Từ chuyện y tế: Nhân sự theo quy trình; và khốn khổ, chết đúng… quy trình! (Phần 1)
Trân Văn
27-2-2023
Xây dựng bệnh viện cho dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”.
Gần như hoạt động của toàn bộ các bệnh viện lớn nhất tại Việt Nam đều đã chuyển từ trạng thái bình thường sang cầm chừng. Tuy tất cả các cơ sở y tế bất kể quy mô đều thiếu đủ thứ (dược phẩm, hóa chất, trang bị, thiết bị,…) để có thể khám bệnh, chữa bệnh là hết sức bất thường (1) nhưng việc các điểm tựa cuối cùng cho sức khỏe, tính mạng của những người đang “thập tử, nhất sinh” như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM),… cũng thiếu đủ thứ khiến bệnh nhân và thân nhân nếu không muốn chết mòn thì phải tự di chuyển nhiều nơi để tìm mua thuốc, tìm mua vật dụng y tế, hoặc làm các xét nghiệm,… rồi giao lại cho bác sĩ của họ chẩn đoán, xác định cách thức điều trị (2)… rõ ràng là không thể tưởng tượng được!
27 tháng 2 hàng năm là Ngày Thấy thuốc Việt Nam và năm nay, vào dịp này, các nhân viên y tế, lãnh đạo các cơ sở y tế chỉ đề cập đến một chuyện, không chỉ ngành y tế mà những người Việt cần được khám bệnh, chữa bệnh đều đang ngắc ngoải. Hôm 23/2/2023, Cổng Thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam tổ chức một cuộc tọa đàm nhân dịp 27 tháng 2 nhưng chủ đề lại là “Ngành y vượt khó”. Ở cuộc tọa đàm ấy, Bác sĩ Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh việt Việt Đức – cảnh báo: Tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc, vật tư y tế để chăm sóc người bệnh gần như đã hết, các hóa chất xét nghiệm để phục vụ chẩn đoán, điều trị cho người bệnh cũng gần như đã hết. Chúng ta chỉ còn khoảng thời gian từ một tuần tới hai tuần nữa. Nếu như chúng ta không tháo gỡ được các vướng mắc liên quan đến mua sắm y tế, các bệnh viện hầu như sẽ không hoạt động được nữa!
Tương tự, khi đón ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư BCH TƯ đảng kiêm Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng đến tặng hoa, chúc mừng nhân Ngày Thấy thuốc Việt Nam, giống như các đồng nghiệp trên toàn quốc, Bác sĩ Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy – dành phần lớn thời gian để trình bày về những bất cập của qui định hiện hành: Muốn mua sắm thì phải tổ chức đấu thầu. Muốn xét chọn thầu thì phải có ba bảng chào giá nhưng trên thực tế, tỉ lệ gói thầu có đủ ba bảng chào giá chỉ chừng 30% đến 40%. Có thể vì biết yêu cầu đó khó khả thi nên Bộ Tài chính hướng dẫn thêm rằng nếu không đủ ba bảng chào giá thì có thể thẩm định giá kê khai nhưng trên thực tế, không có cơ quan hữu trách nào thẩm định giá kê khai có đúng hay không… Do vậy mua sắm trong ngành y tế rất nhiều rủi ro vì rất dễ trở thành “cố ý làm trái”(3)…
Thiết bị kỹ thuật cao rất đa dạng. Chẳng hạn máy chụp cắt lớp (Computed tomography – CT) có hàng trăm loại, mỗi loại có độ phân giải, chức năng khác nhau. Do đặc điểm, các bệnh viện cấp tỉnh có thể chỉ cần mua máy CT 64 lát cắt nhưng những bệnh viện “tuyến cuối” cần phải loại 258 hay 512 lát cắt… Do đó, cũng là máy CT nhưng giá rất khác nhau và rất dễ bị buộc phải giải trình, dễ gặp rắc rối. Theo Bác sĩ Thức, Bệnh viện Chợ Rẫy cần thiết bị đặt stent mạch vành nhưng không đủ ba bảng chào giá cho gói thầu này nên có thể chỉ tiến hành đặt stent với bệnh nhân cấp cứu, những trường hợp khác sẽ phải chờ… Vào lúc này, 3/5 máy CT của Bệnh viện Chợ Rẫy bị hư nhưng thiếu ba bảng chào giá nên không thể sửa chữa hay mua máy mới để thay thế. Tình trạng tương tự là máy siêu âm, 10/35 máy đã hư…
Thiếu trang bị, thiết bị, nhân viên y tế phải làm thêm giờ (có khoa như Xạ trị phải làm từ 6 giờ sáng hôm nay đến rạng sáng hôm sau), căng thẳng hơn, cực nhọc hơn nhưng đó vẫn chưa phải là điều đáng ngại nhất. Điều đáng ngại nhất là bệnh nhân lãnh đủ. Rất nhiều bệnh nhân có nhu cầu phải đi nơi khác để được chụp, chiếu rồi mang kết quả về Bệnh viện Chợ Rẫy cho bác sĩ chẩn đoán. Trước, mỗi ngày Bệnh viện Chợ Rẫy khám – điều trị cho khoảng 6.000 bệnh nhân ngoại trú, nay – con số này chỉ còn… 2.000! Báo điện tử VietNamNet mới giới thiệu một phóng sự ảnh về Bệnh viện Chợ Rẫy và gọi đó là… “cảnh tượng chưa từng thấy” (4): Hàng loạt thiết bị kỹ thuật cao hư hỏng, bất khiển dụng nhưng không thể mua sắm, sửa chữa nên bệnh viện “tuyến cuối” cho cả khu vực Tây Nam, Đông Nam của miền Nam vốn nổi tiếng đông đúc, giờ thưa vắng khác thường.
***
Giống như nhiều lĩnh vực khác, lĩnh vực y tế tại Việt Nam cũng có đủ loại scandal liên quan đến đầu tư hạ tầng, mua sắm dược phẩm, trang bị, thiết bị,… Giống như nhiều lĩnh vực khác, tham nhũng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam cũng là vấn nạn trầm kha đã vài thập niên. Nỗ lực chấn chỉnh bằng việc đặt ra đủ loại quy định, soạn lập quy trình, rồi thanh tra, điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự như đã thấy trong vài năm gần đây đối với lĩnh vực y tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung không những không khả quan mà còn cho thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã mục ruỗng đến mức vô phương cứu vãn! Dựa trên những gì đã biết, không thể chỉ xem yêu cầu ba bảng chào giá đang gieo vạ cho cả y giới lẫn dân chúng là biểu hiện của bất trí, trong nhiều trường hợp, sự vô lý đến mức không thể lý giải vì sao chính là đặt bẫy để kiếm lợi…
Đầu tháng trước, Tòa án thành phố Hà Nội công bố hình phạt đối với 36 bị cáo dính líu tới vụ giao cho Công ty Tiến bộ Quốc tế (AIC) 16 gói thầu trong Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ 2010 đến 2015 gây thiệt hại cho công quỹ 148 tỉ (5). Diễn biến của phiên xử kéo dài gần hai tuần này bộc lộ một điều mà không cá nhân hay cơ quan hữu trách nào ở Việt Nam chịu thừa nhận: Chính qui định, quy trình là bà đỡ vụ án này. Xây dựng bệnh viện cho dân chúng trong tỉnh nhưng ngay cả Bí thư tỉnh cũng phải dựa vào vài người như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC) để “xin vốn Trung ương”. Năm 2016, Trung ương chỉ đồng ý cấp cho Đồng Nai 889 tỉ để làm “vỏ” Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Sau khi lãnh đạo Đồng Nai nhờ bà Nhàn, Trung ương cấp thêm 754 tỉ để nhồi “ruột” (mua sắm các thiết bị y tế).
Do bà Nhàn có công, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai sắp đặt để bà Nhàn thắng hết các gói thầu với giá cao hơn nhiều so với giá trị thật và cùng nhau nhận tiền… “tạ ơn”. Trước tòa, ông Trần Đình Thành – cựu Bí thư Đồng Nai – khai, chính ông điện thoại cho bà Nhàn để kể về dự án xây bệnh viện đa khoa cho tỉnh bị thiếu vốn và nhờ bà Nhàn “góp cho tỉnh Đồng Nai một tiếng nói”, bởi “Nguyễn Thị Thanh Nhàn có thể thuyết phục bộ, ngành Trung ương ủng hộ vốn cho các địa phương. Còn bộ, ngành nào thì tôi không biết” (6). Hệ thống tư pháp (công an, kiểm sát, tòa án) chỉ ghi nhận – đúng là hồi đầu (2006), Trung ương chỉ cho Đồng Nai 899 tỉ để xây bệnh viện đa khoa chứ không cấp tiền sắm thiết bị y tế, mãi đến năm 2010, Trung ương mới phê duyệt, cho thêm 754 tỉ để mua thiết bị – nhưng… không nói gì thêm!
(Còn tiếp)
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/khong-the-tram-dau-do-dau-nguoi-benh-5710713.html
(4) https://vietnamnet.vn/canh-tuong-chua-tung-thay-o-benh-vien-cho-ray-2113981.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét