Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

Đập thủy điện Sekong A: Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập

 


Đập thủy điện Sekong A: Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập

RFA Tiếng Việt

Hiện đang có một đập thủy điện được một công ty Việt Nam xây dựng một cách “bí ẩn” ở một địa điểm nhạy cảm đối với kinh tế xã hội - Hạ lưu sông Mekong: Đập thủy điện Sekong A ở Lào. 

clip_image002

Hình ảnh vệ tinh đập thủy điện Sekong A do TS. Bryan Eyler công bố hôm 14/2/2023 -Planet/ Bryan Eyler 

Nói đây là một dự án “bí ẩn” vì những thông tin pháp lý cơ bản của dự án hiện vẫn chưa được công khai. 

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, đập thủy điện này nằm ở vị trí có thể phá hoại nghiêm trọng nghề cá ở Campuchia và đẩy nhanh tốc độ lún ở Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Dù các bên chịu ảnh hưởng của dự án này đang quan tâm đặc biệt đến tiến độ của nó, dự án không rõ ràng về tình trạng pháp lý này hiện đã sắp hoàn thành. Theo hình ảnh vệ tinh do TS. Brian Eyler, Giám Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Bền vững tại Stimson Center, một think tank ở Washington DC, công bố hôm 14 tháng 2 năm 2023, đập thủy điện này hiện đã vượt qua giữa dòng sông Sekong A.  

RFA phỏng vấn TS. Brian Eyler về dự án thủy điện này.

Thời điểm để Việt Nam hành động trước khi quá muộn 

RFA: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn về đập Sekong A. Ông cho rằng đây là vấn đề cấp bách đối với cả Campuchia và Việt Nam, và Việt Nam cần khẩn cấp hành động trước khi quá muộn. Xin ông chia sẻ một quan điểm toàn diện về dự án này.

Brian Eyler: Hiện nay đang có sự thay đổi một số vị trí lãnh đạo Chính phủ ở Việt Nam. Đồng thời ở Việt Nam cũng xuất hiện một số cáo buộc liên quan đến các dự án thủy điện khác nhau và các hoạt động tham nhũng. Bạn biết đấy, đây có thể là thời điểm cần hành động để có thể trì hoãn hoặc dừng việc xây dựng đập Sekong A.

RFA: Tại sao lại có mối liên hệ giữa việc chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay với khả năng dừng dự án Sekong A?

Brian Eyler: Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam người ta đã đưa ra ánh sáng việc một số nhà lãnh đạo có liên hệ với các doanh nghiệp Nhà nước. Điều đó đã rõ rồi. Nhưng cũng có những lãnh đạo khác có những sở thích kinh doanh khác. Chúng ta đã biết được rất nhiều về điều đó trong vài tháng qua.

Chúng tôi không biết chắc chắn, nhưng tôi nghĩ có thể có một số giả định rằng một số lãnh đạo trong mạng lưới lãnh đạo cũng có liên quan đến  các dự án ở nước ngoài.

Tôi đã đọc một số phân tích từ Việt Nam về đập Luang Prabang ở Lào. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ban đầu có cổ phần trong con đập đó. Nhưng bây giờ đang hình thành một ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, và ban lãnh đạo mới đã hành động để Petro Vietnam không còn nắm giữ cổ phần trong con đập đó nữa. Như vậy không còn phần vốn góp của Việt Nam trong đập Luang Prabang. 

Vì vậy, chúng ta có thể hy vọng mặc dù dự án Sekong A được khởi đầu là một dự án của Việt Nam, nhưng có thể hy vọng sẽ có một thỏa thuận tương tự với đập Luang Prabang. Có lẽ đập Sekong A cũng sẽ bị đưa vào tầm ngắm của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam.

RFA: Nhưng nhà đầu tư chính của dự án đập Sekong A là một công ty tư nhân, Hoàng Anh Gia Lai. Đó là công ty tư nhân, không phải công ty Nhà nước. Tại sao nó lại có mối liên hệ với tham nhũng trong nhà nước?

Brian Eyler: Tôi nghĩ rằng vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai đã được thanh lý và hiện tại nó thuộc sở hữu của một công ty khác khi Hoàng Anh Gia Lai được tái cấu trúc vài năm trước. Tôi nghĩ chúng ta có thể kiểm chứng được ai là chủ đầu tư thực sự của dự án Sekong A. Điều đó là khả thi. Đó có thể thực sự là Hoàng Anh Gia Lai. Hoàng Anh Gia Lai không phải là nhân vật xa lạ gì với vấn đề sông Mekong.

RFA: Họ sở hữu rất nhiều đập ở Lào.

Brian Eyler: Đúng vậy. Ở đây, vấn đề là toàn bộ tình hình xung quanh con đập này trong quá trình tiến triển của dự án là rất mơ hồ. Có một sự thiếu minh bạch rất lớn ở đây. 

Điều này có thể không quá quan trọng trong một tình huống khác nếu con đập không quá rủi ro. Nhưng đây là một dự án cực kỳ rủi ro với tác động sâu sắc có thể xảy ra đối với nghề cá trong toàn bộ hệ thống sông Mekong, bao gồm một số nghề liên quan đến ngư nghiệp và những hậu quả đối với Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như toàn bộ Việt Nam. 

Vì vậy, theo nhiều cách, tôi gọi dự án này là một hồi chuông báo tử cho nghề cá trên sông Mekong. Và theo nhiều cách, Việt Nam đang tự bắn vào chân mình bằng cách xây dựng con đập này ở Lào. 

Và một lần nữa, cấu trúc của truyền thông tri thức, cung cấp tin tức, cũng như thông tin về quyền sở hữu của dự án đập Sekong A rất mơ hồ. 

Tôi nghĩ có lý do để tin rằng ngay cả trong tình trạng hiện tại của con đập (đã được khởi công và xây dựng phần lớn) thì con đập đang được xây dựng trái phép.

Nghi vấn đập Sekong A được xây dựng trái phép

RFA: Ông nói có khả năng con đập này được xây dựng trái phép. Xin ông giải thích.

Bryan Eyler: Không ai tìm thấy các tài liệu cần phải được công khai của con đập này. Khi một con đập được xây dựng ở Lào, nó cần một thỏa thuận nhượng quyền được ký kết, về cơ bản, đó là hợp đồng giữa chủ sở hữu đập và chính phủ, cụ thể là Bộ Năng lượng và Khai thác Mỏ của Lào. Không ai biết hiệp định sang nhượng đã được ký kết hay chưa.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy con đập đang được xây dựng rất nhanh. Việc xây dựng đã bắt đầu từ hơn hai năm trước. Để con đập đến được giai đoạn phát triển này, một thỏa thuận nhượng quyền phải được ký kết.

Và sau đó chính phủ Lào cũng phải thông báo cho Ủy hội sông Mekong (the Mekong River Commission.) Nhưng từ các cuộc thảo luận của chúng tôi với các chủ thể chính trong khu vực sông Mekong, không ai rõ liệu Ủy hội sông Mekong có được thông báo hay không.

Chúng tôi biết điều này vì các chủ thể khác ở hạ lưu, chẳng hạn như Ủy ban sông Mê Kông Quốc gia Campuchia đã nhiều lần hỏi Ủy hội sông Mekong về tình trạng phát triển của đập Sekong A ở Lào. Và Ủy hội sông Mekong vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính thức cho Ủy hội sông Mekong Quốc gia Campuchia. 

Các cuộc thảo luận của tôi với các chủ thể chính ở Campuchia cho thấy Campuchia quan ngại sâu sắc về sự phát triển của dự án này và tiến độ của dự án này. Họ quan ngại đến mức đang đưa ra yêu cầu đối với Ủy hội sông Mekong.

RFA: Nếu dự án đập thủy điện Sekong A bị xây dựng trái phép, một số thực thể ở Campuchia và Lào có thể kiện chủ đầu tư của dự án hay không? Nếu họ muốn kiện chủ đầu tư thì kiện ở đâu, kiện những gì và nếu kiện thì sẽ ra sao?

Bryan Eyler: Tôi không nghĩ đó là vấn đề có thể xử lý ở phòng xử án. Điều cần làm là Bộ Năng lượng và Mỏ của Chính phủ Lào hoặc các thực thể trên cần xem xét lại liệu các quy trình pháp lý liên quan đến con đập này có được tuân thủ hay không. Và các nhà chức trách ở Lào cần có những hành động thích hợp để ngăn chặn hoặc trì hoãn việc xây dựng con đập này nếu nó đang được xây dựng bên ngoài giới hạn của luật pháp quốc gia Lào hoặc nỗ lực để đưa nó vào trong giới hạn của luật pháp quốc gia Lào. Điều đó có nghĩa là chính phủ nhận được hiệp định nhượng quyền đã ký kết.

Cùng với các thông tin khác đó, dự án này phải được báo cáo cho chính quyền địa phương những vấn đề liên quan đến tác động môi trường, tác động xã hội cũng như tiến độ xây dựng. 

Chúng tôi biết rằng nhà đầu tư đã được phép bắt đầu công việc chuẩn bị cho dự án xây đập, nhưng loại công việc đang được thực hiện hiện nay, với bằng chứng là hình ảnh vệ tinh, cho thấy con đập đang được xây dựng vượt xa công việc chuẩn bị, vốn chỉ là chuẩn bị mặt bằng và tái định cư cũng như các loại công việc ở giai đoạn đầu. Hiện nay con đập này gần như đang được xây dựng trên sông. Và khi dòng sông bị đóng lại, thì con đường di cư của cá sẽ không còn khả thi.

RFA: Ông nói có nhiều thực thể ở Campuchia lo ngại về dự án. Xin cho biết họ là ai, tại sao họ lo ngại và họ cần gì để dừng dự án này?

Bryan Eyler: Họ không làm bất cứ điều gì để ngăn chặn dự án. Họ chỉ đang cố gắng tìm hiểu thêm về nó. Theo hiểu biết của tôi, các chủ thể chính ở Campuchia quan tâm đến dự án đập Sekong A là Ủy ban Quốc gia về Sông Mekong (the Cambodian National Mekong Commission) và Cục Kiểm ngư (the Fisheries Administration).

Ủy ban Quốc gia về Sông Mekong của Campuchia được đặt trong Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng. Ủy ban này đã đưa ra yêu cầu đối với Ủy hội sông Mekong. Ngoài ra, các cơ quan chủ chốt trong Bộ Nông lâm Campuchia, nơi quản lý Cục Kiểm ngư, trong các cuộc thảo luận với tôi, cũng đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về diễn biến này.

Ngay cả các quan chức ngành năng lượng của Campuchia, những người quan tâm đến nguồn điện cho đất nước và cũng rất ủng hộ nhu cầu phát triển mạnh mẽ của nghề cá trên sông Mekong, cũng đã bày tỏ lo ngại về con đập này. 

Nhưng có điều gì đó đang cản trở quá trình tìm hiểu và tạo ra môi trường minh bạch về con đập cụ thể này, và chúng tôi không biết cái gì đã làm cho mọi thứ trở nên bí ẩn như vậy. Nhưng có suy đoán rằng việc đình trệ này liên quan đến việc không có một thỏa thuận nhượng quyền nào được ký kết đối với con đập, và do đó con đập đang được xây dựng bất hợp pháp theo Luật của Lào.

Không ai thấy bản Đánh giá Tác động Môi trường 

RFA: Tôi muốn hỏi về bản Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội của dự án này. Tôi cố gắng tìm bản Đánh giá Tác động Môi trường và Xã hội của dự án này nhưng không thấy.

Ryan Eyler: Chưa ai nhìn thấy nó. Không. Tôi cũng đã hỏi nhưng không thấy.

RFA: Tôi đã hỏi một số đồng nghiệp của tôi ở Lào và Campuchia nhưng họ không có.

Ryan Eyler: Đúng. Và vâng, một lần nữa, các quy trình, tài liệu và việc cung cấp thông tin xung quanh dự án này hoàn toàn không rõ ràng.

Tất nhiên, bạn biết đấy, chúng ta không nên cho rằng nó diễn ra không minh bạch như vậy là do một số lý do bất chính nào đó. Đúng hơn là có thể chúng không được tiết lộ chỉ vì việc tiết lộ thông tin về các đập trên những dòng nhánh của sông Mekong cho công chúng không phải là một phần thông lệ ở Lào. 

Nhưng một con đập có tác động lớn như thế này cần phải có sự minh bạch hơn xung quanh nó. Và một lần nữa, bạn biết đấy, chưa nói đến các chính phủ, tình hình khẩn cấp đến mức ngay cả công chúng cũng cần được thông báo về những gì đang xảy ra.

Ý tôi là, con đập này đang được xây dựng ở biên giới với Campuchia, chỉ cách thượng nguồn vài km. Vì vậy, các tác động xuyên biên giới của dự án này không chỉ là những tác động đến hồ Tonle Sap. Nó cách hồ Tonle Sap khoảng 150 km hay 200 km, nhưng chỉ cách vài km về phía hạ lưu. Sẽ có những tác động đáng kể ở Campuchia.

RFA: Về vấn đề tính minh bạch của đập thủy điện Sekong A, ông có biết khách hàng của đập thủy điện này không? Dự án này làm xong thì bán điện cho ai?

Ryan Eyler: Có thể Campuchia là một trong những khách hàng. Và đây là một trong những lý do khiến Campuchia lo ngại vì chính quyền Campuchia không muốn mua điện từ những con đập sẽ làm hỏng hệ thống sông Mekong. 

Và điều rất rõ ràng là Campuchia đã trì hoãn, nếu không muốn nói là hủy bỏ, các kế hoạch của họ đối với hai con đập trên dòng chính sông Mekong ở Campuchia. Đây là một phần cam kết của Campuchia trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu. Vì vậy, chúng tôi biết Campuchia cam kết không phá hủy sông Mekong bằng những con đập lớn hơn. Campuchia rõ ràng là rất quan tâm đến những diễn biến của đập Sekong A. 

Đập thủy điện Sekong A: Nguy cơ tàn phá môi trường, kinh tế và xã hội

RFA phỏng vấn TS. Bryan Eyler về những nguy cơ tiềm ẩn mà đập thủy điện Sekong A có thể gây ra với kinh tế, xã hội và an ninh trong khu vực hạ lưu sông Mekong một khi được hoàn thành trong tương lai gần. 

Nguy cơ đối với an ninh lượng thực 

RFA: Tại sao ông nói rằng con đường di cư của cá trên sông Mekong sẽ không còn khả thi, một khi con sông Sekong bị đóng lại? Điều đó có nghĩa là nguồn cá ở Campuchia sẽ bị ảnh hưởng? Ông có thể giải thích cho thính giả của chúng tôi cơ chế mà đập Sekong A một khi được xây dựng hoàn chỉnh có thể ngăn chặn, phá hủy hoặc làm giảm an ninh lương thực ở Campuchia? Tại sao con đập này có thể ảnh hưởng đến nguồn cá Campuchia?

Brian Eyler: Chắc chắn rồi. Và tôi muốn nói rõ rằng tôi có thể sai khi cho rằng con đập đang được xây dựng trái phép. Vấn đề là toàn bộ quá trình này rất bí ẩn. Và theo sự hiểu biết của tôi, đã không có phản hồi nào từ Ủy hội sông Mekong đối với chính phủ quốc gia Campuchia về những lo ngại của họ đối với con đập này. Vì vậy, chúng tôi suy đoán thông qua việc thu thập dữ liệu từ các thực thể chính trong khu vực này, rằng việc trì hoãn thông tin như vậy có thể liên quan đến một vấn đề pháp lý nào đó.

Ở đây, rủi ro là sông Sekong là con sông dài nhất và có đập của sông Mekong, là chi lưu có đập dài nhất của hệ thống sông Mekong. Nó cũng rất gần với hồ phía nam nhỏ bé, và nó rất gần với Đồng bằng Sông Cửu Long. Con sông đó, phụ lưu đó, là "đường cao tốc" di chuyển quan trọng cho dòng di cư của cá. 

Hiện có nhiều cá đang di chuyển qua nhánh sông đó hơn trước đây, bởi vì hai nhánh sông dài khác của sông Mekong, ngay phía nam sông Sekong, đã bị chặn bởi đập hạ lưu sông Sesan 2 ở Campuchia. 

Những con đập này không thiết kế bậc thang cho phép cá vượt qua một cách hiệu quả hoặc không có một hệ thống giúp cá di cư để cho phép cá đi qua đập đó. Vì vậy, loài cá trên sông Mekong đang điều chỉnh để thích nghi, và hiện chúng đang chọn sông Sekong để di cư và đẻ trứng.

Chúng tôi biết điều này từ những nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm. Việc đóng cửa dòng sông đó sẽ xóa bỏ khả năng lựa chọn hơn cho việc di cư của cá. Cá thích di cư đến các nhánh sông hơn là dòng chính vì chúng có thể tiếp cận bãi đẻ trứng nhanh hơn, nên nhìn chung chúng cần đến các khu vực nông hơn để đẻ trứng.

Như vậy con đập này sẽ cắt đứt đường di chuyển ngược dòng của cá từ khi ngăn hồ đến bãi đẻ, nhưng cũng cắt đứt đường di chuyển ngược dòng của trứng cá về hạ lưu rồi về đồng bằng. Và chúng cũng đi đến cái hồ nhỏ phía nam nơi chúng lớn lên thành cá hoặc chúng là thức ăn cho những loài khác.

Vì vậy, rủi ro ở đây là nghiêm trọng, trong khi đó bản thân con đập chỉ sản xuất ra 85 megawatt điện. Dự án thủy điện nào cũng có "trade-off" (những điều buộc phải chấp nhận, đánh đổi cho nhu cầu năng lượng), nhưng ở đây, sự đánh đổi và mất mát là rất lớn so với lợi ích nhận được, đặc biệt là khi có nhiều lựa chọn khác để phát điện có thể tạo ra 85 megawatt điện mà không bị tổn thất nghiêm trọng đến nghề cá và các dòng chảy quan trọng khác đến sông Mê Kông.

RFA: Như vậy nguồn cá ở Campuchia có thể bị suy giảm do đập thủy điện Sekong A. Đồng bằng Sông Cửu Long ở Nam Bộ Việt Nam nằm ở cuối hạ lưu sông Mekong. Nguồn cá ở Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia có quan trọng đối với nguồn cá ở Đồng bằng Sông Cửu Long hay không?

Brian Eyler: Có. Bởi vì có một mối quan hệ giữa nguồn cá ở Campuchia và Miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, Campuchia còn xuất khẩu cá sang Việt Nam. Việt Nam cũng xuất khẩu sang Campuchia. Có giao thương về cá và thực phẩm giữa hai nước. Điều đó quan trọng đối với an ninh lương thực của Campuchia hơn là an ninh lương thực của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam là một quốc gia giàu có hơn Campuchia, hoặc bạn biết đấy, vì Việt Nam giàu có hơn ở Campuchia, nên người dân dựa vào nghề cá đó để cung cấp lượng protein.

Và đó là nghề cá nước ngọt được đánh bắt tự nhiên. Đó không phải cá đông lạnh và chế biến trong siêu thị. Nó đến ngay từ hệ thống hồ và cung cấp cho người dân Campuchia 70% lượng protein hàng năm của họ. Việc loại bỏ 10% hoặc 20% trong số 70% lượng protein đó sẽ hạn chế nghiêm trọng khả năng đảm bảo kinh tế của Campuchia. 

Vì vậy, bản thân con đập có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, từ đó có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế và cuối cùng là dẫn đến một vấn đề an ninh của toàn khu vực. Và đây là những loại hậu quả mà chúng ta đã lo lắng từ lâu.

Và bằng cách nào đó, con đập này vừa mới bắt đầu xây dựng, nhưng nó gần như đã hoàn thành, trong khi có rất ít sự giám sát về tác động của nó đối với xã hội, môi trường và an ninh khu vực.

Đẩy nhanh tốc độ sụt lún ở ĐBSCL 

RFA: Và phù sa cũng vậy, bởi vì đập Sekong A có thể ngăn chặn việc vận chuyển phù sa đến Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam.

Brian Eyler: Đúng.

RFA: Điều đó sẽ ảnh hưởng đến Miền Nam Việt Nam như thế nào? Đó là vùng thấp nhất của sông Mekong.

Brian Eyler: Các con đập chặn trầm tích chảy xuống hạ lưu và điều này sẽ lại chặn dòng chính của con sông Sekong. Vì vậy, trừ khi trầm tích được xả qua đập, điều này hiếm khi xảy ra, ngay cả khi đập có cơ chế xả trầm tích, thì đập đó sẽ hứng toàn bộ lượng trầm tích.

Trầm tích đến từ các phụ lưu khác nhau ở thượng nguồn trong lưu vực sông Sekong là khá lớn. Phía trên nơi con đập này đang được xây dựng.

Đồng bằng Sông Cửu Long cần phù sa cho sản xuất nông nghiệp và cũng để giữ cho nó ổn định về mặt địa chất với tư cách là một khối đất. Lý do là đồng bằng châu thổ này hình thành từ trầm tích mới được lắng đọng trên vùng đồng bằng ngập nước trong hai hoặc ba ngàn năm qua.

ĐBSCL thực ra còn rất trẻ. Nó không phải là một địa hình cũ. Nó chỉ khoảng 3.000 năm tuổi. Và nó được tạo ra hoàn toàn bởi sự lắng đọng trầm tích trên khắp vùng đồng bằng ngập nước. Vì vậy, việc cắt đứt dòng sông Sekong sẽ loại bỏ một huyết mạch vận chuyển phù sa quan trọng đến Đồng bằng Sông Cửu Long, khiến nó trở thành một vùng đất rộng lớn kém động năng cũng như kém hiệu quả kinh tế hơn.

clip_image004

Đồng bằng Sông Cửu Long đang lún dần

RFA: Và mực nước biển đang dâng lên. Vậy nó có thể làm cho ĐBSCL bị lún nghiêm trọng hơn trong thời gian tới?

Ryan Eyler: Đúng. Không có phù sa, đồng bằng sẽ chìm nhanh hơn. Vâng. Bạn biết đấy, trầm tích có tính năng đẩy cho đất liền lấn ra biển. Bây giờ mực nước biển dâng lên, đang lấn phần đất liền, đang lấy đất liền đi với tốc độ bằng vài sân bóng đá mỗi ngày, theo sự hiểu biết của tôi.

Nước biển dâng là điều không phải do Việt Nam tạo ra, nhưng là vấn đề Việt Nam cần phải giải quyết. 

Vì vậy, nếu có thêm trầm tích bị chuyển ngược lên thượng nguồn bên ngoài Việt Nam bởi hành động của một công ty Việt Nam, thì một lần nữa, điều này giống như Việt Nam đang tự bắn vào chân mình. 

Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để bảo vệ ĐBSCL.

Những nguy cơ về xã hội và an ninh quốc gia 

RFA: Và đồng bằng Sông Cửu Long ở Miền nam Việt Nam có dân số rất đông. Hơn 17 triệu người phải không?

Ryan Eyler: Đúng, đúng. Khoảng 20% dân số cả nước ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

RFA: Ông có hình dung được tác động xã hội khi Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam bị lún nghiêm trọng hơn vì con đập Sekong A này không?

Ryan Eyer: Vâng, tác động của nó rất lớn. Nếu vùng châu thổ này biến mất sẽ tác động sâu sắc đến Việt Nam và toàn khu vực Châu Á. Nhưng, bạn biết đấy, thật thoải mái khi biết rằng mực nước biển tuy vẫn đang dâng lên nhưng nó diễn ra rất chậm. Vì vậy, vùng đồng bằng sẽ không biến mất trong một sớm một chiều. Có rất nhiều thời gian để chuẩn bị và thích nghi với những gì sẽ xảy ra trong thế kỷ tới.

Nhưng chúng ta không nên làm cho mọi thứ tồi tệ hơn hiện tại, bằng cách để các công ty Việt Nam xây dựng đập ở những vị trí quan trọng và những con đập được thiết kế kém ở phần thượng nguồn.

RFA: Hãy trở lại với chủ đầu tư của dự án này. Chủ đầu tư là một công ty tư nhân, vì vậy lợi nhuận mà con đập mang lại sẽ thuộc về tư nhân. Nhưng như ông đã nói, nó tác động rất lớn đến kinh tế xã hội của cả khu vực, ở Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam. Vậy các chính quyền trung ương và địa phương trong vùng nên làm gì trong trường hợp này?

Brian Eyler: Chính phủ Việt Nam cam kết bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long và cam kết trở thành một bên tham gia có trách nhiệm trong khu vực sông Mekong. Chúng tôi đã thấy điều này một cách nhất quán. Vì vậy, hành động của một nhà đầu tư tư nhân không nên đi ngược lại cam kết và ưu tiên của chính phủ quốc gia. Điều đó rất nguy hiểm, đúng không?

Và dự án này cũng có vẻ là một ý tưởng thực sự tồi tệ, đặc biệt là bây giờ, với bối cảnh hiện tại. Vì vậy, với thẩm quyền của chính phủ quốc gia ở Hà Nội, tôi nghĩ đã đến lúc Chính phủ Việt Nam xem xét tiến độ của con đập này, đặc biệt là xem xét tính pháp lý mà tôi đã đề cập ở phần trước. 

Bởi vì nếu các bên liên quan có thể nắm rõ được tình trạng pháp lý của con đập này, hiểu được quy trình và quá trình dẫn đến đến trạng thái hiện nay của con đập (đang được xây dựng vượt ngang qua sông Sekong), thì có thể làm cho con đập được xây dựng tốt hơn, bằng cách cải thiện khả năng hỗ trợ cá di cư, cải thiện thiết kế của đập. Đó là phương hướng nên làm nếu không thể dừng hoặc trì hoãn đập. 

Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là nên dừng hoặc trì hoãn xây dựng con đập này, do bởi gánh nặng môi trường và xã hội mà nó đè lên vùng hạ lưu.

RFA: Còn các giải pháp thay thế cho con đập thì sao? Ở trên ông đã đề cập rằng có nhiều giải pháp thay thế cho con đập này. Xin ông cho chúng tôi biết chi tiết?

Brian Eyler: Chắc chắn rồi. Bạn có thể tìm một nơi khác để xây dựng một con đập có kích thước tương tự trên một nhánh của sông Sekong hoặc tìm một địa điểm có thể sản xuất 85 megawatt điện trên một phần của con sông nơi đã xây dựng các con đập khác. Bằng cách đó, chúng sẽ không ảnh hưởng đến con đường di cư của cá. Con đập ở vị trí khác thì vẫn có tác động đến trầm tích nhưng không tác động đến đường di cư của cá. Một giải pháp thay thế như vậy thực sự quan trọng để bảo vệ nghề cá của Campuchia và Việt Nam. 

Tuy vậy, cũng có thể thay thế dự án thủy điện này mà không cần xây đập ở chỗ khác. 

Năng lượng mặt trời quy mô rất khả thi ở khu vực Nam Lào và khả thi với hệ thống đường dây truyền tải. Nếu nguồn điện này được gửi đến hai khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam, các đường dây truyền tải có thể được liên kết với các nhà máy năng lượng mặt trời quy mô cũng như có thể dễ dàng liên kết với các đập. 

Tiếp theo là một lựa chọn khác, đó là năng lượng mặt trời nổi. Bạn có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời lớn trên mặt hồ chứa nước đã được xây dựng. Nó có thể dễ dàng đạt tới 85 megawatt, nguồn năng lượng mà đập thủy điện Sekong A tạo ra. Nó không phải là nhỏ, nhưng nó không phải là một con số lớn. 

Tôi nghĩ có nhiều cách để làm hài lòng tất cả các bên trong tình huống cụ thể này bằng một dự án thay thế và một cách tiếp cận thay thế. 

Đây là một vấn đề thực sự cấp bách. Hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng con sông sẽ sớm bị đóng cửa. Một khi nó bị đóng cửa, nó sẽ không thể mở lại được và có thể mất nhiều tháng nếu muốn mở. Và con đập này có khả năng đóng cửa chặn dòng trong mùa khô này.

RFA: Cảm ơn ông rất nhiều vì những chia sẻ này.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét