Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Cần có đại biểu trong Quốc hội cho Việt Kiều

Cần có đại biểu trong Quốc hội cho Việt Kiều

26-11-2019
Tạp chí Quê Hương dẫn lời ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết hiện tại có khoảng 4,5 triệu Việt Kiều [1]. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2019 có thể đạt 16,7 tỉ USD, chiếm khoảng 6,4% GDP [2].
Số lượng du học sinh Việt Nam đông đảo và tăng nhanh, chỉ riêng Mỹ và Canada là gần 45.000 người [3][4]. Ba trong số năm tỉ phú USD của Việt Nam từng là du học sinh, chưa kể rất nhiều lãnh đạo Chính phủ và các tập đoàn kinh tế đều đã từng là người Việt Nam ở nước ngoài.
Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên đến nhờ anh chị em chúng tôi ở Silicon Valley tư vấn về đường hướng phát triển khoa học công nghệ. Giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Nguyễn Thục Quyên, giáo sư Đàm Thanh Sơn, giáo sư Vũ Hà Văn, tiến sĩ Lê Viết Quốc, v.v… những nhà khoa học người Việt nổi tiếng thế giới đều đã và đang sống ở nước ngoài. Tôi dẫn những con số, những tên tuổi này ra để nói một chuyện mà ai cũng đã biết, đó là Việt Kiều là một nguồn vốn và tài năng khổng lồ.
Vậy mà người Việt Nam ở nước ngoài không có đại diện ở Quốc hội. Khi chúng tôi muốn đưa vấn nạn sứ quán tham nhũng [5] ra Quốc hội, chúng tôi có nhận được hỗ trợ từ một số đại biểu, nhưng chúng tôi cần ít nhất một người chuyên trách, một người hiểu rõ những vấn đề mà chúng tôi gặp phải, trực tiếp, chủ động, chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết, đấu tranh vì quyền lợi của chúng tôi.
Khi 39 người Việt Nam chết trên đường di cư đến Anh, họ chết khi đang là người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu sống sót, tiền họ làm ra cũng đóng góp vào dòng kiều hối mà một chuyên gia kinh tế đã gọi là “viện trợ không hoàn lại vô điều kiện” [6]. Ai trong Quốc hội đại diện cho những công dân Việt Nam này? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ và những người vẫn đang và sẽ đi tiếp con đường mà họ đã đi?
Đành rằng trong nước còn nhiều vấn đề cấp bách. Đành rằng Việt Kiều ở khắp mọi nơi, điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa rất đa dạng. Đành rằng có thể nhiều Việt Kiều không muốn có bất kỳ liên quan gì đến Chính phủ Việt Nam. Nhưng dẫu muốn hay không, Việt Nam có rất nhiều luật điều chỉnh, chế tài hành vi của người Việt Nam ở nước ngoài, từ xuất nhập cảnh (vừa thông qua vào hôm 22/11/2019), nhà đất đến thuế má. Là cơ quan lập pháp, làm sao Quốc hội có thể làm luật về chúng tôi nhưng lại không cho chúng tôi một tiếng nói?
Thiếu đại diện của người Việt Nam ở nước ngoài là một lỗ hổng trong thể chế mà Quốc hội cần phải sớm khắc phục. Cách thức tiến hành ra sao đương nhiên là điều cần phải bàn kỹ lưỡng.
Tôi đề nghị một giải pháp đơn giản trước mắt là người đứng đầu hoặc một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội sẽ là đại biểu của Việt Kiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét