Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Phỏng vấn cựu Trung tướng Hoa Kỳ Ben Hodges: “Tôi không thấy có ánh sáng nào cuối chân trời cho nước Nga”

 

Phỏng vấn cựu Trung tướng Hoa Kỳ Ben Hodges: “Tôi không thấy có ánh sáng nào cuối chân trời cho nước Nga”

NTV

Volker Petersen phỏng vấn tướng Ben Hodges

Nguyễn Văn Vui chuyển ngữ

22-2-2023

Cựu Trung tướng Hoa Kỳ Ben Hodges

Cựu Trung tướng Mỹ Ben Hodges cho biết, bất kỳ xe tăng Leopard nào, kể cả phiên bản cũ Leopard 1, đều tốt hơn bất kỳ xe tăng nào của Nga. Trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine tròn 1 năm, chuyên gia Mỹ cho biết rằng, điều quan trọng nhất là, phải có những kíp vận hành được đào tạo bài bản.

NTV.de: Thưa ông Hodges, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã diễn ra được một năm. Người dân Ukraine hàng ngày chịu đựng các cuộc không kích, giết người, bắt cóc, chết chóc và tàn phá. Vậy mà dường như họ vững quyết tâm hơn bao giờ hết. Ông có ngạc nhiên trước chuyện này không?

Ben Hodges: Con người là vậy. Ném bom chiến lược, tức là tấn công tên lửa vào các khu dân cư, các nhà máy điện và cơ sở hạ tầng điện, chưa bao giờ là một cách để khuất phục dân chúng – trong bất kỳ cuộc chiến nào. Điều đó đã thất bại ở Anh trong Thế chiến thứ hai, cũng như ở Đức thời Quốc xã.

Ở Ukraine, chúng ta cũng thấy xảy ra điều tương tự. Người dân Ukraine quyết tâm hơn bao giờ hết vì họ đang bảo vệ chính quê hương của mình. Họ biết rất rõ chuyện gì sẽ xảy ra nếu người Nga chiếm một vùng đất nước của họ. Các kinh nghiệm tang thương ở Bucha đã khắc ghi trong đầu óc của họ. Vì vậy tôi không ngạc nhiên trước quyết tâm này của người Ukraine. Không.

NTV.de: Cuộc chiến hiện nay diễn biến ra sao? Chúng ta đang đứng ở đâu? Ai đang có ưu thế? Hoặc là, có bên nào đang chiếm được thế thượng phong không?

Ben Hodges: Cho tôi trả lời kiểu này: Tôi không thấy bất kỳ tia sáng nào ở cuối chân trời cho Nga, nếu phương Tây kiên quyết ủng hộ Ukraine. Nếu chúng ta tập trung ý chí để hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine, Nga sẽ không được bất cứ gì từ cuộc chiến tranh xâm lược này. Vì vậy tôi thấy khi Tổng thống Mỹ của chúng tôi tuyên bố rằng “sự hỗ trợ cho Ukraine sẽ kéo dài đến khi nào họ cần”, thì hơi mông lung. Đúng hơn, Tổng thống Biden nên nói thật rõ ràng là: Chúng ta muốn Ukraine chiến thắng!

NTV.de: Vâng. Nhưng chính Thủ tướng Đức Scholz cũng không nói ra rõ như vậy mà.

Ben Hodges: Đúng. Nhưng rất may là nhiều nước Âu châu khác hiểu rất rõ những gì đang bị đe dọa. Chúng ta thấy ở những nước đó có sự lãnh đạo thực sự và mạnh mẽ, kèm theo hành động. Ví dụ, Estonia đã cung cấp tất cả các pháo vận hành của mình cho Ukraine. So với tổng sản phẩm quốc nội của họ, họ đã viện trợ nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Estonia đã làm những gì họ nói.

NTV.de: Cuộc tấn công lớn dự kiến ​​của Nga đã bắt đầu chưa?

Ben Hodges: Việc câu hỏi này được đặt ra, cho thấy một sự thật ngay phía sau: Cuộc tấn công này đang thiếu chất lượng. Tôi nghĩ về kỹ thuật thì nó đã bắt đầu rồi. Nhưng đó không phải là một đợt tấn công như người ta dự kiến ở một đoàn quân chuyên nghiệp. Một đoàn quân như thế sẽ tập trung lực lượng vào một vị trí cụ thể, đánh thật mạnh để đạt được mục tiêu của mình. Thay vào đó, quân Nga tấn công trên một mặt trận kéo dài, trải rộng. Cho đến nay, Nga chỉ thảy ra hàng hàng lớp lớp lính nghĩa vụ – kém huấn luyện, kém chỉ huy và kém trang bị – ra chiến trường. Một kiểu thí quân vô cùng tàn nhẫn.

NTV.de: Nhưng họ có khả năng chiếm được Bakhmut mà.

Ben Hodges: Ngay cả nếu hôm nay Nga chiếm được Bakhmut – thì có chuyện gì xảy ra sau đó không? Họ không đủ lực lượng cơ giới để tiến lên sau khi đột phá. Chúng ta đã bàn hơi quá nhiều về cuộc tấn công mà quên xem xét thực tế sự việc đang diễn ra.

NTV.de: Xin ông cho biết quan điểm về bán đảo Crimea. Một số người nói rằng nên để vấn đề Crimea qua một bên trong lúc này. Ông nghĩ thế nào?

Ben Hodges: Tôi nghĩ đó là một lập luận hơi yếu, nửa vời của một số người làm chính trị nào đó. Những người này dường như không thực tâm lắm với những tuyên bố của họ về các giá trị dân chủ, chủ quyền và Hiến chương LHQ. Họ sẵn sàng từ bỏ lãnh thổ hợp pháp của Ukraine trong nhiều thập kỷ.

Tôi xin đưa ra một ví dụ: Đức sẽ không từ bỏ Sachsen hay Brandenburg chỉ vì để được hòa bình. Và Hoa Kỳ cũng sẽ không tự nhiên từ bỏ Florida chỉ để xoa dịu một kẻ gây hấn như Putin. Kiểu trò chuyện như thế này thực sự làm tôi mất hứng thú. Chúng ta tự làm rắc rối mình vì sợ sệt Nga quá lố.

Nhân dịp này, không phải là cuộc chiến mới bắt đầu từ một năm qua. Cái gọi là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái, nhưng cuộc chiến đã bắt đầu từ năm 2014. Hãy nhìn xem chúng ta đang ở đâu sau 9 năm. Điều tốt nhất để hiểu nước Nga (và các tham vọng của nó) là xem lại những gì chúng đã thấy.

NTV.de: Còn nguy cơ tấn công nguyên tử của Nga thì sao?

Ben Hodges: Tôi coi nguy cơ leo thang hạt nhân là tương đối thấp. Không phải nó không có. Tất nhiên người Nga có hàng ngàn vũ khí nguyên tử và họ không đếm xỉa bao nhiêu dân vô tội sẽ chết. Nhưng tôi tin là lời cảnh báo của Tổng thống Biden về “hậu quả thảm khốc” đã lọt đến tai họ.

Tôi cũng không nghĩ việc sử dụng bom hạt nhân chiến thuật sẽ mang lại bất cứ ưu thế nào cho Nga trên chiến trường. Bom hạt nhân chiến thuật được phát triển trong thời Chiến tranh Lạnh, nhằm chọc thủng một lỗ hổng trong quân đội NATO ở đâu đó dọc theo biên giới Đức. Sau đó các lực lượng đặc biệt của Liên Xô được huấn luyện để chiến đấu trong địa hình bị ô nhiễm sẽ tiến vào khoảng trống này. Ngày nay người Nga không còn những đội quân đặc biệt đó nữa. Vì vậy sẽ không có ích lợi gì cho họ khi sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

NTV.de: Nhưng có ích hay không, Putin đâu có quan tâm.

Ben Hodges: Vũ khí hạt nhân của Nga chỉ có hiệu lực khi chúng không được sử dụng. Nay chúng ta nói không nên tấn công chiếm lại Crimea vì Nga có thể sử dụng bom nguyên tử, thì chúng ta đang tự hạn chế mình.

Thực tế cho thấy, mỗi khi chúng ta đối đầu với Putin, ông ta đều lùi bước. Giống như trường hợp một kẻ bắt nạt: nếu bạn đánh vào mũi anh ta, anh ta sẽ lùi lại. Nhưng xin lặp lại, chúng ta cần bỏ lập luận độc hại và dối trá cho rằng Crimea có một vị thế đặc biệt nào đó, nói rằng nó hầu như là lãnh thổ của Nga. Đây là chuyện hoàn toàn tầm bậy: Crimea là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Ukraine.

NTV.de: Ngay cả khi ông không thích cách bàn luận này – chúng tôi vẫn nghe nói rằng, cuộc chiến này sẽ kết thúc bằng đàm phán. Và hồi đầu cuộc chiến chính Zelensky cũng tỏ ra sẵn sàng thỏa hiệp. Vậy Crimea có phải là một sự hy sinh có thể chấp nhận được vì một lợi ích lớn hơn, để chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp này hay không?

Ben Hodges: Tôi có vài cái lấn cấn với những điều mà bạn vừa nói. Trước tiên: Tôi không có vấn đề gì với cách bình luận này cả. Tôi chỉ nói tôi có quan điểm hoàn toàn khác với những người cho rằng Crimea là một trường hợp đặc biệt. Họ lý luận rằng nó nên được để qua một bên và Putin nên được thưởng một cái gì đó cho hành vi xâm lược và chiếm đất bất hợp pháp của ông ta. Nhân đây xin nhắc lại, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu chống lại các sáp nhập bất hợp pháp. Không ai chấp nhận điều đó cả.

Thứ hai, còn lợi ích lớn hơn đề cập ở đây là cái gì vậy?

NTV.de: Hòa bình?

Ben Hodges: Ồ! Hòa bình sẽ không có được theo kiểu đó đâu! Chúng ta đã biết qua lịch sử rồi. Kiểu đó sẽ không mang lại hòa bình. Đó là một cách xoa dịu, một cách lấy lòng. Bạn có chắc rằng nếu cho Nga giữ bán đảo Crimea, thì trong hai hoặc ba năm nữa chúng ta sẽ không ngồi đây và lại bàn luận về một cuộc tấn công mới của Nga nữa ư? Bạn có thực sự tin rằng sau khi nhận được phần thưởng cho cuộc chiến xâm lược tàn bạo của mình, bỗng nhiên Nga sẽ bắt đầu tôn trọng công pháp quốc tế hay sao?

NTV.de: Mùa thu năm ngoái, ông đã nói trên đài truyền hình NTV rằng, Ukraine có thể kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của mình vào mùa hè này. Ông có giữ dự đoán đó hay không?

Ben Hodges: Khi tôi đưa ra một dự đoán, tất nhiên tôi cũng kèm theo các điều kiện căn bản phải có. Trong trường hợp Crimea, điều kiện cần là những vũ khí tầm xa. Nếu các đồng minh dân chủ chúng ta cung cấp những vũ khí này, tôi vẫn tin rằng có thể giải phóng được Crimea vào cuối tháng 8. Crimea là phần lãnh thổ quyết định, sau đó mới tới Donbass. Ukraine sẽ không bao giờ an toàn được, chừng nào quân đội Nga còn có mặt ở Crimea.

NTV.de: Cái gì sẽ quyết định cuộc chiến này? Vũ khí, đạn dược hay hậu cần?

Ben Hodges: Như tôi đã nói, nước Nga không có tia sáng nào ở cuối chân trời cả. Nga không thể sản xuất vũ khí chính xác của mình do các lệnh trừng phạt. Họ mất hàng trăm lính mỗi ngày. Có một huyền thoại về khả năng chịu khó, chịu khổ của người Nga. Tôi nghi điều đó không thể áp dụng cho cuộc chiến này, bởi vì khác với hồi Thế chiến II, ngày nay người Nga không bảo vệ tổ quốc của họ.

Và một điều nữa: Bạn có thể chắc chắn rằng ở Moscow hay St. Petersburg không có nhiều gia đình thực sự khó và khổ. Con cái của họ vẫn đi nghỉ hè ở Doha hoặc đi làm việc ở London. Chủ yếu là thành phần dân nghèo trong nội địa phải trả cái giá của chiến tranh. Tình trạng này khó lòng tiếp diễn mãi được.

NTV.de: Còn hậu cần thì sao?

Ben Hodges: Hệ thống hậu cần của Nga chưa bao giờ được thiết kế cho những việc mà Nga đang làm hiện nay. Họ sẽ không thể duy trì những việc họ đang làm. Trong năm qua, không lực của Nga chưa bao giờ phá hủy được một đoàn tàu hoả hoặc đoàn xe vận tải quân sự từ Ba Lan đến Ukraine. Đây là những điều rất cơ bản mà họ không làm nổi.

Hạm đội Biển Đen thực tế đang trốn núp ở Sevastopol (Crimea). Thậm chí tàu bè Nga sợ đến gần bờ biển Ukraine cho dù Ukraine không có hải quân. Cũng nên nhớ lại tháng 9 năm ngoái: nửa triệu thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ đã trốn khỏi đất nước để trốn lính. Họ không muốn tham chiến. Đây là cuộc chiến của Putin. Cuộc chiến này sẽ kết thúc khi Ukraine đánh bại Nga. Và nếu điều đó xảy ra càng sớm thì càng có thể cứu được nhiều mạng sống.

NTV.de: Xe tăng Leopard của Đức có tạo nổi một khác biệt gì không?

Ben Hodges: Là một người lính Mỹ, tôi luôn tin rằng Abrams là loại xe tăng tốt nhất. Nhưng trong trường hợp này, Leopard là giải pháp tối ưu. Đó là một xe tăng tuyệt vời trong mọi phiên bản. Phiên bản Leopard nào cũng tốt hơn bất cứ thứ gì người Nga đang có.

NTV.de: Ngay cả phiên bản cũ Leopard 1?

Ben Hodges: Nếu Ukraine có những kíp vận hành giỏi trên chiếc Leopard 1, họ sẽ tiêu diệt mọi xe tăng Nga ngoài kia. Một kíp giỏi là điều quan trọng nhất. Ở phía Nga tôi chưa từng thấy bằng chứng là họ có các kíp vận hành được đào tạo thực sự tốt.

NTV.de: Ukraine có cần máy bay chiến đấu không? Ít nhất là cho đến nay, Nga vẫn chưa giành được chủ quyền trên không.

Ben Hodges: Nhiệm vụ của các F16, MiG hay các loại máy bay khác không chỉ là phòng không mà còn hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất. Mục đích là phá hủy các kho đạn dược, vị trí pháo binh và sở chỉ huy. Máy bay hiện đại sẽ thêm độ chính xác ở độ sâu. Điều đó sẽ góp phần vào các chiến công của bộ binh. Vì vậy, sở hữu được những chiếc máy bay đó sẽ có giá trị vô cùng to lớn.

NTV.de: Trong số các nước EU, Đức cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Ukraine. Đức cũng cắt việc sử dụng khí đốt và dầu mỏ của Nga. Nước Đức đã thu nhận một triệu người tị nạn và muốn đầu tư 100 tỷ Euro cho quân đội. Ông có còn nhận ra đất nước này không?

Ben Hodges: Tôi rất ấn tượng. Điều thú vị là dường như 90% dân Đức không biết rằng nước họ là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị lớn thứ hai cho Ukraine. Tôi nghĩ chính quyền Berlin đã không tuyên bố đủ tự tin về những điều mà họ đang làm. Phần truyền thông chưa đúng mực với các công việc rất tốt của chính phủ Liên bang, với sự hỗ trợ của Quốc hội và với sự hào phóng của người dân Đức, những người đã tiếp nhận vô số người tị nạn.

Tôi thấy hầu như không có bất kỳ cuộc biểu tình phản đối nào khi chính phủ Liên bang thực hiện một bước đi lớn. Dân chúng Đức không phản đối trong năm 2016, khi Đức chuyển một Battle Group đến Litva, hay năm ngoái khi Thủ tướng Scholz quyết định về Zeitenwende (thay đổi lập trường về chủ đề chiến tranh). Hoặc sau quyết định cung cấp xe tăng Leopard và cho phép các nước khác xuất khẩu chúng – cũng không có ai xuống đường ở Frankfurt.

NTV.de: Có chứ, đã có một số phản đối. Vừa qua có một bức thư ngỏ và vào thứ Bảy sẽ có một cuộc biểu tình tại Cổng Brandenburg. Ông cũng hiểu vì sao nhiều người Đức có cảm xúc lẫn lộn về chiến tranh. Sau Thế chiến II, chúng tôi lớn lên với câu tụng niệm “không bao giờ nữa”. Người Đức có nên dẹp bỏ câu tụng niệm này không?

Ben Hodges: Không đâu, chính điều này người Đức nên làm: Không bao giờ [xảy ra chiến tranh] nữa! Bởi vì việc này đang diễn ra trước mắt chúng ta: Một cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc và hàng vạn người dân vô tội bị sát hại. Tôi nghĩ hầu hết người Đức đều thấu hiểu câu “Nie wieder” nghĩa là gì. Người ta phải làm một cái gì đó để bảo đảm một việc khủng khiếp nào đó sẽ không bao giờ được xảy ra nữa.

Khi tôi đi dọc các vỉa hè ở Frankfurt hay Berlin, hay các thành phố khác của Đức, tôi luôn nhìn thấy những Stolpersteine (người dịch:  Stolpersteine ​​là những viên đá đường, bọc đồng thau mà các thành phố Đức cho ghi để tưởng niệm các nạn nhân của Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Các Stolpersteine được đặt trên vỉa hè, trước nhà của các nạn nhân). Thật là một ấn tượng nhắc nhở không quên!

Tôi nghĩ rằng nước Đức đã xây dựng một hệ thống đạo đức trong nhiều thập niên qua. Các bạn nên bảo vệ nó – bằng cách làm hết sức để bảo vệ những giá trị quan trọng cho các bạn và cho tất cả các đồng minh dân chủ của các bạn.

NTV.de: Trong khoản dự chi 100 tỷ Euro cho quốc phòng, các khoản thực sự chi ra hơi muộn và nước Đức vẫn chưa chi đủ 2% GDP cho quốc phòng. Nước Đức hơi quá chậm chăng?

Ben Hodges: Vâng, nhưng người Mỹ chúng tôi cũng chậm vậy thôi. Nhiều người đã rất ngạc nhiên tích cực khi nghe bài phát biểu của Thủ tướng Đức vào ngày 27 tháng 2 (về Zeitenwende). Nhưng bạn nói đúng, tất cả đều quá chậm. Điều này một phần do ý chí chính trị, một phần do bộ máy quan liêu.

Nhưng ở Mỹ cũng vậy, chúng tôi đã bàn cãi cả năm trời về số đạn dược đang dùng và việc chúng tôi sẽ không đủ đạn dược nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc. Dù vậy, chúng tôi vẫn chưa gia tăng sản lượng của mình. Nếu chính phủ cần thêm súng thì họ nên bỏ tiền ra mua súng. Điều này đúng cho Đức, cũng đúng cho Mỹ.

NTV.de: Cung cấp vũ khí là một chuyện. Nhưng có phải tinh thần sẵn sàng bảo vệ tổ quốc là quyết định hơn cả phải không? 

Ben Hodges: Hoàn toàn đúng. Napoléon nói rằng, tinh thần chiến đấu so với khí tài như 3 với 1. Đây là lý do tại sao trong sử sách có rất nhiều ví dụ về các quốc gia hoặc đơn vị nhỏ hơn nhưng chiến thắng các quốc gia hoặc đơn vị lớn hơn. Đó là ý chí chiến đấu và tinh thần kháng chiến.

Tôi tin rằng, nhiều lính Nga không muốn qua chiến trường Ukraine, mà họ chỉ bị buộc phải qua đó đánh nhau mà thôi. Còn người Ukraine, họ biết rất rõ người Nga. Họ hiểu những gì đang bị đe dọa, họ không quên Stalin, Holodomor (Holodomor là nạn đói khủng khiếp trong những năm 1932 – 1933 do chính sách diệt chủng của Stalin ở Ukraine, làm chết 4 triệu người). Họ chứng kiến ​​hàng ngàn con nhỏ của họ bị bắt qua Nga nhồi sọ. Đó là lý do tại sao người Ukraine nói rằng, thà sống với bom đạn Nga còn hơn là sống dưới xiềng xích của người Nga.

NTV.de: Điều đó nhắc nhở gì người Mỹ về lịch sử của chính họ, đến cuộc chiến tranh giành độc lập và tự do không?

Ben Hodges: Chắc chắn. Nó nhắc nhở chúng ta rằng, ý muốn dân chủ và tự do là một chuyện. Nhưng làm gì để có dân chủ và tự do là một chuyện khác nữa. Tự do không ai cho mình bao giờ. Tôi biết, nghe nói thì có vẻ hơi tầm thường, nhưng thực sự là “freedom is not free”, tự do không phải trên trời rơi xuống.

Ukraine đã truyền cảm hứng cho nhiều người và cho cá nhân tôi, khiến tôi chú ý nhiều hơn đến những gì đang xảy ra trên đất nước mình. Nhiều người Mỹ coi tự do là điều hiển nhiên. Nhiều người đã trở nên quá lười biếng để tìm hiểu lịch sử của chính nước họ. Để hiểu rằng, người ta phải chiến đấu để bảo vệ tự do. Và nếu bạn muốn bảo vệ các giá trị của mình, bạn phải đấu tranh cho chúng. Không ai khác sẽ làm điều đó thay cho bạn.

_______

Tác giả: Ben Hodges, 64 tuổi, từng là Trung tướng, chỉ huy Lực lượng Lục quân Hoa Kỳ ở châu Âu từ năm 2014 đến 2017. Sau khi nghỉ hưu, ông sinh sống ở Frankfurt am Main và dấn thân mạnh mẽ cho Ukraine. Ông làm việc với tư cách là chuyên gia tư vấn cho tổ chức phi lợi nhuận Human Rights First.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét