Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Bản tin ngày 30-5-2019

Bản tin ngày 30-5-2019

Tin Biển Đông
Tàu cá bị đâm chìm ở Hoàng Sa được trưng bày, VnExpress đưa tin. Đó là tàu ĐNa 90152TS do ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa hiến tặng, hiện đã được TP Đà Nẵng đưa từ âu thuyền Thọ Quang về đặt tại khuôn viên Nhà trưng bày Hoàng Sa, hướng mũi ra biển Đông. “Bên mạn trái, những thớ gỗ bị xé toang vẫn hằn nguyên dấu tích vết đâm do tàu sắt Trung Quốc gây ra”.
Tàu cá ĐNa 90152TS được đưa về Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: HC/ Infonet
Đúng 5 năm trước, ngày 26/5/2014, tàu cá của bà Như Hoa bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở ngư trường Hoàng Sa, cách giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc triển khai trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 17 hải lý. Sau vụ va chạm, 10 ngư dân ở trên tàu bị hất văng xuống biển.
Clip của VnExpress, ghi lại cảnh tàu cá của ngư dân Đà Nẵng được đưa đến Nhà trưng bày Hoàng Sa, sau 5 năm lai dắt về bờ vì bị tàu Trung Quốc đâm chìm:
Video Player
00:00
01:10
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Trung Quốc bị tố ‘gây khó dễ’ tàu, máy bay ở Biển Đông. Báo South China Morning Post xác nhận, Trung Quốc hiện duy trì số lượng lớn lực lượng dân quân biển ở Biển Đông. Lực lượng này hoạt động trên các tàu cá và “thực hiện những nhiệm vụ không liên quan tới chiến tranh”.
Bài viết nhận định, “lâu nay, Trung Quốc khẳng định Biển Đông là tuyến đường biển chiến lược thiết yếu, do đó Bắc Kinh đặc biệt ‘nhạy cảm’ với hoạt động của lực lượng hải quân nước ngoài trên Biển Đông như Mỹ và các đồng minh bao gồm Úc”. Vừa rồi, người của một trực thăng quân sự của Úc báo cáo, họ bị tàu “dân quân” của Trung Quốc chiếu đèn laser.
Biển Đông nóng lên trước Đối thoại Shangri-La, theo báo Tiền Phong. Đối thoại Shangri-La dự kiến diễn ra từ ngày 31/5 đến 2/6/2019. Trước thềm sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản bác vụ Thượng viện Mỹ đề xuất trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc tham gia các hoạt động “trái pháp luật và nguy hiểm” trên biển Đông.
Tư lệnh Hải quân Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc rằng lực lượng dân quân trên biển và hải cảnh của nước này sẽ bị đối xử tương đương hải quân ở biển Đông. Được biết, “Hạm đội tàu cỡ lớn của hải cảnh Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi lên 130 chiếc trong 9 năm qua và trở thành lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới”.
Con cưng PVN và các tập đoàn kinh tế lỗ lã, dân gánh nợ
Báo Dân Việt viết: 773 triệu USD “bốc hơi” vì 24 dự án không thành công của PVN. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí ở nước ngoài của PVN không thành công, hiện đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án với tổng chi phí 773 triệu Mỹ kim.
Riêng dự án Danan – Iran và dự án Junin 2 – Venezuela buộc phải dừng, giãn tiến độ trong khi đã đầu tư 660 triệu Mỹ kim. Còn 2 dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Peru dù đã được đầu tư 849 triệu Mỹ kim nhưng PVN vẫn xin chủ trương chuyển nhượng dự án.
Báo Một Thế Giới đưa tin: ‘Ôm lỗ’ hơn 3.370 tỉ đồng, PVC khó thu xếp dòng tiền để trả nợ PVN. Theo đó, trong năm 2018, hầu hết các đơn vị của PVC đều không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra, thậm chí thua lỗ, ảnh hưởng xấu tới kết quả sản xuất của Tổng công ty. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 vừa diễn ra, lãnh đạo PVC thừa nhận, hoạt động thoái vốn góp đầu tư tài chính của đơn vị này đang gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị đều thua lỗ.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông báo, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ bị giám sát tài chính, theo Infonet. Ủy ban này vừa phê duyệt kế hoạch giám sát tài chính năm 2019 đối với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gồm PVN, EVN, TKV, VNPT, Mobifone, Vietnam Airlines, ACV, VNR, VEC, Vinalines, Petrolimex, Vinachem, Vinataba, VRG, Vinacafe, Vinafor, Vinafood 1, Vinafood 2 và SCIC.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cho biết, một trong các mục tiêu của kế hoạch này là phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời công khai minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu hoặc có vốn nhà nước.
Vụ “kinh tế VN sẽ sớm vượt Singapore”
VOA đặt câu hỏi: Có sự hiểu nhầm về ‘kinh tế VN sớm vượt Singapore’? Một bản tin của Bloomberg cho rằng, nền kinh tế VN “có thể lớn hơn” Singapore vào năm 2029, đang gây ra nhiều tranh luận theo hướng ngờ vực, mỉa mai trên một số diễn đàn mạng ở VN. Một số chuyên gia kinh tế nhận định, đó là do nhiều người hiểu nhầm giữa các khái niệm “quy mô nền kinh tế” và “mức sống”.
Doanh nhân Trần Quốc Quân, phân tích, GDP của Singapore năm 2019 dự kiến là 359 tỉ Mỹ kim có thể tăng lên 492 tỉ Mỹ kim vào năm 2029, còn GDP của VN sẽ tăng từ 266 tỉ Mỹ kim của năm 2019 lên 499 tỉ Mỹ kim vào năm 2029. Nói cách khác, VN sẽ mất khoảng 10 năm để quy mô của toàn nền kinh tế xuýt xoát vượt qua nền kinh tế của một quốc gia có diện tích chỉ tương đương Sài Gòn, trong điều kiện VN phải giữ được đà tăng của các số liệu như hiện tại.
Cư dân mạng châm biếm: Nền kinh tế Việt Nam có khả năng qua mặt Singapore chỉ khi nào lãnh đạo hai nước hoán đổi cho nhau. Nghĩa là đảng Cộng sản Việt Nam qua điều hành đất nước Singapore và lãnh đạo Singapore qua điều hành nước Việt Nam.
Trước đó, một số báo “lề đảng” như “bắt được vàng” khi thấy bài viết đăng trên báo Bloomberg. Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Kinh tế VN dự báo sẽ vượt mặt Singapore sau 10 năm nữa. Bài viết dẫn lời ông Irvin Seah, nghiên cứu viên cao cấp của DBS Bank, viết: “Trong một thập niên đến, quy mô kinh tế VN sẽ lớn hơn Singapore nếu duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay. Sau đó, GDP của VN sẽ gia tăng thêm khoảng 2,5%”
Xử phúc thẩm Vũ “nhôm” và các đồng phạm vụ Ngân hàng Đông Á
Trong phiên xử ngày 29/5, Viện kiểm sát bác kháng cáo Vũ ‘nhôm’, đề nghị tuyên 17 năm tù, VTC đưa tin. VKS xác định, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã ký khống chứng từ, chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Đông Á Bank. Dù bị cáo Vũ không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng dựa trên lời khai của Trần Phương Bình và các bị cáo khác, VKS khẳng định, đủ căn cứ xác định Vũ “nhôm” phạm tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản”.
Viện Kiểm sát cho rằng, phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Vũ mức án 17 năm tù là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo. Còn các bị cáo khác trong vụ án là đồng phạm giúp sức cho Trần Phương Bình, VKS cho rằng không có căn cứ xem xét giảm nhẹ.
Gian lận điểm thi
Diễn biến mới vụ bê bối thi cử Sơn La: Giám đốc Sở GD&ĐT thay đổi lời khai, báo Giao Thông đưa tin. Theo đó, cơ quan ANĐT vừa triệu tập ông Hoàng Tiến Đức, GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La để làm rõ vụ gian lận điểm thi. Trước đó, cấp phó của ông Đức là ông Trần Xuân Yến khai nhận với cơ quan điều tra, rằng đã nhận được danh sách các thí sinh cần sửa điểm từ chính ông Đức, mức giá sửa điểm khoảng 1 tỉ đồng/bài thi.
Trước đó, ông Hoàng Tiến Đức chỉ thừa nhận, có một số trường hợp là lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh, cán bộ Sở GD&ĐT nhờ “xem trước kết quả thi” của con em họ. Tuy nhiên, trong lần làm việc vừa rồi, ông Đức đã đổi lời khai và phủ nhận toàn bộ.
Ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT Sơn La. Ảnh cắt từ báo TT
Trang Thời Đại có bài: Mâu thuẫn trong lời khai của Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La. Bài viết bàn về lời khai trước đó của ông Đức: “Trước khi chấm thi, có một số trường hợp là lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn; cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La và người ngoài xã hội có con, em dự thi đã tìm gặp, chuyển thông tin thí sinh” và nhờ ông này xem trước kết quả thi, nên ông Đức đã chuyển thông tin 8 thí sinh cho ông Yến để xem kết quả chứ không phải nâng sửa điểm. Lời khai này hoàn toàn mâu thuẫn với thông tin của ông Yến khai nhận.
VTC đặt câu hỏi: Bị công an triệu tập, những người được cho là nhờ Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La ‘xem điểm thi’ khai gì? Bài viết dẫn một số trường hợp, như Trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Sơn La, Nguyễn Ngọc Hà. Ông này thừa nhận trước khi chấm thi THPT Quốc gia có trực tiếp chuyển danh sách, thông tin của 10 thí sinh cho một số thành viên Ban chấm thi giúp đỡ, trong đó có thí sinh là bạn học cùng lớp của con gái ông.
Một trường hợp khác là ông Nguyễn Quang Việt, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sơn La, có con trai thi xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân. Ông này khẳng định, bản thân và gia đình không trao đổi, cung cấp thông tin cho bất kỳ ai giúp tác động, nâng điểm và xem điểm thi. Tuy nhiên, lời khai này mâu thuẫn với lời khai của ông Đức.
Báo Tiền Phong có bài: Ra giá 700 triệu đồng để nâng điểm cho thí sinh ở Sơn La. Theo đó, bị can Lò Văn Huynh, Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục của Sở GD&ĐT Sơn La khai nhận, đã giúp nâng điểm thi cho thí sinh Lò Mạnh H. và được đưa 300 triệu đồng.  Trong quá trình thực hiện “nhiệm vụ”, bị can Huynh còn thỏa thuận giúp nâng điểm cho mỗi thí sinh là 700 triệu đồng và được đưa trước 1 tỉ đồng.
Zing đặt câu hỏi: Hai cựu công an tiếp tay cho nhóm sửa điểm thi ở Sơn La ra sao?Hai cựu cán bộ công an là Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn đã mở cửa sắt, đưa chìa khóa phòng để các đồng phạm lấy bài thi trắc nghiệm, mang ra ngoài chỉnh sửa theo đáp án của Bộ GD&ĐT. Chuyện ra vào khu vực cấm diễn ra nhiều lần khi hết giờ hành chính.
Báo Người Lao Động có bài về vụ gian lận điểm thi THPT ở Sơn La: “Bí ẩn” thí sinh N.H.P. Thí sinh này có số báo danh 14000619, thông tin do ông Lê Văn Thời, chủ nhà hàng Sơn Hồng Phúc ở đường Hoàng Quốc Việt, TP Sơn La cung cấp cho ông Hoàng Tiến Đức. Ông Thời khai, có một người khách (ông Thời không nhớ tên) đã đọc thông tin thí sinh này cho ông Thời để nhờ “xem trước điểm thi”. Đến lượt ông Thời nhờ ông Đức, rồi ông Đức cung cấp thông tin thí sinh để ông Yến sửa điểm.
Tin giáo dục
Báo Pháp Luật TP HCM có bài: Hàng loạt trường đại học lớn liên kết đào tạo sai quy định. Bộ GD&ĐT xác nhận, sau khi rà soát, kiểm tra các hoạt động liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục ĐH, cao đẳng và trung cấp có ngành đào tạo giáo viên, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Bộ đã phát hiện hơn 50 trường ĐH liên kết đào tạo mà không có hoặc không đủ văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Trong đó, có nhiều trường ĐH lớn ở có nhiều lớp liên kết đào tạo nhưng không có văn bản cho phép của Bộ GD&ĐT như: ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, ĐH Quy Nhơn, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Nông lâm Bắc Giang, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kiến trúc Hà Nội…
Công an TP Pleiku vừa phát hiện 16 thanh niên, có nam sinh lớp 10, dùng ma túy trong nhà nghỉ, báo Thanh Niên đưa tin. Khoảng 5:30 sáng 29/5, công an kiểm tra đột xuất nhà nghỉ Hoàng Dung ở phường Phù Đổng thì phát hiện 16 thanh niên, trong đó có 14 nam và 2 nữ tại 4 phòng của nhà nghỉ,  đang sử dụng ma túy. Nhóm thanh niên này đa phần còn khá trẻ, tuổi đời từ 17- 20 tuổi, có một trường hợp là học sinh lớp 10 của trường THPT Hoàng Hoa Thám.
Mời đọc thêm: Phát hiện 16 thanh niên ‘phê’ ma tuý trong nhà nghỉ (TP). – Đột kích nhà nghỉ, phát hiện nhiều “nam thanh nữ tú” phê ma túy (VOV). – Một trường đại học dự kiến buộc thôi học gần 800 sinh viên (TN). – Hàng loạt trường đại học vi phạm liên kết đào tạo (Viet Times). – Bộ GD&ĐT rà soát 200 trường đại học: Nhiều trường vi phạm liên kết đào tạo(TP). – “Học sinh uống nước giẻ lau bảng, quỳ gối” sẽ được đưa vào bộ phim 500 tập (Infonet). – Sau 3 năm “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc”, chúng ta đã làm được gì? (GDTĐ). – Gốc trung thực đang bị lung lay, nghi ngờ (TT). – Sắp xếp trường sư phạm để không gây “sốc”(NLĐ).
Môi trường bị ô nhiễm trầm trọng
Trang Tài Nguyên và Môi Trường có bài: Bụi mờ đô thị. Bài viết thừa nhận, tại VN, “chất lượng không khí ở các đô thị lớn cũng đang bước vào ngưỡng cảnh báo vượt quá mức cho phép”. Chỉ riêng ở Hà Nội, với khoảng 3,5 triệu dân nội thành, quy đổi tổng thiệt hại kinh tế do các bệnh đường hô hấp vào khoảng 2.000 tỉ đồng/năm.
Ở Hà Nội, những kết quả quan trắc cho thấy, nồng độ bụi khí các năm gần đây cao bất thường, thời gian nắng nóng dài hơn hẳn, kèm theo những ngày ô nhiễm nặng nề nhất về mùa khô. Còn ở Sài Gòn, kết quả quan trắc cho thấy, mức độ ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm NO2, tại các trục giao thông còn cao hơn Hà Nội, có nơi gấp 2 – 3 lần.
Zing có bài: Hồ điều hòa trên khu đất vàng của thủ đô bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Theo đó, nhiều tuần nay, người dân ở khu công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Hà Nội, phải chịu đựng mùi hôi tanh bốc lên từ mặt hồ đầy rác thải. Nước trong hồ bị ô nhiễm, đổi màu đen kịt, các cửa cống xả tại các góc hồ đều bốc mùi hôi thối.
Báo Người Lao Động viết: Chưa kiểm soát nguồn xả thải, vội nói cá chết do trời! Vụ hơn 1.000 tấn cá nuôi của người dân chết sau một đêm mưa trên sông La Ngà rồi bị các quan chức CSVN đổ cho… thiên tai, bài báo cho biết, “một đoạn suối Tam Bung hôi thối và đen đặc. Có những đoạn, nước nổi váng vàng và sủi bọt. Nhiều đoạn, dòng nước đặc quánh dường như không thể chảy được”.
Chuyện ở Ninh Bình: Xác lợn chết nổi khắp kênh mương, chính quyền thờ ơ, theo báo Dân Việt. Một người dân xã Văn Phương, huyện Nho Quan cho biết, từ khi phát hiện tuyến đê và dòng kênh xuất hiện nhiều xác lợn chết trôi nổi, người dân báo lên chính quyền để thu dọn, xử lý.
Nhưng đến giờ mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết. Người dân cho biết: “Chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước ở con kênh này nên khi bị ô nhiễm, có mầm bệnh dịch thì cuộc sống, sản xuất, chăn nuôi của bà con sẽ bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị thiệt hại rất nặng nề”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét