Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Bản tin ngày 23-11-2019

Bản tin ngày 23-11-2019

Tin nhân quyền
RFA đưa tin: Thanh niên Nghệ An bị bắt giam vì “xúc phạm Hồ Chí Minh”. Thanh niên tên Phan Công Hải, sinh năm 1996, ở Nghệ An, bị cơ quan ANĐT VN bắt giữ ngày 19/11/2019 ở Hà Tĩnh, với cáo buộc “phát tán tài liệu nhằm chống nhà nước” theo điều 117 Bộ luật hình sự 2015. Ông Phan Công Bình, bố của Hải, đã xác nhận với RFA: “Tôi chỉ biết là bắt Hải ở Hà Tĩnh, công an Hà Tĩnh giao cho công an Nghệ An, tôi chỉ biết vậy thôi”.
Hải bị cáo buộc “tuy tuổi đời còn trẻ nhưng Hải sớm có tư tưởng cực đoan, thường xuyên kết giao với các đối tượng phản động, chống đối. Đối tượng đã nhiều lần tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trong thời gian dài và liên tục, nhất là có hành vi sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước”.
BBC có bài: Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt. Ngay sau khi nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng bị bắt, văn phòng khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã ra tuyên bố: “Bây giờ, đã đến điểm mà chiến dịch Hà Nội vận động cho một hiệp ước thương mại với Liên minh châu Âu đang trực tiếp dẫn đến hệ quả các vi phạm chống lại những người bất đồng chính kiến”.
LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng QHVN nhận định, có thể gần đây ông Dũng đã viết bài để lộ thông tin nội bộ có độ chính xác cao về diễn biến sát phạt lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao CSVN: “Cho nên thường những câu chuyện đó, những cơ quan điều tra nguồn gốc ai cung cấp tư liệu mà biết nhiều như thế, thì đó là câu chuyện mà họ muốn tìm, nhưng mà không có cách gì tốt hơn là nên bắt anh Phạm Chí Dũng để điều tra”.
Lại tử vong khi đang bị tạm giam: Một bị can tử vong trong quá trình tạm giam ở Hà Nam, báo Lao Động đưa tin. Nạn nhân là Đặng Thanh Tùng, 26 tuổi, cư ngụ ở TP Phủ Lý, đã chết khi đang bị tạm giam tại trại giam công an tỉnh Hà Nam. Anh Tùng là tài xế taxi, đã bị công an bắt giữ sau khi chở khách khuya 21/9.
Hôm sau, gia đình được thông báo, Tùng bị bắt do liên quan đến vụ môi giới mại dâm. Đến 21/11 thì gia đình báo tin là Tùng đã tử vong. Mặc dù Công an Hà Nam kết luận, nạn nhân Tùng chết là do bệnh lý, không có dấu vết ngoại lực tác động, nhưng bức ảnh do báo Người Lao Động đăng, cho thấy, trên người nạn nhân có vết bầm tím.
Vết bầm tím trên cơ thể nạn nhân. Ảnh: NLĐ
Đây có lẽ là bước lùi tạm thời của lãnh đạo CSVN để EVFTA được thông qua: Việt Nam cho phép thành lập công đoàn độc lập, theo RFI. Trong thông cáo đưa ra ngày 20/11, bộ LĐ-TB&XH VN thừa nhận rằng, việc cho phép thành lập công đoàn độc lập chính là nhằm “bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong quan hệ lao động, phù hợp với các Công ước của ILO, các cam kết quốc tế khác và tạo thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế”.
Lưu ý, lãnh đạo CSVN sẽ không bao giờ cho phép thành lập các tổ chức mà họ không kiểm soát được. Cho nên luật về công đoàn độc lập đã bị trì hoãn lâu nay, còn các nhà hoạt động có liên quan đến việc lập hội, lập tổ chức, thường bị kết án rất nặng. Nay quan chức CSVN đột ngột buông lỏng vấn đề công đoàn độc lập, nhiều khả năng là nền kinh tế của họ đã tới chỗ nhiều rủi ro, buộc họ phải tạm thời “xuống nước” để hiệp định kinh tế với châu Âu được suôn sẻ.
Tin nghị trường
Chiều 22/11/2019, trong kỳ họp thứ 8, QH khóa 14, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Điểm đáng lưu ý, Thủ tướng được bổ sung một số thẩm quyền liên quan đến vấn đề quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.
Vẫn còn hơn nửa năm trước khi tổ chu72c Đại hội 13 của đảng CSVN, quyết định vấn đề nhân sự và chuyển giao quyền lực, nhưng có vẻ Thủ tướng “Ma-dze in Việt Nam” đã chuẩn bị cho mình một nền tảng khá tốt cho thời điểm Tổng – Chủ Trọng nhiều khả năng không thể tiếp tục tại vị.
Báo Thanh Tra đặt câu hỏi: Thẩm quyền Thủ tướng, Bộ trưởng được sửa đổi, bổ sung mới thế nào? Trong các quyền vừa được bổ sung, Thủ tướng có quyền “quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan, tổ chức khác thuộc UBND cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”.
Về phần các Bộ trưởng, một quy định mới của Luật Tổ chức Chính phủ là bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ. Nghĩa là, Bộ trưởng được bổ sung quyền cho từ chức đối với cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, Quốc hội quyết định giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND huyện, theo VOV. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số các “nghị gật” tán thành với quy định về giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND đối với cấp xã loại II như đã chỉnh lý trong dự thảo Luật. 
Về chủ trương hợp nhất các Văn phòng, đa số các ông bà nghị đề nghị hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND cấp tỉnh thành một Văn phòng chung, trong khi giữ nguyên Văn phòng UBND cấp tỉnh. Nghĩa là vẫn phải tinh giản biên chế, vì không đủ tiền nuôi bộ máy cồng kềnh, nhưng phải làm từ từ, kẻo một loạt quan chức bỗng dưng mất ghế, đâm ra “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Bà Kim Tiến mất ghế
Quốc hội chính thức miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, báo Người Lao Động đưa tin. Chiều 22/11, QH bỏ phiếu kín miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo Ban kiểm phiếu, có 424 phiếu (87%) đồng ý phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng, miễn nhiệm đối với bà Kim Tiến.
Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: Quochoi.vn
Báo Người Đưa Tin lưu ý: 29 đại biểu không đồng ý miễn nhiệm Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Sau khi có kết quả bỏ phiếu, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo: “Hôm nay Quốc hội mời Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tới dự, nhưng do bận việc, Bộ trưởng đã báo cáo xin vắng”. Vẫn không rõ bà Tiến “bị” mất hay “được” mất ghế.
Vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn
Ngày 22/11, sau một tuần xét xử, TAND TP HCM tuyên án vụ án Ngân hàng Đại Tín giai đoạn 2: Hứa Thị Phấn lĩnh thêm 20 năm tù, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Bị cáo Phấn lãnh thêm 20 năm tù, về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt của các bản án trước, là 30 năm tù giam. Tòa tuyên thì tuyên, nhưng suốt mấy ngày xử án, bị cáo quan trọng là bà Phấn vẫn không có mặt tại phiên tòa.
Còn các đồng phạm của bà Phấn, cáo Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty Phú Mỹ lãnh án 7 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 30 năm tù; bị cáo Lâm Kim Dũng, cựu GĐ Công ty Địa ốc Lam Giang lãnh 4 năm tù, tổng hợp với bản án trước là 10 năm tù; bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung, cựu GĐ Công ty địa ốc Phúc Nguyễn lãnh án 5 năm tù, bị cáo Lâm Hứa Quỳnh Trinh, cựu cán bộ Trustbank án 1 năm 6 tháng tù, Phạm Hồng Hảo, cựu nhân viên Trustbank án 2 năm tù treo.
Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Vì sao tòa công nhận 97 bất động sản thuộc về Phạm Công Danh? Về trách nhiệm dân sự, cơ quan xét xử sơ thẩm buộc bị cáo Phấn bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt, các đồng phạm khẳng định “không hưởng lợi” nên không cần liên đới khắc phục hậu quả.
Các bị cáo nghe tuyên án, bà Hứa Thị Phấn vẫn vắng mặt. Ảnh: Mai Hoa/NLĐ
Đối với 29 khoản vay trong vụ này, trước đó, ông Phạm Công Danh có chuyển tiền tất toán nợ gốc các khoản vay, nên HĐXX xác định khoản tiền ông Danh trả có thể giải tỏa 97 bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Tin Hồng Kông
Vụ cấm sinh viên chia sẻ tin tức về Hồng Kông, RFA dẫn lời phát biểu của một giảng viên: ‘Cấm sinh viên share post về Hồng Kông là làm hại sinh viên!’ Cư dân mạng chia sẻ văn bản do bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP. HCM, ký ngày 21/11, có ghi những tổ chức, cá nhân “xuyên tạc, vu khống, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật“.
Văn bản trên được đưa ra sau khi mạng xã hội xôn xao vụ một số Facebooker tự nhận là sinh viên Đại học Sư Phạm TP.HCM nói rằng, họ bị hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM ra lệnh miệng, cấm sinh viên share post về biểu tình ở Hồng Kông, nếu vi phạm thì sẽ bị đuổi học.
Còn ở Mỹ, Fox News dẫn lời ông Trump: ‘Không nhờ tôi thì Trung Quốc đã nghiền nát Hong Kong trong 14 phút chẵn’, VOA đưa tin. Trả lời phỏng vấn trong chương trình Fox & Friends sáng 22/11, ông Trump tuyên bố: “Nếu không có tôi, thì Hong Kong đã bị nghiền nát trong 14 phút chẵn”. Ông Trump từ chối không trả lời, liệu ông sẽ ký các dự luật liên quan tới Hong Kong hay không. Ông nói rằng: “Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập Cận Bình”.
TT Trump không nói có ký hai dự luật HK hay không, theo BBC. Bài báo lưu ý câu trả lời của Trump trong khi trả lời Fox News: “Ông ấy là người bạn của của tôi. Tôi muốn họ tự giải quyết, OK?” Không chỉ Hồng Kông, người dân Triều Tiên lâu nay sống dưới chế độ hà khắc của nhà Kim, nhưng Trump vẫn có những lời ca tụng tay lãnh đạo độc tài này. Quan hệ Trump – Tập cũng không ngoại lệ.
Tình hình biểu tình ở Hồng Kông: Cuộc giằng co ở Trường ĐH Bách Khoa sắp đến hồi kết, báo Người Lao Động đưa tin. Sáng 22/11, một người biểu tình chia sẻ: “Chúng tôi đều mệt mỏi nhưng sẽ không ngừng tìm cách thoát ra. Hôm qua chúng tôi thử vài cách nhưng chưa thành công”
Một người biểu tình lớn tuổi khác trả lời Reuters khi ước tính rằng, chỉ còn khoảng 30 người còn cố thủ, vì nhu yếu phẩm của người biểu tình đã tới giới hạn, một vài người trong số đó không còn tìm đường thoát nữa mà quay sang tự chế vũ khí.
Đồng bằng Sông Cửu Long lâm nguy
VOV thống kê: 3 nguyên nhân gây ra sụt lún đất tại ĐBSCL. Hội thảo về vấn đề sụt lún đất tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Xây dựng và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức ngày 22/11, tại TP Cần Thơ, xác nhận, sụt lún đất ở ĐBSCL đang diễn ra nhanh hơn so với mực nước biển dâng, có nhiều khu vực đang bị sụt lún từ 2 đến 4cm một năm.
PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, chỉ ra 3 nguyên nhân của hiện tượng này: Thứ nhất do lún tự nhiên, thứ hai là xây dựng công trình cao tầng và thứ ba là khai thác nước ngầm, khiến cho vấn đề sụt lún đang diễn nhanh hơn.
Mỗi năm TP Cần Thơ bị sụt lún từ 2 đến 4cm, nên triều cường ở khu vực này nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, cứ liên tiếp dâng cao, lập kỷ lục mới. Nguồn: VOV
Bán đảo Cà Mau lún nhanh nhất Đồng bằng sông Cửu Long, theo Zing. Ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT cho biết, kết quả quan trắc từ 339 điểm tại TP HCM và ĐBSCL cho thấy, điểm lún nhiều nhất miền Nam hiện nay là khu vực phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM, tổng độ lún lên tới 81cm chỉ trong 10 năm. Còn ở ĐBSCL, độ lún trung bình ở khu vực này khoảng 2cm/năm, nơi có độ lún sâu nhất là bán đảo Cà Mau.
Cà Mau, Bến Tre là nơi ngày xưa lực lượng CS Bắc Việt tiến hành “dân vận” rất mạnh, biến các khu vực này thành “căn cứ địa cách mạng”, là bàn đạp giúp quân đội CS giành chiến thắng toàn miền Nam. Nay thì lãnh đạo CSVN hoàn toàn bỏ mặc khu vực này, bỏ ra vài chục tỉ cho mấy chương trình ngăn mặn không có ý nghĩa gì trước hiện tượng nước biển dâng cao và xâm nhập mặn.
Chuyên gia nhận định ĐBSCL đang sụt lún ở mức độ nhanh hơn so với mực nước biển dâng. Ảnh: Minh Anh/Zing
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Giải pháp để đồng bằng sụt lún chậm hơn. TS Nguyễn Hiếu Trung đề xuất giải pháp: “Nếu có khả năng, chúng ta nên tính đến phương pháp phục hồi tầng nước ngầm bằng cách bơm bù lại phần nước đó. Trong mùa nước lũ, nếu bơm phần nước này xuống mạch nước ngầm thì đây là giải pháp vừa hạn chế sụt lún vừa giúp trữ nước để sử dụng trong mùa khô”.
Theo bài báo, giải pháp này về lý thuyết là khả thi, nhưng với tình hình VN hiện nay thì không ổn, vì “giải pháp bơm nước về tầng nước ngầm tuy hiệu quả nhưng rất tốn kém và đòi hỏi kỹ thuật rất cao vì nếu thực hiện không đảm bảo sẽ gây ô nhiễm nguồn nước”. Còn chuyện hạn chế khai thác nước ngầm thì chính quyền và người dân địa phương lại “bằng mặt không bằng lòng”.
Tin giáo dục
Báo Giáo Dục VN thống kê: Có 32 sách giáo khoa chính thức được đưa vào nhà trường. Lưu ý, 32 quyển SGK này chỉ để cho… chương trình giảng dạy học sinh lớp 1. Mới vừa ra khỏi cấp mẫu giáo mà các em đã bị nhồi nhét bao nhiêu là sách và nhiều thứ kiến thức hỗn tạp khác, khiến ngay cả người đã tốt nghiệp đại học nhìn lại cũng phải sợ chương trình giáo dục tiểu học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, SGK “muốn đạt được tiêu chuẩn phải đảm bảo đạt được những điều kiện tiên quyết, không sai đường lối của Đảng. Về mặt nội dung bám sát chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới phương pháp, cấu trúc hợp lý, đảm bảo tính đồng bộ”. Riêng tiêu chuẩn để các em học sinh lớp 1 phát triển bình thường, không quá tải thì không thấy quan chức giáo dục VN nào nói đến.
Danh sách 32 bộ SGK cho học sinh lớp 1, có chữ ký của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Nguồn: GDVN
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét