Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

Sao lại bảo đừng dạy cái cao siêu?

Sao lại bảo đừng dạy cái cao siêu?

bauxitevnMon 8:18 AM

Chu Mộng Long
clip_image001
Tôi đánh giá cao những điều các em học sinh chỉ trích về dạy học văn, trong đó có rất nhiều điều đáng làm cho các nhà giáo dạy văn phải động não. Bệnh gia trưởng, giáo điều, xa thực tiễn đến mức 12 năm với tri thức văn khổng lồ mà không viết nổi một lá đơn, tả đúng một con mèo.
Nhưng cái điều các em kêu ca, đúng ra là mong muốn, rằng quý thầy đừng dạy cho chúng em “những điều cao siêu nữa” là nói dỗi kiểu trẻ con, nếu không nói là lười biếng.
Các em học 12 năm mà không viết nổi một lá đơn, một bản kiểm điểm (như Trịnh Xuân Thanh, hay “em” BS Hoàng Công Truyện chẳng hạn), hay tả nổi một con mèo là bởi nhiều lý do. Tôi không chê sách giáo khoa hiện hành với những nỗ lực cải cách rất tiến bộ. Nhưng các nhà soạn sách không thấy được các em bị quẫn trí trong mớ tri thức bị nhồi sọ quá mức, trong khi phần thực hành thì lại bị tiếp tục nhồi sọ trong vô số bài văn mẫu. Phàm cái gì người khác làm thay thì muôn đời không phải của mình. Trả bài xong rồi quên ngay. Không chỉ các em, mà đến các chính khách, khi thoát khỏi văn mẫu do người khác viết sẵn cũng không thể diễn đạt nổi điều mình muốn nói, dẫn đến nói ẩu, nói sai, nói càn.
Bây giờ thì không chỉ các em. Do nhận thức môn văn, và không chỉ môn văn, các môn khoa học cơ bản cũng vậy, không có tác dụng thực tế mà người ta đang chủ trương cực đoan, chuyển tất cả lý thuyết sang ứng dụng hết. Luật Giáo dục, Luật Đại học nhấn mạnh vào ứng dụng để đẻ ra chương trình ứng dụng, đại học ứng dụng. Hậu quả, toàn bộ lý thuyết bị cắt trụi lủi.
Không hiểu ứng dụng mà phi lý thuyết, phi khoa học cơ bản thì ứng dụng kiểu gì? Theo chủ nghĩa kinh nghiệm của anh nông dân cầm tay dạy đứa con cầm cày à?
Học đâu chỉ để ứng dụng để làm ra của cải. Quan trọng của học là để làm người, để rèn luyện trí tuệ, để sáng tạo… chứ đâu chỉ để làm cái máy sản xuất. Mà để có cái máy sản xuất phải sáng tạo đã chứ. Sáng tạo bắt đầu từ tư duy. Nhờ tư duy, con người thoát khỏi vai trò công cụ.
Toán học có vô số bài toán chẳng ứng dụng gì vào đời sống, nhưng nó rèn luyện tư duy. Văn cũng vậy. Nó vừa rèn luyện tư duy vừa đánh thức lương tri, nhân phẩm.
Không cần cao siêu ư? Vậy thì nó phải dễ dãi, dễ dãi đến nhàm chán. Như sách giáo khoa lớp 7 hỏi: “Bài thơ Đêm nay Bác không ngủ kể về chuyện gì?”. Như sách giáo khoa lớp 10 hỏi: “Văn bản Nhà sàn thuyết minh đối tượng nào?”. Hỏi như hỏi “Năm điều Bác Hồ dạy có mấy điều” vậy!
Học cái cao siêu khác với học cái phức tạp trong nghĩa người ta đòi hỏi phức tạp hóa cái đơn giản. Thường những dạng câu hỏi đơn giản trên lại đòi hỏi trả lời theo tưởng tượng rối rắm, vô căn cứ. Chẳng hạn phải kể lể từ “Bác Hồ vị cha già kính yêu của chúng ta” sinh ngày tháng năm nào, làm gì, công trạng gì, miêu tả cho đến cuộc kháng chiến gian khổ và cái đêm Bác không ngủ mà ông nhà thơ đã tưởng tượng trong bài thơ. Hay trước khi nói đối tượng là nhà sàn, người ta hướng dẫn các em phải quanh co về Tây Nguyên, văn hóa dân tộc thiểu số đến cái nhà sàn. Đó là căn bệnh mà đến khi làm chính khách, đại biểu Quốc hội chất vấn một đằng nói vòng vo một nẻo, chẳng theo logic hội thoại nào cả.
Nếu không phải dạng câu hỏi đọc hiểu văn bản như vậy thì cũng những câu hỏi chưa thoát khỏi vấn đề yêu, căm, chiến, lạc đến sáo mòn một thời. Đa số là câu hỏi áp đặt một cách hiểu, một cách diễn giải. Thỉnh thoảng xuất hiện những câu hỏi khó thì… rất hại não, trong khi người học cần động não, cần kích thích sự tìm tòi sáng tạo hay đánh thức lương tri. Khốn khổ nhất là các đề thi, kiểm tra, gọi là mở nhưng đáp án áp đặt các ý nhỏ đến 0,25 điểm, bịt kín mọi lối thoát của tư duy sáng tạo.
Tri thức như cái tháp nhiều tầng, đi từ nền thấp đến tầng cao, trong khi giáo dục Việt Nam thích đại nhảy vọt mà nhảy không cần chân, nhảy vô định hướng mà tưởng là cao siêu. Hậu quả, một giảng viên đại học có trình độ bình văn không hơn một người không cần học văn. Cứ giỏi tán như tán gái là thành nhà bình văn.
Người Việt tư duy dễ dãi, hời hợt, càng phải rèn luyện tư duy cao siêu. Giáo dục thời Pháp, thời Việt Nam cộng hòa, thậm chí thời phong kiến, người ta học văn gắn liền với triết học đấy. Cho nên ở thế hệ đó, người ta nghĩ gì cũng nghĩ thật thấu đáo và viết văn có chiều sâu chứ không hời hợt bạ đâu nói đó.
Ở phương Tây, người ta dạy tư duy triết học cho cả trẻ em. Truyền thống này có từ Socrates thời cổ đại. Những câu hỏi đặt ra luôn đẩy đến chiều sâu triết học. Chẳng hạn, các em nhìn thấy hoa màu gì? Các em trả lời: màu hồng. Hiển nhiên là đúng rồi. Nhưng không dừng lại ở đó. Cái tưởng đúng rồi đó bị chất vấn tiếp. Có phải màu hồng đó có thật hay không, hay chỉ là do con mắt ta nhìn thấy? Câu hỏi đó có thể thời điểm đó, cả thầy và trò đều không trả lời được, nhưng nó sẽ ám ảnh, thôi thúc cả đời, thôi thúc bao nhiêu thế hệ để tìm lời giải đáp. Nhờ những câu hỏi như thế mà có thuyết Trái đất hình cầu, thuyết Nhật tâm, thuyết phi Euclid, Quang phổ, Lượng tử…
Văn học là nhân học (Gorki). Đừng nghĩ đơn giản lời nói, hành động con người là đúng như bản chất của nó. Cái nghĩa nhân học ấy đòi chúng ta phải phản tư về sự tồn tại của chính mình thông qua những bí ẩn mà chỉ có sự nhạy cảm của nhà văn mới có thể phát hiện được. Văn học đánh thức mọi tiềm năng bí ẩn trong chúng ta để chúng ta hiểu chính chúng ta và đồng loại của mình mà không bị mắc lừa, không bị trượt vào những giáo điều. Nó phải thật sự cao siêu mới có những kiệt tác của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Banzac, Hugo, Tolstoy, Dostoievski, Lỗ Tấn…
“Cao siêu” không có nghĩa là xa rời thực tế mà đạt đến chiều sâu của thực tế, cái thực tế vượt khỏi giới hạn tri giác thông thường. Nó có giá trị khai phóng đến tận chân trời của nhận thức. Tôi nghĩ cái cao siêu mới hấp dẫn, trừ những bộ óc lười suy nghĩ. Có một sếp dạy ngữ văn khuyên tôi hãy dạy và hướng dẫn cái đơn giản cho sinh viên, học viên học và làm luận văn. Hiển nhiên, đã dạy học là đơn giản hóa cái phức tạp, đó là nghệ thuật sư phạm. Nhưng cái đơn giản ấy người ta lại quy về sự sao chép máy móc những điều mà người khác đã làm. Ôi đó là cái đơn giản của một hệ thống giáo dục biến con người thành công cụ mà người ta nhầm tưởng đó là học thuật!
C.M.L.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét