Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Binh pháp trường kỳ cho Đài Loan: Tại sao giải pháp tốt nhất là không có giải pháp (Phần 2)

 

Binh pháp trường kỳ cho Đài Loan: Tại sao giải pháp tốt nhất là không có giải pháp (Phần 2)

Foreign Affairs

Tác giả: Jude Blanchette & Ryan Hass

Đỗ Kim Thêm dịch

Số tháng 1/tháng 2-2023

Tiếp theo phần 1

Ứng chiến, khởi động, xâm lược?

Thúc đẩy sự thay đổi này trong chính sách của Mỹ là một bản hợp xướng ngày càng đồng thanh với lập luận là ông Tập đã quyết định phát động một cuộc xâm lược hoặc thực thi lệnh phong tỏa Đài Loan trong tương lai gần. Năm 2021, Đô đốc Philip Davidson, khi đó là Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể chống lại Đài Loan “trong sáu năm tới”. Cùng năm đó, Oriana Skylar Mastro, nhà khoa học chính trị, cũng lập luận tương tự trong tạp chí Foreign Affairs rằng, “đã có những tín hiệu đáng lo ngại rằng Bắc Kinh đang xem xét lại phương cách hòa ái và dự tính thống nhất bằng vũ lực“.

Tháng 8 năm 2022, cũng trong tạp chí Foreign Affairs, Elbridge Colby, Cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, trình bày trong tạp chí Foreign Affairs rằng Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến với Đài Loan sắp xảy ra. Tất cả những phân tích này dựa trên các đánh giá về các khả năng quân sự đang phát triển của Trung Quốc. Nhưng họ không nắm được các lý do tại sao Trung Quốc không sử dụng vũ lực để chống Đài Loan, đứng trước việc sức mạnh quân sự đã vượt trội hơn Đài Loan.

Về phần mình, Bắc Kinh vẫn giữ nguyên thông điệp rằng, quan hệ xuyên eo biển đang đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục nói với dân chúng rằng thời gian đang đứng về phía họ và cán cân quyền lực đang ngày càng nghiêng về phía Bắc Kinh. Trong bài diễn văn phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh vào tháng 10-2022, ông Tập tuyên bố “thống nhất trong hòa bình” vẫn là “cách tốt nhất để hiện thực thống nhất hoá qua eo biển Đài Loan” và Bắc Kinh đã “duy trì sáng kiến và khả năng điều khiển trong các mối quan hệ xuyên eo biển“.

Tuy nhiên, đồng thời, Bắc Kinh tin rằng Hoa Kỳ đã từ bỏ tất cả chính sách “một Trung Quốc”, trong đó Washington thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Thay vào đó, trong mắt của Bắc Kinh, Mỹ đã bắt đầu sử dụng Đài Loan như một công cụ để làm suy yếu và chia rẽ Trung Quốc. Các xu hướng chính trị nội bộ của Đài Loan đã khuếch đại những lo lắng của Trung Quốc. Quốc Dân Đảng ủng hộ Bắc Kinh trong lịch sử đã bị gạt ra ngoài lề, trong khi Đảng Cấp tiến Dân chủ thiên về tinh thần độc lập đã củng cố quyền lực. Trong khi đó, dư luận ở Đài Loan đã chua chát về công thức hòa giải chính trị mà Bắc Kinh ưa chuộng, đó là chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”, trong đó Trung Quốc cai trị Đài Loan nhưng cho phép Đài Bắc có một số phạm vi để tự quản lý về mặt kinh tế và hành chính.

Bắt đầu từ năm 2020, công chúng Đài Loan trở nên hoài nghi đặc biệt về ý tưởng này, khi Bắc Kinh từ bỏ lời hứa cho phép Hồng Kông hưởng “một mức độ cao về quyền tự trị” cho đến năm 2047 bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia cứng rắn. Trong các tuyên bố cấp cao, Bắc Kinh đã nhắc lại rằng, “thời gian và động lực” đang đứng về phía Bắc Kinh. Nhưng bên dưới những dự đoán công khai về niềm tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể hiểu rằng, công thức “một quốc gia, hai hệ thống” của họ không gây thu hút được Đài Loan và các xu hướng của công luận trên đảo này đi ngược lại viễn tượng của họ về việc hội nhập toàn diện xuyên eo biển.

Đài Bắc có cảm giác cấp bách của riêng mình, bị thúc đẩy bởi những lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh. Đài Bắc đang lo lắng là sự hỗ trợ của Mỹ có thể giảm đi nếu sự quan tâm của Washington chuyển sang nơi khác hoặc quay lưng lại với các cam kết ở nước ngoài. Điệp khúc mới từ chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn là, “tình hình Ukraine hiện nay chính là tương lai của Đài Loan“, nó vừa phản ánh chân thực những lo lắng của Đài Bắc về sự xâm lăng của Trung Quốc vừa là nỗ lực thúc đẩy sự ủng hộ mà nó sẽ vượt ra ngoài biến động hiện tại về địa chính trị. Nói cách khác, một điều mà Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington dường như đồng ý là thời gian đang hoạt động chống lại họ.

Ở một mức độ nào đó, cảm giác cấp bách này có cơ sở thực tế. Bắc Kinh có tham vọng rõ ràng và lâu dài về việc sáp nhập Đài Loan và đe dọa công khai sử dụng vũ lực, nếu Bắc Kinh kết luận rằng cánh cửa thống nhất bằng hòa bình đã bị đóng lại. Các phản đối của Bắc Kinh là Hoa Kỳ không còn tuân thủ nữa các hiểu biết về Đài Loan, trong một số trường hợp, là chính xác.

Và về phần mình, Đài Bắc đã hợp lý khi lo âu rằng Bắc Kinh đang đặt nền móng để bóp nghẹt hoặc chiếm giữ Đài Loan. Nhưng những lo lắng của Mỹ đã được thổi phòng bởi những phân tích thiếu thận trọng, bao gồm cả những khẳng định rằng Trung Quốc có thể lợi dụng sự phân tâm của Hoa Kỳ ở Ukraine để chiếm giữ Đài Loan bằng vũ lực, hoặc Trung Quốc đang hoạt động theo một thời biểu cố định để hướng tới việc chinh phục bằng quân sự. Ví dụ đầu tiên trong số này đã bị bác bỏ bởi thực tế. Điều thứ hai phản ánh sự hiểu lầm về chiến lược của Trung Quốc.

Thực ra, không có bằng chứng chung quyết nào là Trung Quốc đang hoạt động theo một thời biểu cố định để chiếm giữ Đài Loan, và sự lo lắng gia tăng ở Washington chủ yếu được thúc đẩy bởi khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc hơn là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Tập đang chuẩn bị tấn công hòn đảo này. Theo Bill Burns, Giám đốc cơ quan CIA, ông Tập đã chỉ thị quân đội chuẩn bị cho cuộc xung đột vào năm 2027 và đã tuyên bố rằng diễn tiến cho sự thống nhất với Đài Loan là một yêu cầu để hoàn thành “sự trẻ trung hóa vĩ đại của Trung Quốc”, mà ông đặt năm 2049 làm mục tiêu. Nhưng bất kỳ một thời biểu nào có mục tiêu trong gần ba thập niên cho tương lai chỉ còn là khát vọng.

Giống như các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi, ông Tập muốn ưu tiên bảo vệ quyền tự do hành động trong các vấn đề chiến tranh và hòa bình, và không tự kềm hãm mình trong những kế hoạch mà ông không thể thoát ra. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang chi tiêu dồi dào để bảo đảm sự lựa chọn cho giải pháp bằng quân sự trước vấn đề Đài Loan, Mỹ và Đài Loan không được tự mãn. Tuy nhiên, cũng tương tự như vậy, nếu kết luận rằng tương lai đã được báo trước và xung đột không thể tránh khỏi, việc này sẽ sai lầm.

Việc xác định các kịch bản xâm lược thúc đẩy các giới hoạch định chính sách của Mỹ triển khai các giải pháp cho các mối đe dọa sai lầm trong ngắn hạn. Các quan chức quốc phòng thích chuẩn bị hơn cho các cuộc phong tỏa và xâm lược, vì các kịch bản như vậy phù hợp nhất với khả năng của Mỹ và dễ dàng nhất để khái niệm hóa vấn đề và lập kế hoạch. Tuy nhiên, điều đáng nhắc lại là trong quá khứ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn các lựa chọn khác ngoài chiếm đóng quân sự để đạt được mục tiêu của họ, chẳng hạn như xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và sử dụng luật pháp ở Hồng Kông.

Thật vậy, Đài Loan đã tự bảo vệ mình trước một loạt các cuộc tấn công không thể xác định được của Trung Quốc trong nhiều năm, bao gồm các cuộc tấn công trên mạng, can thiệp vào chính trị bầu cử của Đài Loan và các cuộc thao diễn quân sự nhằm làm suy yếu niềm tin của Đài Loan vào hệ thống phòng thủ của chính mình và hỗ trợ của Hoa Kỳ. Phản ứng của Trung Quốc đối với chuyến công du Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8-2022 nhấn mạnh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm lung lay niềm tin tâm lý của Đài Loan trong việc tự vệ. Sau chuyến viếng thăm, lần đầu tiên, Bắc Kinh điều động hoả tiễn bay qua Đài Loan, tiến hành các hoạt động không kích chưa từng có trên đường trung tuyến eo biển Đài Loan và mô phỏng cuộc phong tỏa các cảng chính của Đài Loan.

Mặc dù mối đe dọa quân sự chống Đài Loan là có thật, nhưng nó không phải là thách thức duy nhất, hoặc gần nhất, mà hòn đảo phải đối mặt. Khi Hoa Kỳ tập trung một cách hạn hẹp vào các vấn đề quân sự mà quên đi các mối đe dọa khác cho Đài Loan, Hoa Kỳ có nguy cơ mắc phải hai sai lầm nghiêm trọng: thứ nhất, bù đắp quá mức theo những cách làm leo thang các căng thẳng nhiều hơn là ngăn chặn xung đột; và thứ hai, đánh mất tầm nhìn của các vấn đề chiến lược rộng lớn hơn mà Hoa Kỳ có lẽ phải đối mặt nhiều hơn. Bắc Kinh đã bóp nghẹt mối liên hệ của Đài Loan với các nơi khác còn lại của thế giới và cố gắng thuyết phục dân chúng Đài Loan rằng, lựa chọn duy nhất để tránh sự tàn phá là tuân theo các điều kiện về hòa bình của Bắc Kinh chọn.

Đây không phải là một giả thuyết trong tương lai mà vốn dĩ đã là một thực tế trong thường nhật. Và bằng cách thổi phồng về mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc, giới phân tích và quan chức Hoa Kỳ đang vô tình làm công tác cho Đảng CSTQ bằng cách dấy lên các lo sợ ở Đài Loan. Họ cũng đang gửi các tín hiệu đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư toàn cầu đang hoạt động trong và xung quanh Đài Loan là sẽ có nguy cơ cao độ khi bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột quân sự.

Một sai lầm khác, cho rằng xung đột không thể tránh khỏi. Khi làm như vậy, Hoa Kỳ và Đài Loan tự ràng buộc mình với việc chuẩn bị bằng mọi cách để có thể cho cuộc xung đột sắp xảy ra, thúc đẩy những kết quả mà họ tìm cách ngăn chặn. Ví dụ, nếu Hoa Kỳ đẩy Trung Quốc vào một góc, bằng cách đóng quân thường trực ở Đài Loan hoặc thực hiện cam kết phòng thủ hỗ tương chính thức khác với Đài Bắc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể cảm thấy sức nặng của áp lực theo tinh thần dân tộc và thực hiện các hành động quyết liệt có thể tàn phá hòn đảo.

Hơn nữa, việc mạo hiểm đơn phương trong một cuộc chiến với Hoa Kỳ về Đài Loan sẽ không phù hợp với chiến lược quy mô của ông Tập. Viễn tượng của ông là khôi phục Trung Quốc như một cường quốc hàng đầu trên chính trường thế giới và biến Trung Quốc, như ông nói, trở thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại”. Do đó, một mặt, các mệnh lệnh phải chiếm giữ Đài Loan, mặt khác, khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu đang căng thẳng trực tiếp. Bất kỳ cuộc xung đột nào về Đài Loan sẽ là thảm họa cho tương lai của Trung Quốc.

Nếu các hành động của Bắc Kinh với Đài Loan là quân sự, họ sẽ cảnh báo các nơi khác còn lại trong khu vực là Trung Quốc thoải mái với việc tiến hành chiến tranh để đạt mục tiêu, có khả năng kích hoạt các nước châu Á khác vũ trang và đoàn kết để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc. Xâm lược Đài Loan cũng sẽ gây nguy hiểm cho việc Bắc Kinh thâm nhập tài chính, dữ liệu và các thị trường toàn cầu, hủy hoại quốc gia bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ, thực phẩm và chất bán dẫn.

Ngay cả khi cho rằng Bắc Kinh có thể thành công trong việc xâm lược và chiếm giữ Đài Loan, sau đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề. Nền kinh tế Đài Loan sẽ sụp đổ, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn vô cùng quý giá trên toàn cầu. Vô số thường dân sẽ chết hoặc bị thương, và những người sống sót sau cuộc xung đột sẽ căm thù tột độ với sức mạnh quân sự xâm lược. Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với những đòn đáp trả ngoại giao và trừng phạt chưa từng có. Xung đột ngay ngoài khơi hải phận phía đông của Trung Quốc sẽ làm mất khả năng như là một trong những hành lang hàng hải bận rộn nhất thế giới, gây ra những hậu quả tai hại cho nền kinh tế của Trung Quốc chuyên về việc xuất khẩu.

Và tất nhiên, khi xâm lược Đài Loan, Trung Quốc sẽ tạo ra sự tham gia quân sự của Hoa Kỳ và có lẽ là các cường quốc khác trong khu vực, gồm cả Nhật Bản. Đây sẽ là định nghĩa chính xác của một loại chiến thắng không đáng đạt được hưởng.

Những thực tế này ngăn cản Trung Quốc tích cực xem xét đến một cuộc xâm lăng. Giống như tất cả những người tiền nhiệm, ông Tập muốn trở thành nhà lãnh đạo cuối cùng sáp nhập Đài Loan. Nhưng trong hơn 70 năm, Bắc Kinh đã kết luận rằng, cái giá của một cuộc xâm lược vẫn còn quá cao, và điều này giải thích tại sao Trung Quốc thay vào đó chủ yếu dựa vào các biện pháp khích lệ về kinh tế, và gần đây là các cưỡng chế không minh bạch.

Khác xa với việc có một kế hoạch được cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất, thật ra, Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong con đường cùng về chiến lược. Sau khi Bắc Kinh chà đạp lên quyền tự trị của Hồng Kông, không ai có thể tin rằng Trung Quốc sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng ở eo biển thông qua chính sách “một quốc gia, hai hệ thống”. Hy vọng của Trung Quốc là lực hút của nền kinh tế sẽ đủ để đưa Đài Bắc vào bàn đàm phán cũng đã bị dập tắt, một nạn nhân của cả thành công kinh tế của Đài Loan và sự quản lý kinh tế yếu kém của ông Tập.

Một cuộc xâm lược Đài Loan không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số các vấn đề này. Ông Tập sẽ chỉ mạo hiểm nếu khi nào tin rằng ông không có lựa chọn nào khác. Không có các dấu hiệu nào cho thấy, ông Tập, dù bất cứ nơi nào, đến gần kết luận như vậy. Hoa Kỳ nên cố gắng giữ kết luận theo cách này. Không có bài phát biểu nào của ông Tập giống với những đe dọa mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra trước cuộc xâm lược Ukraine. Không thể loại trừ khả năng của ông Tập có thể tính sai hoặc dò dẫm trong cuộc xung đột. Nhưng những tuyên bố và hành vi của ông Tập không cho thấy [ông ta] sẽ hành động một cách liều lĩnh như vậy.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét