Một góc nhìn về Trung Quốc – Phần 2
28-5-2019
Tiếp theo Phần 1
PV: Xin hãy tiếp tục cuộc trao đổi của chúng ta. Ở phần trước chúng ta đang bàn đến “Mô thức Trung Quốc” và những vấn đề của nó sau vài ba thập niên.
BLV: Vâng. Trước khi tiếp tục hãy để tôi hỏi anh một câu. Anh có từng nghe đến tên của Tiến sĩ William Overholt hay chưa?
– Dường như là có, nhưng tôi không chắc lắm.
– Phải. Tên của ông ấy chỉ mới xuất hiện trở lại vài năm gần đây. Anh biết vì sao không? Cách đây gần 30 năm, nhà nghiên cứu hiện công tác ở Trường Kennedy của Đại học Harvard này xuất bản một cuốn sách có tên “Trung Quốc quật khởi: Cách cải cách kinh tế đang tạo ra một siêu cường mới như thế nào?”.
Trong cuốn sách này, ông đã dự báo chính xác việc Trung Quốc sẽ trỗi dậy trở thành siêu cường sau vài thập niên. Vấn đề là không mấy ai tin tưởng dự báo của Overholt khi ấy. Giới học giả phương Tây đa phần không đồng ý. Giới truyền thông thì cho rằng Overholt quá cực đoan và lạc quan, nên họ cấm các phóng viên phỏng vấn ông ấy.
Tuy nhiên, sau gần 30 năm, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chứng nhận những tiên đoán của Overholt. Thực ra những gì tôi nói về anh về “Mô thức Trung Quốc” là sao chép lý thuyết của ông ấy.
– Thật ấn tượng.
– Trở lại với hiện tại, năm 2018, Overholt tiếp tục viết một cuốn sách khác về Trung Quốc, có tên “Cuộc khủng hoảng thành công của Trung Quốc”. Điều khác biệt là lần này ông không đưa ra dự báo nào cả, hay nói đúng hơn là không dám đưa ra dự báo.
Vì ông cho rằng những gì xảy ra sẽ quá lớn lao và không biết được nó sẽ phát triển theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực. Nhưng với những gì xảy ra cho đến nay, có vẻ như nó sẽ phát triển theo hướng tiêu cực.
– “Cuộc khủng hoảng thành công” nghe có vẻ mâu thuẫn.
– Hãy để tôi tóm tắt những luận điểm chính. Sau khi Trung Quốc đạt được thành tựu về kinh tế, họ cùng lúc phải đối mặt với những vấn đề. Nói thẳng ra là quy luật cải cách chính trị đi liền sau cải cách kinh tế là không thể tránh khỏi.
Trung Quốc có thể là trường hợp phát triển thành công nhất ở cấp quốc gia trong lịch sử thế giới. Nhưng một nước thế giới thứ ba từng đầy dẫy nông dân, công nhân xây dựng và nhà sản xuất vớ một khi đã phát triển thành một nền kinh tế cực kỳ phức tạp thì tự nhiên không thể được quản lý bởi một vài văn phòng ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Các nhóm lợi ích chiếm quyền kiểm soát chính sách. Chính quyền địa phương bất tuân thường lệnh. Các bộ ngành thách thức chính phủ. Tướng lãnh tham nhũng làm suy yếu quân đội. Tham nhũng làm xói mòn sự chính danh của đảng.
– Nghe thật quen thuộc?
– Nghe giống Việt Nam đúng không? Hãy bàn đến chuyện đó sau, vì thực sự có những điểm tương đồng.
Overholt nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được tính cần thiết và cấp bách của sự chuyển đổi trước một cuộc khủng hoảng chực hờ. Trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc bắt tay quy hoạch phát triển kinh tế. Họ tham vấn đủ mọi thành phần, phối hợp với World Bank và các khôi nguyên Nobel ở Mỹ xuất bản báo cáo “Trung Quốc năm 2030: Xây dựng một xã hội hiện đại, hài hòa, và thu nhập cao sáng tạo”.
“Khó có thể tìm thấy một kế hoạch kinh tế ấn tượng hơn ở bất kỳ đâu trong lịch sử kinh tế” là nhận xét của Overholt.
Kế hoạch này được cải tiến thành hơn 300 chính sách cải cách trong Hội nghị trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013, với trọng tâm cốt lõi là phân bổ nguồn lực, và Tập Cận Bình nhận lãnh nhiệm vụ thực hiện.
Tuy nhiên, việc thực thi chúng phức tạp hơn nhiều so với việc lên kế hoạch. Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: cải cách nhanh chóng với GDP thấp hơn, hoặc cải cách chậm rãi để duy trì GDP cao nhưng đồng thời tiếp tục tích tụ nợ. Và họ đã chọn cách thứ hai.
Đồng thời, cải cách kinh tế phân bổ nguồn lực theo thị trường sẽ làm tổn hại tất cả các nhóm lợi ích – nhóm lợi ích tài chính, quân sự, năng lượng và các nhóm khác sẽ bị tổn hại, ngay cả chính quyền.
Các nhóm lợi ích hùng mạnh cản trở cải cách, và chiến dịch chống tham nhũng sau khi Tập Cận Bình nhậm chức đã trở thành thủ đoạn chống lại các nhóm lợi ích.
Chu Vĩnh Khang, ông trùm của nhóm lợi ích dầu khí là người đầu tiên hứng đòn. Tuy nhiên, tác dụng phụ là các quan chức trở nên sợ hãi trong khi họ chính là những người thực thi cải cách kinh tế.
Cũng theo kế hoạch tập trung hóa quyền lực được đồng thuận trước đó, Tập Cận Bình lập ra các “tiểu tổ lãnh đạo trung ương” do ông đứng đầu, phụ trách tất cả.
Kế hoạch là nhiệm kỳ đầu được dùng để đập tan các trở lực cải cách. Nhiệm kỳ thứ hai để đẩy mạnh cải cách và nhiệm kỳ thứ ba dùng để ngăn chặn các cải cách đã được thực hiện không bị đảo ngược.
Tập không hẳn sẽ là chủ tịch trọn đời, điều này rất khó xảy ra, nhưng nhiệm kỳ thứ ba là nằm trong kế hoạch và các nguyên lão cũng đồng thuận về điều đó.
Nhìn sang Việt Nam, chúng ta chứng kiến những điều tương tự. Không phải ngẫu nhiên mà có sự ủng hộ rộng rãi dành cho chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam.
Bởi nhiều người biết rằng cuộc tấn công vào các nhóm lợi ích báo hiệu cho những cải cách sắp xảy đến. Không phải ngẫu nhiên mà việc đánh giá lại về doanh nghiệp tư nhân chỉ được nhắc đến sau khi chiến dịch chống tham nhũng đạt được kết quả nhất định.
Tuy nhiên, hãy trở lại với trường hợp Trung Quốc. Họ đang trải qua cuộc chuyển đổi chưa từng có trong lịch sử, chưa biết sẽ đạt được thành công hay thất bại, mà dù thành công hay thất bại cũng sẽ hứa hẹn tạo nên áp lực chính trị cực lớn với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Thì ngay lúc đó, Tổng thống Donald Trump xuất hiện.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét