Lenin: Khi quý tộc làm cách mạng xã hội chủ nghĩa
By
Posted on 06/11/2016
Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924), thường được biết đến với tên gọi Lenin, là nhà tư tưởng, nhà cách mạng cộng sản người Nga. Ông đã lãnh đạo nhóm Bolshevik của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga nổi dậy dùng bạo lực cách mạng lật đổ chính quyền tư sản lâm thời của Nga và hủy diệt vương triều Sa hoàng trong cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 (nhằm ngày 07/11/1917 theo lịch Gregory, 25/10/1917 tính theo lịch Julius).
Vị thế khai quốc công thần, cha già cách mạng, lãnh tụ phong trào của Lenin khiến cho lịch sử cá nhân và cuộc đời của ông bị biến thành một sản phẩm tuyên truyền của chính quyền cách mạng Cộng sản và sau này là chính quyền Nga Xô Viết. Hình ảnh Lenin như một con người cách mạng vô sản kiên trung, hy sinh một lòng vì dân vì nước đã trở thành hình ảnh chính thức trong sử liệu và tâm tưởng của nhiều thế hệ người Nga sinh ra và lớn lên trong thời đại Xô Viết.
Hình ảnh đó cũng theo các tác phẩm giáo điều, tuyên truyền mà được du nhập vào Việt Nam, biến Lenin thành tấm gương cho nhiều thế hệ các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam noi theo trong sự nghiệp của họ.
Nhà sử học, giáo sư sử học người Anh Orlando Figes đã không hề dễ dàng chấp nhận hình ảnh đậm tính tuyên truyền đó của Lenin, như Figes thể hiện trong cuốn sách của ông, “Một Bi Kịch của Nhân Dân: Cách Mạng Nga 1891-1924” (A People’s Tragedy: The Russian Revolution: 1891–1924).
Xuất bản năm 1996, Một Bi Kịch của Nhân Dân đã giành được giải thưởng Wolfson, giải quốc gia dành cho nghiên cứu lịch sử tại Anh năm 1997 cùng nhiều giải thưởng khác dành cho tác phẩm nghiên cứu lịch sử. Giáo sư Orlando Figes (sinh 1959) tốt nghiệp đại học và tiến sỹ ngành sử học tại đại học Cambridge và giảng dạy nhiều năm tại đại học này trước khi trở thành giáo sư sử học trường Birkbeck thuộc đại học London.
Trong phần trích dẫn ngày hôm nay của Café Luật Khoa, chúng ta hãy cùng được tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử rất lý thú đã đưa Lenin đến với chủ nghĩa Marx và theo đó, gieo mầm cho một cuộc cách mạng sẽ làm rung chuyển thế giới như thế nào.
—
Trích đoạn “Một Bi Kịch của Nhân Dân: Cách Mạng Nga 1891-1924”
A People’s Tragedy: The Russian Revolution: 1891–1924
Orlando Figes (Nhà xuất bản Pimlico 1997)
“…Tháng 3 năm 1872, một tác phẩm đồ sộ về kinh tế chính trị, viết bằng tiếng Đức, hạ cánh xuống một chiếc bàn trong văn phòng kiểm duyệt của chính quyền Sa hoàng.
Tác giả của tác phẩm đó rất được biết đến về các lý thuyết xã hội chủ nghĩa của ông, và tất cả những cuốn sách trước đó của ông đều đã bị cấm. Các nhà xuất bản chả có quyền gì mà mong đợi là tác phẩm mới này sẽ có một số phận khác. Nó là một tác phẩm phê phán không khoan nhượng mô hình nhà máy hiện đại và, cho dù luật kiểm duyệt đã được cởi mở hơn từ năm 1865, vẫn có một lệnh cấm tất cả các tác phẩm nào tuyên truyền ‘các học thuyết xã hội chủ nghĩa và cộng sản có hại’, hay khơi gợi ‘thù địch lẫn nhau giữa các giai cấp xã hội’.
Các luật kiểm duyệt mới lúc đó đủ khắt khe để cấm những quyển sách nguy hiểm như Đạo Đức Học của Spinoza, Leviathan của Hobbes, Lịch Sử Triết Học của Voltaire, và Lịch Sử Đạo Đức Châu Âu của Lecky. Ấy thế mà một kiệt tác bằng tiếng Đức – 674 trang đầy những phân tích thống kê – đã được xem là quá khó đọc và khó hiểu để có thể có tính chất xúi giục nổi loạn (seditious).
‘Có thể nói một cách chắc chắn rằng,’ báo cáo kiểm duyệt đầu tiên trong hai bản báo cáo kiểm duyệt kết luận, ‘rất ít người ở Nga sẽ đọc cuốn sách này, và còn ít hơn sẽ hiểu nó.’ Hơn nữa, bản báo cáo kiểm duyệt thứ hai đế thêm vào, bởi vì tác giả cuốn sách tấn công hệ thống nhà máy Anh quốc, những phê phán của ông ta không thể được áp dụng tại Nga, nơi mà sự ‘tư bản bóc lột’ mà ông ta nói chưa hề diễn ra. Cả hai bản báo cáo kiểm duyệt đều cho là không cần phải ngăn cản việc xuất bản ‘tác phẩm thuần túy khoa học này’.
Thế là Tư Bản Luận của Marx đến với nước Nga. Lần xuất bản ở Nga là lần đầu tiên cuốn sách được xuất bản ở ngoài nước Đức, chỉ 5 năm sau khi bản gốc được xuất bản ở Hamburg và 15 năm trước khi nó được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh.
Trái với mong đợi của nhiều người, kể cả của tác giả và của những người kiểm duyệt, cuốn sách đã dẫn đến một cuộc cách mạng tại Nga sớm hơn bất kỳ một xã hội phương Tây nào mà nó đề cập.
Văn phòng kiểm duyệt chính quyền Sa hoàng rồi sẽ sớm nhận ra sai lầm của họ. 10 tháng sau khi xuất bản, họ đánh đòn trả thù với Nikolai Poliakov, người đầu tiên xuất bản Marx tại Nga, bằng cách kiện Poliakov ra tòa vì một tác phẩm xuất bản ‘phản động’ khác của ông này, một tuyển tập truyện của Diderot. Cảnh sát tịch thu và đốt sách, buộc Poliakov phải tán gia bại sản. Nhưng đã quá trễ.
Tư Bản Luận ngay lập tức bán đắt như tôm tươi. Lần in đầu tiên đã có 3000 bản được bán sạch trong vòng một năm (trong khi so sánh với bản gốc tiếng Đức, lần in đầu 1000 quyền phải 5 năm mới bán hết). Chính Marx tự nhìn nhận là tại Nga kiệt tác của ông ‘được đọc và trân trọng hơn bất kỳ đâu’.
Những người theo chủ nghĩa thân Slav (Slavophiles – phong trào cổ vũ cho việc người Nga phát triển dựa trên các giá trị bản địa và định chế truyền thống của Nga thay vì của phương Tây – ND) và những người theo chủ nghĩa dân túy (Populists) đều đón chào cuốn sách như là một tác phẩm vạch trần những điều khủng khiếp của hệ thống tư bản phương Tây, thứ mà họ muốn nước Nga tránh phải có.
Phương pháp xã hội học và quan điểm về lịch sử của Marx, nếu chưa thể nói là tư tưởng chính trị của ông, đã được lan truyền như một cơn sốt mạnh điên cuồng vào những năm cuối thập niên 1870.
Trong giới sinh viên lúc đó, ai không phải là người theo chủ nghĩa Marx thì gần như bị xem là ‘không đàng hoàng’. ‘Dạo này chả ai dám lên giọng chống Karl Marx cả,’ một sinh viên theo chủ nghĩa tự do (liberal) phàn nàn, ‘không ai dám hứng chịu cơn thịnh nộ của những người trẻ ái mộ Marx.’
Sau sự thất bại của phong trào ‘Đến Với Người Dân’ (‘To the People’ – phong trào tự nguyện về nông thôn giảng dạy và tuyên truyền chủ nghĩa xã hội cho nông dân của sinh viên Nga năm 1874 – ND) với sự sùng bái một cách lầm lạc giai cấp nông dân Nga của phong trào đó, thông điệp của chủ nghĩa Marx trông có vẻ giống một sự cứu rỗi đối với giới trí thức cấp tiến của Nga. Tất cả hi vọng của họ về một cuộc cách mạng xã hội giờ đây được chuyển sang cho giai cấp công nhân lao động…
… Phép biện chứng lịch sử của Marx có vẻ là làm được cho xã hội điều mà Darwin đã làm được cho nhân loại: cung cấp một học thuyết logic về sự phát triển dựa trên tiến hóa. Học thuyết đó ‘nghiêm túc’ và ‘khách quan’, tạo ra một hệ thống toàn diện để giải thích thế giới và xã hội. Chính ở khía cạnh này mà nó thỏa mãn được cái dân tộc tính rất riêng của người Nga: mong tìm một thứ kiến thức tuyệt đối .
Chủ nghĩa Marx, hơn thế nữa, còn là một thứ chủ nghĩa mang tinh thần tích cực. Nó cho thấy rằng tiến bộ nằm ở công nghiệp, rằng có một ý nghĩa nhất định trong cái hỗn mang của lịch sử, rằng thông qua giai cấp lao động, thông qua sự cố gắng một cách có ý thức của nhân loại, chủ nghĩa xã hội sẽ là điểm đến cuối cùng của lịch sử.
Thông điệp này có một sự hấp dẫn đặc biệt với giới trí thức Nga, vốn đã có ý thức quá rõ ràng, một cách đau khổ, rằng rằng đất nước của họ lạc hậu đến như thế nào. Bởi vì thông điệp này có thể được ngầm hiểu là nước Nga rồi sẽ trở thành giống như những nước phát triển của phương Tây – đặc biệt là Đức, nơi mà Đảng Dân Chủ Xã Hội (Social Democratic Party) là một hình mẫu cho các phong trào theo chủ nghĩa Marx tại Châu Âu.
Niềm tin của những người theo chủ nghĩa dân túy rằng nước Nga có ‘con đường riêng’, vốn đã luôn có vẻ là ký thác đất nước này vào một thân phận nông nô trường kỳ, theo đó có thể được bác bỏ như là một thứ lãng mạn không hề có tính khoa học. Cái ý tưởng rằng chủ nghĩa Marx có thể đưa nước Nga gần hơn đến tầm của phương Tây có lẽ là sức hút chủ yếu của nó. Chủ nghĩa Marx được xem là ‘con đường của lý trí’, theo lời của Lydia Dan, soi sáng con đường đến hiện đại, khai sáng và văn minh…
…Petr Struve, một trong những học giả Marx hàng đầu lúc đó, nói rằng ông tuân phục học thuyết này bởi vì nó cung cấp một ‘giải pháp khoa học’ cho hai vấn đề song đôi của nước Nga: sự giải phóng khỏi chế độ chuyên quyền, và sự khốn khổ của tình trạng lạc hậu. Năm 1894, Struve nói lời nói nổi tiếng của ông – ‘Không, hãy để chúng ta thú nhận sự kém văn hóa của mình và cùng đăng ký học trường của chủ nghĩa tư bản (school of capitalism)’. Lời nói này trở thành một trong những khẩu hiệu của phong trào chủ nghĩa Marx. Lenin đã có những phát biểu mang âm hưởng này năm 1921…
… Những người theo chủ nghĩa dân túy tiếp thu phương pháp xã hội học của Marx và tuyên truyền các tác phẩm của ông. Họ còn giành được sự ủng hộ của chính Marx vào những năm cuối đời của ông. Những người theo chủ nghĩa Marx đồng thời cũng vay mượn từ những người theo chủ nghĩa dân túy phong cách hùng biện và các chiến thuật hoạt động. Họ buộc phải làm việc cùng nhau, ít nhất là trong nội địa Nga, nếu không phải chỉ là hoạt động khi bị lưu vong. Các điều kiện cơ sở hoạt động cách mạng ngầm không đủ lớn để cho phép hai phe phái này bất hòa: họ buộc phải chia sẻ các nhà in và phải làm việc chung trong các nhà máy hay câu lạc bộ.
Có một sự lưu động và hợp tác qua lại giữa các nhóm công nhân khác nhau – Nhóm Giải Phóng Lao Động của Plekhanov, nhóm Công Nhân của phái Ý Chí Nhân Dân (People’s Will – Narodnaya Volya – ND), các Nhóm Công Nhân do sinh viên tổ chức, đảng Mác-xít Ba Lan, và các nhóm Xã Hội Dân Chủ đầu tiên – tất cả đều hòa trộn các yếu tố Marx và các yếu tố dân túy trong tuyên truyền của họ.
Chính trong hoàn cảnh này mà chàng trai trẻ Lenin, hay là Ul’ianov, như nhân vật này được gọi lúc đó, tham gia chính trường cách mạng.
Trái với cái huyền thoại của nhà nước Xô Viết, vốn cho rằng Lenin là một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Marx từ khi còn nằm nôi, vị lãnh đạo của cuộc cách mạng Bolshevik đến với chính trị khá muộn.
Khi mới 16 tuổi ông ta vẫn còn rất sùng đạo và không quan tâm tí gì đến chính trị. Các tác phẩm kinh điển và văn học là các môn học chính của ông trong trường trung học tại Simbirsk. Tại đây, trong một sự tình cờ cay nghiệt của lịch sử, hiệu trưởng trường của Lenin là Fedor Kerensky, cha của kẻ thù không đội trời chung của Lenin vào năm 1917 (Alexander Kerensky – lãnh đạo của chính quyền nước Nga lâm thời mà Lenin sẽ lật đổ năm 1917 – ND).
Trong năm cuối của Lenin tại trường (1887), Kerensky (cha) viết báo cáo về nhà lãnh đạo Bolshevik tương lai, miêu tả ông ta là một học sinh gương mẫu, không bao giờ ‘làm phiền lòng, bằng lời nói hay hành động với ban giám hiệu nhà trường’. Điều này Kerensky giải thích là do bản chất ‘trọng đạo đức’ từ xuất thân của Lenin. ‘Tôn giáo và kỷ luật’, vị hiệu trưởng viết, ‘là những nền tảng cho xuất thân của người học sinh này, và những thành quả của nó hiện rõ qua cách cư xử của Ul’ianov.’
Thế nên không có gì cho thấy là Lenin rồi sẽ trở thành một nhà cách mạng; trái lại, mọi dấu hiệu cho thấy ông ta sẽ tiếp bước cha mình và có một sự nghiệp thành đạt trong chính quyền Sa hoàng.
Ilya Ul’ianov, cha của Lenin, là một quý ông điển hình có tư tưởng tự do, loại tư tưởng mà người con trai của ông rồi sẽ trở nên căm ghét. Không có cơ sở cho cái huyền thoại mà Nadezhda Krupskaya đưa ra năm 1938 rằng là Ilya Ul’ianov đã có một ảnh hưởng cách mạng lên con cái ông ta. Anna U’lianova, chị ruột Lenin, hồi tưởng rằng cha của bà là một người sùng đạo, rằng ông ta ngưỡng mộ những cải cách thập niên 1860 của Sa hoàng Alexander Đệ Nhị, và rằng ông ta cho rằng nhiệm vụ của mình là bảo vệ đám trẻ khỏi các thứ chủ nghĩa quá khích. Ilya Ul’ianov là Thanh Tra Trường Học của tỉnh Simbirsk, một chức vụ quan trọng buộc người ta phải gọi ông là ‘Đức Ngài’ (Your Excellency).
Nền tảng gia đình quý tộc này của Lenin là một nỗi xấu hổ cho các nhà viết tiểu sử của chính quyền Xô Viết. Họ chọn việc đào sâu vào các nguồn gốc khiêm tốn hơn của người ông nội của Lenin là Nikolai Ul’ianov.
Nikolai vốn là con trai của một nông dân và đã làm nghề thợ may tại thị trấn Astrakhan thuộc vùng hạ nguồn sông Volga. Nhưng ra đến đó cũng có vấn đề: Nikolai là người mang nửa dòng máu Kalmyk (người dân tộc thiểu số gốc Mông Cổ – ND), bà vợ ông ta Anna thì là người Kalmyk thuần (khuôn mặt của Lenin có một số đặc điểm Mông Cổ rõ nét). Yếu tố này gây phiền hà cho một chính thể kiểu Stalin vốn đang khư khư với cái thứ chủ nghĩa sô-vanh Đại Nga của nó….
… Không chỉ tính tình của Lenin mới có bắt nguồn từ quá khứ quý tộc của ông ta. Các thái độ chính trị của ông ta cũng vậy: quan điểm giáo điều và cách hành xử độc đoán của ông ta; sự bất khoan dung của ông ta với bất kỳ một phê bình nào đến từ thuộc cấp; và khuynh hướng xem quần chúng nhân dân không gì khác hơn là nguồn nhân lực cần có cho các kế hoạch cách mạng của ông ta.
Như Gorky viết năm 1917, ‘Lenin là một “lãnh đạo” và là một nhà quý tộc Nga, không thiếu chút nào một số tính cách tâm lý của giai cấp đã tuyệt chủng này, và vì thế ông ta tự cho mình có quyền thực hiện với người Nga một cuộc thí nghiệm độc ác vốn tất phải thất bại.’
Dĩ nhiên, tuy có thể là quá dễ dãi nếu chúng ta áp đặt một hình ảnh Lenin của năm 1917 lên Lenin của những năm 1890, rõ ràng là nhiều tính cách mà ông ta thể hiện khi nắm quyền đã có thể được thấy rõ trong giai đoạn sớm này. Ví dụ, hãy nhìn vào thái độ nhơn nhơn của Lenin đối với những khốn khổ của nông dân trong nạn đói năm 1891 – cái ý tưởng của ông ta cho rằng nên từ chối cứu trợ nông dân để đẩy nhanh sự khủng hoảng cho cách mạng. Ba mươi năm sau đó ông ta cho thấy một sự bàng quan tương tự với những khổ sở của nông dân trong nạn đói năm 1921, lúc đó thì ông ta đã có một vị trí để có thể lợi dụng những người nông dân này về mặt chính trị.
Cuộc sống sung sướng của gia đình Ul’ianov bất ngờ bị chấm dứt vào nằm 1887 khi người anh trai của Lenin là Alexander bị tử hình vì tham gia một âm mưu ám sát hụt Sa hoàng…
… Có một giai thoại kể rằng khi nghe anh trai mình bị giết, Lenin đã nói với người em gái Maria: ‘Không, chúng ta không thể chọn con đường đó, con đường của chúng ta phải khác.’ Ngầm ý ở đây là Lenin đã chọn trung thành với phong trào chủ nghĩa Marx – chính ‘chúng ta’ trong câu nói đó – cùng với sự từ chối các biện pháp khủng bố của phong trào lúc đó.
Tuy nhiên giai thoại này rất lố bịch. Maria lúc đó mới chỉ 9 tuổi và theo đó khó mà có thể có khả năng nhớ rõ từng câu chữ như bà ta đã kể chúng vào năm 1924. Và trong khi đúng là việc Alexander bị tử hình là một sự kiện mang tính xúc tác cho việc tham gia phong trào cách mạng của Lenin, khuynh hướng đầu tiên của Lenin, giống người anh trai ông, đã là với phái Ý Chí Nhân Dân (People’s Will – Narodnaya Volya – ND).
Chủ nghĩa Marx của Lenin, vốn được phát triển chậm rãi sau năm 1889, đã luôn được hòa trộn với tinh thần Jacobin của những kẻ khủng bố và niềm tin của họ vào sự quan trọng không thể chối cãi được của việc giành chính quyền.
Năm 1887, Lenin đăng ký học luật tại đại học Kazan. Tại đó, vì là em trai của một anh hùng hy sinh vì cách mạng, Lenin lại bị thu hút vào một nhóm hoạt động ngầm khác hoạt động theo phong cách của phái Ý Chí Nhân Dân. Phần lớn các thành viên nhóm này bị bắt vào tháng 12 sau các đợt biểu tình của sinh viên. Lenin bị tách riêng ra để chịu phạt, không nghi ngờ gì là một phần do cái tên của ông. Cùng 39 sinh viên khác, Lenin bị đuổi học. Việc này trên thực tế chấm dứt cơ hội có một sự nghiệp thành công trong trật tự xã hội đương thời của Lenin, và có lý do để cho rằng phần lớn sự thù ghét trật tự xã hội đương thời của Lenin đã đến từ trải nghiệm bị loại bỏ khi đó.
Lenin đã luôn là một con người tham vọng. Khi đã không thể thành danh trong nghề luật sư, ông quay qua tìm một sự nghiệp khác, của một nhà cách mạng chống đối luật pháp…”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét