Vì sao cặp đôi sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành vẫn mắc nghẹn?
bauxitevn8:34 AM
Thiền Lâm
Ý đồ thực hiện “cặp đôi hoàn hảo” của hai nhóm lợi ích ODA và giao thông dành cho hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành ngày càng phải đối mặt với nguy cơ phá sản thấy rõ.
Đã 4 tháng lặng trôi kể từ kỳ họp tháng 5 – 6 năm 2017 của Quốc hội Việt Nam, nhưng cho tới giờ tình trạng “cặp đôi hoàn hảo” trên vẫn hầu như chưa được cải thiện. Khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục tắc nghẽn và bản thân sân bay này chưa nhận được thêm một mét vuông “bồi thường” nào từ sân golf Tân Sơn Nhất chiếm dụng đến 157 ha, trong khi dự án sân bay Long Thành vẫn giậm chân tại chỗ vì không biết tìm đâu ra 18 ngàn tỷ đồng để bồi thường và tái định cư cho cư dân quanh khu vực này.
Quốc hội Việt Nam lại đang bước vào kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2017. Nhưng khác với kỳ họp trước, đã chẳng có một phong trào PR nào cho cơ chế “Quốc hội phải có trách nhiệm tìm nguồn tài chính dùng cho bồi thường dự án sân bay Long Thành”. Từ tháng Sáu đến giờ, con số 18 ngàn tỷ đồng không đào đâu ra vẫn còn nguyên, phía chính phủ chỉ hứa hẹn có 5 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ là có thể hỗ trợ được, trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – có lẽ quá ý thức về động cơ các nhóm lợi ích muốn cột trách nhiệm mình vào dự án sân bay Long Thành – đã không thèm đả động một tiếng nào về vụ 18 ngàn tỷ đồng trong nghị trình họp Quốc hội lần này.
Hiện tượng con số 18 ngàn tỷ đồng vẫn bất động mà không có thêm được ngàn tỷ nào đã bổ sung cho bức tranh cạn kiệt ngân sách ngày càng sinh động, ứng với lời “tiên tri” của một quan chức từ ngay cuối năm 2015 “bây giờ tìm một ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển đã là khó”.
2017 lại là năm mà giới chuyên gia kinh tế và tài chính nhà nước phải than vãn “cực kỳ khó khăn”. Là năm mà lần đầu tiên, đảng cầm quyền phải cho vào nghị trình hội nghị Trung ương 6 một bài toán quá khó nhằn là làm sao từ năm 2017 đến năm 2021 phải tinh giảm được 10% trong tổng số 2,5 triệu công chức viên chức, để tính ra có thể “thu hồi” cho ngân sách được khoảng 20 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Ảnh: báo Đất Việt
Trong khi đó, các nguồn vốn vay ODA ưu đãi hầu như đã đóng cửa với Việt Nam. Với các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng phát triển Á châu, từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ phải vay vốn ODA của quốc tế với mặt bằng lãi suất tăng gấp ba lần trong lúc thời gian ân hạn giảm đi một nửa.
Trong tình thế quá khốn khó, Chính phủ lại không dám bảo lãnh cho vay. Nếu những năm trước số bảo lãnh cho vay lên đến 4-5 tỷ USD, thì năm 2017 chỉ còn khoảng 700 triệu USD. Với dự toán “vẽ” của sân bay Long Thành lên đến hơn 18 tỷ USD, cho dù chính phủ có bảo lãnh vay thì “quota” 700 triệu USD cũng chẳng làm được trò trống gì.
Chiến dịch “dời Tân Sơn Nhất về Long Thành” của các nhóm lợi ích cũng bởi thế càng thêm đổ bể. Trước đây vào thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ý đồ này đã được hoạch định theo chiêu thức vay nguồn ODA ưu đãi để xây dựng sân bay Long Thành, đồng thời “đánh lên” bất động sản quanh khu vực này để giới quan chức dễ dàng “thoát hàng”. Một khi đã chuyển được ga hàng không chính về Long Thành, toàn bộ 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có thể rơi vào tay nhóm đặc quyền đặc lợi.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Từ năm 2016 đến nay, trong khi nguồn ODA từ quốc tế bị siết lại thì khu vực sân bay Tân Sơn Nhất lại “đổ đốn’ đến mức kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, khiến phát sinh làn sóng bức xúc trong kỳ họp quốc hội tháng 5- 6 năm 2017 đòi sân golf Tân Sơn Nhất phải trả lại 157 ha cho sân bay cùng tên.
Tuy thế, cho tới nay vẫn chẳng có một mét vuông nào được giới chủ sân golf Tân Sơn Nhất chuyển trả cho sân bay cùng tên.
Lý do là… 3 ngàn tỷ đồng.
3 ngàn tỷ đồng là con số mà giới chủ đầu tư sân golf Tân Sơn Nhất công bố và “ra giá” theo cách “muốn lấy lại 157 ha đất sân golf Tân Sơn Nhất thì phải bồi thường 3 ngàn tỷ đồng”. Sau đó, cả giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng từ Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đến Thứ trưởng Trần Đơn, cùng những nhân vật bị cho là “có cổ phần” trong sân golf Tân Sơn Nhất, trong các chuyến thị sát sân bay TSN và trong các cuộc làm việc với chính phủ và chính quyền TP.HCM, đã gián tiếp xác nhận và ủng hộ ý tưởng “bồi thường” vô lối đó.
Rốt cuộc, sân golf Tân Sơn Nhất đã bị biến thành “kẻ tống tiền”, còn ngân sách quốc gia và tiền thuế của dân tạo ra ngân sách lại bị biến thành một thứ “con tin”.
Tình thế cấp bách đang đặt ra hai khả năng: ngân sách quốc gia có phải bồi thường hay là không.
Về mặt pháp luật, cần nhắc lại một kết luận của Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên: hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Theo đó, có thể cho rằng phát ngôn của Thứ trưởng Đơn đã vô trách nhiệm và sai luật. Hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Nhưng nếu chính phủ vẫn “quyết liệt” trích ngân sách ra để bồi thường cho nhóm lợi ích sân golf mà không thèm hỏi ý kiến dân, quan chức nào sẽ phải chịu trách nhiệm về 3.000 tỷ đồng bồi thường trái pháp luật ấy?
Có lẽ bởi lý do quá nguy hiểm trên, cho tới giờ vẫn không một nhân vật nào của chính phủ và bộ ngành dám đứng ra “nhận trách nhiệm” để quyết định có bồi thường hay không, khiến tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục tắc nghẽn – hoàn toàn đồng cảm với sân bay Long Thành vẫn tiếp tục mắc nghẹn cả vốn liếng lẫn khối bất động sản khổng lồ nằm chết gí của giới quan chức.
T.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét