Đất nước này không phải của riêng ai
Tô Văn Trường
Tác giả gửi BVN
Đất nước này không phải của riêng ai. Đã đến lúc Đảng CSVN cần mạnh dạn đổi mới thể chế theo kinh nghiệm thành công của đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay: xóa bỏ cơ chế độc quyền, thực hiện dân chủ hóa để phát huy khả năng đóng góp của toàn dân.
|
Trong trường ca "Mặt đường khát vọng", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã có những lời da diết về đất nước:
" Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi"
Và một khi đất nước không của riêng ai thì những người có trách nhiệm phải biết lắng nghe và hành động thuận theo lòng dân:
" Hãy yêu Nhân dân và nghe Ngưòi nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân"
Chỉ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng hơn một năm, hàng loạt cán bộ cao cấp đã bị đưa ra xét xử và bị kết án từ tù nhiều năm đến kỷ luật cách hết chức vụ và khai trừ khỏi Đảng, bao gồm 1 ủy viên Bộ Chính trị đương chức, hàng chục bộ trưởng, tướng lĩnh công an, quân đội đương chức và hưu trí với đủ các tội danh: tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chức quyền, kém phẩm chất và năng lực... Đó là chưa kể đến các cấp tỉnh, huyện, xã.
Tại sao hàng loạt cán bộ ngang nhiên vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định về tư cách cán bộ, đảng viên nhiều năm trời lại có thể vượt qua vô số mắt lưới của tổ chức để lọt vào được những vị trí quan trọng, rồi chỉ sau một thời gian ngắn bị phát hiện sai phạm và bị cách hết các chức vụ đang hoặc từng nắm giữ, thậm chí bị tống vào tù? Phải chăng điều đó chứng tỏ công tác cán bộ từ lâu đã đi theo một định hướng sai lầm và từ nhiều năm nay đã suy thoái trầm trọng đến mức báo động?
Ngoài cơ chế ra thì những ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng này? Ai cũng biết công tác cán bộ là quan trọng vì cán bộ quyết định hết thảy. Vậy có nên tiếp tục giao quyền quyết định về một việc quan trọng đối với đất nước như vậy vào tay một cơ quan, một nhóm người để rồi lúc xảy ra chuyện chỉ có đất nước, nhân dân chịu thiệt, chứ không ai phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ?
Đất nước này không phải của riêng ai. Đất nước đang phải lựa chọn đường để phát triển. Nhưng đất nước sẽ phát triển thế nào khi mà cán bộ được lựa chọn như hiện nay?
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Sẩy một ly đi một dặm”. Quyết sách đúng hay sai ở những thời điểm quan trọng và về những vấn đề quan trọng (như công tác cán bộ) có thể tạo ra hay tiêu diệt một cơ hội cho đất nước. Có thể mượn lời nhân vật Hamlet của Shakespeare: “To be or not to be?” (“Tồn tại hay không tồn tại?”) để mỗi người Việt Nam tự hỏi: “Phát triển hay không phát triển đây?”. Khi cả nhân loại đang tiến nhanh như vũ bão, không phát triển thì khó mà tồn tại.
Nguyên nhân của bất cập trong công tác tổ chức và cán bộ
Nguyên nhân cơ bản trực tiếp là các nguyên tắc, chính sách cán bộ đã lỗi thời và không có thể chế đủ năng lực kiểm soát các nguyên tắc, chính sách ấy.
Nguyên tắc "Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ" không những không còn phù hợp trong Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường, chế độ sở hữu nhiều thành phần, mà còn bị lạm dụng, càng kéo dài một cách nguy hại việc một nhóm người trong mỗi cấp quyết định công tác cán bộ.
Ở cấp nào cũng vậy, quyền lực rơi vào tay một nhóm nhỏ. Dân chủ kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, lấy "cử" để khống chế cơ chế "bầu" là rất phổ biến. Khi cần, những người có quyền thường dùng lá bài “đảng đoàn”, “cấp ủy”, “tổ chức”,... để chọn người theo ý mình và xử lý cá nhân dám công khai phê phán những bất cập. Bên cạnh đó, người ta còn sử dụng bộ máy truyền thông độc quyền để định hướng hoặc tiêu diệt dư luận dân chủ. Nhiều người làm truyền thông vì miếng cơm manh áo mà phải ngậm … bồ hòn hoặc vì … vật chất khác, thực hiện nhiệm vụ trái với lương tâm này.
Nguyên tắc và chính sách cán bộ lỗi thời khiến Hiến pháp và pháp luật không thể thiết lập cơ chế dân chủ thực chất để kiểm soát và xử lý hữu hiệu việc lợi dụng quyền hạn và lạm quyền trong thi hành công vụ. Nếu mọi quyền hành đều tập trung vào mười mấy ông bà “vua tập thể” thì pháp quyền trở thành vật trang điểm phù phiếm, vô nghĩa.
Cơ chế tập quyền còn tạo đất sống cho hàng loạt tập quán cổ hủ từ thời phong kiến trong nền dân chủ XHCN: trung thành “vua – tôi” dẫn đến xu nịnh, đút lót; “một người làm quan cả họ được nhờ” dẫn đến bè phái, cài cắm người thân, đệ tử vào bộ máy cai trị, vân vân và vân vân.
Cơ chế tập quyền cũng làm méo mó nền kinh tế thị trường vì gắn kinh tế thị trường với cái đuôi “định hướng XHCN”. Lẽ ra nền kinh tế thị trường vận hành theo nguyên tắc cạnh tranh với mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất phải là môi trường thuận lợi để lựa chọn, rèn luyện cán bộ thì quy định về sở hữu nhà nước như tài sản vô chủ lại kích thích cán bộ tha hóa, thoải mái tham ô để thỏa mãn lòng tham.
Nói tóm lại, những sai lầm, vi phạm của cán bộ lãnh đạo đã lộ (bị khởi tố, kết án) đang diễn ra ở quy mô từ Trung ương đến cơ sở chứng tỏ những nguyên tắc, chính sách tổ chức cán bộ ra đời từ thời “chuyên chính vô sản”, “đấu tranh giai cấp” và nhuốm “hơi đồng” của cơ chế thị trường không còn đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Trong tương lai, điều này càng trở nên bức xúc, nếu không kịp thời thay đổi thì chắc chắn sẽ dẫn đến sụp đổ (như Liên Xô và các nước Đông Âu) hoặc trì trệ trong nghèo đói (như Cu Ba, Triều Tiên).
Đổi mới hay là chết?
Nhiều người dân Việt Nam vẫn còn nhớ thời kỳ cuối thập niên 80, khi khối Đông Âu suy yếu và tan rã, trước các yêu cầu bức xúc của cuộc sống, để tồn tại, Đảng và Nhà nước ta đã tự cứu mình bằng cách tiến hành đường lối Đổi mới - một quyết sách có vai trò lịch sử của Tổng bí thư Trường Chinh ngay trước ngày khai mạc Đại hội VI của Đảng. Quyết sách sáng suốt đó đã tạo ra bước đột phá, đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề .
Chủ tịch Đoàn Đại hội Đảng khóa VI của Đảng (Ảnh trên mạng)
Ngày nay, nhiều người quan tâm đến vận nước có chung nhận xét nền chính trị nước ta đã đến hồi nguy hiểm vì chất lượng cán bộ, chất lượng chính trị đã bước vào điểm thoái trào vì lợi ích nhóm của những nhóm quyền lực thao túng đất nước. Sự giả dối tầng tầng, lớp lớp, lớp này chồng lớp kia, nhưng không đẹp như một bức tranh sơn dầu mà như một cơ thể toàn trọng bệnh. Nguy hiểm nhất là những nhóm lợi ích này hay lấp liếm dưới chiêu bài “nhạy cảm”, “vì cái chung”, “giữ ổn định”.... để bưng bít sự thật, gạt người dân ra khỏi cuộc chơi quyền lực.
Xưa nay, trong công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy có vai trò rất quan trọng, có thể nói là quyết định đối với những chức danh lãnh đạo ở các cơ quan thuộc hệ thống chính trị và quản trị nhà nước. Người đứng đầu các ngành ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tương đương thực chất được quyết định bởi Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy trước và sau mỗi kỳ Đại hội Đảng. Thế nhưng rất lạ, khi xảy ra những sự vi phạm của cán bộ đầu ngành, Ban Tổ chức lại không phải chịu trách nhiệm về việc chọn nhầm người!
Còn nhớ tại Hội nghị lần cuối của Ban chấp hành TW khóa V (khoảng năm 1986), Tổng bí thư Trường Chinh nhận thấy nghịch lý này đã nêu vấn đề phải thay đổi công tác cán bộ theo nguyên tắc: “Nắm việc phải đi liền với nắm người; nghĩa là người chịu trách nhiệm về công việc phải có tiếng nói quyết định trong việc, lựa chọn cán bộ dưới quyền mình”.
Nói cách khác, không thể duy trì cơ chế Ban Tổ chức quyết định chọn người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của tất cả các cơ quan nhà nước thay cho cơ quan đó. Vì làm như vậy, khi công việc đổ bể, không quy được trách nhiệm cho ai. Bài nói của ông Trường Chinh được hội nghị TƯ đồng tình, hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng nghe nói ông Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, thì rất bực mình, cho rằng có ai đó tham mưu ý này cho ông Trường Chinh và gặng hỏi xem người đó là ai. Ở thời điểm đó, ông Trường Chinh chưa nói đến hệ quả của cơ chế này là còn tạo mảnh đất nuôi dưỡng tệ “chạy chức, chạy quyền” vì chuyện này lúc đó chưa nghiêm trọng.
Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng nhất cho phát triển lúc này là lựa chọn một Tổng bí thư và một đội ngũ cán bộ lãnh đạo đủ đức đủ tài, có tư duy và quyết tâm đối mới. Không thể giữ mãi cung cách làm tổ chức cán bộ lạc hậu, vô lý như cũ. Quyền lựa chọn cán bộ phải được giao cho tập thể đảng viên và nhân dân nơi sử dụng cán bộ.
Quy luật của xã hội loài người là không ngừng phát triển. Ngay cả các nước có thể chế tiên tiến nhất cũng phải thường xuyên phân tích thực tiễn để phát hiện kịp thời nguyên nhân cản trở sự phát triển của xã hội và đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển xã hội. Đảng CSVN muốn duy trì sự lãnh đạo đất nước càng phải đổi mới, trước hết là đổi mới thể chế, đổi mới công tác tổ chức cán bộ. Đổi mới là cần thiết và hoàn toàn có thể, không chỉ đem lại uy tín cho Đảng mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.
Giải pháp
Những người quản lý đất nước cần hiểu rằng chế độ muốn tồn tại và phát triển cần phải mạnh dạn đổi mới lần thứ hai mà việc đầu tiên phải làm là thay đổi tư duy và chính sách, cơ chế tuyển chọn nhân sự cấp chiến lược. Dân chủ, công khai minh bạch, dựa vào dân là bắt buộc. Đừng để người làm tổ chức trở thành người giữ “quyền sinh, quyền sát”, không có giám sát, phản biện, chỉ lấy ý kiến quần chúng làm vì.
Các giải pháp cần thiết là thu thập, trưng cầu rộng rãi ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức không kể trong hay ngoài Đảng về hiện trạng công tác tổ chức cán bộ ở Việt Nam; kinh nghiệm của các nước tiên tiến; nguyện vọng của nhân dân về đổi mới công tác tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và lựa chọn lãnh đạo ở các cấp. Từ đó, lựa chọn một số (2-3) phương án được đa số ý kiến tán thành để quan tâm tổ chức nghiên cứu sâu hơn, đề xuất đổi mới từ nguyên tắc đến chính sách và pháp luật về công tác cán bộ.
Theo tôi, phương án tốt là phương án cần bảo đảm các yêu cầu sau:
- Mọi chức vụ lãnh đạo cấp cao đều được chọn thông qua bầu cử thật sự dân chủ. Phải bỏ các quy định thiếu dân chủ hiện nay, như: không được tự do ứng cử, đề cử ngoài danh sách cấp ủy cũ dự kiến; không được ứng cử, đề cử nếu không được quy hoạch từ trước, Cần bỏ các quy định hình thức cứng nhắc như quy định về tuổi tác, bằng cấp, quá trình công tác,...
- Bầu cử phải qua quá trình tranh cử, trong đó, ứng cử viên phải trình bày chương trình hành động và được đánh giá, phản biện công khai từ nhiều phía, được tranh luận, giải trình về những ý kiến phản biện...
- Không làm quy hoạch cán bộ như hiện nay. Nhân tài chỉ nổi lên trong hoạt động thực tiễn, không thể áp dụng mô hình nuôi “gà chọi” hoặc “cha truyền con nối”. Cách làm quy hoạch hiện nay đang làm cho nạn chạy chức chạy quyền, chạy quy hoạch, đấu đá nội bộ nở rộ hơn, đồng thời dễ dẫn đến khả năng bỏ rơi nhiều người tài giỏi.
Lời kết
Những đổi mới thành công từ 1986 đến nay là đổi mới về kinh tế, mà bản chất là xóa bỏ cơ chế kinh tế chỉ huy độc quyền, thực hiện dân chủ hóa nền kinh tế để phát huy khả năng đóng góp của toàn dân. Nhưng suốt thời gian qua, sự phát triển kinh tế chưa phải là bền vững, thời gian gần đây đã chững lại. Nguyên nhân chủ yếu là đổi mới chính trị không theo kịp, trở thành lực cản sự phát triển về kinh tế.
Đất nước này không phải của riêng ai. Đã đến lúc Đảng CSVN cần mạnh dạn đổi mới thể chế theo kinh nghiệm thành công của đổi mới kinh tế từ năm 1986 đến nay: xóa bỏ cơ chế độc quyền, thực hiện dân chủ hóa để phát huy khả năng đóng góp của toàn dân. Suy cho cùng:
“Vận nước tại nhân, phận dân tại chế
Thịnh-suy cũng thế, tại đế, tại thần.”
T.V.T.Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét