đại diện ra tiếp phụ huynh, nhưng người này không có thẩm quyền và không có giấy ủy quyền hợp pháp.
Vụ nâng điểm ở Hòa Bình: Cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nói mình bị vu khống
Sáng ngày 15/5, tại TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục diễn ra phiên xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2017-2018 tại tỉnh Hòa Bình đối với 15 bị cáo là các cựu cán bộ, giáo viên, công an.
Đáng lưu ý, trong phiên tòa sáng nay, bị cáo Khương Ngọc Chất,  cựu thượng tá, trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hòa Bình, đã tự bào chữa, bác bỏ tất cả mọi cáo buộc và nói rằng mình bị vu khống, báo Tổ quốc đưa tin.
Theo đó, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ khẳng định, ông không bàn bạc, câu kết, hay lôi kéo các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo này cho rằng mình vô tội, việc truy tố mình như vậy là có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự, đã làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, và nhân phẩm của bản thân.
Bị cáo Chất nói: “Bị cáo đề nghị VKSND xin lỗi bị cáo và các bị cáo khác khi bị truy tố theo Điểm B, Khoản 2, Điều 356, Bộ Luật Hình sự năm 2015”.
Cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Hòa Bình, Khương Ngọc Chất tươi cười khi ra tòa. Ảnh: Báo TQ
Trước đó, trong phiên tòa ngày  14/5, bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, cựu Phó hiệu trưởng Trường nội trú Lạc Thủy, khai được bị cáo Nguyễn Quang Vinh, cựu Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT Hòa Bình, đề nghị nâng điểm cho các thí sinh.
Sau đó, Tuấn trao đổi với Vinh về việc bản thân sẽ thay đổi kết quả bài thi, còn Vinh và Khương Ngọc Chất tạo điều kiện cơ sở vật chất, con người, chìa khóa, mở cửa, niêm phong.
Đáng chú ý, bị cáo Tuấn còn khai, Vinh đã động viên Tuấn, nếu “chẳng may sự việc vỡ lở” Tuấn phải đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm. Bị cáo Tuấn khai trước tòa: “Anh Vinh nói cứ nhận một mình, công việc bên ngoài, đời sống vợ con, che chắn các anh bên ngoài sẽ lo”.
Báo Giáo dục thua kiện FLC vì “đăng bài không đúng tôn chỉ, mục đích”
Ngày 15/5, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa Tập đoàn FLC và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, theo đó tòa cấp phúc thẩm bác kháng cáo của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tuyên y án sơ thẩm, buộc tờ báo này gỡ bỏ tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác, công khai xin lỗi Tập đoàn FLC trên phương tiện thông tin đại chúng, và bồi thường số tiền 14,9 triệu đồng.
Căn cứ vào hồ sơ tài liệu, Hội đồng xét xử cho rằng Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài không liên quan tới lĩnh vực giáo dục như tôn chỉ, mục đích của báo ghi trong giấy phép hoạt động”, theo báo Pháp luật VN đưa tin.
Theo đó, vào năm 2018, Báo GDVN đã đăng tải bài viết có tiêu đề “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”. Sau bài viết trên, Tập đoàn FLC đã gửi đơn khởi kiện ra tòa dân sự vì cho rằng Báo điện tử Giáo dục đăng tải nội dung không chính xác, đưa thông tin mang tính chất tiêu cực, xâm phạm đến uy tín của Tập đoàn FLC.
Một trong các cơ sở pháp lý mà FLC nêu ra trong đơn khởi kiện là báo GDVN vi phạm điều 9 Luật Báo chí, khi đăng tải bài viết phản ánh các hoạt động giao dịch của FLC với đối tác là không đúng tôn chỉ và mục đích theo giấy phép hoạt động.
Trong khi đó Báo điện tử Giáo dục khẳng định, việc đăng tải thông tin tại bài báo nói trên là hoàn toàn đúng sự thật dựa trên các tài liệu chính xác, đúng Luật Báo chí, Luật Phòng chống tham nhũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét