Biện chứng của chinh phục: Kẻ chinh phục trở thành kẻ bị chinh phục
Nguyễn Lương Hải Khôi
1-5-2019
Trong ảnh: Sài Gòn giải phóng, 1976, một thanh niên bị bêu trên đường phố vì mắc tội… “mê nhảy đầm”.
Giáo sư Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và nhân văn TpHCM, có một công trình nghiên cứu về kinh tế tư bản chủ nghĩa ở miền Nam trước 1975, rất thú vị.
Sách viết khoảng năm 1984, sau khi liệt kê các số liệu, mô tả các hoạt động kinh tế của miền Nam trước 1975, ông kết luận đó là con đường phản động, phản cách mạng.
Nhưng sau 1990, sách được tái bản, vẫn số liệu cũ, vẫn mô tả cũ, phần kết luận được đảo ngược 180 độ: Đó là những gì mà “chúng ta” cần học tập, kế thừa.
Ở đây tôi không bàn về tính khoa học của nghiên cứu này, khi mà cùng một số liệu, cùng một diễn biến, nhà sử học có thể đưa ra hai kết luận hoàn toàn trái ngược, tuỳ vào tình hình chính trị. Tôi chỉ nêu công trình sử học này như một bằng chứng cho thấy kẻ thua trận văn minh hơn đã chinh phục chúng ta, kẻ thắng trận có trình độ phát triển thấp hơn, theo cách nào.
Vâng, theo cách mà Trung Hoa và Ấn Độ đã chinh phục Mông Cổ.
Khi các bộ lạc du mục Mông Cổ theo Thành Cát Tư Hãn tràn vào các thành phố sầm uất ở Trung Quốc, Ấn Độ và Châu Âu, ban đầu họ phá nát các thành phố vì không hiểu chúng tồn tại để làm gì.
Nhưng một thời gian thống trị những xã hội văn minh hơn, họ học được cách tổ chức đô thị để thay thế cho cách tổ chức đời sống du mục trên thảo nguyên của thế hệ trước.
Miền Bắc ban đầu thấy nhảy đầm, nhạc vàng, kinh tế thị trường, tinh thần đa nguyên, hệ thống đa đảng và xã hội dân sự miền Nam… là cái cần lăng nhục.
Nhưng sau 1990, khi xã hội bắt đầu có nhiều tiền hơn, băng cát-sét được phổ biến, thì lập tức nhạc vàng chinh phục thanh niên miền Bắc.
Vốn chỉ quen với những bản nhạc mô tả con người công cụ của hệ thống chính trị, “giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước”, vâng, ngay cả trong những bản nhạc có yếu tố tình yêu lứa đôi, “thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu. Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ, Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”…, thanh niên miền Bắc sau đó suốt ngày nghêu ngao nhạc lính miền Nam, “nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang”, “rồi anh sẽ dìu em về thăm, mộ bia kín trong nghĩa địa buồn…”.
Không phải ngẫu nhiên. Họ mê nhạc vàng vì những bản nhạc ấy mở cho họ cánh cửa tinh thần bước ra khỏi con người công cụ, chạm được vào con người bản thể, con người như là con người mà thôi.
Khi anh lính cất tiếng hát “rồi anh sẽ dìu em về thăm, mộ bia kín trong nghĩa địa buồn…”, anh đối diện với thế giới như một bản thể độc lập, không nương tựa vào bất kỳ biểu tượng chính trị nào để định hình bản ngã.
Xúc chạm với bản ngã là nhu cầu có “bản tính loài” của con người. Những hệ thống toàn trị được thiết kế tinh vi có thể đè nén nó, thậm chí giết chết nó trong một điều kiện xã hội nhất định, nhưng nó sẽ tái sinh khi được mời gọi.
Sau này có những bài hát gọi là “nhạc trẻ” thay thế, chứ thập niên 90 thì nhạc vàng, trong đó có nhạc lính miền Nam, là cánh cửa duy nhất để thanh niên miền Bắc học được cách cảm nhận về chính mình như một cá thể.
Thế hệ sau của Mông Cổ đã dựng nên triều đại Mongol ở Ấn Độ và Đại Nguyên ở Trung Quốc với những thành tựu rực rỡ. Người Ấn, người Hán đời sau không cảm thấy đó là triều đại của người ngoài, bởi vì mặc dù người Mông Cổ vẫn kiểm soát những vị trí chủ chốt của hệ thống chính trị, họ đã khuất phục một cách tuyệt đối về mặt văn minh tinh thần trước kẻ bị chinh phục.
Miền Bắc chúng ta đã khuất phục miền Nam ở khoản nhảy đầm, nhạc vàng, kinh tế thị trường…, nhờ thế mà chúng ta không thành Bắc Triều Tiên, nhưng tinh thần đa nguyên, hệ thống đa đảng và xã hội dân sự thì vẫn là cấm kỵ. Nếu chúng ta không muốn xấu hổ trước điều mà đội quân du mục Mông Cổ thiện chiến làm được ở Trung Hoa và Ấn Độ, chúng ta cần dũng cảm… khuất phục kẻ bại trận mạnh mẽ hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét