Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Thực chất sự có mặt của Medvedev tại Hà Nội là gì

 

Thực chất sự có mặt của Medvedev tại Hà Nội là gì

Lưu Trọng Văn

Chuyến đi của ông Medvedev đến VN chỉ được báo chí VN thông tin sau khi ông Nguyễn Phú Trọng hội đàm với ông Medvedev.

Thông thường một cuộc thăm viếng quan trọng của nhân vật như Medvedev phải được truyền thông trước cùng chương trình hành động của ông ta. Rồi khi ông ta đến Hà Nội phải được đưa tin kèm hình ảnh cùng quan khách VN nào ra đón. Nhưng tất cả im lìm trước một sự việc có tính nhạy cảm chính trị cao này.

Ngay cả khi Tass cơ quan truyền thông chính thống của Nga đưa tin Medvedev vừa bay xuống Hà Nội vẫn không có báo Việt và phương Tây nào đưa tin.

Theo một nhà báo tại Anh thì “đọc tin của Nga về chuyến đi của Medvedev thì cũng lộ ra vài chi tiết thú vị như sau”:

“Theo Cục Hải quan Liên bang Nga, vào tháng 1 năm 2023, khối lượng thương mại song phương giữa hai nước lên tới 304,6 triệu USD, thấp hơn 44,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Nga sang Việt Nam là 45 triệu USD (trừ 71,8%), Nga nhập khẩu từ Việt Nam 259,6 triệu USD (trừ 33,6%). Do đó, “Medvedev dự kiến ​​sẽ đề cập đến các vấn đề sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương, khả năng thanh toán hàng hóa và dịch vụ, cũng như rút tiền mặt tại Việt Nam bằng thẻ Mir trong các cuộc đàm phán tại HN hôm nay. 

Dự kiến ​​sẽ đặc biệt chú ý đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các hoạt động của Gazprom PJSC, Zarubezhneft JSC, Novatek PJSC tại Việt Nam và việc xây dựng các cơ sở phát điện. Một nội dung riêng của cuộc hội đàm là các bước đi chung trong dự án xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.”

Thông tin này của Tass thật khập khiễng với thông tin chính thống của VN sau cuộc hội đàm của TBT Nguyễn Phú Trọng. Theo thông báo truyền thông chính thống của VN thì đây là cuộc gặp gỡ hội đàm giữa TBT Đảng CSVN và ông Medvedep trên cương vị Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất theo thoả thuận từ trước của hai đảng.

Nội dung mà hai lãnh đạo đảng trao đổi không hề đề cập đến những nội dung như Tass nêu. Mà, nếu có cuộc gặp của ông Medvedev với lãnh đạo Chính phủ VN về vấn đề kinh tế như Tass nêu thì cũng nực cười, vì ông Medvedev là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh của Nga, những đàm phán kinh tế hoàn toàn không phải việc của ông ta.

Vậy thì, sau cái tay bắt thân tình của thủ tướng Phạm Minh Chính với người anh hùng Ukraine Zelensky liền ngay là cái tay bắt cởi mở của TBT Nguyễn Phú Trọng với Medvedev, ông trùm hiếu chiến của Nga, kẻ luôn mạnh miệng nhất đe doạ bom hạt nhân và huỷ diệt Ukraine, thực chất là gì?

Trong thông tin của báo chí chính thống VN thông báo về cuộc hội đàm của ông Nguyễn Phú Trọng với ông Medvedev không một dòng đả động đến Ukraine và cuộc chiến Nga - Ukraine đang vào hồi quyết liệt sống còn đối với cả Nga và Ukraine.

Chắc chắn sự hiện diện hai ngày của Mededev ở Hà Nội sẽ được mổ xẻ trên bàn các nhà bình luận quốc tế đồng thời sẽ được các kênh chiến lược an ninh toàn cầu của các cường quốc soi xét.

Nhiều bạn thăm dò nhận định của gã, một kẻ ngoại đạo về chính trường quốc tế về sự kiện đầy tính nhậy cảm này.

Gã xin mạo muội bàn vài nhời như sau:

Nga đã cảm thấy không thể tin Tr.Q. và vai trò trung gian của Tr.Q. trong vấn đề Ukraine vì Tr.Q. thể hiện lợi dụng chiến tranh của Nga để mưu toan giành những địa bàn bị ảnh hưởng của Nga đồng thời Tr.Q. cũng không được Mỹ và EU tin cẩn. Nga tính đường dây khác. Đó là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính nói đến “VN sẵn sàng tham gia tác động đến tiến trình hoà bình ở Ukraine.” Và đó là lý do chính Medvedev con diều hâu phải xuất kích đến HN.

Tổng thống Zelensky cũng như các cường quốc G7 có khả năng cũng tiên đoán được tình huống này (như Tổng thống Trump đã hẹn gặp chủ tịch Triều Tiên Kim Dâng Un tại Hà Nội). 

Phải chăng vì vậy Tổng thống Zelensky vui vẻ bắt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp G7 lên án Nga xâm lược Ukraine?

Có một thực tế được chứng minh suốt chiều dài lịch sử 70 năm, Nga luôn tin VN hơn Tr.Q. 

Nếu nhận định của gã là đúng thì không khó giải thích lý do ông trùm an ninh Nga, cựu Tổng thống Nga, người thân tín trung thành nhất của Putin, xuất hiện tại Hà Nội ở thời điểm mang tính quyết định tổng tấn công toàn lực cả hai bên Nga - Ukraine hay xuống thang hoà đàm này.

Nếu vậy sau hội đàm công khai giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Medvedev sẽ là các cuộc họp kín mà chủ đề chính là cuộc hoà đàm tương lai giữa Nga và Ukraine để tháo ngòi nổ cuộc chiến đẫm máu này. 

Tất cả chứng tỏ Nga đang vào thế bí tìm mọi cách để thoát trong khả năng chấp nhận được.

Với tư cách công dân đất nước chịu quá nhiều mất mát chiến tranh, gã hy vọng đất nước mình đóng được một vai trò nào đó góp phần ngăn chặn những mất mát tang thương trên đất nước Ukraine hiền hoà tươi đẹp.

Lao Ta

VN không quan trọng đến thế đâu huynh ạ. Med sang để phản ứng lại vụ Tập chiêu mộ chư hầu Trung Á mà không hỏi Nga, ý rằng mày chơi sân sau tao, thì tao cũng chơi sát nách mày. Và có thể thêm mục tiêu: VN làm cầu nối để Nga nói chuyện với Mỹ, mặc dù khả năng này rất nhỏ.

Thang Le

Med là kẻ hiếu chiến ngáo quyền lực vì thế không thể phù hợp để sắp xếp bất cứ cuộc đàm phán nào. Mục đích chỉ là lôi kéo chư hầu thôi.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

Xem thêm cùng tác giả

Cái vươn người của Zelensky

Có thể là hình ảnh về 7 người và văn bản

Lật đật Dmitry

 

Lật đật Dmitry

Giang Công Thế

Báo chí đưa tin, Chủ tịch đảng Nước Nga Thống nhất Medvedev thăm Hà Nội, gặp TBT, Chủ tịch nước, Thủ tướng. Ông này hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cựu Thủ tướng (2012-2020), cựu Tổng thống (2008-2012), những chức danh ít được nói đến. Cây tre lả lướt khôn chán, đảng thăm nhau thì OK mà. 

Trong khi đó, Sputnik News chỉ nhắc đến chức danh PCT Hội đồng an ninh của ông Dmitry Medvedev và còn hé lộ tin Hà Nội đang tích cực chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Việt Nam.

Cuộc đời Elsin là những ngày bét nhè, kể cả đi gặp nguyên thủ quốc gia, gặp gỡ báo chí, nhiều lần ông lảo đảo suýt ngã. Nhưng ông làm được vài điều mà nhân loại nhớ mãi.

Ném thẻ đảng vào sọt rác, giải tán Liên Xô, đứng trước mũi xe tăng của quân đảo chính, hạ lệnh bắn đại bác vào nhà Quốc hội Nga. Trước khi về vườn, ông tiến cử Putin trước thềm thiên niên kỷ (2000).

Người Nga như thở phào vì có Tổng thống Putin 48 tuổi, trẻ trung, judo đai đen có thể tung đối thủ lên không, đi mô tô, lặn dưới nước rồi bay trên tiêm kích vào Chesnia. Hiếm có Tổng thống nào trên thế giới được như vậy.

Sự lựa chọn của nước Nga nghiện ngập nói lên rằng, triết lý của họ luôn nằm dưới đáy ly rượu. Đúng với nước Nga, đúng với vodka và những người uống nó.

Sau 8 năm cầm quyền (2000-2008), dường như người Nga luyến tiếc Putin lúc đó mới 56 tuổi, tràn đầy sinh lực, mà Hiến pháp không cấm ông vào chức… Thủ tướng.

Thế là búp bê matryoska được đưa vào chính trường. 

Matryoska là những búp bê rỗng ruột có thể lồng vào nhau, khi xếp lại chỉ thấy con to nhất, mở ra thấy con nhỏ hơn, có khi chứa hàng chục búp bê trong đó.

Putin tìm ra Medvedev để khỏa lấp cho khoảng lặng 4 năm. Sau Elsin là Putin, sau Putin là Medvedev và sau Medvedev lại là Putin 60 tuổi, đủ sức giữ chức hai nhiệm kỳ tiếp theo và suốt đời.

Xưa kia, chuyển giao thế hệ thường là từ lãnh đạo già sang người… cao tuổi. Ít nhất, Medvedev và Putin cho thấy nước Nga có những lãnh đạo không còn ốm yếu, già nua như Elsin, Brezhnev, Stalin và Lenin.

Tiếc thay, cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin và đứng sau là Medvedev luôn mồm dọa hạt nhân đã làm hai ông này biến thành… lật đật.

Lần này không hiểu ông Medvedev sang VN làm gì. Nghe nói ký kết hợp tác kinh tế gì đó.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Việt Nam đầu tư sang Nga 5 dự án với tổng mức đầu tư là 528 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp và chế biến, chế tạo.

Năm 2023, Nga dành 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Hiện có khoảng 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Nga.

Trong khi đó, năm 2023 kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt Mỹ có những con số ấn tượng. Thương mại song phương từ con số 0 (2003) thì nay đạt 138 tỷ USD trong năm 2022. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam. Hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ, tạo thành nhóm sinh viên nước ngoài lớn thứ năm tại xứ cờ hoa.

Song phương Nga - Việt là 1,5 tỷ, Mỹ - Việt là 138 tỷ, Trung - Việt cũng cỡ đó. Nhìn vào đó mà nói ông Medvedev sang HN bàn về thương mại là hơi… lạ.

Tổng thống Putin biết ảo thuật như matryoska, khi cần làm tạm Thủ tướng đợi thời, đổi cả Hiến pháp để nắm quyền trọn đời, có lẽ vì thế mà nước Nga giờ đây thành… lật đật.

G.C.T.

Nguồn: FB Giang Công Thế

“Năng lượng tái tạo” và Tái tạo năng lượng cho đất nước

 

“Năng lượng tái tạo” và Tái tạo năng lượng cho đất nước

Huy Đức

22-5-2023

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao sở Công thương chủ trì việc xử lý ba doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn vì đã “đầu tư xây dựng nhà xưởng, cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư và khai thác điện mặt trời”. Hướng xử lý mà Ban quản lý KCN đề nghị đang là “rút giấy phép và buộc tháo gỡ hệ thống điện mặt trời” có già trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Hệ thống điện trên mái nhà này “đã được thẩm tra kết cấu và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy” và “Số điện sản xuất được, doanh nghiệp đang sử dụng sản xuất gạch và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng”; Nhưng, “Chưa được cấp phép xây dựng và điểu chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái cho ngành nghề đầu tư”.

34 dự án năng lượng tái tạo khác ở khu vực miền Trung với tổng mức đầu tư lên tới 85 nghìn tỷ đồng cũng đang phải đắp chiếu vài năm dù cả nước thiếu điện và giá than tăng gấp đôi trong năm 2022.

34 dự án này nằm trong số “114 dự án do Bộ Công thương phê duyệt và 54 dự án riêng lẻ [Bộ] trình phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các UBND tỉnh”. Sai phạm của chúng là “không thực hiện đúng quy định về lập quy hoạch và không dựa vào quy hoạch.

Không chỉ phải “đắp chiếu”, lãng phí một nguồn lực rất lớn của xã hội, những “sai phạm” này còn đang đứng trước nguy cơ bị “chuyển sang cơ quan điều tra” dù hậu quả của nó chỉ là “dẫn đến khó khăn trong việc vận hành, có khả năng gây quá tải cục bộ”.

Không tranh cãi về các sai phạm, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo quốc gia thử xem xét, việc đắp chiếu 34 dự án năng lượng tái tạo [85 nghìn tỷ đồng], phá bỏ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của một khu công nghiệp Lộc Sơn [ở Lâm Đồng] chỉ vì chúng được lắp đặt khi chưa hoàn thành thủ tục, dù cái quan trọng nhất là “thẩm tra kết cấu và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy” đã hoàn thành, có thực sự là cần thiết.

Có quốc gia nào sẵn sàng lãng phí tài sản doanh nghiệp, nguồn vốn của xã hội chỉ vì chúng được đầu tư sai thủ tục hành chánh hoặc chưa hoàn thành các thủ tục hành chính [phần lớn không cần thiết và được ban hành một cách quan liêu].

Ban quản lý KCN Lộc Sơn tư duy trên nền tảng nào để thay vì khen thưởng, khuyến khích các doanh nghiệp [lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, sản xuất ra một lượng điện vừa đủ để doanh nghiệp sử dụng và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng”] lại yêu cầu rút giấy phép và xử lý.

Cho dù chưa hoàn thành thủ tục hành chánh, chính các doanh nghiệp đó đã góp phần làm cho Quy hoạch điện VIII mà Chính phủ vừa phê duyệt trở thành hiện thực [“Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà”].

Cũng không nên lấy việc “không dựa vào quy hoạch” của các dự án khác, sử dụng “tổng công suất điện mặt trời” đạt gấp 6 lần “mục tiêu Quy hoạch điện VII” để coi đó là sai phạm mà không đặt những con số ấy bên cạnh bài toán năng lượng của Việt Nam trong mấy năm qua [Theo EVN, trong giai đoạn 2019 – 2022, sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời tăng đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao, giúp EVN tiết kiệm khoảng 10.850 – 21.000 tỉ đồng].

Việc bảo vệ 3 dự án điện mặt trời trong KCN Lộc Sơn và việc nhanh chóng đưa 34 dự án năng lượng tái tạo vào vận hành không chỉ là quyết định đúng đắn của một quốc gia đang khó khăn, cần tiết kiệm từng xu; không chỉ là việc cấp bách để tránh tình trạng hàng trăm doanh nghiệp rơi vào phá sản; mà còn cần phải thay đổi cách sử dụng quyền lực công quá nặng nề mà nền kinh tế èo uột của ta đang chịu đựng.

Trước hết, cần thay đổi cách tiếp cận cứng nhắc của việc lập quy hoạch. Đừng tự vẽ vòng giam mình. Đừng giết chết năng lực sáng tạo của toàn xã hội, của nền kinh tế bằng cách buộc tất cả phải tuân thủ những thứ chủ yếu được vẽ ra trong các phòng máy lạnh.

Đầu thập niên 1990s, khi có nhà đầu tư muốn xây dựng “thành phố Nam Sài Gòn”, trong khi, Viện quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng TP đã vẽ quy hoạch Sài Gòn phát triển về hướng Đông [cho dù không rõ nguồn lực đến từ đâu]. Một cuộc tranh luận đã diễn ra rất gay gắt và rất lâu trong không chỉ nội bộ lãnh đạo TP HCM. Nhưng, các nhà đầu tư cứ khăng khăng, chỉ đầu tư ở phía Nam.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, 30 năm sau, không có hướng nào của Sài Gòn phát triển chuẩn mực như Phú Mỹ Hưng mà ta đang thấy.

Cũng giữa thập niên 1990s, một lần Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh xuống nhà máy Vissan, áp Tết người đông, xe còi hụ đã không thể mở đường cho ông đi. Tới nơi trễ hàng tiếng đồng hồ, Chủ tịch Nông Đức Mạnh thừa nhận rằng, việc Bộ chính trị phê duyệt dân số TP HCM đến năm 2000 ở mức 5 triệu dân là thiếu thực tế.

Thay vì đưa ra dự báo theo sát mức tăng trưởng dân số của các đô thị [cũng như dự báo sản lượng điện cần có] để đầu tư phát triển hạ tầng đón đầu, chúng ta đã chọn cách làm rất “sa-lông” là ấn định một con số duy ý chí. Cách quy hoạch “cứng” theo kiểu “vẽ cả ngày mai thành bức tranh” không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Cái gì con người vẽ ra thì con người cũng có thể vẽ lại.

Nếu lật lại từng bản quy hoạch tổng thể hoặc chi tiết của Hà Nội hay Sài Gòn, đối chiếu với những khu vực quy hoạch công viên cây xanh về sau bị đổi thành sân golf, thành khu dân cư… sẽ thấy, ai hưởng những khoản chênh lệch địa tô lên đến hàng tỷ đô là cho những thay đổi ấy.

Trừ những khu bảo tồn, những hành lang an toàn, những vùng đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực… cần khống chế xây dựng. Nhà nước nên đưa ra những nguyên tắc cứng còn việc xây dựng là của các chủ đầu tư.

Các công trình dân dụng [kể cả các công trình điện] thay vì xin cấp phép [nuôi dưỡng tham nhũng], xây dựng cao thấp, đảm bảo PCCC như thế nào do các công ty tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và nhà nước [họ phải biết chỗ nào được xây mấy tầng, mật độ và các tiêu chuẩn an toàn…]. Các cơ quan quản lý nhà nước và cả các công ty tư vấn sẽ đưa ra các cảnh báo cho các nhà đầu tư [Ví dụ: Không nên làm thêm điện mặt trời vì quy mô năng lượng tái tạo đã vượt mức có thể hòa vào lưới điện…]

Doanh nghiệp thay vì chầu chực từ đầu xin phép chỉ nên bị buộc đến cơ quan nhà nước để… khai thuế khi bắt đầu phát sinh doanh số và thu nhập.

Chưa bao giờ đất nước đang đối diện với những khó khăn như hiện nay. Mỗi tháng, cả nước chỉ có 19 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới trong khi có hơn 20 nghìn doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường”. Số doanh nghiệp “chết lâm sàng” trên thực tế còn lớn hơn nhiều.

Quan chức tham nhũng vào tù bao nhiêu cũng không mấy ảnh hưởng tới người dân nhưng một doanh nghiệp phá sản, phía sau đó là số phận của hàng trăm, hàng ngàn con người.

Hôm qua, một đại biểu Quốc hội nói với tôi, “Trong lịch sử của các quốc gia, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, các đấng minh quân thường khoan thư sức dân và cầu hiền”. Trong khi chờ một “đấng minh quân”, chỉ mong đất nước có những nhà lãnh đạo hiểu, kinh tế đất nước đang ở bên bờ vực, doanh nghiệp đang ngắc ngoải và người dân lao động đang chạy ăn từng bữa.

Ai sai hãy xử lý người đó, đừng “giết doanh nghiệp” cho các mục tiêu chính trị. Với những người đang giữ các trọng trách, đừng vì mục tiêu giữ ghế mà không ra các quyết định hoặc ra các quyết định lấy sự an toàn cho mình làm đầu. Doanh nghiệp chết, kinh tế sụp đổ thì xã hội rối loạn, lúc đó, chẳng những chính trị cũng không thể ổn định mà chỗ ngồi của quý vị cũng không có được sự an toàn.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

Cải cách ruộng đất 1953-1956: ảnh hưởng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba Quan Việt - Trung

 


Cải cách ruộng đất 1953-1956: ảnh hưởng của cố vấn Trung Quốc La Quý Ba Quan Việt - Trung

Alex - Thai

Tiến sĩ Alex - Thai Vo sinh trưởng tại Quảng Ngãi, là sử gia nghiên cứu về Việt Nam tại Mỹ. Thái kể, đầu năm nay, khi đang làm cho một tổ chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, Thái nhận được công việc tại Viện Vietnam và Lưu trữ thuộc Đại học Texas Tech, sau nhiều vòng tuyển chọn. Thái hỏi ý kiến ba, người vốn là quan chức VNCH, xem mình có nên nhận việc này không, khi mà lương giáo sư thấp hơn lương công chức Bộ Quốc phòng khá nhiều. Ba Thái trả lời: "Con nói rằng một phần của công việc mới là giúp chính quyền Vietnam tìm hài cốt của lính Bắc Việt, ba cho rằng điều đó giá trị hơn tiền". Thái không còn gì phải đắn đo. Hiện anh là giáo sư nghiên cứu tại Texas Tech, chuyên về Vietnam, đặc biệt là Cải cách ruộng đất ở miền Bắc. Thái nói sắp tới mốc 70 năm ngày chính quyền Hanoi bắt đầu phát động quần chúng. 

"Bới" lại quá khứ không phải vì hận thù mà là công việc của nhà sử, xem nó đã thực sự diễn ra thế nào, vì sao nó diễn ra, hệ quả là gì.

Từ lâu chúng ta vẫn biết các cố vấn Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong CCRĐ, nhưng có thể chưa rõ đường đi nước bước của họ thế nào. Bài viết sau đây của Alex - Thai cho chúng ta biết điều đó.

10-10-2022

Đỗ Hoàng Diệu

Được mô phỏng theo kinh nghiệm của Trung Quốc, Cải cách ruộng đất do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện giai đoạn 1953-56 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của cách mạng Cộng sản Việt Nam. 

Tuy nhiên, vì sự khan hiếm của các nguồn tài liệu chính, có rất ít thông tin về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc đối với chính sách này. 

Khuyến nghị của La Quý Ba về việc phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất là một trong số rất ít tài liệu được biết đến do một cố vấn hàng đầu của Trung Quốc soạn thảo cho giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Việc cung cấp tài liệu này giúp bạn đọc có một cái nhìn rõ hơn về quan điểm và sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình Việt Nam vào đầu những năm 1950. Nó cũng làm sáng tỏ khía cạnh về vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Trung - Việt vào thập kỷ đó, cũng như đối với những quyết định của Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt trong chương trình cải cách ruộng đất, vốn đã gây nhiều tranh cãi hơn nửa thế kỷ qua.

Vào ngày 9 tháng 10 năm 1952, một tài liệu dài bảy trang, viết bằng tiếng Việt với tựa “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” đã được chuyển đến Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH). 

Trực tiếp và có kế hoạch, bản khuyến nghị đã vạch ra các bước vận động quần chúng. Có thể lập luận bản khuyến nghị này là khuôn mẫu cho cuộc vận động quần chúng và cải cách ruộng đất do Đảng Lao động Việt Nam (ĐLĐ Việt Nam) thực hiện từ năm 1953 đến năm 1956. Cuộc vận động đã thúc đẩy sự ủng hộ của nông dân với chính quyền, điều vô cùng cần thiết cho việc đánh bại quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 và tạo điều kiện cho Đảng Lao động củng cố quyền lực của mình ở miền Bắc. 

Cuộc vận động quần chúng cũng là một chiến dịch bạo lực mang lại sự thay đổi “long trời lở đất” mà hầu hết người Việt Nam ở nông thôn miền Bắc đã trải qua trong những năm 1950.

Bản khuyến nghị gởi đến Hồ Chí Minh tầm đầu tháng 10, được ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952 bởi “Quý” – viết tắt của La Quý Ba, Trưởng đoàn Cố vấn Chính trị Trung Quốc tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1951 đến năm 1954, và là đại sứ đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) từ năm 1954 đến năm 1957.

Số lượng nghiên cứu lịch sử về các cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỷ XX rất lớn và đang phát triển, nhưng rất ít bài viết về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946-54) và Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (1959-75). Một số ít nghiên cứu được xuất bản có xu hướng nhấn mạnh mối quan hệ giữa và quá trình ra quyết định, chính sách của các nhà lãnh đạo tầm quốc gia, những chủ đề như tình đồng chí giữa Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh hay ảnh hưởng ngoại giao của Chu Ân Lai đối với việc đàm phán Hiệp định Geneva 1954. Một số tài liệu thảo luận về sự hiện diện của các cố vấn Trung Quốc ở Việt Nam, và đặc biệt là ảnh hưởng của họ trong trận Điện Biên Phủ và chiến dịch cải cách ruộng đất của VNDCCH. 

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này thường chỉ phân nhóm các nhân sự Trung Quốc được cử sang Việt Nam một cách mơ hồ với cụm từ “cố vấn Trung Quốc”, nhưng rất ít nỗ lực để giải thích những cố vấn này là ai, họ đóng vai trò cụ thể nào trong việc ảnh hưởng giới lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam và VNDCCH. 

Nhấn mạnh bản ý kiến của La Quý Ba gởi cho giới lãnh đạo Đảng Lao Động Việt Nam và đặc biệt là Hồ Chí Minh, tôi lập luận về sự cần thiết nên phổ biến và nghiên cứu bản tài liệu lịch sử quan trọng này. Lý do vì nó làm sáng tỏ vai trò và ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc trong quan hệ Việt - Trung trong những năm 1950, đặc biệt là về chiến dịch cải cách ruộng đất gây tranh cãi của VNDCCH. 

Tài liệu này quan trọng vì một số lý do: 

- Thứ nhất, nó bối cảnh hóa mối quan hệ giữa Cộng sản Trung Quốc và VNDCCH trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đặc biệt khi mối quan hệ đó liên quan đến việc tiếp thu kinh nghiệm và thực hành mô hình của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các cố vấn Trung Quốc và các khuyến nghị của họ. 

- Thứ hai, nó mô tả vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp của các cố vấn Trung Quốc trong việc hình thành và thực hiện chính sách Cải cách ruộng đất ở Việt Nam từ 1953 đến 1956. 

Sự hiện diện của La Quý Ba và các cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam

La Quý Ba đã chuẩn bị bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” vào thời điểm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đang cần nhất sự viện trợ của CHND Trung Quốc dưới hình thức vũ khí, vật chất cũng như những cố vấn chính trị và quân sự. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cần củng cố quyền lực và giành được sự ủng hộ của số đông quần chúng để giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ba năm trước, vào năm 1949, Đảng Lao động dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh đã sa lầy vào cuộc chiến tranh du kích kéo dài với người Pháp. Liên Xô, ngọn hải đăng của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đã quan tâm đến châu Âu hơn là với những diễn biến cách mạng ở Đông Nam Á. Cùng lúc, Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì lại bận rộn với cuộc nội chiến dữ dội chống lại Chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch. Mãi đến khi Mao Trạch Đông chiến thắng và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10 năm 1949, hy vọng cách mạng của Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam mới được hồi sinh. 

Tháng 12 năm 1949, Hồ Chí Minh cử hai đại diện là Lý Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy sang Bắc Kinh để đề nghị Trung Quốc hỗ trợ và công nhận ngoại giao đối với chính phủ của ông.

Khi nhận được yêu cầu của Hồ Chí Minh, Quyền chủ tịch của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ Lưu Thiếu Kỳ đã triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 24 tháng 12 nhằm xem xét tình hình Đông Dương. Bốn ngày sau, Lưu Thiếu Kỳ thay mặt cho Ủy ban Trung ương ĐCSTQ gọi điện cho Hồ Chí Minh để nêu rõ rằng CHND Trung Quốc sẽ đồng ý thành lập quan hệ ngoại giao với VNDCCH và rằng Chính phủ CHND Trung Quốc sẽ cử một nhóm đại diện sang Việt Nam nhằm đánh giá các nhu cầu của VNDCCH. Đến đầu năm 1950, Trung Quốc đã mở cửa liên lạc với Việt Nam. 

Lưu Thiếu Kỳ, được sự ủy quyền của Mao Trạch Đông khi ông ấy đang trên đường thăm Matxcơva, đã chọn La Quý Ba làm lãnh đạo đại diện liên lạc của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. La Quý Ba được chọn bởi kinh nghiệm cách mạng và lãnh đạo du kích của mình. Ngày 16 tháng 1 năm 1950, La Quý Ba chính thức lên đường sang Việt Nam.

Sinh ngày 14 tháng 7 năm 1908 tại huyện Nam Khang - tỉnh Giang Tây, La Quý Ba trở thành đảng viên của ĐCSTQ vào tháng 1 năm 1927. Từ năm 1927 đến năm 1934, ông là một chỉ huy quân sự và là một trong những thành viên sáng lập của Căn cứ Cách mạng Xô-viết Nam Giang Tây. Từ tháng 11 năm 1930 đến tháng 5 năm 1931, ông tham gia vào cuộc phản công của Hồng quân Công nhân và Nông dân Trung Quốc chống lại chiến dịch bao vây lần thứ nhất và thứ hai của Chính phủ Quốc dân đảng ở Giang Tây. Sau sự sụp đổ của căn cứ Nam Giang Tây, La Quý Ba tham gia cuộc vạn lý trường chinh dài một năm đến Diên An từ tháng 10 năm 1934 đến tháng 10 năm 1935, và ông nằm trong số tám nghìn người ước tính còn sống sót sau cuộc rút lui lịch sử này. Trong chiến dịch quân sự ngày 20 tháng 8 đến ngày 5 tháng 12 năm 1940 chống lại lực lượng Nhật Bản ở miền Trung Trung Quốc, được gọi là "Đại chiến Bách Đoàn", La Quý Ba giữ chức Tư lệnh Mặt trận quân Nam của Khu vực biên giới Sơn Tây - Tuy Viễn. Trước khi được bổ nhiệm làm đại diện liên lạc của Trung Quốc tại Việt Nam, La Quý Ba từng là Tổng đốc của Tổng văn phòng Ủy ban Quân sự Trung ương của CHND Trung Quốc.

Với tư cách là đại diện liên lạc của CHND Trung Quốc với VNDCCH, nhiệm vụ của La Quý Ba bao gồm thiết lập liên lạc với lãnh đạo Cộng sản Việt Nam, điều tra tình hình chung ở Việt Nam và báo cáo những phát hiện của ông cho Bắc Kinh để các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đưa ra quyết định hỗ trợ VNDCCH. 

Trước chuyến đi, La Quý Ba đã gặp gỡ các đại biểu Việt Nam tại Bắc Kinh để làm quen với các phong tục và tập quán Việt Nam. Tháp tùng La Quý Ba trong chuyến đi Việt Nam có 8 nhân viên, bao gồm nhân viên điện báo, thư ký và bảo vệ. 

La Quý Ba cùng cộng sự đến Việt Nam vào ngày 26 tháng 2 năm 1950. Đến nơi, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư ĐLĐ Việt Nam Trường Chinh đón tiếp. Chuyến đi tưởng chỉ chừng ba tháng của La Quý Ba đã kéo dài thành bảy năm.

Trong những năm đầu ở Việt Nam, La Quý Ba đã giúp thành lập Nhóm cố vấn quân sự Trung Quốc và Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc. Với tư cách là người đứng đầu Nhóm cố vấn chính trị Trung Quốc, La Quý Ba lãnh đạo hơn một trăm cố vấn có chuyên môn về tài chính, ngân hàng và cung cấp ngũ cốc để tư vấn cho VNDCCH về các vấn đề quân sự, tài chính và kinh tế, an ninh công cộng, văn hóa và giáo dục, và các vấn đề như hoạt động của mặt trận thống nhất, hợp nhất đảng và pháp luật cải cách. Công việc của họ bao gồm giới thiệu kinh nghiệm của Trung Quốc cho Việt Nam; phát triển các chiến lược cấp vĩ mô và các thủ tục hoạch định chính sách; đưa ra khuyến nghị về các vấn đề liên quan đến các quy tắc, quy định và chỉ thị; và giúp giới lãnh đạo Việt Nam thực hiện các chương trình. Đến năm 1952, những cố vấn này đã trở thành công cụ giúp Hồ Chí Minh và chính phủ của ông thành lập các bộ máy pháp lý và các chính sách để củng cố quyền lực quân sự và chính trị xã hội.

Xem kế hoạch của La Quý Ba về huy động quần chúng và thực hiện giai đoạn thử nghiệm của cải cách ruộng đất năm 1953 sẽ cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với VNDCCH tại thời điểm này. 

Sau khi ký vào ngày 3 tháng 9 năm 1952, La Quý Ba đã gởi bản ý kiến sơ bộ của mình cho “Thận” – tức Lê Văn Thận, một tên khác của Trường Chinh, người sau này làm Trưởng ban chỉ đạo Ủy ban chỉ đạo Cải cách ruộng đất. Không rõ bản ký kiến này được chuyển cho Trường Chinh trong hoàn cảnh nào, nhưng rất có thể nó đã được chuyển đến tay Tổng bí thư Đảng Lao động trước hoặc trong dịp La Quý Ba được mời tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Lao động vào đầu-giữa tháng 9 năm 1952. 

Ngày 9 tháng 10 năm 1952, Trường Chinh ra lệnh cho nhân viên văn phòng của mình chuyển bản ý kiến của La Quý Ba cho Hồ Chí Minh, ngay lúc ông Hồ đang trên một chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh và Matxcơva. Hồ Chí Minh đã rời Việt Nam vào giữa tháng 9 và đến Bắc Kinh vào ngày 29 tháng 9. Thời gian ở lại Bắc Kinh của ông chủ yếu là để thảo luận với các nhà lãnh đạo Trung Quốc về Chiến dịch Tây Bắc và các kế hoạch chiến lược khác, bao gồm cả Cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh và ĐLĐ Việt Nam có thể đã sắp xếp chuyến đi để kịp thời cho ông tham gia đi cùng trong phái đoàn của CHND Trung Quốc sang tham dự Đại hội lần thứ mười chín của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Do đó, bản ý kiến của La Quý Ba có thể đã đến tay Hồ Chí Minh khi ông đang ở Matxcơva tham dự đại hội (từ ngày 5 đến ngày 14 tháng 10 năm 1952) và gặp trực tiếp Joseph Stalin – lãnh tụ tối cao của Liên bang Xô Viết, để thông báo cho ông ấy về tình hình Việt Nam, bao gồm mục tiêu cách mạng ở Việt Nam và vấn đề Cải cách ruộng đất. 

Sau cuộc gặp với Stalin vào ngày 28 tháng 10, Hồ Chí Minh đã gửi hai bức thư cho Stalin vào ngày 30 và 31 tháng 10, để thông báo về tiến độ của chương trình Cải cách ruộng đất của Việt Nam và kêu gọi sự trợ giúp của ông ta. Trong bức thư đầu tiên, Hồ Chí Minh nói rằng ông đã bắt đầu phát triển chương trình Cải cách ruộng đất ở Việt Nam và ông sẽ trình bày nó với Stalin. Trong bức thư thứ hai, Hồ Chí Minh vạch ra chương trình Cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam và yêu cầu Stalin xem xét và cho chỉ thị. Hồ Chí Minh cho biết ông đã lên kế hoạch cho chương trình với sự giúp đỡ của Lưu Thiếu Kỳ và Vương Giá Tường, Đại sứ CHND Trung Quốc tại Liên Xô từ năm 1949 đến 1951. Trong các cuộc trao đổi này, Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Stalin cử các quan chức Liên Xô sang Việt Nam để khảo sát điều kiện và yêu cầu bổ sung 10 tấn thuốc trị sốt rét, vũ khí và cho phép Việt Nam gửi từ 50 đến một trăm sinh viên Việt Nam sang Liên Xô để huấn luyện quân sự và tư tưởng. 

Ngày 29 tháng 11, trong thư từ biệt Stalin, Hồ Chí Minh viết rằng ông sẽ làm việc siêng năng để thực hiện Cải cách ruộng đất và tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp. Ông bày tỏ hy vọng sẽ trở lại Matxcơva sau hai hoặc ba năm để báo cáo về kết quả của những nỗ lực đó.

Khuyến nghị sơ bộ 

La Quý Ba trình bày đề xuất của mình vào thời điểm Đảng Lao Động Việt Nam đã thu hút được sự ủng hộ của cả Liên Xô và CHND Trung Quốc, những quốc gia cộng sản hùng mạnh nhất thế giới. Sự hỗ trợ này làm giảm bớt nhu cầu của ĐLĐ Việt Nam phải dựa vào giới địa chủ và nông dân khá giả để có nguồn lực chống lại Pháp. Nó đã tạo cho ĐLĐ Việt Nam sự ủng hộ để thực hiện cải cách ruộng đất như một chiến lược xã hội, kinh tế và chính trị hầu củng cố quyền lực địa lý và chính trị ở nông thôn. Đề xuất này cũng được đưa ra hai năm sau khi CHND Trung Quốc bắt đầu thực hiện chương trình cải cách ruộng đất của riêng họ vào mùa hè năm 1950. Do đó, CHND Trung Quốc và các cố vấn được cử sang Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm liên quan. Chưa kể trước đấy, La Quý Ba cũng đã có được kinh nghiệm của riêng mình khi thực hiện cải cách ruộng đất ở Giang Tây và Diên An trong những năm 1930. Kinh nghiệm này cho La Quý Ba đủ điều kiện để đề xuất với giới lãnh đạo Việt Nam đường lối vận động quần chúng và tiến hành Cải cách ruộng đất.

Được chia thành sáu phần, bản khuyến nghị của La Quý Ba nêu ra mục đích, yêu cầu và các bước cần thiết để lãnh đạo phong trào vận động quần chúng, tổ chức lại hệ thống làng-xã và giành ưu thế chính trị ở nông thôn. 

Mục tiêu cơ bản được đề ra là kích động quần chúng tấn công lật đổ tầng lớp địa chủ, giành quyền kiểm soát chính trị ở nông thôn, xoa dịu nông dân, tăng gia sản xuất nông nghiệp và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Mục tiêu rộng hơn của đề xuất này là phác thảo các bước cần thiết nhằm tích lũy tài nguyên và sự ủng hộ của số đông để ĐLĐ Việt Nam củng cố vị trí của mình. Nó được viết ra (đặc biệt là các nguyên tắc cơ bản được đặt ra trong phân đoạn thứ tư) dựa trên quan điểm của cố vấn Trung Quốc nhằm thúc giục lãnh đạo Việt Nam áp dụng “lập trường vững” và “thái độ rõ rệt” để vượt qua nỗi sợ hãi rằng việc huy động quần chúng sẽ làm cho mặt trận thống nhất bị hoang mang và chia rẽ, dẫn đến những phản ứng không lành từ giai cấp địa chủ.

Sự khuyến khích này từ La Quý Ba dường như đã đóng một vai trò trong việc khởi xướng động thái của ĐLĐ Việt Nam từ mục tiêu “kéo địa chủ về phe kháng chiến” sang nhấn mạnh vào việc “trung lập một số địa chủ, đánh đuổi đế quốc và đại địa chủ phong kiến phản động”. Nó cũng thể hiện sự trấn an của cố vấn Trung Quốc đối với ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam rằng việc đổi mặt đối các tầng lớp giàu có và đặc quyền đã từng ủng hộ chính quyền VNDCCH và cuộc kháng chiến trước đây sẽ không gây ra rủi ro quá đáng, vì CHND Trung Quốc (cũng như Liên Xô) sẽ thay thế các nhóm này làm hậu thuẫn về mặt quân sự và tài chính chính cho cuộc cách mạng của ĐLĐ Việt Nam.

So sánh nội dung đề xuất của La Quý Ba với các chính sách vận động quần chúng ở nông thôn của ĐLĐ Việt Nam trước và sau đó cho thấy rõ ảnh hưởng đáng kể của cố vấn Trung Quốc đối với việc phát triển cấu trúc phương pháp luận cho chiến dịch vận động quần chúng của ĐLĐ Việt Nam – từ ý tưởng đến thực hành. 

Nội dung và ngôn ngữ của năm phần đầu tiên trong bản đề xuất của La Quý Ba đã trở thành khuôn mẫu để lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam phát huy rõ định hướng chính sách cũng như lý luận của mình, chủ yếu trong các chỉ thị, nghị định, thông tư, báo cáo, thông báo, cũng như những tập huấn luyện được lưu hành nội bộ. Ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ thị 37/CT/TW do Tổng Bí thư Trường Chinh ban hành ngày 24 tháng 4 năm 1953, đêm trước đợt thi hành chiến dịch thí nghiệm phát động quần chúng, vì nó đã dùng giọng điệu và nội dung của La Quý Ba để xây dựng khuôn mẫu phát động quần chúng.

Hơn nữa, phần thứ sáu của đề xuất cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của La Quý Ba đối với sự chuẩn bị của ĐLĐ Việt Nam cho việc bắt đầu chiến dịch cải cách ruộng đất. 

Để chuẩn bị cho một chiến dịch thử nghiệm mà các chiến dịch trong tương lai có thể sử dụng làm hình mẫu, La Quý Ba khuyến nghị nên cẩn thận đặt nền tảng cho việc huy động quần chúng để “thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc”. Công việc này bao gồm khảo sát vùng nông thôn, tuyên truyền các chính sách của ĐLĐ Việt Nam, đào tạo cán bộ và lựa chọn các khu vực để thực hiện Cải cách ruộng đất. Cụ thể hơn, ông ta đã khuyên ĐLĐ Việt Nam phân công và đào tạo hai trăm cán bộ để thực hiện chiến dịch này tại hai mươi xã trong Liên khu I – hay Việt Bắc – và Liên khu IV, hai khu vực này từ lâu đã là thành trì của ĐLĐ Việt Nam.

Đã xin được sự chấp thuận và hậu thuẫn của Stalin và Mao, sau khi trở về từ Bắc Kinh và Mátxcơva, Hồ Chí Minh đã làm việc cùng với các thành viên còn lại của ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam để bắt đầu thực hiện đề xuất của La Quý Ba về vận động quần chúng. Họ đã thực hiện các bước để thay đổi lập trường trước đây của họ về cải cách ruộng đất. 

Họ bắt đầu bằng cách yêu cầu một cuộc điều tra sâu hơn về các điều kiện ở nông thôn. Từ ngày 25 đến ngày 30 tháng 1 năm 1953, họ đã triệu tập Hội nghị Trung uơng lần thứ tư của đảng để bắt đầu đưa ra các mục tiêu và đặt nền móng cho một chiến dịch cải cách ruộng đất rộng lớn. Nền tảng này bao gồm việc xây dựng nhiều khía cạnh trong đề xuất của La Quý Ba và đưa chúng vào chính sách của họ. 

Tại Hội nghị Trung ương, Hồ Chí Minh đọc báo cáo nêu rõ hai nhiệm vụ chính cần chú trọng trong năm 1953 để giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những nhiệm vụ này bao gồm: lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp và đưa ra các chính sách quân sự liên quan, vận động quần chúng giảm địa tô hơn nữa và thực hiện cải cách ruộng đất. Về chính sách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, vì “hoàn cảnh đặc biệt”, chỉ thực hiện giảm địa tô và giảm lãi suất trong những năm trước năm 1953. Tuy nhiên, do hoàn cảnh đã thay đổi nên hiện nay cần thiết cho cuộc cách mạng mở rộng chính sách ruộng đất và “nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân” bằng cách thực thi cải cách ruộng đất một cách triệt để hơn. Những cải cách này sẽ bao gồm việc phân phối lại ruộng đất cho nông dân. Khi mục đích này thành công, ĐLĐ Việt Nam sẽ có thể huy động đầy đủ nhân lực cần thiết từ giai cấp nông dân để tiến hành cuộc chiến kéo dài và giành thắng lợi tuyệt đối. 

Để hiểu rõ quyết định đẩy mạnh Cải cách ruộng đất triệt để hơn vào thời điểm này, cần phải chấp nhận một thực tế rằng Cải cách ruộng đất đã là một mục tiêu cách mạng hàng đầu của Đảng Cộng sản kể từ khi thành lập năm 1930. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên của cuộc chiến Đông Dương với Pháp, các chính sách của ĐLĐ Việt Nam đối với lĩnh vực nông nghiệp chỉ giới hạn trong việc giảm tô và thuế. Lý do vì giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam sợ rằng cải cách nông nghiệp triệt để hơn sẽ làm suy yếu sự thống nhất của mặt trận thống nhất chống Pháp bằng cách tạo sự chia rẽ với giai cấp địa chủ cũng như phú nông. Trong bối cảnh này, điều quan trọng cần lưu ý là các chủ đất và những người có tài sản là những người ủng hộ kinh tế chính cho nỗ lực chiến tranh, vì cho đến năm 1950 ĐLĐ Việt Nam vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ các đồng minh cộng sản. Do đó, đảng chỉ có thể giới hạn việc thúc đẩy các chính sách cấp tiến hơn ở các khu vực do quân đội trực tiếp kiểm soát, chẳng hạn như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, khi ĐCS Trung Quốc đã thành công trong cuộc chiến chống lại Chính phủ Quốc dân đảng, bắt đầu cử cố vấn sang Việt Nam, trực tiếp hỗ trợ quân sự và tài chính qua biên giới phía Nam của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Việt Nam tin rằng đã đến thời điểm thích hợp để thực hiện toàn bộ cuộc vận động nông dân xóa bỏ “giai cấp thống trị” ở nông thôn miền Bắc và tập hợp nhân lực cần thiết để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong một báo cáo dài sau bài phát biểu của Hồ Chí Minh, Trường Chinh cho rằng cần tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc để lật đổ đế quốc Pháp và phong kiến. 

Theo sát các khuyến nghị của La Quý Ba, Trường Chinh xác định mục đích, ý nghĩa, phương châm và phương pháp cụ thể của các chính sách Cải cách ruộng đất và đề ra kế hoạch thực hiện chúng. Báo cáo của Trường Chinh phản ánh sự thay đổi lập trường của đảng đối với tầng lớp địa chủ khi cho rằng lý do mà các chính sách cấp tiến về đất đai không được thực hiện trong những năm trước năm 1953 là do đảng này đã đánh giá quá cao mức độ hợp tác của giai cấp địa chủ. Trường Chinh tiếp tục cáo buộc các thành viên của tầng lớp này là những kẻ phản động phong kiến bất hợp tác, những người đã làm việc chống lại các chính sách của đảng và các nỗ lực chiến tranh. Do đó, ông đã mạnh mẽ kêu gọi “phóng tay phát động quần chúng, triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức; chuẩn bị tiến tới cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng ở vùng tự do”. Chỉ khi các chính sách này được thực thi đầy đủ thì ĐLĐ Việt Nam mới “động viên nông dân hăng hái hy sinh cho kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, củng cố được chính quyền nông thôn”.

Trên cơ sở các mục tiêu mà Hồ Chí Minh và Trường Chính đã vạch ra, Hội nghị Trung ương lần thứ tư đã đề ra nghị quyết kêu gọi phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất ở những vùng do đảng trực tiếp kiểm soát. Hồ Chí Minh và ban lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam bắt đầu ban hành một loạt đạo luật và quy định để mở đường cho việc thực hiện đề xuất của La Quý Ba. 

Để hỗ trợ cho giai đoạn quan trọng này của chiến dịch, vào mùa xuân năm 1953, ĐCS Trung Quốc đã bổ nhiệm Kiều Hiểu Quang sang Việt Nam để đứng đầu Ban Cải cách ruộng đất và Hợp nhất Đảng thuộc Nhóm cố vấn chính trị của Trung Quốc tại Việt Nam. Bắc Kinh đã cử thêm 42 chuyên gia cải cách ruộng đất trong cùng năm đó để củng cố đội ngũ của Kiều Hiểu Quang. Theo đề xuất của La Quý Ba, các cố vấn này đã dạy các cán bộ Việt Nam, vốn đã được giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam chọn, cách khảo sát, phân tích và phân loại các điều kiện kinh tế xã hội và giai cấp của các làng xã. Sau khi các cán bộ cải cách ruộng đất được đào tạo, ĐLĐ Việt Nam phát động đợt thí nghiệm phát động quần chúng vào ngày 15 tháng 4 năm 1953. Chiến dịch kéo dài đến tháng 8 năm 1953, được thực hiện ở 23 xã – nhiều hơn ba xã so với bản khuyến nghị của La Quý Ba – ở Việt Bắc và Liên Khu IV. 

Chiến dịch vận động quần chúng thực nghiệm được thực hiện theo một quy trình phức tạp bao gồm nhiều bước để kích động đấu tranh giai cấp. Nó bắt đầu bằng việc cử một đoàn cán bộ phát động quần chúng được đào tạo đặc biệt đến một địa điểm được chọn, thường là một xã, để khảo sát các mối quan hệ giữa các tầng lớp của người dân trong xã và phân loại họ thành các tầng lớp xã hội khác nhau. Cải trang thành nông dân, những cán bộ này thâm nhập vào xã bằng cách tiếp xúc với những nông dân và bần cố nông nghèo nhất. Họ làm quen với điều kiện của nông dân bằng cách áp dụng chiến lược “ba cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thông qua quá trình “thăm nghèo hỏi khổ,” các cán bộ gieo vào lòng nông dân sự căm thù đối với tầng lớp địa chủ (và sau này là phú nông và trung nông) bằng cách so sánh sự nghèo khổ của họ với sự sung túc của địa chủ. Các cán bộ phát động xúi giục giới nông dân phát động, nổi dậy chống lại địa chủ. Khi lòng căm thù đã dấy lên và điều kiện đấu tranh giai cấp đã chín muồi, cán bộ vận động tập hợp các địa chủ trong xã và đưa họ ra xét xử trước một “Tòa án Nhân dân đặc biệt”, trong đó họ khích những người từ giới nông dân và bần cố nông tố cáo những “tội ác” và sự lộng hành của địa chủ. Sau phiên đấu tố, các tòa án đưa ra quyết định về số phận của các địa chủ, gia đình và tài sản của họ. Quá trình phát động này đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của chiến dịch Cải cách ruộng đất từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. 

Trớ trêu thay, một trong những người đầu tiên bị đưa ra xét xử và hành quyết là Nguyễn Thị Năm, một địa chủ yêu nước được mệnh danh là “mẹ kháng chiến”, người đã ủng hộ cuộc chiến chống thực dân và nhiều lãnh đạo của Việt Minh, bao gồm Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng.

Bản ý kiến sơ bộ của La Quý Ba có thể không phải là bản khuyến nghị duy nhất hoặc cuối cùng đã dẫn ĐLĐ Việt Nam đến việc thi hành chương trình Cải cách ruộng đất. Nhưng bối cảnh lịch sử La Quý Ba đưa ra những khuyến nghị đó và mức độ giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam tuân theo lời khuyên của người đại diện ĐCS Trung Quốc cho thấy cố vấn Trung Quốc và những góp ý của họ đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể nói là khung sườn cho chiến dịch vận động quần chúng và Cải cách ruộng đất của ĐLĐ Việt Nam từ tháng 4 năm 1953 đến tháng 7 năm 1956. Nó không phải là một bản thiết kế từng bước cho nỗ lực Cải cách ruộng đất lâu dài, phức tạp và nhiều bạo lực, nhưng nó vừa là khuôn khổ để Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam xây dựng và phát triển, vừa là phương tiện để các cố vấn Trung Quốc tiếp tục gây ảnh hưởng đến nỗ lực đó. Quan trọng hơn, đề xuất này cho thấy chính xác những gì các cố vấn Trung Quốc đã thực sự trao đổi với các lãnh đạo của ĐLĐ Việt Nam, điều chưa nghiên cứu nào về Cải cách ruộng đất đề cập trước đây. 

Tài liệu có thể giúp chúng ta hiểu cách các cố vấn đó đã định khung các khuyến nghị của họ và mức độ mà phía Việt Nam chấp nhận chúng. Nó cho phép chúng ta hiểu cách lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc quan hệ với nhau như thế nào khi họ xử lý tình hình xã hội, kinh tế và chính trị ở Việt Nam. Đó là bản khuyến nghị cho thấy niềm tin của giới lãnh đạo ĐLĐ Việt Nam và ĐCS Trung Quốc rằng một chương trình cải cách ruộng đất nghiêm ngặt, thậm chí đầy bạo lực là cần thiết nếu ĐLĐ Việt Nam muốn giành được không gian địa chính trị, nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành cuộc chiến toàn diện đối với Pháp".

A.T.

* Bài nghiên cứu này được đăng trên tạp chí khoa học SOJOURN vào năm 2016, nay nhân dịp 70 năm việc khởi xướng chiến dịch Cải cách ruộng đất ở Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xin dịch sang tiếng Việt và đăng lại cùng với bản photo của bản tài liệu gốc để độc giả rộng đường tham khảo. 

** Giáo sư Alex-Thái Đình Võ hiện công tác tại Viện Việt Nam và Lưu Trữ, Đại học Texas Tech, Hoa Kỳ. Ông nhận bằng Tiến sĩ từ Đại học Cornell, và chuyên về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á

Nguồn: FB Đỗ Hoàng Diệu

Phụ lục: 

Bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953” của La Quý Ba, người được Bắc Kinh cử sang Việt Nam để trực tiếp cố vấn cho giới lãnh đạo nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (VNDCCH), trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trường Chinh

Ngày 9-10-1952.

VĂN PHÒNG

TỔNG BÍ THƯ

Số 241 VP/TBT

Kính gửi Bác, 

Đồng chí Quý có gửi đến anh Thận bản “Ý kiến sơ bộ về vận động quần chúng năm 1953,” vậy anh Thận gửi đến Bác để tham khảo.

Kính thư,

TL/ anh Thận.

Tuan 

No photo description available.

***

Ý KIẾN SƠ BỘ VỀ VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG NĂM 1953

(Để tham khảo)

1- Phương châm:

Thẳng tay phát động quần chúng, đả kích thế lực phản động, làm sụt thế lực phong kiến thỏa mãn đòi hỏi của quần chúng cho đúng mức, tổ chức quần chúng tích cực tham gia sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến.

2- Nội dung:

a) Tố cáo những Việt gian, ác bá, phản đối những Việt gian, ác bác chiếm giữ và thao túng, tham ô những ruộng đất và tài sản của đình chùa, nhà chung, hộ và phe giáp, tịch thu và phân phối ruộng đất và tài sản của Việt gian và ác bá để chia cho nông dân không có ruộng hay ít ruộng cày cấy. 

b) Kiểm tra việc giảm tô và thoái tô. (Nếu kiểm tra ra những địa chủ không theo lệnh giảm tô sau sắc lệnh giảm tô của Chính phủ nhân dân đã công bố thì phải triệt để giảm tô, số tô đã thu quá mức thì phải trả lại cho nông dân).

c) Thanh toán nợ cũ. (Tiền tức của nông dân nộp cho chủ nợ nếu đã gấp đôi số vốn thì không trả tức nữa mà chỉ trả vốn thôi; nếu số tức đã gấp ba số vốn thì không trả cả vốn lẫn tức nữa, sau khi đã thanh toán xong nợ cũ thì nông dân được thu hồi những văn tự và ruộng cầm, không phải chuộc lại nữa. Nhưng không bao gồm quan hệ vay nợ đi lại có tính chất thương nghiệp). Phụ chú: Chủ nợ là chỉ những địa chủ cho vay chứ không bao gồm quan hệ vay nợ giữa nông dân với nhau.

d) Phân phối những công điền, ruộng nhà, ruộng hộ, ruộng của Việt gian phân phối cho nông dân không có ruộng hay ít ruộng sử dụng một cách công bằng và hợp lý (nhất là đối với những gia đình quân nhân và tử sĩ không có ruộng hoặc ít ruộng).

e) Xóa bỏ những quy định không hợp lý có tính chất phong kiến về rừng núi, thủy lâm, đình chùa, do hội nghị đại biểu nông dân thảo luận và đặt ra quy định hợp lý, do chính quyền địa phương quản lý, hoặc do ủy ban địa phương nhờ nông hội quản lý.

f) Điều tra những ruộng man bao (sic), phản đối đun sự đóng góp cho nông dân. Bình định sản lượng một cách công bằng và hợp lý, sửa chữa những hiện tượng đóng góp quá nặng hoặc quá nhẹ trong việc đóng thuế nông nghiệp. 

No photo description available.

3) Mục đích và yêu cầu:

Mục đích và yêu cầu là để thực hiện ưu thế chính trị trong nông thôn, củng cố mặt trận thống nhất ở nông thôn, đoàn kết để tăng gia sản xuất, đoàn kết để kháng chiến.

4) Cần nắm vững những khâu chính dưới đây:

a) Cần phải có lập trường vững, thái độ rõ rệt, thấm nhuần phương châm thẳng tay phát động quần chúng, đề phòng và khắc phục những quan điểm tư tưởng không đúng đắn dưới đây, đó là điều kiện trước tiên để phát triển phong trào.

1/ Sợ thẳng tay phát động quần chúng thì sẽ chia rẽ mặt trận thống nhất làm sụt lực lượng kháng chiến. Cần phải biết rõ: chỉ có phát đồng được quần chúng, Đảng dựa vào quần chúng, thì mới có thể làm cho quần chúng phát huy được lực lượng lớn mạnh trong sản xuất và trong cuộc kháng chiến thì mới có thể đập tan âm mưu chia rẽ của địch; thì mới có lực lượng giữ vững cuộc trường kỳ kháng chiến và chuyển sang tổng phản công.

2/ E rằng sẽ làm cho những phần tử lớp trên trong mặt trận thống nhất hoang mang và sợ sệt. Cần phải biết rõ: miễn là nắm vững và thi hành đúng chính sách; sách lược vận dụng được đúng mức; công tác tuyên truyền làm được khá; thực sự phát động được quần chúng, thì đại đa số phần tử lớp trên không đến nổi xảy ra hoang mang và giao động, hoặc hiểu nhầm nhất thời, rút cục thì cũng sẽ ổn định. Còn đối với một số ít phần tử phản động, những người xấu xa của dân tộc ẩn núp trong mặt trận kháng chiến, sau khi quần chúng đã thực sự vùng dậy thì sẽ vạch được mặt nạ của chúng, vì do việc chúng sợ sệt giao động, thậm chí chạy theo địch do (sic), không có hại đến sự nghiệp kháng chiến, mà trái lại chỉ giảm bớt lực lượng phá hoại; đối với mặt trận kháng chiến mà nói, thì không những không bị sụt yếu đi mà trái lại càng củng cố thêm. 

3/ E ngại sẽ làm cho giai cấp địa chủ chống lại, phân tán tài sản của họ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội ở vùng tự do, ảnh hưởng đến việc cung cấp vật chất cho bộ đội. Cần phải biết rõ: miễn là chúng ta biết nắm vững chính sách hiện này là “làm yếu thế lực phong kiến, chưa phải là tiêu diệt thế lực phong kiến” cho đúng; và biết nắm đúng sách lược “tranh thủ đa số, cô lập thiểu số, lợi dụng mâu thuẩn, đánh tan từng bọn”; biết nắm đúng phương châm sản xuất kết hợp với vận động quần chúng, và sau khi vận động kết thúc thì kịp thời chuyển sang sản xuất, như vậy sự chống cự của giai cấp địa chủ cũng sẽ không lan tràn được, sự chống cự của một số ít người cũng sẽ có thể kịp thời dập tắt. Dựa vào lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần tích cực sản xuất của quần chúng, sẽ cung cấp cho cuộc kháng chiến nguồn nhân lực, vật lực và tài lực vô tận. 

Trong phong trào quần chúng, có thể gặp trường hợp thế lực của địa chủ phong kiến lợi dụng một vài thiên hướng quá “tả” trong phong trào, để kêu la ầm ĩ, tổ chức chống lại, thậm chí một số cán bộ ta tư tưởng không trong sạch, lập trường giai cấp không vững, thiếu quan điểm quần chúng, cũng có thể đứng trên lập trường của giai cấp địa chủ để chống cự, cần phải chuẩn bị tinh thần về điều đó và phải có biện pháp xử trí cho được ổn thoả. Đối với những lời kêu la có tính chất phản động của giai cấp địa chủ, phải căn cứ vào lý do mà bác lại, đối với những hành vi chống cự của địa chủ thì phải dựa vào sức mạnh của quần chúng mà đả kích; đối với những hành vi chống cự của một số cán bộ, ngoài việc tiến hành giáo dục đầy đủ trước, sau khi việc chống cự xảy ra thì phải theo tình hình mà thi hành kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm ngặt.

b) Theo đòi hỏi cấp bách của quần chúng đông đảo, với tinh thần củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất ở thôn quê, đoàn kết để sản xuất, đoàn kết để kháng chiến, chính phủ trung ương cần phải quy định và ban bố chính sách và sắc lệnh cần thiết, nông hội thì cần phải đặt cương lĩnh đấu tranh. Việc đặt ra và ban bố những chính sách, sắc lệnh và cương lĩnh đấu tranh, sẽ có một tác dụng dựa lưng và làm hậu thuẫn cho nông dân. Các cán bộ làm dân vận và các cán bộ đảng, chính, quân, dân khác, đều phải lấy đó làm vũ khí mạnh để phát động quần chúng, giải quyết những thắc mắc trên tư tưởng của quần chúng, lãnh đạo quần chúng đấu tranh với thế lực phong kiến một cách có phân biệt, và giúp đỡ quần chúng giải quyết các vấn đề trong phạm vi chính sách pháp luật cho phép. Phương pháp dựa lưng và làm hậu thuẫn từ trên xuống dưới kếp hợp với phát động quần chúng từ dưới lên trên là một khâu quan trọng để quyết định cuộc vận động quần chúng thành công hay thất bại. 

c) Cần phải tăng cường sự nắm lãnh đạo trong phong trào:

1/ Đối với những đối tượng đấu tranh, đối tượng tịch thu và đối tượng cần xử tử, thì cần phải điều tra kỹ lưỡng, phân tích và nghiên cứu, cần phải nắm nguyên tắc “diện” không nên quá rộng, quá lớn, và cần phải do cơ quan lãnh đạo nhất định và chuẩn y, và phải trải qua thủ tục pháp luật nhất định. 

2/ Sách lược đấu tranh cần phải theo nguyên tắc có lý, có lợi, có mức. Và khéo nắm vững và áp dụng sách lược đấu tranh “có đánh có kéo, trong việc đánh lại có kéo”. (Nghĩa là có đã kích, có tranh thủ trong khi đã kích cũng tranh thủ).

3/ Trong việc lãnh đạo đấu tranh cần phải quán triệt tác phong phát động tư tưởng và đường lối quần chúng; phản đối lối bao biện làm thay. 

4/ Cần phải giáo dục và tổ chức quần chúng nhằm mục đích đoàn kết để sản xuất, đoàn kết để kháng chiến. 

5/ Nếu cần sửa chữa hoặc quyết định những vấn đề về chính sách và vấn đề về nguyên tắc lớn thì cần phải xin chỉ thị trước và báo cáo sau khi thi hành.

6/ Phải luôn luôn báo cáo tình hình công tác lên trên để xin chỉ thị. Cấp trên phải luôn luôn kịp thời chỉ đạo cấp dưới một cách cụ thể, mọi phát hiện thiên lệch thì phải sửa chữa kịp thời, và kịp thời giới thiệu, phổ biến những kinh nghiệm hay. 

5) Trong vận động quần chúng kết hợp tiến hành việc chấn chỉnh các tổ chức cấp xã:

Để thực hiện ưu thế chính trị của Đảng trong nông thôn, đảm bảo chính sách, sắc lệnh của Đảng và Chính phủ được triệt để thi hành cho đúng, trong cuộc vận động quần chúng cần phải kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức cấp xã – chi bộ đảng, nông hội, chính quyền, vũ trang ở xa v.v…

Hiện nay chi bộ thôn quê của Đảng vẫn ở trong tình trạng bí mật hoặc nữa bí mật; thế lực phản động, thế lực phong kiến trong thôn quê chưa bị đả kích đến một chừng nào; đối với công việc này cơ quan và cán bộ lãnh đạo các cấp còn thiếu kinh nghiệm nhất định. Cho nên trong vận động quần chúng kết hợp với việc chấn chỉnh các tổ chức và công tác ở xã, hiện cần áp dụng phương pháp vững chắc. Do đó, việc vận động quần chúng kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức và công tác của chi bộ ở thôn quê, thì phải áp dụng phương pháp dựa vào những phần tử ưu tứ trong Đảng, mở mang đấu tranh chống khuynh hướng xấu trong Đảng (như chống tư tưởng, lập trường của địa chủ, chống quan điểm và tác phong thoát ly quần chúng, chống tham ô, chống tự tư tự lợi v.v.), đề xướng tư tưởng tự giác (tức là tăng cường giáo dục giai cấp, giáo dục chính sách, giáo dục quan điểm quần chúng, nâng cao giác ngộ giai cấp và trình độ chính sách, quan niệm quần chúng chung v.v.). Kết hợp với việc chấn chỉnh tổ chức mà không áp dụng phương pháp trải qua chi bộ của Đảng, mời quần chúng tham gia cuộc họp của Đảng để cùng nhau thẩm tra đảng viên và cán bộ. Những bước tiến cụ thể là:

a) Trước khi bắt đầu cuộc vận động đó, cấp trên phái cán bộ xuống dưới phổ biến trong Đảng về những phương châm chính sách vận động quần chúng, đi sâu vào quần chúng, mở mang phê bình, tự phê bình và đấu tranh tư tưởng trong Đảng, nghe những ý kiến của quần chúng trong và ngoài Đảng đối với cán bộ và đảng viên, trải qua một cuộc thẩm tra sơ bộ, thì cải tạo lại cơ quan lãnh đạo bước đầu, thay đổi những cán bộ mất lập trường giai cấp và thoát ly quần chúng đến nổi quan trọng, tổ chức những phần tử ưu tú trong Đảng thành tập đoàn lãnh đạo để phụ trách lãnh đạo cuộc phong trào vận động quần chúng. 

b) Sau khi đoàn cán bộ công tác đã tiến hành việc phổ biến tuyên truyền và giáo dục, thì chia nhau phải xuống các làng tiến hành việc giáo dục tuyên truyền chính sách trong quần chúng cho được sâu và rộng, phát động quần chúng tích cực tham gia. Trải qua việc tuyên truyền giáo dục chính sách nhất định thì có thể do quần chúng bầu đại biểu lên xã hoặc huyện dự hội nghị đại biểu nông dân để tiến hành việc động viên và giáo dục vào sâu thêm, và thảo luận những vấn đề làm thế nào để tiến hành cuộc vận động. Việc bầu đại biểu cần phải nhắm những bần cố nông tốt, có tinh thần tích cực đấu tranh, lập trường giai cấp vững vàng, tác phong đúng đắn, có liên hệ với quần chúng và một số trung nông tốt.

c) Sau khi phong trào quần chúng đã lên, Đảng phải tập trung lực lượng lãnh đạo phong trào quần chúng, đả kích thế lực phản động và thế lực phong kiến và sát hạch đảng viên vào sâu một bước trong cuộc vận động; chú ý giúp đỡ những đảng viên lạc hậu hoạt động.

d) Sau khi cuộc vận động quần chúng đã kết thúc, có thể tiến hành một cuộc giáo dục về điều lệ đảng tương đối có hệ thống và mở mang phê bình và tự phê bình, căn cứ vào những cuộc đấu chanh chống khuynh hướng xấu trong Đảng và những cuộc đấu tranh chống thế lực phong kiến ngoài Đảng để nhận xét từng đảng viên đã được thử thách trong những cuộc đấu tranh, rồi phân biệt thẩm tra và xử trí. Nguyên tắc thẩm tra và xử trí là:

– Đối với những phần tử địch dôi (sic) của giai cấp, phần tử gián điệp, phần tử thoái hoá vong bản, mà không sửa chữa được thì quyết không thương tiếc, nhân nhượng, phải thanh trừ khỏi Đảng. 

– Đối với những đảng viên và cán bộ tự tư tự lợi, tác phong xấu, thoát ly quần chúng, nhưng trải qua quần chúng phê bình và giáo dục đã bằng lòng sửa chữa sai lầm, sau khi được quần chúng tha thứ thì cho phép sửa chữa sai nhầm, cải thiện quan hệ. 

– Đối với những đảng viên hữu danh vô thực, trải qua những cuộc giáo dục, rèn luyện thực tế trong phong trào quần chúng nếu vẫn chưa đủ điều kiện làm đảng viên, thì có thể khuyên họ rút lui khỏi Đảng. Nếu họ không bằng lòng rút lui khỏi Đảng thì có thể theo nguyên tắc “tạm hoãn” rồi thi hành. 

– Đối với những phần tử ưu tú, tích cực tranh đấu, lập trường quan điểm vững vàng, trung thành với cách mạng, chăm chỉ sản xuất, liên hệ quần chúng, tác phong đúng đắn thì phải mạnh dạn đề bạt lên tham gia công tác lãnh đạo, nếu đã đủ điều kiện thì có thể kết nạp vào Đảng. 

Phương pháp chấn chỉnh tổ chức và công tác của nông hội, chính quyền và dân quân du kích xã kết hợp với phong trào quần chúng là bằng cách mở mang phê bình và tự phê bình, sửa chữa tư tưởng, tác phong của cán bộ, giải quyết những thắc mắc của quần chúng đối với cán bộ, tăng thêm đoàn kết giữa hai bên.

Trong thời kỳ đầu và thời kỳ giữa của cuộc vận động phải tập trung lực lượng đấu tranh với thế lực phong kiến nên chỉ kịp thời xử trí những phần tử phá hoại cá nhân trở ngại phong trào (những phần tử địch dôi (sic) của giai cấp, những phần tử phản động, phần tử gián điệp). Đối với những cán bộ thường có tư tưởng lệch lạc hoặc có tác phong xấu, thì tạm thời chưa xử trí. Lúc xử trí những phần tử phá hoại nằm vùng đừng để cho quần chúng chuyển mục tiêu đang đấu tranh chống lại thế lực phong kiến sang hướng khác, không để thế lực phong kiến có chỗ lợi dựng để tiến hành phá hoại.

Nếu đã có những điều kiện dưới đây, mới có thể lấy chấn chỉnh tổ chức làm trọng tâm công tác: 

1/ Ưu thế chính trị của thế lực phong kiến đã căn bản bị đánh đổ; 

2/ Ưu thế chính trị của quần chúng đã căn bản lập vững; 

3/ Trong thực tiễn của cuộc vận động đã thử thách và nhận xét rõ cán bộ nào tốt hay xấu; 

4/ Đã xuất hiện rất nhiều phần tử tích cực mới trong quần chúng. 

Việc chấn chỉnh các tổ chức cấp xã kết hợp với vận động quần chúng, phải luôn luôn chú ý đề cao sự tỉnh táo chính trị, đề phòng thế lực phong kiến có thể tiến hành cuộc tấn công và phản công lại. 

6) Công tác chuẩn bị cuộc vận động quần chúng: 

Để cho cuộc vận động quần chúng thu được kết quả mong muốn, không xảy ra hoặc ít xảy ra lệch lạc, cần phải chuẩn bị cho chu đáo và đầy đủ. Công tác chuẩn bị hiện nay phải chú ý những điểm dưới đây:

a) Điều tra nghiên cứu, tìm hiểu tình hình. (Như tình hình quán triệt giảm tô giảm tức và tịch thu ruộng đất của Pháp và Việt gian để phân phối và xử dụng công điền; thế lực địch nguỵ và phong kiến phản động cũng như những đặc điểm và quan hệ nội bộ của chúng; thành phần giai cấp phân chia có đúng không; tình hình các tổ chức và công tác của ta, nhất là tình hình cán bộ v.v…).

b) Chuẩn bị cán bộ, huấn luyện cán bộ. Trung ương nên chuẩn bị điều động và huấn luyện 200 cán bộ, chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ, những cán bộ được điều động huấn luyện phải đảm bảo một phần ba là cốt cán. Cố làm cho những cán bộ hiểu rõ chính sách, phương châm và mục đích yêu cầu của cuộc vận động quần chúng, cũng như những nguyên tắc quan trọng trong các khâu chính. Phải biết liên hệ thực tế áp dụng cụ thể.

c) Tuyên truyền chính sách đại quy mô bằng hình thức và phương thức báo chí, đài phát thanh, yết thị của Chính phủ, cán bộ phụ trách báo cáo trước quần chúng, soạn thành những bài hát v.v. để được tuyên truyền sâu rộng chính sách, phương châm của cuộc vận động quần chúng. 

d) Chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ tiến hành thí nghiệm trọng điểm để rút kinh nghiệm, rồi mới phổ biến; Trung ương nên chuẩn bị hai mươi (20) đoàn cán bộ công tác, ở Việt Bắc và Liên Khu 4 mỗi một liên khu chọn mười xã tiến hành thí nghiệm trọng điểm. 

Ngày 3-9-1952

Quý.

No photo description available.

No photo description available.

No photo description available.

No photo description available.

No photo description available.

No photo description available.

Nguồn: FB Alex Thai

Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam từ cả hai phía đông và tây?

 

Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam từ cả hai phía đông và tây?

RFA Tiếng Việt

2023.05.18

Gần đây các động thái mới của Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương và Biển Đông dường như đã tạo ra một thế trận mới bao quanh Việt Nam.

Trung Quốc và Lào lần đầu tập trận từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023. Xinhua

Trung Quốc từ lâu đã phát triển căn cứ Hải quân Ream ở Campuchia. Hồi tháng 3 năm 2023, Trung Quốc và Campuchia lần đầu tiên tổ chức tập trận chung. Từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023, Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức tập trận chung với Lào. Trong khi Trung Quốc tập trận chung với Lào thì họ cũng đồng thời cho tàu khảo sát Xiang Yang Hong-10 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam từ hôm 7/5/2023, và hoạt động liên tục nhiều đợt từ đó đến nay. Đồng thời, Trung Quốc cũng thực thi lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông đến hết mùa hè năm nay.

Các tàu Việt Nam CSB 7011, Kiểm Ngư 465 và 468 giám sát hoạt động của Xiang Yang Hong-10 khi nó quay trở lại hôm 17/5/2023. (Marine Traffic/ RFA)

Nhà nghiên cứu Raymond Powell ở Đại học Stanford chia sẻ với RFA nhận xét của mình về các hoạt động tăng cường của Trung Quốc xung quanh Việt Nam, cả trên lục địa ở phía tây và trên biển ở phía đông.

“Tại Campuchia, việc Trung Quốc phát triển Căn cứ Hải quân Ream, cũng như Sân bay Quốc tế Dara Sakor gần đó, cả hai căn cứ này đều là những điểm triển khai tác chiến tiềm năng cho lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc. Tôi chắc chắn muốn nói rằng Việt Nam nên hết sức quan tâm và nên cảnh giác với những dấu hiệu cho thấy Campuchia có ý định mở rộng quyền tiếp cận cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc đối với các căn cứ này.

Mục đích chính của Trung Quốc trong việc phát triển các căn cứ ở Biển Đông là phô diễn sức mạnh và kiểm soát không gian biển bằng cách sử dụng lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển”.

Ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sỹ về An ninh Hàng hải và Hải quân ở Đại học UNSW Canberra, Úc, cũng nhận xét rằng căn cứ Hải quân Ream và Không quân Dara Sakor của Trung Quốc ở Campuchia thực sự có ý nghĩa chiến lược, vì chúng cách đảo Phú Quốc chỉ 20 hải lý (căn cứ Ream) và cách thị xã Hà Tiên khoảng 100 km. Những căn cứ này cũng giúp Trung Quốc dễ dàng kiểm soát Vịnh Thái Lan và vươn tầm ảnh hưởng tới eo biển Malacca.

Tuy vậy, cả hai nhà nghiên cứu Raymon Powell và Nguyễn Thế Phương đều cho rằng Trung Quốc không có ý định tìm kiếm một cuộc xung đột quân sự lớn với Việt Nam vào thời điểm này.

Ông Raymond Powell nói:

“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn xung đột quân sự với Việt Nam. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng họ tìm cách nâng cao thế trận chiến lược của mình để các nước láng giềng cảm thấy buộc phải ngày càng để Trung Quốc ra lệnh cho các điều khoản cam kết”.

Ông Powell so sánh chiến thuật của Trung Quốc đối với Việt Nam với chiến thuật họ dùng với Philippines. Đó là tăng cường các lực lượng quân sự áp sát biên giới trên biển hoặc trên bộ nhưng là để gây sức ép trên bàn đàm phán.

“Trung Quốc đã tìm kiếm một thỏa thuận phát triển mỏ khí đốt chung với Philippines tại Bãi Cỏ Rong. Tối cao Pháp viện Philippines đã phán quyết là thỏa thuận này bất hợp pháp vì Philippines đã bỏ quyền chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể thuyết phục Philippines làm điều này bởi vì Trung Quốc mạnh hơn và có thể kiểm soát việc tiếp cận Bãi Cỏ Rong, do họ có lực lượng quân sự và bán quân sự lớn cũng như các căn cứ quân sự trên đảo Trường Sa như Đá Vành Khăn”.

Ông Nguyễn Thế Phương cũng có nhận xét tương tự như vậy về chiến thuật của Trung Quốc.

“Những gì Trung Quốc đang làm ở Ream, căn cứ hải quân ở Campuchia, chỉ là một phần của chiến lược vùng xám, mà đã là vùng xám thì tức là xây dựng căn cứ quân sự nhưng không phải để đánh nhau. Họ xây dựng các căn cứ đó để gây áp lực lên các nước khác trong đó có Việt Nam.

Trung Quốc không dại gì mang quân, mang tàu đi đánh người khác lúc này. Bởi vì như thế sẽ tạo ra cớ cho các nước đối thủ can thiệp quân sự vào. Trong khi đó, với chiến thuật vùng xám, tiến dần dần theo cách “tằm ăn lá”, họ có thể một mình một chợ để từng bước gây áp lực lên các nước trong khu vực”.

Ông Raymond Powell phân tích lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông trong tổng thể chiến thuật vùng xám nói chung của Trung Quốc:

“Trước hết chúng ta cần thấy là thực sự thì Biển Đông cần có một số loại quy chế có tính thường xuyên để chế tài việc đánh bắt cá nhằm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp một cách hợp lý và công bằng của tất cả các bên, trong khi đó, những gì Trung Quốc đang làm là hành động đơn phương. Họ đơn phương tuyên bố và đơn phương thực thi nó.

Hành động đơn phương này diễn ra trong bối cảnh họ cũng đồng thời đưa ra yêu sách lãnh thổ. Bằng cách nói rằng chúng tôi cấm tất cả mọi hoạt động đánh bắt cá trên vĩ tuyến 12, họ thể hiện rằng họ có quyền điều chỉnh việc đánh bắt cá trên Biển Đông. Đây là cách họ nói với mọi người rằng Trung Quốc sở hữu không gian biển đó một cách chắc chắn. Bằng cách làm điều đó, họ thể hiện là mình đang làm một việc có ý nghĩa bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Đồng thời hành động này cũng nhắm đến một điều chỉ một mình họ chấp nhận, đó là yêu sách không gian biển.

Tôi nghĩ rằng sẽ rất có ý nghĩa nếu Trung Quốc và ASEAN, hoặc thậm chí chỉ là một số quốc gia Đông Nam Á xung quanh Biển Đông, có thể cùng nhau thống nhất và đồng ý với các quy định đánh bắt cá hợp lý ở đây.

Thật không may, Trung Quốc đã đơn phương làm điều đó. Sẽ rất khó để họ quay lại và thừa nhận rằng các quốc gia khác cũng có tiếng nói khác.”

Trung Quốc từ những năm 2000 đã đặt ra chiến lược “tam chủng chiến pháp”, gồm chiến tranh pháp lý, chiến tranh dư luận và chiến tranh tâm lý. Nhà nghiên cứu Raymond Powell phân tích lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc như một kiểu chiến tranh pháp lý.

“Đó là những gì chúng ta sẽ gọi là luật? Họ đơn phương đặt ra luật, về cơ bản là luật nội địa. Và rồi bằng cách áp dụng luật nội địa của mình cho các phần của Biển Đông, họ mặc nhiên tuyên bố rằng luật nội địa của Trung Quốc áp dụng cho không gian biển đó, ngay cả khi nó nằm trong toàn bộ yêu sách đường đứt đoạn 9 đoạn mà Trung Quốc ứng xử với nó như là vùng nội thủy. Họ muốn gửi một thông điệp rằng luật nội địa của họ là cái cần phải được xem xét, thực thi.

Đối với người Trung Quốc thì Công ước của Liên Hiệp quốc về luật biển không áp dụng cho đường chín đoạn trên Biển Đông vì đây là lãnh thổ Trung Quốc. Họ muốn nói rằng họ không thể cho phép Luật biển Quốc tế quyết định những gì xảy ra ở Biển Đông”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương cho rằng mặc dù Trung Quốc đang dần dần tạo sức ép lên Việt Nam từ cả phía đông và phía tây, nhưng ở phía tây, Việt Nam vẫn có thể bảo đảm là nguy cơ một cuộc tấn công kiểu như thời Khmer Đỏ là không cao.

“Campuchia đã nghiêng hẳn sang phía Trung Quốc. Lào đang tập trận với Trung Quốc (từ ngày 9 đến 28 tháng 5, 2023) nhưng Lào hiện vẫn đỡ hơn. Để bảo đảm an ninh ở phía tây, Việt Nam không chỉ chuẩn bị về quân sự mà còn có các biện pháp kinh tế, ngoại giao, và cả gây ảnh hưởng.

Cả căn cứ Ream ở Campuchia và sân bay Dara Sakor gần đó là cái Việt Nam theo dõi rất kỹ. Toàn bộ phía nam biển Đông, Vịnh Thái Lan và thậm chí cả eo biển Malacca sẽ nằm trong tầm theo dõi của họ. Sau khi hoàn thành các căn cứ ở Hoàng Sa, Trường Sa và giờ là Ream ở Campuchia thì Trung Quốc đã hoàn thành một chuỗi các căn cứ trên biển.

Việt Nam cần tập trung vào hướng biển. Vì khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ phía đất liền thì hoàn toàn không cao. Ở hướng tây, Việt Nam có thể xử lý bằng các mặt trận chính trị, đối ngoại, kinh tế chứ không chỉ bằng bằng quân sự. Nhưng phía biển Đông thì Việt Nam còn lúng túng với các biện pháp kinh tế, chính trị, đối ngoại của mình”.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Từ sự trỗi dậy của Trung Quốc nghĩ đến trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức

 


Từ sự trỗi dậy của Trung Quốc nghĩ đến trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức

Ngô Ngọc Trai

Hôm 15/5/2021, tàu thám hiểm của Trung Quốc đã hạ cánh thành công xuống Sao Hỏa. Một năm trước đó tàu của Trung Quốc cũng đã đáp xuống Mặt Trăng.

Có lúc dư luận ồn ã vì một động cơ tên lửa của Trung Quốc rơi trở lại trái đất sau khi phóng lên vũ trụ một trạm nghiên cứu không gian. Giới khoa học lo ngại việc động cơ tên lửa rơi trở lại có thể gây nguy hiểm, nhưng sự ồn ã đó cho thấy sự trỗi dậy của ngành khoa học vũ trụ của Trung Quốc.

Như thế TQ hiện đang đạt được những bước tiến bộ vượt bậc trong thám hiểm không gian, cạnh tranh với Mỹ trong công nghệ khoa học vũ trụ. Tương ứng với đó TQ còn có một ngành quân sự to lớn.

Ảnh hưởng tới Việt Nam

Việt Nam nằm trong vùng chịu sự ảnh hưởng bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về mặt kinh tế VN cũng đạt được những lợi ích từ thị trường TQ, với những nguyên liệu đầu vào cung ứng cho doanh nghiệp VN sản xuất hàng xuất khẩu.

TQ cũng nhập khẩu hàng nông sản hay bán hàng tiêu dùng cho VN, cùng với đó là một giới trung lưu giàu có đông đảo sẵn sàng cho du lịch mua sắm và tiêu xài.

Nhưng TQ cũng chặn dòng sông Mê Kông bởi những đập thủy điện. Họ đưa nước từ miền Nam lên miền Bắc để tưới cho những vùng sa mạc khô cằn mở rộng diện tích trồng cây trái.

Việc ngăn dòng đã làm cạn nước Mê Kông khiến cho Đồng bằng Sông Cửu Long của VN từ lâu là nơi thụ hưởng cuối dòng bị cạn nước, khiến nơi này mất đi phù sa màu mỡ đem về cá tôm nuôi sống cây trồng vật nuôi, hàng triệu dân bị ảnh hưởng.

Ở biển thì TQ cấm đánh bắt cá định kỳ, nhiều phạm vi họ tự cho là vùng biển của họ khiến tàu cá VN không thể đánh bắt, làm ảnh hưởng đến sinh kế hàng triệu dân ven biển.

VN cũng bị ngăn cản khai thác nguồn nguyên liệu hóa thạch dầu khí đem lại lợi ích cho nền kinh tế.

Như thế trong quan hệ với TQ thì VN vừa được lợi ích nhưng cũng vừa chịu thiệt hại. Những phạm vi kinh tế dân sinh khác nhau chịu tác động ảnh hưởng với số lượng lên đến hàng chục triệu con người.

Từ thực tế đó đòi hỏi VN, cả ở cấp chính phủ lẫn giới trí thức, cần nhìn nhận rõ những yếu tố thực tế để có một cái nhìn đa diện đúng đắn về TQ, ngõ hầu tìm ra được những giải pháp tháo gỡ cho những thách thức.

Khi tạo ra một môi trường luận bàn công khai có chiều sâu chất lượng, có kiến thức trách nhiệm, điều đó sẽ nâng cao mặt bằng kiến thức hiểu biết, từ đó tạo ra một bầu không khí trách nhiệm quốc gia, sẽ là một dạng nguyên khí nội tại bảo hộ cho dân tộc.

Khoan dung ngôn luận

Nhưng để tạo ra một bầu không khí trách nhiệm quốc gia thì nhà nước nên có chủ trương hành động khoan dung ngôn luận, có thể bắt đầu bằng cách trả tự do cho phạm nhân ví như trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Nguyên là giám đốc một công ty tin học ở TP HCM có văn phòng đại diện tại Singapore và Mỹ, năm 2009 doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Là một người có nhiều kiến thức hiểu biết về kinh doanh ông Thức bị cho là đã có nhiều bài viết chỉ trích đường lối chính sách phát triển kinh tế lúc bấy giờ.

Nhìn một cách khoan dung thì bản chất việc làm của ông Thức chỉ là sự thực hành quyền tự do ngôn luận cũng như biểu đạt quan điểm về đường lối phát triển quốc gia, điều mà hiện nay cần khuyến khích, ngõ hầu thông qua đó mà hy vọng góp nhặt được những sáng kiến trước một Trung Quốc đầy thách thức.

Nếu như ở nước ngoài thì hành vi của ông Thức sẽ không bị cho là tội phạm, một doanh nhân ở Mỹ có quyền phê phán chỉ trích chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump, sẽ chẳng mấy ai quan tâm và dĩ nhiên những phát biểu ý kiến sẽ không bị cho là tội phạm.

Nhưng thực tế hiện nay thì đó lại là một thiệt thòi mà ông Thức đang phải gánh chịu.

Trong cùng vụ án có ba người khác bị xử lý hình sự, mỗi người chịu mức án từ 4 năm, 5 năm, 7 năm. Không hiểu sao ông Thức lại bị tuyên tới 16 năm tù giam, một mức án rất thiếu sự khoan dung, hết sức nặng nề.

Tới nay thì việc trả tự do cho ông Thức sẽ là một cách để gây dựng lòng khoan dung ngôn luận, vừa là một việc làm củng cố nền pháp quyền.

Năm 2015 Quốc hội ban hành Bộ Luật Hình sự mới đã sửa đổi tội danh về hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Luật mới đã phân biệt hành vi phạm tội đơn thuần và những hành vi ở dạng chuẩn bị chỉ chịu hình phạt dưới 05 năm tù.

Trong tội danh của ông Thức yếu tố cấu thành tội cơ bản là có hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền. Ông Thức không tham gia vào tổ chức nào và cũng không thành lập một tổ chức nào ngoài một nhóm được gọi là Nhóm nghiên cứu Chấn.

Cơ quan tố tụng khi đó áp nhóm này vào diện tổ chức và quy cho phạm tội.

Nhóm này gồm có 5 người, số lượng rất ít so với một tổ chức. Nhóm cũng không có điều lệ, không có phân công phân cấp trên dưới, không mang tên gọi của tổ chức. Đây chỉ là cơ cấu sinh hoạt nghiên cứu tự do của một doanh nhân.

Bởi vậy dù thành kiến gắt gao đến mấy với những đòi hỏi thực hành quyền dân chủ thì vẫn phải thấy được là hành vi của ông Thức đủ điều kiện để được xét giảm án áp dụng theo điều luật mới về hành vi chuẩn bị phạm tội mức án dưới 5 năm, trong khi ông Thức đã thụ án 14 năm, như thế xét theo việc thực thi pháp luật thì cần được trả tự do để củng cố pháp quyền.

Vậy nhưng mặc dù đã gửi đi nhiều đơn thư ông Thức vẫn chưa được tự do. Đến nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang đặt ra nhiều thách thức, những việc ngôn luận cần được khoan dung tự do, để tạo lập nguyên khí quốc gia nhằm tìm giải pháp cho phát triển.

N.N.T.

Nguồn: FB Ngô Ngọc Trai

Làm gì có “thần Trống Đồng” mà thề

 

Làm gì có “thần Trống Đồng” mà thề

Hoàng Tuấn Công

Hôm nay, các báo lớn đồng loạt đưa tin về “Hội thề trung hiếu” diễn ra vào 21 - 22/5/2023 ở đền thờ “thần Trống Đồng” (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Thế nhưng, ở đó làm gì có “thần Trống Đồng” mà thề?

Đây có thể nói là điển hình cho cái gọi là “dĩ hư truyền hư”, "lộng giả thành chân" diễn ra trong bao nhiêu năm qua.

Mặc dù từ năm 2011 (Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội) cho đến nay, tôi đã nhiều lên tiếng, đính chính sự ngộ nhận, lầm lẫn này, nhưng người ta vẫn truyền bá cho cái sai một cách vô tư. 

Đến mức, dù là kết quả của cả một đề tài nghiên cứu, có khai quật khảo cổ học, nhưng cuốn sách Di tích núi và đền Đồng Cổ của TS. Lê Ngọc Tạo, cuối cùng vẫn mắc phải sai lầm như bao người khác, khi cho rằng, đền Đồng Cổ thờ “thần Trống Đồng”! 

Có lẽ cuốn sách này đã góp phần không nhỏ trong việc nhân cái sai lên gấp nhiều lần. Thử điểm qua một số báo: 

- Báo Công an Nhân dân: “Ngôi đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được xây dựng năm 1028, thời Lý […] đã được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 1992 […] tri ân Thần Trống Đồng phò vua giúp nước”. 

https://cand.com.vn/.../long-trong-ky-niem-995-nam-hoi.../

- Báo Tổ quốc: “Nơi đây thờ thần Đồng Cổ - trống đồng Đông Sơn, một trong nhiều biểu tượng đặc sắc cho cội nguồn văn minh nước Việt”. 

https://toquoc.vn/hoi-the-trung-hieu-den-dong-co-don-bang...

- Báo Lao động Thủ đô: “Ngôi đền thờ thần Trống Đồng linh thiêng, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử năm 1992”.

https://laodongthudo.vn/hoi-the-trung-hieu-den-dong-co-la...

- Báo Văn hoá: “Ngôi đền thờ thần Trống Đồng rất hiển linh, gắn liền với hội thề "Trung hiếu" với đạo lý sâu sắc, bắt đầu từ đời vua Lý Thái Tông”.

http://baovanhoa.vn/.../%E2%80%9Choi-the-trung-hieu-den...

- Báo Quân đội Nhân dân còn viết rõ: “Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Đình Khuyến, Phó bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ khẳng định: “Mặc dù đền Đồng Cổ không phải là nơi gốc tích thờ Thần Trống Đồng, nhưng nơi đây có “Hội thề trung hiếu”.

https://www.qdnd.vn/.../hoi-the-trung-hieu-den-dong-co-la...

Có thể nói là không thể kể hết sự lầm lẫn kiểu này.

Vậy, đền Đồng Cổ thờ ai? Và “thề trung hiếu” là thề với vị thần nào?

Thưa rằng, đền Đồng Cổ không hề thờ “thần Trống Đồng”.

Đền Đồng Cổ (Đồng Cổ sơn từ) thờ THẦN NÚI ĐỒNG CỔ (Đồng Cổ sơn thần). Còn cái “trống đồng” để trong đền, chẳng qua chỉ là “vũ khí”, “nhạc khí”, “đồ tế khí”…của vị THẦN NÚI ĐỒNG CỔ mà thôi.

Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng cải chính về sự nhầm lẫn này. 

Lần gần đây nhất là năm 2020. Bài đăng trên Tuấn Công Thư phòng. Bà con có thể theo một trong những đường link dưới đây để biết, đền Đồng Cổ thờ ai:

https://tuancongthuphong.blogspot.com/.../lam-gi-co-than...

Và trên báo Đại đoàn kết:

http://daidoanket.vn/lam-gi-co-than-trong-dong-504705.html

Lần cách đây lâu nhất, là năm 2014, trên TCTP:

http://tuancongthuphong.blogspot.com/2014/03/en-ong-co.html

Có thể là hình ảnh về 8 người và văn bản

H.T.C.

Nguồn: FB Hoàng Tuấn Công