Ông Nhị Lê chém gió
Nguyễn Đình Cống
31-5-2019
1- Giới thiệu
Ông Nhị Lê, Phó tổng Biên tập TCCS, vừa công bố bài “Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận tất yếu, lâu dài và không khoan nhượng hiện nay”. Bài khá dài, khoảng 7.000 chữ, tưởng dùng đao to búa lớn, xem kỹ mới thấy cũng chỉ “chém gió” và vung vãi một số độc hại. Bài gồm 3 đoạn chính, tóm lược như sau:
Đoạn 1: Ảo tưởng, buông lơi hay tự huyễn hoặc mình… nhất định thất bại.
Cần xây dựng thống nhất tư tưởng, không mơ hồ chung sống giữa các tư tưởng, không buông tay chống lại kẻ thù tư tưởng. Mơ hồ hay buông lỏng đấu tranh sẽ thất bại.
Đoạn 2: Những vấn đề cốt tử trong cuộc đấu tranh.
Bọn thù địch tập trung vào 8 vấn đề: 1- Công phá nền tảng chính trị, ý thức hệ ; 2- Bôi nhọ xuyên tạc thể chế chính trị. 3- Tung hỏa mù về đảng trị; 4- Chia rẽ dân với Đảng; 5- Khoét sâu vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền. 6- Ngụy tạo mâu thuẫn giữa lãnh đạo; 7- Phá hoại đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; 8- Du nhập các trào lưu tư tưởng lạ, làm băng hoại lý luận của chúng ta từ nền tảng.
Đoạn 3: Cần làm gì và làm như thế nào.
Phải có một cương lĩnh. Mỗi đảng viên phải trở thành nhà tư tưởng. Chấm dứt tình trạng “Người có tư tưởng thì không có quyền, người có quyền lại không có tầm tư tưởng”. Xóa bỏ tình trạng những kẻ kém đạo đức đi rao giảng tư tưởng, xóa bỏ a dua tư tưởng, lý luận. Tiếp tục kiến tạo một đội ngũ chiến lược gia tư tưởng. Tổng soát xét, tiếp tục đổi mới toàn diện và căn bản hệ thống tổ chức, cơ chế vận hành và thể chế về công tác tư tưởng, lý luận chính trị.
Ý kiến kết luận: Con đường xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đi, không gì lay chuyển được… Và, dù cho kẻ thù điên cuồng công kích, phá hoại, Đảng ta, tiếp tục tiến lên, nhịp bước cùng thời đại… Không gì cản nổi.
Tôi gọi A và B là hai bên có quan điểm khác nhau về tư tưởng (TT).
A- Bên Đảng, đại diện là ông Nhị Lê và các đồng chí.
B- Bên phản biện, là đối tượng của A, bị cáo buộc chống Đảng, tự chuyển biến.
2- Bình luận
Xét trong toàn bài, ông Nhị Lê nêu được một số thực tế đúng (người có TT không có quyền, người có quyền không có TT,… kẻ kém đạo đức đi rao giảng TT,… còn nhiều kẻ a dua…), trình bày một số lý luận hợp lý (không thể giải quyết những lỗi lầm TT chính trị bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó,…). Thế nhưng khá nhiều chỗ ông phạm phải ngụy biện và gieo rắc độc hại.
Trước hết về nền tảng chính trị, ý thức hệ. Nhị Lê quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa Mác Lê (CNML), bảo vệ ý thức hệ CS. Ông hoàn toàn có quyền đó, ông sẽ là nhà tư tưởng chân chính, nhà khoa học trung thực khi mà bằng cả trí tuệ và trái tim ông hoàn toàn tin vào nhận thức và tình cảm của mình. Còn không, ông sẽ là một kẻ bịp bợm, thiếu trung thực, nếu ông không tin hoàn toàn vào CNML mà cũng chỉ là a dua về tư tưởng và lý luận như phần đông các trí thức của Đảng. (Chuyện CNML đúng sai như thế nào sẽ bàn lúc khác).
Về ý: Cần thống nhất TT. Đối với các ĐCS đây là điều thiêng liêng, bắt buộc. Nghe qua thì thấy đúng, nhưng thực chất nó là xiềng xích. Sự thống nhất TT thực chất là áp đặt ý đồ của lãnh đạo, bắt mọi người theo. Nhân loại tiến bộ không cần sự thống nhất đó. Vì cần thống nhất TT mà trong đấu tranh vũ trang CS luôn tìm cách tiêu diệt những người bất đồng chính kiến. Còn trong hòa bình, CS luôn xem họ là thù địch. Việc làm như thế không chính đáng, gây ra nhiều hận thù không nên có.
Về đối tượng: Khi A xem B là đối tượng để đấu tranh, thì A chưa thể hiện được phương châm: “Biết mình, biết người”.
A không tự biết mình vì số đông chỉ học được một vài nội dung của CNML rồi cứ tưởng đã là trí thức lớn, họ chưa thể nào đạt được trình độ cần thiết mà cứ tưởng mình là triết gia, là chính trị gia. Một số ít tuy có tham khảo được các nguồn trí tuệ khác nhau của thế giới, nhưng vì đã bị nhồi sọ, bị tẩy não, đầu óc trở thành xơ cứng nên chỉ biết bảo thủ, giáo điều. Trí thức của Đảng phần lớn chỉ tụ họp với nhau, ca tụng nhau trong các nơi hội họp, ít người dám xông pha thực tế, hầu như chưa có ai dám công khai đối thoại với B (kiểu Trần Đức Thảo đối thoại với Jean Paul Sartre).
Một số nguyên là trí thức của Đảng, sau khi biết rõ tác hại của CNML đã từ bỏ Đảng, trở thành người “Tự chuyển hóa”. Số này thuộc loại tự biết mình, không ở trong A.
A không biết người ở chỗ chỉ biết chụp mũ, vu cáo B là thế lực thù địch, phản động, chống Đảng, thoái hóa biến chất, muốn lật đổ chế độ, … mà không biết điều tra, tìm hiểu bản chất của B là như thế nào.
Đã có bao giờ ĐCSVN đặt vấn đề nghiên cứu thật sự khoa học những con người bị cho là “chống đảng” như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Hiếu Đằng, Tống Văn Công, Hà sĩ Phu, Tương Lai, Nguyễn Trung, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đình Cống và hàng vạn người khác v.v….
Phải tìm cho được mục đích của họ, tinh thần của họ, chỉ ra được ai trong số họ đã bị bọn phản động mua chuộc, lôi kéo, ai trong số họ chạy theo cuộc sống vinh thân phì gia. Không, không có ai bị mua chuôc, không có ai lo vinh thân phì gia cả. Thế thì, vì cái gì mà họ phê phán CNML, họ phản biện Đảng. Vì họ yêu nước thương dân, vì họ có trí tuệ và dũng cảm, vì họ không cam tâm làm nô lệ cho một ý thức hệ lỗi thời, làm vịt, làm cừu, làm sáo, vẹt. Xin ghi nhớ và ngẫm nghĩ câu sau: “Khen nịnh ta là kẻ thù, chỉ ra cái sai và phê phán là thầy ta”.
Phải chăng A không cần biết bản chất của B, chỉ cần to mồm vu cáo thế lực thù địch là được. Đó là sự đánh lừa. Có thể đánh lừa số đông trong thời gian ngắn, còn về lâu dài sẽ bị vạch trần.
Về 8 vấn đề cốt tử trong cuộc đấu tranh, Nhị Lê chỉ viết đúng vấn đề thứ nhất (công phá nền chính trị, ý thức hệ). Bảy vấn đề còn lại đã bị trình bày lệch lạc. Thí dụ: Không phải bôi nhọ xuyên tạc thể chế chính trị mà là vạch trần, nói lên sự thật về nó. Không phải tung hỏa mù về đảng trị mà chỉ ra đúng bản chất của độc tài. Không phải ngụy tạo mâu thuẫn giữa lãnh đạo mà phơi bày nó ra cho mọi người thấy. Không phá hoại đường lối đối ngoại mà vạch ra các sai lầm của đường lối đó. Sự băng hoại lý luận của chúng ta từ nền tảng không phải do du nhập các trào lưu tư tưởng lạ mà chính là trong lý luận ấy đã chứa đầy độc hại v.v…
Thật ra, B còn lên án ĐCS nhiều vấn đề quan trọng nữa, nhưng Nhị Lê hoặc không biết hoặc cố giấu đi. Đó là tội làm xung kích và lệ thuộc vào Liên xô và Trung cộng, là quá đề cao hận thù giai cấp và kiêu ngạo CS mà không thật tâm trong hòa hợp dân tộc, là do kém trí tuệ và bị lệ thuộc mà thực hành những chủ trương quá sai lầm như cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp, phát triển kinh tế quá nóng vội, làm hủy hoại tài nguyên, môi trường, là việc hạn chế đội ngũ tinh hoa của dân tộc, là việc tạo ra các nhóm lợi ích, làm giàu trên sự cướp đoạt, tạo ra nhiều dân oan v.v…
3- So sánh lực lượng
Trong tương quan giữa A và B, sức mạnh vật chất thật sự lệch về A, nhưng thế tiến công thuộc B.
Bên A có lực lượng quá hùng hậu. Có nền giáo dục từ mẫu giáo đến tiến sĩ, có các trường chính trị dày đặc, có hệ thống tuyên huấn khắp nơi, có các đoàn thể chính trị hỗ trợ (lại có Hội Cờ đỏ, lực lượng AK 47…), có trên 800 tờ báo, có phát thanh, truyền hình, có tòa án, nhà tù, có lực lượng vũ trang tiếp sức…
Bên B chủ yếu là các cá nhân đơn lẻ, một vài tổ chức xã hội dân sự yếu ớt, không có báo chí công khai, chủ yếu nhờ hệ thống Internet, nhưng thỉnh thoảng bị chặn, bị phá. Hoạt động của B bị ngăn cấm đủ đường, bị vu cáo, bị khủng bố, bị bắt bớ giam cầm đủ kiểu.
Thế mà B không sợ A, ngược lại A rất ngại đối thoại trực tiếp với B. Vì sao vậy? Vì B tự tin vào chính nghĩa của mình, còn A thì, một số ít còn ngu tín, ngu trung, không biết phân biệt đúng sai, hay dở, phần lớn chỉ hung hăng ngoài mồm, thâm tâm đã ruỗng nát, chỉ hung hăng trong tổ chức mà thôi.
Xem xét cuộc đấu A/B tôi liên tưởng đến 2 việc. Việc thứ nhất là phong trào CS ở VN trước năm 1945. Lúc đó lực lượng đàn áp của chính quyền khá mạnh, những chiến sĩ CS bị truy đuổi, bị khủng bố đủ kiểu, nhưng họ đã thành công. Đó là nhờ, vào lúc ấy CS có được chính nghĩa, được lòng dân.
Việc thứ hai là trận chiến Võ Tòng đánh lại bọn tay sai của Tưởng Môn Thần. Võ Tòng, chân bị xiềng, tay bị xích, cổ mang gông, một mình đánh tan bọn tay sai, nhiều đứa có võ nghệ, được trang bị đao kiếm tốt. Tạm bỏ qua khía cạnh hận thù, tàn bạo, chỉ xét đến ý nghĩa tâm lý trong chuyện này. Bọn tay sai tuy đông, trang bị tốt, khi bắt đầu rất hung hăng, nhưng khi lâm trận thiếu tự tin, bị hoảng sợ trước sức mạnh chính nghĩa nên đã bị đánh bại. Tưởng Môn Thần và lũ tay sai khi ra tay, nghĩ rằng sẽ dễ dàng thắng được Võ Tòng, nhưng không ngờ…
4- Cần làm gì?
Nhị Lê định vạch ra con đường đấu tranh TT cho toàn Đảng. Những biện pháp được cóp nhặt lại từ đâu đó hoặc vừa được nghĩ ra, nhưng xác suất thực hiện được rất thấp, phần lớn chỉ kể ra cho có việc mà thôi. Và nói chung, đảng nắm chính quyền không cần đấu tranh TT với thế lực phản biện, nên những biện pháp mà Nhị Lê vạch ra, nếu cố mà thực hiện thì mang lại tai họa, lãng phí hơn là có ích lợi thiết thực.
Điều hết sức quan trọng mà Nhị Lê đã không thấy, vô tình hoặc cố ý bỏ qua là tìm ra cho thật đúng nguyên nhân nào đã gây ra mâu thuẫn về TT giữa A và B trong khi cả 2 bên đều tự cho mình yêu nước, vì quyền lợi của nhân dân. Phải chăng B đã thấy rõ những sai lầm, những dối trá, lừa bịp của Đảng nắm chính quyền. Trong lúc A cố sức che giấu những việc này, mà B lại vạch ra cho mọi người thấy. Lại nữa, hãy nhìn rộng ra, trên thế giới, có nơi nào đảng cầm quyền phải đấu tranh TT hay không. Chỉ có nhân dân theo phe này hoặc phe kia chủ yếu để chọn người khi bầu cử. Hầu như ngoài VN ra không có nơi nào đảng cầm quyền đề cao việc đấu tranh TT.
Đấu tranh, đặc biệt là đấu tranh TT, không phải là việc của đảng cầm quyền, mà nếu có, nếu cần là việc của dân, của đảng đối lập, nghĩa là từ một phía. Không phải đấu tranh theo kiểu thông thường mà là phê phán, chỉ trích, đòi thay đổi. Còn đảng cầm quyền lo mà sửa sai, lo mà thay đổi cho hợp lòng dân, để còn được dân bầu trong dịp sắp tới. Còn nếu dân hoặc đối lập phạm pháp thì chính quyền cứ bắt, đem xét xử ở tòa án. Chính quyền không đấu tranh TT.
Chưa hề thấy đảng cầm quyền nào đặt vấn để đấu tranh TT với dân hoặc với các đảng đối lập. Trong một số công việc, dù bị chỉ trích, bị phê phán, nhưng nếu họ thấy mình đúng thì cứ tiếp tục, sự thật sẽ trả lời cho cử tri. Khi họ thấy chỉ trích, phê phán là đúng thì họ sửa sai, cải cách và rồi cử tri sẽ thấy ra. Đó là những việc làm thiết thực chứ không phải đấu tranh tư tưởng.
Nếu vậy thì những biện pháp do Nhị Lê đưa ra chỉ là đồ tầm phào, phải chăng là kết quả tư duy của một trí tuệ xơ cứng, không cần bàn đến.
Vậy giữa A và B nên làm gì? Điều này tùy thuộc vào thiện chí cả 2 bên. Khi cả 2 bên đều có thiện chí thì hay nhất là đối thoại. Mục đích chính của đối thoại là mỗi bên trực tiếp nêu ra các nhận thức và lý lẽ của mình, tiếp nhận được cái hay, cái đúng của bên kia (mà trước đây bị hiểu nhầm hoặc không biết), là nhận ra được cái sai, cái nhầm của mình do bên kia vạch ra. Từ đó mỗi bên tự đánh giá lại mình và chọn con đường thích hợp để tiếp tục. Đối thoại công khai còn giúp cho bên thứ ba (trung gian) nhận biết rõ quan điểm, ưu nhược điểm của A và B để quyết định ủng hộ bên nào. Không nên đặt mục đích của đối thoại là hơn thua, thắng bại. Càng không được dùng các thủ đoạn đê hèn để áp đảo đối phương. Phải xem đối thoại là hoạt động khoa học chứ không phải chính trị, không phải để làm tuyên truyền.
Trong môi trường tự do ngôn luận, tự do báo chí thì có thể chỉ cần đối thoại trên báo. Chỉ khi không thể đối thoại trên báo mới cần tổ chức đối thoại trực tiếp. Tốt nhất là đối thoại công khai, nhưng do yêu cầu của một bên có thể đối thoại kín.
Ở VN hiện nay, nếu quả thật ĐCS có thiện chí thì nên giao và khuyến khích một số đơn vị tổ chức đối thoại. Đó có thể là Hội đồng Lý luận, Ban Tuyên giáo, Viện Hàn lâm, các trường cao cấp lý luận, chính trị, Tạp chí cộng sản v.v…
Không phải đấu tranh mà là đối thoại, đó mới chính là việc làm khôn ngoan, nhưng chỉ có người thiện chí mới thực hiện tốt được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét