Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
(Học viện Chính sách & Phát triển)
‘Chính sách phải cởi mở và được luật hóa’
__________
(Học viện Chính sách & Phát triển)
TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trở lại sau một tháng vắng bóng
Các nhà quan sát đang theo dõi công tác chuẩn bị cho Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam, đặc biệt là các sự kiện như Hội nghị Trung ương trước đại hội.
Sự khác biệt có thể thấy trong văn kiện trình đại hội và công tác nhân sự, bởi vậy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng cả hai tiểu ban này.
Đổi mới chính trị đang là đòi hỏi từ thực tế. Mỗi thay đổi ‘đột phá’ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân sẽ được ghi nhận và chào đón.
Thực vậy, công tác chuẩn bị cho Đại hội 13 đã được khởi động, các đề án đang được soạn thảo.
Hội nghị Trung ương 10 khoá 12 Đảng Cộng sản Việt Nam vừa họp tại Hà Nội từ 16 đến 18 tháng 5 năm 2019 để ‘cho ý kiến’ về các đề án văn kiện trình Đại hội 13.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị. Các nhà quan sát chú ý việc ông đặt ra ba câu hỏi thảo luận: 1. Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không? 2. Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? 3. Có cần phải sửa đổi điều lệ của Đảng CSVN hay không?
Họ bình luận rằng liệu có hy vọng vào sự thay đổi ‘đột phá’ trong quan điểm của đảng, nhất là ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và đặt vấn đề đổi mới chế độ chính trị.
‘Chính sách phải cởi mở và được luật hóa’
Hãy nhớ rằng, hôm 7/01/2019 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng, Tiểu ban Văn kiện đã chủ trì Phiên họp thứ nhất đã nhấn mạnh, cần quán triệt tinh thần: Đổi mới có nguyên tắc, không được xa rời những vấn đề có tính nguyên tắc, không được chệch hướng, đổi màu, hội nhập mà không hòa tan, nhưng dứt khoát phải đổi mới.
Sức ép quốc tế và nội tình ngày càng lớn, nhưng dường như chưa đủ mạnh như một ‘cú hích’ để tạo thay đổi chế độ. Tuy nhiên người ta vẫn hy vọng ít nhiều sẽ có nội dung mang tính ‘đột phá’ trong văn kiện.
‘Không mấy quan tâm’
Thảo luận các văn kiện của Đảng không còn là ‘sinh hoạt chính trị’ như thời bao cấp, như đã từng là một “món ăn tinh thần” của xã hội.
Ông Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân trong sự kiện tiếp đón Nhật hoàng Akihito tại Hà Nội hôm 3/3/2017. GETTY IMAGES
Bởi vậy, càng ngày càng nhiều ý kiến cho rằng đây là công việc ‘thường kỳ’, ‘không có gì mới’ để chuẩn bị cho bất kỳ đại hội Đảng nào, rằng đây là việc riêng của Đảng, người dân ‘không mấy quan tâm’ vì ‘nếu quan tâm cũng chẳng làm thay đổi điều gì’…
Văn kiện, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng là công cụ chính sách của chế độ Đảng toàn trị với nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Sau khi các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, chế độ toàn trị Đảng cộng sản không còn và tất nhiên công cụ điều hành này cũng bị xoá bỏ.
Đảng Cộng sản Việt Nam, theo mô hình Trung Quốc, thực hiện đường lối đổi mới, lãnh đạo nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường, vẫn duy trì xây dựng các văn kiện cho các kỳ đại hội được tổ chức 5 năm một lần.
Về cơ bản hình thức thể hiện vẫn như cũ về thời gian và không gian: cương lĩnh, chiến lược, kế hoạch 5 năm… Tuy nhiên, gần đây một số tiêu chí, nội dung trong văn kiện, đặc biệt trong chiến lược như 2010-2020 có khoảng cách với thực tế.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước ngày càng phức tạp ‘tầm nhìn’ chiến lược chỉ nên coi là các phương án thay vì tạo khuôn khổ cho các kế hoạch phát triển.
Các chính sách ‘dò đá qua sông’ trong các văn kiện khiến cho ý nghĩa thực tế của chúng giảm đi đáng kể. Người dân không thể trông chờ các văn kiện này phản ánh tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của họ.
Trong Hội nghị TƯ 10 khoá 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: “Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào?”.
“Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó”. “Báo cáo trình ra Đại hội không giống như báo cáo thành tích hàng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu”.
PGS - TS Phạm Quý Thọ nói rằng việc chống tham nhũng đang được nhân dân ủng hộ
Như vậy, khó có thể hy vọng sự thay đổi đột phá, nhưng nội dung văn kiện thể hiện cam kết sự thay đổi chính trị và tầm nhìn phát triển đất nước trong một hình thức phù hợp sẽ được đón nhận.
‘Công tác nhân sự sẽ khó khăn’
Thảo luận văn kiện, cuối cùng, cũng dẫn đến đồng thuận hay thoả hiệp về ‘câu chữ’, bởi sai đúng của chính sách sẽ chỉ được đánh giá sau một thời gian thực thi. Hơn thế, từ văn kiện của Đảng đến thực tế còn được cụ thể hoá và luật pháp hoá - những công việc vốn không mấy dễ dàng.
Sự thành bại của các chính sách phụ thuộc rất nhiều vào công tác nhân sự. Bài học kinh nghiệm từ Đại hội 12 chỉ ra sự bị động và bất ngờ đến ‘phút chót’ do chờ kết quả bầu cử. Nay Đảng đang nỗ lực chỉnh sửa các quy định về ứng cử, bầu cử và các tiêu chuẩn ứng viên cho từng vị trí lãnh đạo.
Công tác nhân sự cho Đại hội 13 sẽ rất khó khăn. Những thách thức vốn tích tụ từ lâu, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường và đã ‘bung ra’ ở Đại hội 12.
Vì vậy Đảng đã nêu quan điểm, yêu cầu ‘‘phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực”.
Trong cuộc tiếp xúc cử tri có ý kiến băn khoăn “Hướng tới Đại hội 13… mong Đảng tìm được người đủ đức, đủ tài, không mắc căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, có thể gánh vác được công việc cho nước và cho dân” và “rút ra được bài học đau xót từ khóa 12 khi để lọt vào bộ máy nhiều cán bộ cấp cao có nhiều vi phạm, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương, nhiều tướng lĩnh”.
Hình ảnh cuộc họp ngày 14/5, ảnh của Thông tấn xã Việt Nam công bố. THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Đại hội 12 để lại dư âm tồi về công tác nhân sự của Đảng, tuy nhiên nếu đánh giá công bằng ‘sự tự chuyển hoá’, ‘tự diễn biến’ và ‘tha hoá’ là cả một quá trình dài, là ‘lỗi hệ thống’.
Nhà báo Huy Đức đã khái quát trên facebook cá nhân với bài viết ‘Thế hệ thứ 3’. Thế hệ thứ nhất gồm các bậc “công thần khai chế độ”, Thế hệ thứ hai “kế tục sự nghiệp” và “Thế hệ thứ ba” hiện nay có đặc điểm nổi bật là sự hiểu biết rất “ba chớp ba nhoáng” về mô hình Xô - Viết nhưng lại cầm quyền vào thời điểm quyền lực rất có màu. Những người tôn thờ tiền bạc nhất lại rất giỏi nói những lời có cánh về “định hướng”…
Sự thật tha hoá quyền lực, phẩm chất đạo đức và lối sống của họ dần bị phơi bày trong cuộc chiến chống tham nhũng ‘không vùng cấm’ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động và ngày càng phức tạp dường như không thấy điểm kết thúc. ‘Lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối.
Theo tôi, Việt Nam không thể theo kiểu Trung Quốc tập trung quyền lực vào tay Tập Cận Bình. Quy tắc đồng thuận và lãnh đạo tập thể vẫn được đề cao.
Vấn đề là khi thể chế chính trị hiện hành vẫn bị ‘níu giữ’ và sự hiện diện của ‘Thế hệ thứ ba’ thì liệu có thể chống được tham nhũng? Dư luận băn khoăn rằng sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ai sẽ kế nhiệm để chống tham nhũng?
Tâm lý này xuất phát từ câu chuyện về ‘nguỵ vương’ hay ‘quân vương’ trong điều kiện chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực. Có được một vị “vua anh minh” liệu có thể đảm bảo rằng sẽ không còn “ngụy vương” kế tiếp?
Công tác cán bộ của Đảng liệu có khắc phục được lỗi hệ thống và hậu quả, như “cha truyền con nối”, những kẻ ‘cơ hội’… từ nhiệm ký trước? Không có sẵn lời giải cho những câu hỏi này.
Nếu nhìn vào thực tế và bản chất của Đảng cộng sản. Trước câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không?” những người quan tâm đến tình hình chính trị đất nước đều có thể lựa chọn câu trả lời cho riêng mình.
Đối với tôi, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.
P.Q.T.__________
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam.
Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48409652
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét