Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Đặc Khu Kinh Tế và chuyện ‘miễn thị thực’ | Tiếng Dân

Đặc Khu Kinh Tế và chuyện ‘miễn thị thực’ | Tiếng Dân

Biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi giữa năm 2018. Nguồn: Lê Nguyễn Hương Trà
Người Việt lại sôi sùng sục khi 404 đại biểu của Quốc hội Việt Nam khóa 14, tham dự Kỳ họp thứ tám, vừa bỏ phiếu thông qua “Dự luật sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài”. Theo luật mới, ngoại kiều sẽ được miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển nếu thời gian cư trú dưới 30 ngày (1).
Luật mới giao thẩm quyền miễn thị thực vào khu kinh tế ven biển cho chính phủ kèm điều kiện: “Phải có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam”.
Với những điều kiện như vừa kể, ai cũng có thể nhận ra đó là một cách thực thi một phần “tinh thần” của “Dự luật về Đơn vị Hành chính – Kinh tế Đặc biệt” mà người Việt quen gọi là “luật đặc khu” – dự luật từng kéo cả nước ra đường phản đối hồi giữa năm ngoái, thành ra Quốc hội Khóa 14 phải gạt ra khỏi chương trình nghị sự của Kỳ họp thứ năm.
Sở dĩ người Việt dị ứng với “luật đặc khu” và mới đây, phẫn nộ vì “Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài” là vì trong “khu kinh tế ven biển” có bóng dáng… đặc khu và “miễn thị thực” cho ngoại kiều có thể mở thêm một con đường khác cho người Trung Quốc tràn vào Việt Nam…
Tuy nhiên vấn đề không chỉ có thế!
***
Năm ngoái, khi giới thiệu chủ trương thành lập cùng lúc ba “đặc khu” (Vân Đồn – Quảng Ninh, Bắc Vân Phong – Khánh Hòa và Phú Quốc – Kiên Giang), hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam giải thích là để “thử nghiệm thể chế”, gia tăng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, phát triển kinh tế.
Năm nay, tuy vẫn chưa thể khai sinh “đặc khu” nhưng hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam vẫn tìm mọi cách để giúp các “khu kinh tế ven biển” mang tính chất như đã từng mô tả về “đặc khu”, cho dù thực tế đã và đang chỉ ra, các “khu kinh tế ven biển” không hữu hiệu.
Việt Nam hiện đã có 18 “khu kinh tế ven biển”, chiếm 730.553 héc ta mặt đất và mặt biển (2). Tuy nhiên miền Trung – khu vực đầu tiên có “khu kinh tế ven biển” (Khu Kinh tế Chu Lai – Quảng Nam, 2003), sau này có thêm hàng loạt “khu kinh tế ven biển” nữa như: Khu Kinh tế Dung Quất (QuảngNgãi, 2005), Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định, 2005), Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế, 2006), Khu Kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa, 2006), Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên, 2008) vẫn không thể thoát ra khỏi đói nghèo! Cho tới năm ngoái, trừ Đà Nẵng, Khánh Hòa có thể đóng góp cho ngân khố, các tỉnh còn lại đều ngửa tay xin chính quyền trung ương trợ giúp…
Chỉ tính từ đầu thập niên 2000 đến cuối năm 2010, tổng vốn đầu tư cho các “khu kinh tế ven biển” ở Việt Nam đã xấp xỉ 170.000 tỉ đồng. Tuy hệ thống công quyền Việt Nam chưa công bố, từ 2010 đến nay đã rót thêm bao nhiêu tiền cho 18 “khu kinh tế ven biển” ấy, song có thể đoán chắc, con số đó không nhỏ, không thể dưới mức hàng trăm ngàn tỉ đồng nữa nhưng Ban Quản lý Khu Kinh tế ven biển nào cũng than thiếu tiền, chưa được đầu tư đúng mức thành ra hiệu quả chưa như mong đợi.
Tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không xem xét, chấn chỉnh 18 “khu kinh tế ven biển” hiện hữu để chúng tạo ra những hiệu ứng thật sự tích cực cho kinh tế – xã hội Việt Nam mà chỉ bận tâm suy tính và tìm đủ mọi cách để hỗ trợ cho vài “khu kinh tế ven biển” mang các đặc điểm “có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền”, kể cả sửa luật về chuyện xuất nhập cảnh của ngoại kiều để “miễn thị thực” nếu cư trú dưới 30 ngày?
Thực trạng đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bị thâu tóm từ trước có liên quan gì đến chuyện Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khuyến cáo các đại biểu còn ngần ngại với “luật đặc khu” rằng: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, phải bàn để ra luật” (3)? Thất bại trong việc ban hành “luật đặc khu“ để… thử nghiệm ba “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt”, khiến nhiều ngàn tỉ đồng mà các “nhà đầu tư” đổ vào đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc bị đóng băng, hoạt động của “sân bay quốc tế” Vân Đồn (phi trường đầu tiên do tư nhân đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến tới 7.400 tỉ) trở thành èo uột,… tác động như thế nào tới nỗ lực dùng luật khác, “miễn thị thực” cho ngoại kiều?
***
Cho dù người Việt vẫn nhắc nhau phải luôn luôn đề phòng dã tâm và thủ đoạn của Trung Quốc nhưng Trung Quốc là chuyện bên ngoài, vấn nạn bên trong đáng ngại hơn.
Có những dấu hiệu cho thấy, chủ trương, chính sách từ thượng tầng không nhằm làm cho “quốc thái, dân an”, việc đề ra chủ trương, soạn chính sách chỉ để bảo vệ, đem lại lợi ích cho một số cá nhân, một số nhóm. Họa không nằm ở ngoài mà ẩn ngay bên trong, thành ra bất kể nhiều đại biểu can ngăn, không ưng chuyện “miễn thị thực” cho ngoại kiều đến các “khu kinh tế ven biển” (5), song miễn thị thực giờ đã là luật!
Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chuyển động theo tác động của những kẻ cầm dây đứng trong hậu trường thì phải giải quyết nội phản song song với phòng ngừa ngoại xâm. Những cá nhân hữu trách sẵn sàng đem công quyền ra bán sỉ và lẻ, líu lo, khoa chân, múa tay theo ý muốn của những kẻ giựt dây để được chia chác các nguồn lợi, chắc chắn không bận tâm về tiền đồ quốc gia, tương lai dân tộc. Đã táo tợn đến mức bất chấp nhân tâm, dân ý, nếu ngoại nhân chịu trả giá cao, sá gì mà không bán nước?
Chú thích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét