Huyền thoại Cách mạng tháng 10 đầy bạo lực: Sự vĩ đại của Lenin?
By
Posted on 21/08/2016
—
Vladimir Ilyich Ulyanov (1870-1924), thường được biết đến với tên gọi Lenin, là nhà tư tưởng, nhà cách mạng cộng sản người Nga. Độc giả Việt Nam chắc không cần nhiều giới thiệu dài dòng về nhân vật này.
Cái nhìn chính thống và truyền thống dựa trên tuyên truyền nhà nước về Lenin tại Việt Nam bấy lâu nay có lẽ vẫn là cái nhìn về ông như là một nhà cách mạng vĩ đại, người đã cùng các đồng chí cộng sản trung kiên của mình đoàn kết nhân dân Nga một lòng đấu tranh và tiến hành thành công cuộc cách mạng tháng Mười năm 1917 – cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử loài người – lật đổ chính quyền Sa hoàng thối nát, và giải phóng hơn 180 triệu người dân Nga.
Trái lại, từ phía những người căm ghét Xô Viết Nga và chủ nghĩa cộng sản, chúng ta dễ bắt gặp một cái nhìn miệt thị về Lenin và cách mạng tháng Mười, xem nó như một cuộc bạo động vũ trang của những kẻ ít học quá khích và sắt máu, nhiều thù hận giai cấp hơn là tư duy cách mạng.
Những góc nhìn mang màu sắc sùng bái cá nhân, hoặc có phần định kiến như thế ít khi được chấp nhận dễ dàng bởi giới học thuật sử học và triết học chính trị theo khuynh hướng tự do, ngay cả với những học giả cánh tả vốn thường ủng hộ chủ nghĩa Marx và có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản ở nhiều mức độ khác nhau.
Slavoj Žižek, học giả phân tâm học và nhà triết học theo chủ nghĩa Marx người Slovenia, có vẻ là một người đánh giá cao tư duy cách mạng của Lenin nhưng với quan điểm có phần hoài nghi, “xét lại”, ít sùng bài hơn, như ông thể hiện trong phần lời tựa và lời bạt của tác phẩm “Cách Mạng Sát Cổng: Žižek bàn về Lenin và những trước tác năm 1917 của Lenin” (Revolution at the Gates: Žižek on Lenin, the 1917 Writings).
Sinh năm 1949, thành danh những năm 1980 trong vai trò một trí thức “nổi loạn” chống lại chính quyền chuyên chế Tito của nước Nam Tư cũ, và tham gia các phong trào xã hội dân sự ủng hộ dân chủ hóa tại Slovenia thời kỳ hậu độc tài, Žižek gần đây được biết đến như là một trong những người viết năng động nhất thuộc cánh tả. Ông hay góp mặt vào các cuộc tranh luận nóng bỏng, hợp thời trên báo chí và truyền thông đại chúng hiện đại cùng những luận điểm, trên nền tảng triết học Marx và phân tâm học, phê phán chủ nghĩa tân tự do cánh hữu, chủ nghĩa bảo thủ, và bá quyền ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản.
Trong phần lời tựa của tác phẩm “Cách Mạng Sát Cổng: Žižek bàn về Lenin và những trước tác năm 1917 của Lenin”, chúng ta được Žižek trình bày một bản tóm lược một cách hào hứng những diễn biến thời cuộc và biến chuyển tư tưởng tương ứng của Lenin vào khoảng thời gian “đêm giữa những cuộc cách mạng” – 8 tháng từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai đến cuộc cách mạng vô sản tháng Mười năm 1917 tại Nga.
Việc xem xét những suy tư và tranh luận của Lenin về thời điểm và phương thức thực hiện cách mạng có thể mang lại một vài soi chiếu vào tư duy của những người cộng sản về đấu tranh cách mạng và sự thay đổi (hay duy trì) thể chế.
Những soi chiếu này sẽ có ít nhiều hữu ích cho ngay cả những người đọc không mến chuộng gì chủ nghĩa cộng sản, hay những người đọc căm ghét bạo lực chính trị. Người ta thường dễ lo ngại rằng lịch sử sẽ lập lại, và hay kiêng dè việc bắn súng lục vào lịch sử, hơn là lo lắng rằng họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về lịch sử nhất có thể.
—
Trích đoạn “Cách Mạng Sát Cổng: Žižek bàn về Lenin và những trước tác năm 1917 của Lenin”
(Revolution at the Gates: Žižek on Lenin, the 1917 Writings) – Slavoj Žižek
(Nhà xuất bản Verso London 2011) (Các cách hàng và chia dòng do người dịch)
“…Năm 1917, thay vì chờ đến khi thời gian chín muồi, Lenin tổ chức việc đánh phủ đầu; vào năm 1920, khi đã là lãnh đạo một đảng của giai cấp lao động mà không hề có giai cấp lao động (phần lớn người trong giai cấp này đã mất mạng trong cuộc nội chiến), Lenin tổ chức nhà nước mới, chấp nhận hoàn toàn cái nghịch lý của một đảng phái phải tổ chức – thậm chí tái tạo – cơ sở của nó, giai cấp lao động của riêng nó.
Không ở đâu khác sự vĩ đại [của Lenin] thể hiện rõ hơn trong các trước tác của Lenin trong khoảng thời gian từ tháng Hai năm 1917, khi cuộc cách mạng đầu tiên lật đổ chế độ Sa hoàng và lập nên một thể chế dân chủ tại Nga, đến cuộc cách mạng thứ hai vào tháng Mười cùng năm.
Tác phẩm đầu tiên trong tuyền tập này (“Những lá thư từ phương xa” – Letters from Afar) cho thấy cách mà Lenin đã ban đầu nắm bắt được thời cơ có một không hai của cách mạng. Trong khi đó, tác phẩm cuối cùng trong tuyền tập này, (các biên bản từ “Buổi mít-ting của Xô Viết Công Nhân thành phố và Đại Biểu Quân Đội Petrograd”) tuyên bố ý định giành chính quyền của phe Bolshevik. Mọi thứ đều có trong các tác phẩm này, từ “Lenin nhà chiến lược cách mạng đại tài” cho đến “Lenin của xã hội không tưởng mới dựng” (vì vừa mới bãi bỏ hoàn toàn bộ máy nhà nước).
Ở đây chúng ta lại nhớ lời [nhà triết học] Kierkgaard: những gì chúng ta có thể lĩnh hội được từ những trước tác này là Lenin-đang-trở -thành-Lenin: chưa hẳn là “Lenin của các định chế Xô Viết”, nhưng là Lenin trong một hoàn cảnh vô định bất toàn. Chúng ta, trong cái thời đại kết thúc của chủ nghĩa tư bản với “sự cáo chung của lịch sử”, có thể trải nghiệm được cái ảnh hưởng choáng váng của một thời khắc lịch sử bất định chân thực như thế?
Vào tháng Hai năm 1917, Lenin chỉ là một người di cư chính trị vô danh, một mình tại Zurich mà không hề có một mối liên lạc đáng tin cậy nào từ Nga. Ông chủ yếu nắm thông tin về các sự kiện từ báo chí Thụy Sĩ; vào tháng Mười năm 1917, ông lãnh đạo cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công đầu tiên trong lịch sử – vậy chuyện những gì đã diễn ra giữa hai mốc thời gian đó?
Vào tháng Hai năm 1917, Lenin lập tức nhận ra cơ hội cho cách mạng vốn là kết quả của một loạt những hoàn cảnh ngẫu nhiên một cách lạ lùng – nếu không nắm bắt được thời cơ, cơ hội cho cách mạng sẽ bị bỏ lỡ mà có lẽ không có lần thứ hai trong ít nhất là vài thập niên.
Trong sự khăng khăng một cách cứng cổ của Lenin rằng phe Bolshevik phải chấp nhận rủi ro và tiến tiếp bước tiếp theo – đó là, thực hiện một cuộc cách mạng khác – Lenin đã luôn cô đơn, bị dè bỉu bởi số đông các thành viên trong Ban Chấp Hành của chính đảng Cộng sản của ông. Các tác phẩm trong tuyển tập này cố gắng cho người đọc được nhìn lướt qua công việc cách mạng dai dẳng, kiên nhẫn và thường là nhiều bực dọc trong quá trình Lenin áp đặt viễn kiến của mình.
Vai trò can thiệp của cá nhân Lenin là rất cần thiết, nhưng chúng ta không nên thay đổi câu chuyện về cuộc cách mạng tháng Mười thành một câu chuyện về một đấng thiên tài cô đơn phải đối mặt với một đám đông đang mất phương hướng để có thể từ từ áp đặt viễn kiến của thiên tài đó.
Lenin thành công được vì sự hấp dẫn của cá nhân ông, phớt lờ chính hệ thống cán bộ (nomenklatura) của đảng Cộng sản, đã tìm được tiếng vọng từ một thứ mà tôi rất muốn gọi là cách mạng vi chính trị(revolutionary micropolitics): sự bùng nổ kinh ngạc của hoạt động chính trị quần chúng cấp cơ sở, địa phương (grassroot democracy) với các hội đồng địa phương mọc lên trên khắp các thành phố lớn tại Nga. Những hội đồng này vừa phớt lờ quyền lực của chính quyền “danh chính ngôn thuận” (chính quyền dân chủ Nga thành lập ngay sau khi lật đổ Sa hoàng đến cách mạng tháng Mười – ND), vừa nắm quyền tự quyết nhiều vấn đề.
Đây chính là câu chuyện chưa được kể về cuộc cách mạng tháng Mười, mặt bên kia của đồng tiền, đối nghịch với cái hình ảnh huyền thoại về một nhóm nhỏ những nhà cách mạng nhiệt thành và tàn nhẫn cùng nhau thực hiện thành công một cuộc lật đổ chính quyền.
Thứ đầu tiên gây ấn tượng với người đọc hiện đại chính là các trước tác từ năm 1917 của Lenin rất dễ đọc, một cách trực diện. Không cần các ghi chép chú thích dài dòng – ngay cả khi nhắc đến những tên người nghe lạ lẫm với chúng ta, chúng ta vẫn có thể hiểu ngay lập tức những gì đang là cấp bách lúc đó.
Nhìn qua cái nhìn xa xăm từ hiện tại, các tác phẩm của Lenin thể hiện một sự rõ ràng tới mức gần như kinh điển trong việc vạch ra sự thể của cuộc tranh đấu khi ấy: vào mùa xuân năm 1917, sau cuộc cách mạng tháng Hai lật đổ chế độ Sa hoàng, nước Nga là đất nước dân chủ nhất tại Châu Âu, với một mức vận động quần chúng chưa từng có tiền lệ, và sự hiện diện của quyền tự do hiệp hội và quyền tự do ngôn luận – tuy nhiên, sự tự do này khiến cho tình hình trở nên không rõ ràng, hoàn toàn nhập nhằng.
Nếu có một sợi dây xuyên suốt các trước tác của Lenin viết giữa hai cuộc cách mạng thì nó chính là sự khẳng định của ông ta về khoảng trống chia cắt, giữa một bên là sự thể hình thức của cuộc đấu tranh chính trị giữa rất nhiều các đảng phái và các chủ thể chính trị khác nhau, và bên kia chính là những mục tiêu thay đổi xã hội của cách mạng (hòa bình ngay tức thì, phân chia đất đai, và, dĩ nhiên, vì “tất cả quyền lực phải thuộc về các hội đồng nhân dân (các Xô Viết)”, chính là sự triệt phá hệ thống nhà nước đang có và sự thay thế nó bằng các hình thức quản lý xã hội theo kiểu công xã (commune)).
Chính khoảng trống này – tương tự với cái khoảng trống giữa các năm 1789 và 1793 của cuộc cách mạng Pháp – là khoảng không gian lý tưởng cho cuộc cách mạng độc nhất vô nhị của Lenin: bài học căn cơ của của chủ nghĩa duy vật biện chứng cách mạng (revolutionary materialism) chính là cách mạng phải thực hiện hai lần, và có những lý do quan trọng cho việc đó.
Khoảng trống ấy không chỉ là khoảng trống của giữa hình thái và nội dung: “cuộc cách mạng đầu tiên” (cách mạng tháng Hai – ND) đã không hoàn thành, không chỉ về nội dung mà còn cả về hình thái. Nó vẫn bị kẹt trong cái hình thái cũ với cái tư duy rằng tự do và công lý chỉ có thể đạt được nếu chúng ta đơn giản là tận dụng bộ máy nhà nước đang có và các cơ chế dân chủ của nó.
Chuyện gì xảy ra nếu một chính đảng “tốt” chiến thắng một cuộc tổng bầu cử tự do và bằng một cách hợp pháp đưa các cải cách xã hội chủ nghĩa vào thực tế? (Sự thể hiện rõ ràng nhất của cái ảo ảnh gần như tới mức ngớ ngẩn này chính là luận đề những năm 1920 của Karl Kautsky* rằng là hình thái chính trị logic nhất cho giai đoạn đầu của xã hội chủ nghĩa, trong bước quá độ từ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội, là hình thái liên minh qua quốc hội giữa các đảng tiểu tư sản (bourgeois) và các đảng vô sản (proletarian)).
Ở đây chúng ta thấy một sự tái hiện song song với thời sơ hiện đại trong lịch sử, khi luồng tư tưởng phản đối bá quyền ý thức hệ nhà thờ ban đầu minh định bản thân nó thông qua hình thức của một ý thức hệ tôn giáo khác, như là một dị giáo: theo cùng chiều hướng, những người tham gia “cuộc cách mạng đầu tiên” muốn lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa tư bản bằng chính hình thái chính trị dân chủ tư bản.
Đây chính là khái niệm “phủ định của phủ định” của Hegel: ban đầu trật tự cũ bị phủ định bên trong chính hình thái ý thức hệ chính trị của nó; xong rồi chính hình thái đó phải bị phủ định.
Những kẻ lưỡng lự, những kẻ sợ hãi việc thực hiện bước tiếp theo là vượt qua hình thái đó, chính là những kẻ (mượn lời Robespierre) muốn “một cuộc cách mạng không có cách mạng” – và Lenin thể hiện tất cả sức mạnh trong công tác “hoài nghi giải thích học” (hermeneutics of suspicion) của ông bằng việc vạch ra những hình thức khác nhau của sự thoái lui này.
Trong các tác phẩm năm 1917 của ông, Lenin giành sự giễu cợt sâu cay nhất cho những ai đắm mình vào cuộc tìm kiếm vô định của một hình thức “bảo đảm” nào đó cho cách mạng; cái đảm bảo này thường mang hai hình thức: hoặc là cái ý niệm được cụ thể hóa là Cấp Thiết Xã Hội (Social Necessity) (không nên rủi ro làm cách mạng quá sớm; phải đợi thời cơ thích hợp, khi thời gian đã chín muồi theo các quy luật tiến triển của lịch sử: “Quá sớm để làm cách mạng xã hội chủ nghĩa vì giai cấp lao động chưa trưởng thành (mature)”) hay là cái ý niệm về sự chính đáng mang tính chuẩn tắc (“dân chủ”) (“Số đông quần chúng chưa về phe chúng ta, vì thế cách mạng bây giờ sẽ không dân chủ”), theo cách Lenin đã thường tranh luận, cứ như thể là trước khi tác nhân cách mạng liều mình giành chính quyền, nó nên phải xin phép một hình thức Đại Thể Nào Đó (big Other) (tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để đảm bảo rằng đa số quần chúng ủng hộ cách mạng).
Với Lenin, cũng như với Lacan**, điều cốt yếu là chỉ có cách mạng ne s’autorise que d’elle-mêtre (mới có thể cho phép chính nó): chúng ta nên mạo hiểm thực hiện hành động cách mạng mà không cần được che chở bởi một Đại Thể Nào Đó – nỗi sợ hãi việc giành quyền lực “quá sớm”, sự tìm kiếm bảo đảm, chính là nỗi sợ hãi vực thẳm của hành động.
Đó chính là chiều kích sau cùng của cái mà Lenin đã không ngừng nghỉ lên án là “chủ nghĩa cơ hội” (opportunism), và ý chính của Lenin là “chủ nghĩa cơ hội” tự thân nó là một quan điểm sai lầm, che dấu nỗi sợ hãi việc thực hiện hành động bằng một màn bảo vệ của sự thật “khách quan”, của các quy luật hay của các chuẩn mực.
Chính vì thế nên bước đầu tiên để chống lại chủ nghĩa này [theo Lenin viết] chính là công bố nó ra rõ ràng: “Vậy thì cần làm gì? Chúng ta phải aussprechen was ist (tuyên bố ra bản chất), ‘nói ra sự thật’, chấp nhận sự thật rằng có một khuynh hướng, hay là một ý kiến, bên trong Ban Chấp Hành của chúng ta…”
Câu trả lời của Lenin không phải là một sự viện dẫn tới một nhóm các “sự thật khách quan” khác, mà chính là sự lập lại luận điểm mà Rosa Luxemburg*** đã đưa ra để chống lại Kautsky một thập niên trước đó: những kẻ ngồi chờ điều kiện khách quan cho cách mạng tới sẽ ngồi chờ mãi mãi – một quan điểm [thiên về chờ đợi] như thế này của một người quan sát khách quan (thay vì là của một tác nhân có tham gia vào vụ việc) tự nó chính là rào cản lớn nhất chống lại cách mạng.
Luận điểm phản bác của Lenin dùng chống lại những phê bình về việc thực hiện bước cách mạng thứ hai từ những nhà phê bình theo tư tưởng hình thức dân chủ chính làphương án “thuần dân chủ” là một phương án không tưởng (utopian): trong các hoàn cảnh cụ thể của nước Nga, một chính thể nhà nước tiểu tư sản-dân chủ không có cơ hội tồn tại – cách “thiết thực” duy nhất để bảo vệ những thành quả của cuộc cách mạng tháng Hai (tự do hiệp hội, tự do ngôn luận, v.v.) chính là thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa, nếu không phe Sa hoàng phản cách mạng sẽ thắng…”
*Triết gia Mác-xít, người kiên quyết phê bình sự thái quá của hình thái nhà nước Xô Viết.
**Jacques Lacan, nhà phân tâm học người Pháp.
*** Triết gia Mác-xít người Đức có quan điểm phê phán cả tư tưởng của Lenin và tư tưởng của những nhà lý thuyết ôn hòa hơn của phe xã hội chủ nghĩa.
Tìm đọc thêm:
- Sách “Cách Mạng Sát Cổng: Žižek bàn về Lenin và những trước tác năm 1917 của Lenin” (Revolution at the Gates: Žižek on Lenin, the 1917 Writings) – Slavoj Žižek trên Amazon
- Các sách của Slavoj Žižek trên Amazon
- Các sách về Lenin trên Amazon
- Karl Marx trên Bách Khoa Toàn Thư Triết Học Đại Học Stanford
- Giáo sư Nguyễn Đình Cống bàn về Cách mạng tháng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét