Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Bản tin ngày 26-11-2019

Bản tin ngày 26-11-2019

Tin Biển Đông
VietNamNet đưa tin: Việt Nam nêu rõ vấn đề Biển Đông trong Sách Trắng quốc phòng 2019. Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 được công bố chiều 25/11/2019, trong đó nhận định, “tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng có yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hoà bình, ổn định của Việt Nam”.
Sách Trắng quốc phòng Việt Nam 2019 thừa nhận, có bất ổn ở Biển Đông nhưng không nói rõ quốc gia nào đã làm gia tăng căng thẳng. Việt Nam vẫn duy trì chính sách quốc phòng “ba không”: Không chủ trương tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, dù “chính sách” này đã bị Trung Quốc lợi dụng triệt để trong các hoạt động quấy phá lãnh hải Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Canada, Đô đốc Philip Davidson cho biết, Trung Quốc triển khai hải quân trong 30 tháng gần đây nhiều hơn 30 năm, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đô đốc Davidson lưu ý: “Trung Quốc đã biến các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông thành những căn cứ quân sự với các tàu tuần duyên và hải quân, được sự hỗ trợ của hàng trăm tàu quân sự ngụy trang dưới vỏ bọc tàu cá một cách trái phép”.
Về các hoạt động tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông, Đô đốc Davidson cho biết: “Việc đi lại tại những vùng biển này sẽ tiếp tục khi Mỹ tiếp tục luân chuyển các lực lượng đi qua Singapore và thể hiện sức mạnh trên biển và trên không từ các căn cứ tại Nhật Bản”.
Bàn tay lông lá của TQ thò vào VN
Vụ TQ đầu tư 100.000 tỉ đồng vào dự án đường sắt, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Quốc hội sẽ xem xét dự án đường sắt do tư vấn Trung Quốc lập. Hôm qua, Bộ GTVT chính thức lên tiếng về tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng do TQ tài trợ. Bộ cho rằng, tuyến đường trên “có vị trí rất quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải đường sắt thuộc phía bắc sông Hồng. Đây là tuyến đường sắt chạy theo hành lang đông – tây nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng (trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam)”.
Bởi “tầm quan trọng” nói trên, trong chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng”, chỉ là chưa công khai chuyện vay tiền TQ để làm dự án gây tranh cãi này.
Báo Người Lao Động nhận định dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng: Siêu lãng phí. “Trong lúc miền Nam mà cụ thể là ĐBSCL đang rất cần có thêm các dự án đường cao tốc để kết nối giao thông và phát triển kinh tế” thì Bộ GTVT lại bày ra dự án đường sắt ở miền Bắc, có lợi cho người Việt thì ít mà lợi cho Tàu thì nhiều, biến Việt Nam trở thành… chúa Chổm!
Chỉ riêng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông ở TP Hà Nội đã tạo ra “quả bom nợ”, làm trì trệ cả nền kinh tế, còn dự án đường sắt liên tỉnh Hà Nội – Lào Cai – Hải Phòng, lần này nếu được thông qua thì quy mô còn lớn gấp nhiều lần dự án Cát Linh – Hà Đông.
Cũng tinh TQ, Chiều 25/11, lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế bác thông tin bán 200 ha đỉnh đèo Hải Vân cho người Trung Quốc, báo Giao Thông đưa tin. Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin 200 ha đất trên núi Hải Vân rơi vào tay người TQ. Thông tin này kèm hình ảnh di tích Hải Vân Quan bên cung đường đèo Hải Vân, phía địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế, khiến dư luận xôn xao.
Di tích Hải Vân Quan trên đỉnh núi Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng vào tháng 5/2018. Nguồn: GT
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phủ nhận toàn bộ những thông tin trên. Họ cho biết, năm 2013, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Thế Diệu, do Công ty World Shine Hong Kong đăng ký đầu tư ở Thừa Thiên – Huế, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế tại khu vực Cửa Khẻm, trên núi Hải Vân, nhưng đã dừng dự án này trong năm 2014.
Mời đọc thêm: Bộ Giao thông lên tiếng về tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng Trung Quốc “xin đám” tài trợ (DT). – Xây đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng 100.000 tỷ đồng: ‘Tại sao lại có thể tham lam như vậy?’(VNF). – Tuyến đường sắt 100.000 tỷ đồng: Cân nhắc chuyện trả nợ (ĐV). – Xây đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng 100.000 tỷ đồng: Vay ODA thì dân vẫn phải đóng thuế để trả (GDTĐ). – Đìu hiu tuyến đường sắt Yên Viên – Hạ Long, ngày chỉ chạy 1 chuyến phục vụ 30 tiểu thương (NLĐ). – Lãnh đạo Thừa Thiên – Huế ‘lên tiếng’ trước tin ‘đất Hải Vân bán cho người Trung Quốc’ (PLVN). – Bác tin 200 ha đất ở đèo Hải Vân rơi vào tay người Trung Quốc (PLTP).
Tin Đồng Tâm
Trong hội nghị đối thoại với dân ngày 25/11/2019 tại trụ sở UBND huyện Mỹ Đức, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cung cấp thông tin mới về vụ sai phạm liên quan vụ đất Đồng Tâm (Hà Nội): Gần 30 cán bộ bị xử lý, báo Tuổi Trẻ đưa tin. 
Tham dự buổi đối thoại với người dân xã Đồng Tâm và các xã tiếp giáp với sân bay Miếu Môn còn có Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng Ban Dân nguyện của QH Đỗ Văn Đương và đại diện VPCP, VKSND tối cao, Quân chủng Phòng không – không quân, cùng các cơ quan ban ngành khác.
Ông Thanh thông báo, “14 hộ dân có diện tích đất trong khu vực sân bay Miếu Môn đã đồng tình ký vào biên bản được đền bù, hỗ trợ và di dời ra khỏi đất khu vực sân bay Miếu Môn theo đúng luật định. Hiện toàn bộ đất trong khu vực sân bay Miếu Môn đã, đang được giải phóng mặt bằng sạch, để sớm giao cho đơn vị quân đội quản lý, sử dụng đất”
Nói cách khác: Con số 30 cán bộ bị xử lý chỉ để trấn an dân, tạo cảm giác vẫn có sai phạm bị xử lý, dù hình thức kỷ luật rất mơ hồ. Trấn an xong thì lãnh đạo Hà Nội sẽ tiếp tục cướp đất của dân Đồng Tâm.
RFA đặt câu hỏi: Chính phủ có thật sự đối thoại với người dân Đồng Tâm? Ông Lê Đình Công, con của cụ Lê Đình Kình, thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm, cho biết: “Mời nghe đọc kết luận thì chúng tôi không xuống, nhưng họ lại nhằm mục đích đánh lừa dư luận, nói rằng hôm nay đối thoại với dân Đồng Tâm, trong đó chỉ có một số người là bố mẹ, gia đình của những cán bộ hiện đang làm việc ở xã Đồng Tâm. Khi chuẩn bị đến giờ xuống huyện thì họ đã đưa một xe ô tô gồm hơn hai mươi kiểm soát quân sự về với mục đích là uy hiếp tinh thần người dân Đồng Tâm chúng tôi”.
Cụ Kình kể: “Chúng tôi yêu cầu về trực tiếp đối thoại với nhân dân xã Đồng Tâm phải có đủ thành phần như chính phủ, bộ quốc phòng, huyện, xã… có luật sư hỗ trợ pháp lý và có nguyên đơn đứng ra khiếu nại tố cáo, các ông ấy nói họp quốc hội xong sẽ về, nhưng hôm nay chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lại tổ chức về trước, nhưng lại không về xã Đồng Tâm mà về huyện Mỹ Đức, và giấy mời cũng không gồm thành phần như chúng tôi yêu cầu”.
Về thông tin một số người dân Đồng Tâm khi thấy xe quân sự xuất hiện đã bắt giữ các cán bộ trên xe, Thông Tấn Xã VN đưa tin: Không có chuyện người dân bắt giữ bộ đội tại xã Đồng Tâm. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức, Hà Nội khẳng định, “ngay sau khi bộ đội và chính quyền địa phương giải thích, xe của bộ đội đã di chuyển tiếp và người dân không còn tập trung đông người. Sự việc đã cơ bản được giải quyết, trật tự tại khu vực này đã ổn định”.
Trong khi quan chức TP Hà Nội chỉ đưa tin mà không cung cấp hình ảnh nào làm bằng chứng, thì kênh Voice TV chia sẻ clip: Cực nóng dân Đồng Tâm tiếp tục bắt giữ quân đội.
Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”
Báo Trí Thức Trẻ đưa tin: Chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đơn phương chấm dứt cam kết lợi nhuận với khách hàng. Ngày 25/11, đại điện Công ty Thành Đô, thuộc Tập đoàn Empire xác nhận, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch HĐQT, đã có văn bản thông báo chấm dứt chi trả lãi suất 12%/năm từ ngày 1/1/2020 cho khách hàng đã lỡ mua Condotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng.
Văn bản nói trên do ông Thành ký, trình bày nguyên nhân dẫn đến sự việc “là do việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện. Văn bản cũng cho rằng thủ tục tại địa phương có nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác vận hành của dự án Cocobay Đà Nẵng”.
Văn bản thông báo của Tập đoàn Empire gửi đến khách hàng. Nguồn: TTT
Báo Dân Việt đặt câu hỏi về vụ “vỡ trận” Cocobay Đà Nẵng: Sẽ có hàng loạt Condotel nối gót? LS Huỳnh Phương Thảo phân tích, việc các chủ đầu tư Condotel cam kết lợi nhuận lên đến 8%, thậm chí 12% một năm trong vòng tối thiểu 10 năm là rất khó thực hiện được và đó là miếng “phomai” được giăng ra cho khách hàng, “dưới góc độ kinh doanh du lịch thì không thể có một nhà quản lý nào có thể tạo ra lợi nhuận lớn đến thế”.
LS Thảo dự đoán: “Tôi tin rằng ở sau đây sẽ có hàng loạt những khu nghỉ dưỡng du lịch Condotel sẽ liên tiếp ra những thông tin thông báo tương tự cho những người mua khi mà họ không thể thanh toán được những khoản lợi nhuận lớn thế. Khi mà giai đoạn tuần trăng mật đã kết thúc mọi thứ trở về nguyên trạng trở về đúng giá trị, đúng bản chất của giao dịch vốn có của nó”.
Xử vụ đánh bạc ngàn tỉ
Sáng 25/11/2019, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Đặng Anh Tuấn, cựu Chánh thanh tra Bộ TT&TT, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ do các cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “bảo kê”. Nhưng cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn xin vắng mặt phiên xử cấp dưới ‘bảo kê’ đánh bạc, báo Thanh Niên đưa tin.
Theo cáo trạng, năm 2016, Thanh tra Bộ TT&TT đã phát hiện 14 game trực tuyến trên mạng internet thuộc lãnh thổ VN có dấu hiệu cờ bạc, gồm game bài Rikvip/Tip.Club, do Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Bộ cũng đã phát hiện dấu hiệu tội phạm hình sự liên quan game bài này và đề xuất chuyển hồ sơ sang cơ quan công an xem xét, xử lý, nhưng ông Đặng Anh Tuấn đã ngăn cản. Nay cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn vắng mặt trong phiên xử thuộc cấp, nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa, chưa thông báo ngày tiếp tục xét xử.
Dự án sân bay Long Thành
Báo Thanh Niên đưa tin: Quốc hội không chỉ định thầu làm sân bay Long Thành. Giải thích cho quyết định này, Ủy ban TVQH chỉ ra, “luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”. Hơn nữa, sân bay Long Thành “là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia”.
Ủy ban TVQH còn lưu ý, việc hiện mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án đã vượt khoảng 1 tỉ Mỹ kim so với dự toán ban đầu năm 2015 và sẽ có rất nhiều thách thức trong việc bảo đảm bàn giao mặt bằng vào năm 2020 để có thể triển khai dự án đúng tiến độ.
CSGT kiêm “bảo kê”
Chiều 25/11/2019, Bộ Trưởng Bộ công an chỉ đạo xác minh vụ CSGT bị tố bảo kê xe, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an giao Thanh tra Bộ Công an kiểm tra, làm rõ thông tin vụ một số “sếp” CSGT tỉnh Đồng Nai can thiệp và yêu cầu cấp dưới không được xử lý xe quá tải đã nộp tiền “bôi trơn”.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền clip do một số CSGT Đồng Nai ghi lại, trong đó có giọng của Trung tá Phạm Hải Cảng, Trưởng trạm 20, trao đổi với cấp dưới, can thiệp vào việc xử lý xe vi phạm như sau: “Cho đi hả? Giải quyết à?… Đúng là của sếp Cảng rồi, sếp Cảng chỉ đạo xe cho đi?”“xe của sếp lớn”.
Báo Đất Việt đặt câu hỏi vụ CSGT tố sếp bảo kê: Vì sao chưa đình chỉ công tác? Về những người bị tố cáo nhưng vẫn vô sự, Đại tá Văn Quyết Thắng, PGĐ Công an tỉnh Đồng Nai giải thích, “đây không phải là vụ việc bắt quả tang nên chưa đình chỉ người bị tố cáo mà cần phải xác minh để có cơ sở xử lý”. Bài báo nêu danh tính 2 trường hợp bị tố cáo là Trung tá Phạm Hải Cảng, đội trưởng Đội CSGT số 2 và Trung tá Phan Cẩm Tú, đội phó Đội CSGT số 1.
Hôm qua, ông Cảng đã phủ nhận toàn bộ thông tin tố cáo với một số báo “lề đảng”, còn ông Tú nói: “Tôi chẳng có sếp lớn nào cả. Trong cuộc sống, tôi cũng có những mối quan hệ, cũng có điện thoại xin nhưng chẳng nhớ ngày nào, tháng nào, xe nào. Anh em nhờ giúp mình giúp được thì giúp, không được thì thôi. Tôi cũng xin giùm thôi. Không giải quyết được thì thôi chứ”.
Báo Dân Trí nhận định vụ cảnh sát giao thông Đồng Nai: Nếu đúng là như thế thì… quá tệ!Bài báo phân tích, “trong một tập thể đơn vị cơ quan CSGT, nếu như có một ‘sếp’ chỉ huy lại có những chỉ đạo như vậy, tất nhiên nó sẽ dẫn đến làm hư hỏng nhiều cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, khiến việc điều hành giao thông của cả một địa phương rối loạn, mất trật tự pháp luật”.
Vụ bê bối ở CSGT Đồng Nai không cần phải dùng chữ “nếu” nữa, vì nhiều  tài xế đã phản ánh hiện tượng thu tiền “mãi lộ”. Chuyện mãi lộ, bảo kê, không chỉ xảy ra ở Đồng Nai mà hầu như trên khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng có những quan chức CSGT kiêm “bảo kê”, vấn đề là bị lộ sớm hay muộn thôi.
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi vụ CSGT Đồng Nai tố cấp trên ‘bảo kê’ xe vi phạm: Địa phương làm có khách quan? Bài báo dẫn lời một độc giả, nói: “Sự việc có dấu hiệu ăn chặn kiểu này liệu chỉ có ở Đồng Nai hay phổ biến trong lực lượng CSGT nhiều nơi? Đó là chưa nói tới ‘luật ngầm’ mà dư luận lâu nay xì xào là việc ‘khoán’ cho các cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ về phải chung chi sao đó… Đề nghị Bộ Công an và cơ quan giám sát liên quan vào cuộc làm rõ”.
“Miếng bánh” cấp nước và chính trường Hà Nội
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Phần lớn dân Thủ đô sẽ phải mua nước của Shark Liên?  Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri mới đây, UBND thành phố Hà Nội xác nhận, đã giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, để cung cấp nước sạch cho nhiều đơn vị quận, huyện ở Hà Nội.
Bài báo lưu ý, Công ty AquaOne chính là công ty của bà Đỗ Thị Kim Liên, chủ sở hữu nhà máy nước sạch sông Đuống. Nói cách khác, nữ doanh nhân họ Đỗ này đang cùng lúc nắm giữ hai nhà máy nước lớn ở Hà Nội“Có thể tính toán, sau năm 2030, hai nhà máy của AquaOne sẽ cung cấp cho Hà Nội khoảng 2 triệu mét khối nước sạch/ngày đêm trên địa bàn trải rộng nhiều quận, huyện của Hà Nội”.
Trước đó, Facebooker Nguyễn Tấn Thành viết“Từ chuyện chửi khách hàng là chó cứ sủa còn bà Liên cứ đi … giờ lòi ra công ty Đức mà bà Liên hợp tác làm nhà máy nước Sông Đuống đó là của chồng bả. Cụ thể chồng qua Đức mở cty rồi về liên doanh với vợ làm nhà máy nước này danh nghĩa Đức. Để rồi: – Bán giá cao hơn bốn lần (không liên quan đến sự quang vinh của đảng); – Ngân hàng nhắm mắt cho vay cao”.
Tin Hồng Kông
Kết quả bầu cử ở Hồng Kông, phía tranh đấu dân chủ thắng lớn, báo Người Việt đưa tin. Các ứng cử viên thuộc khuynh hướng bảo vệ tự do dân chủ cho người dân Hồng Kông đã giành được 278 ghế, trong tổng số 452 ghế, chiếm đa số tại ít nhất là 12 quận trong tổng số 18 quận hạt ở Hồng Kông.
Người ủng hộ ứng cử viên dân chủ Angus Wong vui mừng trước tin chiến thắng. Ảnh: AP Photo/ Vincent Yu
Ông Jimmy Sham, người từng tổ chức các cuộc xuống đường và bị kẻ lạ mặt dùng búa đập vào đầu tháng qua, cũng chiến thắng, cùng với một nghị viên bị một kẻ tấn công cắn đứt tai gần đây. Còn đảng thân Bắc Kinh lớn nhất ở Hồng Kông, có tên “Democratic Alliance for the Betterment and Progress of Hong Kong” (DAB), đưa ra 179 ứng cử viên nhưng tính đến 5h30’ sáng ngày thứ Hai 25/11 coi như thua gần hết, chỉ giành được 21 ghế.
Tin giáo dục
Vụ hiệu trưởng phát tán ảnh nóng hiệu phó:Thầy giáo trẻ thông đồng với nữ hiệu trưởng phát tán ‘ảnh nóng’ hiệu phó, VietNamNet đưa tin. Liên quan đến vụ Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thảo của Trường THCS&THPT Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, phát tán “ảnh nóng” của Hiệu phó T.Q.Tr, kết luận Thanh tra của Sở GDĐT TP Cần Thơ chỉ ra, bà Thảo đã cho nhiều người xem hình ảnh của ông Tr. và một thầy giáo trẻ đã giúp nữ hiệu trưởng phát tán “ảnh nóng” của hiệu phó.
“Thầy giáo” nói trên là ông Đỗ Nhật Quy, “là giáo viên trẻ, nhiệt tình, có kiến thức nhất định về lĩnh vực CNTT, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong công tác, chưa phân biệt rõ hành vi đúng, sai của người quản lý trực tiếp mình, đã vô tình phạm phải khuyết điểm thỏa hiệp và thông đồng với bà Thảo để in, phát tán hình ảnh”.
Phụ huynh ở trường Tiểu học Đức Thắng, Hà Nội bật khóc vì bữa ăn lèo tèo của con: Phụ huynh “vây” cổng trường đòi đối thoại, theo báo Dân Trí. Một phụ huynh chia sẻ: “Con không ăn được, toàn nhịn, chan canh với cơm cho qua. Nghe con kêu vậy, chúng tôi đã đi kiểm tra và phát hiện thấy một số can dầu đựng trong bình nước lọc, không nhãn mác. Bên cạnh đó, một thùng chứa các túi dầu ăn công nghiệp, không nhãn mác dùng để chế biến”.
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét