Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Chân đất sét, đầu đất hiếm

Chân đất sét, đầu đất hiếm

30-5-2019
Khi tôi nói cái lồng Chinanet giam hãm 1,4 tỷ người trong vòng u tối, là bản án tử hình cho mọi sự sáng tạo của con người, có bạn phê tôi là chủ quan, không nhận thức được sức mạnh Trung Hoa.
Tôi không hề phủ nhận thành công của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa và đã nhiều lần khẳng định Trung Quốc là một quốc gia công nghiệp, đang cùng Mỹ đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế và công nghệ thế giới. Trong số 20 công ty WEB lớn nhất thế giới, 11 là của Mỹ và 9 là của Trung Quốc. Trong số 260 doanh nghiệp công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD, gần phân nửa (125) là của Mỹ, 77 của Trung Quốc, còn châu Âu chỉ có khoảng 30 [1].
Nhưng việc ngăn chặn tự do thông tin, khống chế công dân trong một khuôn phép tư tưởng nhất định, bắt dân sống theo một khuôn mẫu, thực chất là tiêu diệt khả năng sáng tạo của con người. Do vậy, khi nhìn nhận những bước tiến lớn của Trung Quốc, câu hỏi đặt ra luôn là: Trung Quốc có phải là một quốc gia công nghệ sáng tao?
Câu trả lời là: Không! Cường quốc công nghệ này đang phát triển nhờ vào các yếu tố sau:
1- Lợi dung các sáng tạo của những người khác. Nếu như thời Thượng cổ, Trung Quốc từng là cái nôi văn minh của nhân loại với hàng loạt phát minh về kỹ thuật, thiên văn, triết học, toán học, thì ngày nay Trung Quốc đang là quốc gia copy và bắt chước các sáng tạo, phát minh của các dân tộc khác.
Chín công ty Web hàng đầu Trung Quốc đều lớn lên được nhờ bắt chước các máy tìm kiếm Yahoo, Google (bên bạn gọi là Baidu), các mạng xã hội Facebook (Renren), Twitter (Weibo), các dịch vụ voice chat và mesenger như Skype (Wechat). Thương mại điện tử do Ebay, Amazon khởi xướng, nhưng Alibaba sinh sau đẻ muộn đã vươn lên hàng thứ hai, với giá trị cổ phiếu 267 tỷ Eur, so với anh 405 tỷ Eur của anh cả Amazon, vượt xa cả người mở đường Ebay với 41,3 tỷ Eur [2]. Tất nhiên sự phát triển ngoạn mục này không phải chỉ do sức mua của 1,4 tỷ người tiêu dùng mà còn dựa vào nhiều yếu tố khác, mà kinh khủng nhất là chính sách bảo hộ mậu dịch.
2- Trong khi bảo hộ mậu dịch TBCN chỉ là tăng thuế nhập để làm cho đối thủ trở nên đắt hơn, hoặc đắt ngang hàng nội địa thì bảo hộ mậu dịch kiểu Trung quốc là cấm tiệt. Các nhà mạng quốc tế bị cấm vì luôn bị coi là vi phạm đường lối văn hóa tư tưởng chuyên chính vô sản. Ở đây có một sự pha trộn thâm hiểm giữa an ninh quốc gia và cạnh tranh kinh tế. Ngân hàng điện tử xuất hiện ở phương Tây từ khi Trung Quốc chưa có Internet. Nhưng việc chặn các nhà mạng phương Tây ở Trung Quốc đã khiến cho Ali-Pay và Wechat-Pay được tự do tung hoành khắp thế giới, trong khi Paypal, Apple-Pay, Visa, Mastercard thì bị chặn hoặc hạn chế ở Trung Quốc.
Còn các hãng sản xuất hàng hóa phương Tây dù không dính gì đến lãnh vực tư tưởng như các nhà mạng, cũng bị gây khó dễ khi muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Họ luôn phải chấp nhận những điều kiện bất bình đẳng về chuyển giao công nghệ mà trong thực tế là cho phép “Nước bạn” ăn cắp mọi sáng tạo của nhiều thế hệ con cháu họ. Vậy tại sao người phương Tây lại cứ phải lao vào cái hũ nút Trung Quốc?
3- Câu trả lời nằm ở bản chất của Chủ nghĩa Tư bản, đó là hám lợi nhuận. Lợi nhuận ở Trung Quốc không chỉ là bán hàng vào đó, mà còn là sản xuất từ đó với giá lương tù rồi mang ra thế giới bán với giá cắt cổ. Các nhà tư bản, nhất là các nhà tư bản đang khát thị trường, khi nhìn vào Trung Quốc đang trỗi dậy thì hành động như một gã đàn ông đang “nứng”, đứng trước cô gái thân hình khêu gợi mà lại ít quần áo. Ả thì không cần sex của các gã tư bản, mà chỉ thèm cái ví và cái cặp da của họ.
Cứ như vậy Trung Quốc thả sức ăn cắp thành quả sáng tạo của phương Tây tự do, từ ô-tô điện, động cơ phản lực, đến Trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu Big Data. Cái gì không ăn cắp, bắt chước được thì bỏ tiền ra mua với giá cắt cổ, khiến các đối thủ phương Tây phải bỏ cuộc. Việc Volvo, tập đoàn xe hơi cao cấp Thụy Điển và Kuka, hãng chế tạo Robot Hi-Tech của Đức rơi vào tay Trung Quốc chỉ là hai ví dụ tày liếp về sự bất lực của làng chơi TBCN trước một con bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan. Việc các lò rượu vang Pháp, xúc xích Tây Ban Nha mang quốc tịch Hoa chỉ là chuyện vặt. Chính giới Mỹ và Tây Âu đã tỉnh ngộ, nhưng liệu các biện pháp siết lại và cố gắng cô lập Trung Quốc có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác.
4- Nguồn tài lực để Tư bản Trung Quốc mua công nghệ và nuốt tư bản phương Tây là nhờ vào Chủ nghĩa Tư bản Nhà nước, được nấp dưới cái tên “CNXH mang mầu sắc Trung Quốc”. Đảng CS Trung Quốc đã xóa bỏ hai đặc điểm chính của CNXH là sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất và phân chia lợi nhuận toàn xã hội. Ngày nay dưới bàn tay sắt của chính quyền, các nhà tư bản Trung Quốc thả sức bóc lột sức lao động của nhân dân. Cường quốc đứng thứ hai thế giới mà chỉ chi 5,5% GDP cho y tế, xếp thứ 125/175 nước. (Tất cả các nước phát triển đều chi phí trên 10% cho lĩnh vực này).
Công dân Trung Quốc không chỉ bị bóc lột về kinh tế, thể hiện qua con số hàng trăm triệu người nghèo, mà còn bị bóc lột về lối sống, về tư tưởng. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài các khuôn mẫu mà nhà nước vạch ra: Từ thanh toán tiền phúng viếng chùa, mua nhà cửa, xe hơi v.v… Tiền của dân chỉ biết chảy vào các kênh tư bản thân hữu. Không ở đâu, công nghệ AI và Big Data được thử nghiệm dễ dàng trong việc kiểm soát hàng trăm thiệu công dân như ở Trung Quốc. Các nhà tư bản thì ngược lại, dù biết là cần tự do như cá cần nước, vẫn thích bám vào nhà nước toàn trị để làm giàu, để bành trướng.
5- Sự bành trướng của CNTB Trung Quốc còn thành công nhờ sự sợ hãi và thuần phục của các chính thể lạc hậu, tham nhũng ở các nước nghèo. Có lẽ không chính khách nào trên đời còn u mê về lòng tốt của Bắc Kinh, về các bẫy nợ. Nhưng lòng tham quyền lực, tham tiền đã khiến họ “giả vờ cảnh giác” kiểu cô gái xứ Bọ, ham của lạ, cứ “Để rứa xem răng” và rồi hậu quả là các khu đất nhượng địa, các đặc khu công nghiệp, thậm chí các căn cứ quân sự của Trung Quốc đang mọc ra ở khắp Á, Phi, Mỹ La-Tinh.
Chính thể càng độc tài, càng tham nhũng thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao, túi tiền của giới cầm quyền càng to, tỷ lệ thuận theo món nợ Trung Hoa. Bọn cầm quyền chủ động tìm đến sự phụ thuộc, tìm đến sự bóc lột tài nguyên, vì họ biết rằng Trung Quốc là chỗ dựa vững chắc cho độc tài, tham nhũng. Win-Win kiểu Trung Quốc chính là như vậy.
***
Vắn tắt như trên để đủ thấy: Sức mạnh của “Cường quốc kinh tế và công nghệ Trung Quốc” không phải là do sức sáng tạo của những công dân tự do đem đến. Thực tế đang chứng minh, khi bị tẩy chay về công nghệ, những kẻ khổng lồ như Hua Wei hay ZTE bỗng mất đi sức mạnh ảo xưa nay và có nguy cơ trở thành kẻ khổng lồ chân đất sét. Để cứu vãn, nhà nước độc tài có thể can thiệp vào mọi quá trình kinh tế, kể cả vào chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Nhưng can thiệp gì thì cũng không thể đẻ ra con người sáng tạo.
Do vậy con chủ bài của Tập có thể là đất hiếm. Nhưng con bài này có hai hiểm họa:
1- Giống như năm 2010, Trung Quốc ngưng bán đất hiếm cho Nhật Bản và chỉ vài tháng sau, kinh tế TQ lại lao đao vì thiếu chíp điện tử từ Nhật, thế là lại xả cảng. Cấm vận đất hiếm lần này sẽ lại làm hàng chục triệu việc làm ở TQ bị đe dọa vì thiếu chips từ Mỹ và phương Tây. Đây chính là cái gót Achilles của một nền kinh tế phát triển, nhưng chưa làm chủ được 100% Hi-Tech.
2- Nguy hiểm hơn nữa là cấm vận sẽ làm thói quen mua đất hiếm giá rẻ từ Trung Quốc biến mất. Đất hiếm có ở nhiều nơi, nhưng chỉ nước nào chấp nhận tàn phá môi trường mình bằng acid và phóng xạ để lọc lấy đất hiếm mới có năng lực xuất khẩu như Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu đất hiếm, thiên hạ sẽ phải chấp nhận giá mua vào cao hơn và khi đó sẽ có nhiều nước nhảy vào khai thác. Họ có thể chi nhiều hơn cho bảo vệ môi trường để bán đất hiếm với giá cao hơn. Độc quyền của TQ lúc đó biến mất và chân đất sét sẽ thành hiện thực.
Việt Nam nghe đâu cũng có trữ lượng đất hiếm cao, nhưng chưa khai thác. Bác nào cố vấn cho các đại gia đầu tư vào đó, có thể mươi năm nữa, chúng ta lại chứng kiến một gã khổng lồ “Đầu đất hiếm”
Köln 30.05.2019
______
Tái bút: Nhiều bác khen rằng SpaceX phóng vệ tinh Internet là cái chết của Hua Wei. Sai! Đầu tiên SpaceX Starlink là phủ sóng Internet toàn cầu, khác với công nghê G5 là hạ tầng cơ sở thông tin mặt đất liên quan đến các quá trình sản xuất công nghiệp 4.0 và giao thông thông minh. Hai hệ này không thay thế cho nhau được. Hơn nữa Elon Musk không ban phát miễn phí Internet cho ai hết. Anh ta đang tính thu lại mỗi năm 3 tỷ phí truy cập mạng.
Một số hình ảnh tác giả sưu tầm, minh họa cho bài viết:
Công nghệ AI và Big Data ở Trung Quốc phát triển nhanh vì có 1 tỷ người chấp nhận làm chuột bạch thí nghiệm cho chế độ toàn trị.
Tương phản giàu nghèo ngút trời tại Trung Quốc.
Chất độc phun ra từ một mỏ khai thác đất hiếm.
Ô nhiễm nguồn nước do dò rỉ từ các mỏ đất hiếm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét