Khổ thân Xuân Bắc!
28-1-2023
Dưới sức ép của dư luận, trong cương vị giám đốc nhà hát kịch (hơn là tư cách nghệ sĩ), Xuân Bắc đã nói lời xin lỗi với… số khán giả đã hiểu nhầm “câu chuyện riêng” của anh.
“Câu chuyện riêng” với nhân vật “tôi” năm nào cũng ăn bánh chưng đến “tụt lưỡi”, nửa miệng nhai, nửa miệng chê mẹ nấu bánh dở, khiến mẹ không khỏi nổi giận, tát cho cái tát đến xoay tròn như đĩa hát. Cả ông bố cũng hùa theo mẹ, mắng cho một trận te tát. Từ đó rút ra bài học cho “tôi”, rằng đã ăn thì không nên chê, dẫu có nhai phải sạn thì cũng phải biết ơn mẹ, tức không nên ăn cháo đái bát.
“Tôi” đó, theo Xuân Bắc, với tư cách là chuyện riêng thì phải là chính Xuân Bắc. Nhưng nhiều khán giả quá nhạy cảm, tự vận “tôi” vào mình và hiểu ngược, rằng Xuân Bắc đang làm “bố mẹ đời” tát vào mặt khán giả khi khán giả không vừa lòng với Chương trình Táo quân.
Hiểu ngược là một dạng entropy của thông tin dưới dạng ngụ ngôn. Vậy thì nên hiểu xuôi theo ý của tác giả, Xuân Bắc, xem Xuân Bắc muốn nói gì.
Chắc chắn chuyện ăn bánh chưng không chỉ là chuyện ăn bánh chưng. Bởi nếu thuần chuyện riêng về cái bánh chưng trong gia đình của Xuân Bắc thì anh chẳng phải chia sẻ với tư cách một diễn viên hài của công chúng. Xuân Bắc mượn chuyện ăn bánh chưng để nói về cái khó của chính mình và anh em văn nghệ sĩ trong nhà hát kịch. Vậy thì bà mẹ và ông bố kia là ai? Dễ hình dung, có thể bà mẹ là Đài Truyền hình Trung ương, người trực tiếp tổ chức chương trình Táo quân? Còn người bố có thể là Bộ Văn hóa hay là cơ quan tuyên giáo kiểm duyệt chương trình?
Xuân Bắc muốn nói, các diễn viên nhà hát kịch trung ương xét đến cùng cũng chỉ là những đứa con trong cái gia đình được bà mẹ và ông bố trên nuôi dưỡng. Muốn hay không muốn thì cũng phải ăn cơm chúa múa tối ngày. Không chỉ múa, tức biểu diễn một chương trình mua vui làm thuốc giảm đau cho nhân dân, mà còn phải biết khen, dù kịch bản có sạn, đạo diễn tồi tệ hay kiểm duyệt khe khắt.
Thì đấy, kịch bản có phải do các diễn viên làm ra đâu mà do biên kịch viết theo định hướng của nhà đài. Còn đạo diễn và kiểm duyệt thì coi như hai tầng điều hành, giống như gói bánh chưng, một lớp lá ép vào khuôn, một lớp lạt buộc. Diễn viên cứ như gạo nếp, thịt nạc thịt mỡ bị nhồi vào khuôn với nhiều lớp lá và bị buộc chặt, luộc nhừ suốt ngày đêm.
Diễn nôm là họ bị buộc phải thực hiện trong cái nghịch lý: vừa diễn theo định hướng của nhà đài, vừa bị kiểm duyệt bởi cơ quan quản lý văn hóa, lại vừa bị lời khen chê của công chúng khi trình diễn sản phẩm. Nghịch lý vì được công chúng khen thì bị đạo diễn và cơ quan kiểm duyệt gõ đầu, đòi rút phép thông công. Ngược lại, được đạo diễn và cơ quan kiểm duyệt khen thì bị công chúng chửi. Làm đứa con như vậy khác nào làm dâu trăm họ?
Chẳng phải có năm chương trình Táo quân đang được công chúng khen thì bị cơ quan kiểm duyệt tuýt còi, đòi dẹp bỏ đó sao? Khi bị cái tát ấy, chẳng phải cái mặt của nghệ sỹ đã từng bị xoay tròn như đĩa hát?
Cái khổ ở đây là, nếu có sự cố gì thì cứ trăm dâu đổ hết lên đầu nghệ sĩ. Chẳng thấy ông bà nào to hơn nghệ sĩ đứng ra chịu trách nhiệm.
Phần kết câu chuyện. Xuân Bắc muốn nói, nhiều nghệ sĩ đã chọn theo cách của đứa em, rằng dẫu phải nhai hạt sạn do biên kịch và “phe” kiểm duyệt ném vào mồm thì cũng phải khen để không bị mang tiếng vô ơn, ăn cháo đái bát. Trong khi Xuân Bắc thì thử một lần theo “phe” công chúng, với tư cách một nghệ sĩ chân chính, một giám đốc thẳng thắn, đã không theo thói thường “mẹ hát con khen hay” mà dám chê, nên đã bị ăn tát đến mức méo mồm và cái mặt “xoay tròn như đĩa hát”. Thôi thì cứ thực hiện cái bài học đơn giản: để có cái ăn bỏ vào mồm, đành bỏ “phe” công chúng, theo “phe” đạo diễn và kiểm duyệt vậy?
Nói nghệ sỹ sống được nhờ công chúng, chỉ đúng cho nghệ sỹ tự do. Còn nghệ sỹ bao cấp thì rõ ràng là phụ thuộc vào bố mẹ, tức cơ chế bao cấp, và hiển nhiên phải biết ơn bố mẹ. Trong trường hợp này, công chúng có chửi, có tẩy chay, nghệ sỹ vẫn sống, thậm chí sống tốt hơn, vì được bố mẹ cho tiền nhiều hơn. Chẳng hạn như tôi là hội viên một hội văn học nghệ thuật, viết cho tạp chí của hội, tôi viết tôi tự đọc vẫn có tiền nhuận bút, có cần công chúng nào đâu? Nếu có công chúng nào thò đầu vào chửi, tôi càng được bố mẹ khen và thưởng thêm tiền, không biết ơn thì thôi chứ trách ai?
Mọi người nên hiểu xuôi theo ý bào chữa của Xuân Bắc như vậy có tốt hơn không? Có lý nào mà một chuyện ngụ ngôn, chẳng hướng vào một đối tượng xác thực nào mà dư luận cứ buộc Xuân Bắc phải xin lỗi và còn yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt? Có hàm hồ quá không?
Với tôi, Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long, Chí Trung, Quốc Khánh, Quang Thắng… vẫn là những nghệ sĩ tài năng. Nhưng họ đã không thể hiện được chính mình. Riêng Xuân Bắc đã tự làm khổ mình ở cả hai chiều: cưỡng lại bố mẹ để phục vụ hết mình cho công chúng thì bị ăn tát, còn chỉ biết làm vừa lòng bố mẹ thì bị công chúng chê và chửi. Khổ thân Xuân Bắc, vì Xuân Bắc không phải là… hề Zelensky!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét