Chuyện nghị trường, chính trường ở VN và ảnh cựu BT Trương Minh Tuấn trong bệnh viện
BTV Tiếng Dân
28-11-2019
Chiều 27/11, bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14: 11 Luật, Đạo luật đã được thông qua, nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục nợ dân luật biểu tình và luật về hội: Quốc hội vẫn đang chờ Chính phủ trình luật Biểu tình, báo Thanh Niên đưa tin.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói về luật Biểu tình và cả luật lập Hội: “Khi nào Chính phủ chuẩn bị chu đáo, thấu đáo trình ra Quốc hội thì các đại biểu sẽ cho ý kiến. Còn hiện tại, Chính phủ chưa báo cáo để đưa vào chương trình làm luật nên vẫn phải chờ, chứ không phải Chính phủ trình rồi mà Quốc hội không cho ý kiến để ban hành”.
Luật biểu tình rất quan trọng, có lợi cho dân, cho nước, nhưng Chính phủ và Quốc hội cứ đá qua, đá lại, trong khi những luật trời ơi, hại dân, hại nước thì thông qua nhanh chóng. VnEconomy có bài: “Không phải là Quốc hội không quan tâm đến Luật Biểu tình”. Nếu quan tâm thật sự thì các “nghị gật” đã không “ngâm” món nợ luật Biểu tình từ năm 2011 tới nay.
Trang Dân Việt đặt câu hỏi: Có hay không hiện tượng “lobby”, “đặt hàng” đại biểu Quốc hội? Tại kỳ họp thứ 8, phóng viên phản ánh việc có ý kiến cử tri nói về biểu hiện “lobby”, “đặt hàng” đại biểu Quốc hội, vì có những bài phát biểu giống nhau, trùng lặp, thậm chí sai giống nhau. TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu nói vấn đề “đặt hàng” đại biểu Quốc hội thì rất khó và rằng “Nếu có phần mềm nào đó phân tích được thì tốt”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: ‘Nhiều người kiên quyết không từ chức vì… áp lực gia đình’. Ông Cường nói: “Nhiều khi cán bộ vi phạm, họ xin thôi việc thì đó là một hình thức xử lý vi phạm rồi. Hoặc cán bộ, công chức thấy không đủ năng lực, uy tín, tôi tin là nhiều người sẵn sàng chủ động xin thôi chức. Nhưng gia đình, dòng họ lại vẫn bị nặng nề quá, căng thẳng quá thì rất khó để những cán bộ này chủ động xin thôi chức. Họ sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến danh dự gia đình”.
Trường hợp quan chức để xảy ra sai phạm nhưng vẫn quyết bám ghế, nếu nguyên do thật sự vì “áp lực gia đình”, chẳng lẽ bộ máy an ninh chuyên trấn áp, đe dọa người thân, họ hàng của các nhà hoạt động, các nhà bất đồng chính kiến, chẳng lẽ không can thiệp nổi để làm giảm “áp lực” với những người này?
Diễn biến đáng lưu ý ở chính trường thành Hồ: Vợ ông Tất Thành Cang, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích thôi giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam TP.HCM, theo VietNamNet. Bài báo lưu ý, tháng 9/2019, bà Bích đã làm đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân, đến đầu tháng 11 thì “được cơ quan có thẩm quyền đồng ý theo nguyện vọng”, cũng khá trùng với thời gian chồng bà này lánh mặt, không dám tiếp xúc cử tri quận 10, TP HCM.
Chuyện ở Quảng Ngãi: Một tiến sĩ đề nghị bảo vệ tính mạng vì tố cáo tiêu cực trong hệ thống chính quyền, theo báo Một Thế Giới. Đó là ông Phan Văn Hiếu, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, tố cáo sai phạm của các cán bộ lãnh đạo huyện Nghĩa Hành. Ông Hiếu cho biết, ông “đã nhận nhiều tin nhắn từ số máy lạ với nội dung đe dọa uy hiếp đến tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình. Nhà của ông ở TP.Quảng Ngãi cũng bị kẻ gian đột nhập vào để đánh cắp điện thoại”.
Xuất hiện ảnh cựu BT Trương Minh Tuấn trong bệnh viện
Cư dân mạng lan truyền hình ảnh cựu Bộ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn, đang trong bệnh viện trị bệnh với gương mặt tiều tụy, trông giống ông như một cụ già 80. Một số người cho rằng, ông Tuấn đang trả giá những gì ông đã gây ra, nhưng cũng có nhà báo tỏ ý thương hại ông, là người từng ký tên trên thẻ nhà báo của các ký giả trong nước.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh viết: “Ông Tuấn chỉ mới vào tù một thời gian rất ngắn. Và chắc chắn ông phải ở trong tù rất lâu để trả giá cho những sai phạm của ông. Nhìn tấm hình này, cảm giác của cá nhân tôi đây là cái án kinh khủng với một người từng một thời đầy quyền lực. Những sự bực bội, những cảm xúc tiêu cực đối với ông cũng không còn. Cũng mong mọi người, thôi không ném đá người ngã ngựa… Quyền lực rồi sẽ hết, tiền bạc nhiều như núi để làm gì, nếu vào lò mất hết tự do…”
Cần nhắc lại, ngày 25/11/2019, TAND tỉnh Phú Thọ đã tiến hành xét xử sơ thẩm ông Đặng Anh Tuấn, cựu chánh thanh tra Bộ TT&TT vì đã thông đồng với đường dây đánh bạc ngàn tỉ do các cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa bảo kê. Phiên tòa phải tạm hoãn do vắng mặt cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Dung mạo ông Tuấn trong bức hình này có thể lý giải diễn biến trên.
______
Mời đọc thêm: Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Rất khó xác định việc đặt hàng đại biểu Quốc hội (Zing). – Rất khó để xác định đại biểu Quốc hội được “lobby”, phát biểu theo “đơn đặt hàng” (NLĐ). – ‘Khó tránh lobby, nhưng quyết định là của Quốc hội’ (TT). – Xem xét kỷ luật hàng loạt cán bộ các cấp ở Hà Tĩnh(TP). – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phụ trách toàn diện Bộ Y tế (VNN). – Chính phủ chọn được nhân sự, Quốc hội sẽ phê chuẩn Bộ trưởng Y tế (TP).
– Quốc hội thông qua việc không còn Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội (LĐ). – Quốc hội cho phép Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị (TP). – Từ 1.7.2021, Hà Nội sẽ không còn 177 hội đồng nhân dân phường (TN). – Chính thức thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội từ ngày 1-7-2021 (ANTĐ).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét